Loạn thị trường tôn lợp: Người tiêu dùng thiệt hại đến 1.300 tỷ đồng

26/11/2014 14:46
26-11-2014 14:46:54+07:00

Loạn thị trường tôn lợp: Người tiêu dùng thiệt hại đến 1.300 tỷ đồng

Giả xuất xứ, nhập nhằng về chất lượng. Mặt hàng tôn lợp trên thị trường hiện đang nhiễu loạn. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, nếu không bị phát hiện thì mỗi ngày có hàng trăm tấn tôn như vậy được tung ra thị trường, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình và khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt.

* Tôn giả lũng đoạn thị trường: Gian dối từ đại lý tới cửa hàng bán lẻ

Thực tế trên đang đặt ra một hồi chuông báo động về tình trạng gian dối trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cũng như lỗ hổng về quản lý đối với thị trường tôn lợp hiện nay.

Phù phép, thật giả lẫn lộn

Từ ngày 19-21/11, Đội Quản lý thị trường số 14, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh tôn trên địa bàn thành phố. Kết quả: Cả 6 doanh nghiệp này đều có dấu hiệu vi phạm về kinh doanh.

Đơn cử, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Dần, thuộc cụm Công nghiệp Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện cơ sở mua cuộn tôn phẳng về dập thành tôn dạng sóng để kinh doanh.

Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, có 04 loại sản phẩm có dấu hiệu không phù hợp với thông tin trên nhãn hàng hoá. Đơn cử, tôn China Steel loại 1,15mm đo thực tế chỉ là 1,14mm; Tôn Blue Scope loại 0,47mm đo thực tế là 0,40mm; Tôn Phương Nam loại 0,4mm đo thực tế là 0,40mm...

Thủ đoạn này không chỉ xảy ra ở 1 doanh nghiệp, theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14, qua kiểm tra Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ và sản xuất Thái Thịnh tại địa chỉ Tổ Miêu Nha 3, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội lực lượng chức năng cũng phát hiện công ty này nhập tôn dạng phẳng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tôn Vinashin về gia công dập sóng để kinh doanh, tuy nhiên khi đo thực tế thì thông tin trên nhãn sản phẩm đều thấp hơn so với công bố.

Chưa dừng lại ở đó, khi kiểm tra thực tế, Đội Quản lý thị trường số 14 còn phát hiện nhiều sản phẩm tôn tại công ty Trách nhiệm hữu hạn Mỹ Hoa (Lô số 5 cụm Công nghiệp Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) ngoài dấu hiệu chất lượng không phù hợp với công bố tiêu chuẩn áp dụng về độ dày của sản phẩm thì phần lớn số hàng hóa trên nhãn gốc bao bì sản phẩm có ghi "Made in China" nhưng bên trong sản phẩm lại hô biến thành tôn liên doanh.

Lỗi từ doanh nghiệp đến cả khâu quản lý

Tại Hội thảo "Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: Nhận diện và quản lý" do Thời báo kinh tế Việt Nam phối hợp với Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu tổ chức sáng 26/11, nhiều ý kiến cho rằng, việc sản xuất kinh doanh tôn kém không đạt chuẩn là một thực tế và đang diễn ra rất phổ biến.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen (chiếm khoảng 40% thị phần tôn) chia sẻ, doanh nghiệp bức xúc 10 năm nay vì chuyện hàng giả, hàng nhái, thậm chí đó là vấn đề "hàng ngày", từ việc có doanh nghiệp nhập hàng Trung Quốc nhưng in tên sản phẩm của công ty, đến việc nhập nhằng chất lượng để gian dối với khách hàng để cạnh tranh.

"Thực tế chỉ có 3-4 doanh nghiệp in đúng mã số trên sản phẩm còn hầu hết đều mập mờ, đây là sự thông đồng của nhà sản xuất với nhà phân phối để tiêu thụ và lừa dối khách hàng" ông Vũ nêu thực trạng.

Theo tính toán của ông Vũ, mỗi mét tôn giả người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại khoảng 4.000-6.000 đồng/mét. Ước tính thị phần tôn giả chiếm 20% trên thị trường, tương ứng số tiền thiệt hại cho người tiêu dùng năm 2014 là khoảng 1.300 tỷ đồng.

