Khi ai cũng biết vàng ở đó

19/10/2014 15:57
19-10-2014 15:57:00+07:00

Khi ai cũng biết vàng ở đó

Năm 1848, vàng được tìm thấy dọc bờ sông American ở nơi ngày nay là Coloma, California. Trong khi những người đầu tiên phát hiện ra cố gắng giữ bí mật này, thì một người đàn ông cầm một bình thủy tinh chứa đầy vàng chạy khắp các con đường ở San Francisco hét toáng lên: “Vàng! Vàng ngoài sông American!”.

Khỏi nói sau đó tin này đã lan nhanh đến thế nào, kéo theo dòng người đổ xô về đây tìm vàng. Lịch sử nước Mỹ gọi đó là California Gold Rush, mà theo thống kê dân số của Mỹ, khiến chỉ trong vài năm lượng người không phải thổ dân ở California tăng từ khoảng 8.000 lên 120.000 người vào năm 1850. Tổng số vàng đãi được trong những năm bùng nổ khai thác vàng khu vực này, nếu tính theo thời giá 2014, là khoảng 14 tỉ đô la.

Vấn đề là, hàng chục ngàn người trong số đó đã trở nên trắng tay trong cuộc tìm vàng. Không phải vì họ không tìm thấy vàng (người ta kể dùng chân đá cũng ra vàng), mà vì số vàng kiếm được không đủ để trang trải chi phí (như thực phẩm, hàng thiết yếu, dụng cụ đãi vàng...) khi lượng người đổ về đây quá đông.

Câu chuyện này, được kể trên tờ USA Today, như một ẩn dụ để bình luận về việc bùng nổ sản xuất dầu tại Mỹ và toàn cầu, dưới góc độ các nhà đầu tư khai thác, sản xuất.

Tờ báo còn nhắc lại hai câu chuyện trong lịch sử ngành dầu mỏ của Mỹ, để thấy rằng vàng, hay dầu, hay tài nguyên quý giá nào, cũng có thể là một khoản đầu tư tồi nếu giá đầu tư khai thác là quá cao.

Đó là, đến năm 1902, người Mỹ phát hiện giếng dầu ở Beaumont, Texas, sản xuất được 17 triệu thùng dầu trong năm này, gấp 20 lần sản lượng dầu của toàn Texas chỉ hai năm trước đó. Hàng ngàn người lại đổ xô về đây, gọi nơi này là Gulf Oil, với khoảng 155 triệu đô la (tính theo thời giá hiện nay) đầu tư vào thăm dò và khoan dầu chỉ trong vài năm. Tuy nhiên, đến năm 1904 sản lượng các giếng dầu ở Gulf Oil thấp hơn 10.000 thùng mỗi ngày, ít hơn đến 90% thời điểm đỉnh cao, khiến các khoản đầu tư ba năm trước đó trở thành thảm họa tài chính.

Câu chuyện tiếp đó là vào những năm 1970 - đầu những năm 1980, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC thành lập và thao túng giá dầu thế giới, Mỹ quyết định dỡ bỏ các giới hạn trong ngành công nghiệp dầu, và Texas lại đi đầu trong phong trào này (khi kỹ thuật thăm dò và khai thác đã phát triển hơn nhiều so với đầu thế kỷ). Năm 1970 toàn bộ nước Mỹ sản xuất được trên 3 triệu thùng dầu mỗi ngày, từ năm 1978-1981, giá dầu tăng từ 53 đô la lên gần 100 đô la một thùng.

Tuy nhiên, sau đó OPEC không hạn chế sản xuất dầu cung cấp cho thế giới nữa, và nhu cầu thế giới giảm sút do sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và kinh tế thế giới cũng chững lại (do những năm trước đó giá dầu đã quá cao). Do đó, giá dầu đã tụt dốc trong năm năm liên tiếp, xuống đến 30 đô la/thùng và không lên quá 40 đô la/thùng cho đến năm 2003.

Khoảng thời gian giảm giá sâu này là “nỗi đau” lớn của cả nhà sản xuất lẫn người cho vay đầu tư ở Texas. Các ngân hàng trót tính giá dầu khoảng 70 đô la/thùng trong các bản tính toán dự án đầu tư khoan và lọc dầu, giờ trở nên trắng tay.

Nên, nếu những câu chuyện California Gold Rush và Gulf Oil có vẻ còn xa xôi mơ hồ, thì bài học những năm 1980 ở Texas là khá rõ với nhà đầu tư ngày nay: là đổ xô đầu tư vào khai thác và lọc hóa dầu mà không tính đến những kịch bản tệ nhất có thể sẽ là một thảm họa. Giá dầu sụt giảm và sự bùng nổ khai thác, sản xuất dầu khắp nơi trên thế giới hiện nay là một cảnh báo.

