Thông qua 4 Nghị quyết về vấn đề quan trọng quốc gia

28/11/2014 17:37
28-11-2014 17:37:24+07:00

Thông qua 4 Nghị quyết về vấn đề quan trọng quốc gia

Chiều 28/11, ngay trước khi bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua 4 Nghị quyết quan trọng về lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn và trả lời chất vấn, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới chương trình, SGK phổ thông.

Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) có nhiều nội dung nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ.

Với trên 91% tán thành, Nghị quyết mới với 18 Điều sẽ có hiệu lực từ 1/7/1015. Theo đó, Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ với 3 mức độ gồm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Quốc hội, Hội đồng nhân dân dân bỏ phiếu tín nhiệm với các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”. Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “không tín nhiệm” thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó.

Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII nêu rõ nhiệm vụ các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương nghiên cứu, giải quyết, trả lời 3.729 kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo, điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp gồm công thương, nội vụ, giao thông vận tải và lao động, thương binh và xã hội.

Với số phiếu tán thành cao, Quốc hội thông qua Nghị quyết với 9 nhóm giải pháp lớn nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng từ nay đến hết năm 2015.

Đó là tập trung thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 để đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội;  bổ sung, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu trong đó lượng hóa nội dung mô hình tăng trưởng, nêu rõ mục tiêu, lộ trình, phương thức phân bổ lại nguồn lực, huy động sự tham gia của xã hội, hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý II năm 2015; tiếp tục rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật liên quan; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến và dịch vụ nông nghiệp; Xây dựng, triển khai các đề án cụ thể và hệ thống chính sách khuyến khích thu hút đầu tư ngoài nhà nước nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thay dần một phần quan trọng cho đầu tư công

Bên cạnh đó, hoàn thành theo tiến độ kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp, tổ chức cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% trong tổng dư nợ; xác định rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm người đứng đầu trong việc chậm thực hiện hoặc thực hiện không đúng các đề án tái cơ cấu đã phê duyệtvà cải cách mạnh mẽ hành chính công và tài chính công theo hướng làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng ngành, từng cấp.

Nghị quyết cuối cùng được Quốc hội thông qua đề ra một lộ trình đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Nguyên Linh

chính phủ





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98