Từ thực tế trên, ông Vũ cho rằng, để chống hàng giả trước hết phải lành mạnh hóa thị trường, đồng bộ từ cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Cụ thể, việc Quản lý thị trường cần phải làm liên tục, hết trách nhiệm, buộc các doanh nghiệp phải công bố công khai tiêu chuẩn hàng hóa ngay tại cửa hàng. Bên cạnh đó, cần có chế tài để phạt nặng nếu phát hiện sai phạm.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, bản thân nhiều doanh nghiệp chưa vào cuộc để chống hàng giả. Lý do là họ sợ người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm của mình nên không dám lên tiếng và phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn.

Do vậy, ông Hùng nhấn mạnh, về mặt quản lý, các bộ ngành chức năng cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý nhất là ban hành quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng tôn thép qua đó ngăn không cho các sản phẩm không đảm bảo chất lượng tràn vào thị trường trong nước.

Quan trọng hơn, từ phía doanh nghiệp cần nâng cao ý thức bảo vệ thương hiệu, phải đăng ký thương hiệu để được pháp luật bảo vệ, tăng cường kiểm tra hệ thống phân phối để ngăn chặn hàng giả hàng nhái.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện cả nước có 15 công ty lớn và một số cơ sở sản xuất tôn thép mạ và phủ màu với tổng năng lực sản xuất lên tới 4 triệu tấn/năm. Riêng 9 tháng đầu năm, các công ty trong nước đã nhập khẩu 500.000 tấn tôn các loại, chủ yếu từ Trung Quốc.


Đức Duy

Vietnam+



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Trung Quốc yêu cầu Mỹ dừng tăng thuế với các sản phẩm thép và nhôm của nước này

Sau khi Tổng thống Joe Biden kêu gọi tăng thuế mạnh đối với các sản phẩm kim loại của Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, kêu gọi Mỹ ngay...

Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi tăng gấp 3 lần thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc

Nhà Trắng khẳng định việc tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm Trung Quốc là điều cần thiết cho an ninh quốc gia bởi lĩnh vực sản xuất thép là "xương sống" của...

Trung Quốc: Xuất khẩu thép quý 1 đạt gần 26 triệu tấn, tăng hơn 30% so với cùng kỳ

Trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản vẫn còn tiếp diễn và nhu cầu nội địa không hồi phục mạnh như dự báo, xuất khẩu các sản phẩm thép của Trung Quốc đạt mức cao...

Nhu cầu thép toàn cầu dự kiến tăng trở lại và ổn định trong năm 2024

Hiệp hội Thép Thế giới cho biết nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 1,7% lên 1,793 tỷ tấn trong năm 2024, và tăng 1,2% lên 1,815 tỷ tấn trong năm 2025.

Yêu cầu bổ sung thông tin hồ sơ chống bán phá giá với sản phẩm thép cán nóng

Sau khi doanh nghiệp bổ sung thông tin theo yêu cầu, Cục Phòng vệ Thương mại xem xét hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá sản phẩm thép cán...

Giá thép xây dựng giảm lần thứ 3 từ đầu năm

Các doanh nghiệp thép xây dựng lại tiếp “bài ca” giảm giá, với đợt điều chỉnh khoảng 100,000 đồng/tấn.

Cạnh tranh với Trung Quốc, Hòa Phát hạ giá bán thép HRC xuống 550 USD/tấn

Mới đây, hãng thép Hòa Phát (HOSE: HPG) đã hạ mạnh giá bán thép cuộn cán nóng (HRC) trong bối cảnh nhu cầu yếu và áp lực phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc.

Giá quặng sắt xuống đáy 10 tháng vì bất động sản Trung Quốc khủng hoảng

Giá quặng sắt rơi xuống mức thấp nhất trong 10 tháng khi hoạt động xây dựng của Trung Quốc vẫn rất ảm đạm, trong khi nguồn cung quặng sắt lại tăng vọt.

Vì sao 9 đơn vị kiến nghị xem xét lại việc điều tra bán phá giá thép HRC nhập?

Trong đơn kiến nghị, 9 doanh nghiệp thép cho rằng nếu khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu sẽ gây ra hậu quả tiêu cực không chỉ với...

Thép Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam, đe dọa sản xuất trong nước

Lượng thép nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, liên tục tràn vào Việt Nam. Điều này đã gây áp lực rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98