Nhà kinh tế Edward Morse của Citigroup nói thị trường dầu thế giới đang ở “điểm bùng phát” vào năm 2014 này. Morse cho rằng bùng phát bắt đầu từ sản xuất dầu của Mỹ và lan sang các nước gồm Nga, Mexico, Canada, Argentina. Từ vùng Vịnh, Trung Đông đến châu Âu, châu Á, cũng đua nhau thăm dò và khai thác cả trên bờ lẫn ngoài khơi. Trong khi đó, nhu cầu dầu đã giảm nóng do kinh tế phát triển chậm lại, hoặc do sử dụng năng lượng thay thế và giảm phát thải khí nhà kính. Tình thế đó khiến các quốc gia và các nhà đầu tư phải cân nhắc lại các dự án dầu khổng lồ hiện nay, nhất là các dự án sản xuất dầu cát, vốn có chi phí sản xuất trên mỗi thùng dầu cao nhất thế giới.

Cơ quan Năng lượng của Mỹ vừa đưa ra dự báo giá dầu thô thế giới sẽ giảm xuống 92 đô la/thùng trong ba năm tới, sau đó sẽ tăng dần lên đến 141 đô la/thùng vào năm 2040. Tuy nhiên, dự báo này cũng đưa ra một kịch bản giá thấp, theo đó giá dầu thế giới sẽ rớt xuống 70 đô la/thùng vào năm 2016 rồi đứng ở mức dưới 75 đô la một thời gian lâu, theo The Globe and Mail.

Trở lại chuyện người đàn ông đã tung hê bí mật “vàng ngoài sông American” năm 1848, không phải do phát điên hay quá phấn khích. Ông tên là Sam Brannan, cũng là triệu phú đầu tiên của California. Nhưng ông giàu lên không phải vì tìm vàng, mà vì trước đó ông đã mua cửa hàng duy nhất nằm giữa San Francisco và bãi vàng, và chất vào đó tất cả mọi thứ hàng hóa thiết bị ông có thể tìm được, rồi bán lại cho dân tìm vàng bằng một giá hời không thể tưởng tượng được.

Ngày nay chuyện đó cũng không cũ. Đầu tư sản xuất dầu có rủi ro đến đâu còn chưa lường hết, nhưng chắc chắn những công ty cung cấp thiết bị, lắp đặt đường ống dẫn dầu và dịch vụ dầu khí kiếm được rất khá từ sự bùng nổ sản xuất dầu hiện nay.

Thanh Hương

tbktsg



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Nhiều nước bày tỏ lo ngại trước việc đồng USD tăng giá mạnh

Đồng USD ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 so với các đồng tiền mạnh khác và trên đà tăng tháng thứ tư liên tiếp khiến các nhà hoạch định chính sách từ Nhật Bản...

IEA dự báo 50% xe điện bán ra trong năm 2024 sẽ đến từ Trung Quốc

Trong báo cáo vừa công bố, Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo doanh số xe điện sẽ tăng mạnh trong năm 2024 và ngày càng gây áp lực lên nhu cầu dầu. Họ cho rằng...

Apple thất thế trước Huawei ở Trung Quốc

Doanh số iPhone rớt mạnh ở Trung Quốc trong quý đầu năm khi công ty đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các dòng điện thoại của Huawei.

Các công ty quản lý tài sản khổng lồ đang chi phối hệ thống tài chính Mỹ

Các công ty quản lý tài sản hàng đầu của Mỹ như Blackstone, Franklin Templeton, BlackRock và KKR, đang lấn lướt các ngân hàng ở Phố Wall để chi phối hệ thống tài...

Vì sao đồng USD tăng mạnh trở lại?

Thị trường tài chính thế giới đang đối mặt với một lực lượng mà họ không ngờ tới: Đồng đô la mạnh trở lại và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các đồng tiền ổn định sau những biến động trên thị trường

Đồng yen tương đối ổn định và đồng USD duy trì gần mức cao sau những diễn biến địa chính trị và các hành động chính sách trong tuần trước.

Đồng won giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008

Trong phát biểu ngày 19/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) Rhee Chang-yong cho biết tỷ giá hối đoái đồng won có thể giữ ổn định nếu căng thẳng ở Trung...

Giới đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi thị trường

Giá cổ phiếu tăng cao khiến nhà đầu tư lo lắng, kích thích tâm lý lo lắng và gây ra làn sóng rút hàng tỷ đô la khỏi cổ phiếu và trái phiếu rác trong tuần qua.

Các ngân hàng trung ương châu Á chật vật 'chế ngự' đô la

Các ngân hàng trung ương châu Á đang chuẩn bị ứng phó nhiều bất ổn hơn từ sự trỗi dậy của đồng đô la Mỹ khi triển vọng giảm lãi suất không chắc chắn của Mỹ trong...

Đợt tăng vốn lớn nhất cho Ngân hàng Thế giới kể từ năm 2022

Phần lớn khoản cam kết tài trợ mới nhất, khoảng 9 tỷ USD, là của Mỹ dành cho Nền tảng bảo lãnh danh mục đầu tư mới, giúp hỗ trợ các khoản vay tư nhân và đầu tư vốn...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98