Đại biểu quốc hội yêu cầu tinh giản biên chế, tăng lương cơ bản

21/10/2014 21:19
21-10-2014 21:19:00+07:00

Đại biểu quốc hội yêu cầu tinh giản biên chế, tăng lương cơ bản

Thảo luận tại tổ ngày 21/10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi lộ trình tăng lương một lần nữa bị lùi lại. Lương thấp, bộ máy cồng kềnh cũng dẫn đến tệ nạn tham nhũng vặt tại nhiều địa phương.

Hàng nghìn thí sinh đội nắng, xếp hàng nộp hồ sơ dự tuyển vào Cục Thuế Hà Nội từ ngày 11/8 đến 15/8

Đại biểu Nguyễn Văn Minh, đoàn TP HCM đặt vấn đề: “Lộ trình 2013 không tăng để 2014 vì khó khăn, giờ 2014 cũng không tăng để tiếp tục đến 2016. Vậy ai dám khẳng định năm 2016 sẽ tăng lương? Vấn đề lặp lại nhiều, cần xem xét lại”.

Theo ông, cần thiết phải tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống của cán bộ công chức, muốn vậy thì phải tiết kiệm chi tiêu.

“Nhiều công trình mất hàng ngàn tỷ để xây dựng nhưng xây xong không sử dụng hoặc công trình không cần thiết nhưng chúng ta vẫn xây, rất lãng phí. Vì thế, không nên lấy lý do không đủ nguồn lực tài chính nên không nâng lương cơ bản theo lộ trình”, đại biểu Minh nhấn mạnh.

Cho rằng đội ngũ hưởng lương hiện rất lớn nhưng người làm chuyên môn ít, bộ máy tổ chức cồng kềnh, theo ông việc tăng lương nên đi kèm với tinh giản biên chế, bố trí đúng người đúng việc. "Bộ Nội vụ từng triển khai việc tự đánh giá công việc của cán bộ công chức, tuy nhiên làm xong không đơn vị nào xin giảm mà chỉ xin tăng biên chế", đại biểu này nêu. Hiện nay có rất nhiều công việc chồng chéo, một việc nhiều người làm nên khi làm mô tả công việc thì ai cũng có việc làm.

Rà soát tinh giản biên chế của khối hành chính sự nghiệp theo hướng không tăng biên chế là một trong những vấn đề được đặt ra trong nghị quyết của Quốc hội năm 2014. Tuy nhiên, đến nay nghị định về vấn đề vẫn chưa được ban hành, đại biểu Minh cho biết

Cũng đề cập đến việc tinh gọn bộ máy hành chính, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ, hệ thống như hiện nay thì vô phương tăng lương, không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì đừng nghĩ đến việc tăng lương, nâng cao phúc lợi với dân. Không tăng lương thì đừng bao giờ hy vọng thu hút được một lực lượng cán bộ viên chức là thành phần tinh hoa”.

Theo ông, chỉ tăng lương thêm 100.000 đồng thì không giải quyết được gì, không chống được tham nhũng, không tuyển được người giỏi.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chỉ ra mối liên hệ giữa lương thấp và tham nhũng vặt ở địa phương.

“Tại sao nhiều người dù thấy lương thấp vẫn bỏ ra vài trăm triệu để 'chạy' vào công chức? Chính cơ chế tạo môi trường thả nổi cho tiêu cực. Tăng lương kèm theo giám sát chặt chẽ, cán bộ sợ mất việc sẽ không có tiêu cực. Nếu không, họ cứ tiêu cực, bị phát hiện thì chấp nhận mất việc. Công chức tiêu cực cũng như không tiêu cực, cứ thế dân mất niềm tin”, đại biểu Tâm nói.

Đại biểu này cho rằng cần nâng mức lương cơ bản, lương tối thiểu công chức mới ra trường phải là 10 triệu đồng thì mới có thể lập gia đình, mua nhà cửa... Lương 3 triệu đồng/tháng không thể sống được. Đồng thời theo đó là tính toán lại bộ máy chính quyền, phân cấp chức năng nhiệm vụ mỗi cấp. Tinh gọn bộ máy cũng góp phần giải quyết vấn đề tham nhũng vặt ở địa phương.

Nam Phương

vnexpress



MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98