Trực tiếp: Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị cách ly

28/11/2014 09:14
28-11-2014 09:14:36+07:00

Trực tiếp: Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị cách ly

8h sáng nay (28/11), TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (cựu Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và đồng phạm. Dự kiến phiên xét xử sẽ diễn ra 10 ngày.

Ngày 28/11, xét xử phúc thẩm vụ bầu Kiên

16h50: Phiên tòa tạm kết thúc. 8h sáng ngày thứ 2 tuần tới, tòa sẽ tiếp tục xét xử

16h30: Tòa đề nghị chuyển các tài liệu liên quan cho bị cáo Lý Xuân Hải

Bị cáo Hải thừa nhận có ký biên bản cuộc họp vào tháng 12/2009.

Tòa yêu cầu bị cáo Lý Xuân Hải đọc lại định nghĩa về giao dịch trạng thái vàng, tài khoản giao dịch trạng thái vàng…

HĐXX: Mua bán trạng thái vàng trong nước hay nước ngoài?

Bị cáo Hải: Mua bán trạng thái vàng nước ngoài.

HĐXX: Hợp đồng này là mua bán trong nước hay nước ngoài?

Bị cáo Hải: Trạng thái là do ACB tạo ra ở nước ngoài, còn bán ra trong nước. Đây là sản phẩm phái sinh. ACB vẫn có thể tạo ra trạng thái.

16h20: Tòa hỏi bị cáo Nguyễn Đức Thái Hân

Trả lời câu hỏi của Tòa, bị cáo Nguyễn Đức Thái Hân cho biết: Có giao dịch, khách hàng gọi điện thoại qua hệ thống ghi âm. Giao dịch diễn ra ngoài giờ làm việc Việt Nam. Nhân viên công ty thông báo khách hàng thông tin nhận lệnh, sau đó đại diện công ty ký xác nhận giao dịch.

HĐXX: Phiếu xác nhận giao dịch được thực hiện sau khi thực hiện giao dịch?

Bị cáo Hân: Thực tế là đặt lệnh trước bằng điện thoại ghi âm, hôm sau hợp thức bằng phiếu.

HĐXX: Việc liên lạc đặt lệnh bằng điện thoại giữa Thiên Nam và ACB ai là người thực hiện?

Bị cáo Hân: Những giao dịch này do Nguyễn Đức Kiên đặt lệnh bằng điện thoại.

HĐXX: Đối với phiếu giao dịch, có nội dung như thế nào?

Bị cáo Hân: Phiếu xác nhận giao dịch trạng thái vàng gồm 2 điểm. Mục 1 gồm: Loại giao dịch bán vàng (Thiên Nam là bên A – bán vàng), số lượng 5.000 oz, giá vàng 1.179,90 USD/oz, thành tiền, tỷ giá quy đổi 19.980 đồng/USD. Giá mở trạng thái hiệu lực mở trạng thái là 10/12/2009. Số ngày là 141 ngày. Chi phí giao dịch là 536.760 đồng. Đơn vị thụ hưởng là ACB.

Điều 2 là các quy định khác. Xác nhận giao dịch này được sao thành 3 bản có giá trị ngang nhau.

HĐXX: Bên A bán 1 lượng vàng này thì giao dịch này bán ở trong hay nước ngoài?

Bị cáo Hân: Theo nội dung này, đơn vị tính bằng oz là vàng của nước ngoài, nhưng có phần qui đổi ra lượng và VND.

HĐXX: Trong thời gian tham gia hợp đồng 017, ông đã thực hiện bao nhiêu giao dịch?

Bị cáo Hân: Tôi nhớ không rõ, vì một vài phiếu không rõ vì tháng 3/2007 phải tất toán. Theo qui định của NHNN, ngày 31/7/2010 các TCTD phải đóng trạng thái vàng. Công ty Thiên Nam thời điểm đó, vào khoảng tháng 7, Công ty đặt lệnh cho NH mua. Mỗi lần khối lượng giao dịch khoảng 5.00-1.000 oz. Đến cuối tháng 7/2010 mới tất toán hết 150.000 oz này.

HĐXX: Đến 31/7/2010 là tất toán hết hợp đồng 017?

Bị cáo Hân: Thưa tòa chấm dứt.

HĐXX: Với tư cách là người chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động này diễn ra ở nước ngoài thì tuân thủ theo văn bản pháp luật nào?

Bị cáo Hân: Về kinh doanh vàng vào thời điểm đó có quyết định 03/2006 của NHNN.

16h10: Tòa bắt đầu xét hỏi

HĐXX: Ông có tham gia vào HĐQT Công ty Thiên Nam vào thời điểm tháng 12/2009?

Ông Phan Tô Giang: Tôi có tên trong Hội đồng nhưng đã không tham gia vào công ty từ năm 2000. Tôi có ký vào các văn bản cuộc họp. Vào thời điểm đó, tôi không tham gia trực tiếp vào công ty, nhân viên mang giấy tờ đến, tôi tin tưởng vào việc làm ăn của công ty nên đã ký.

Cuộc họp của HĐQT, tôi không dự họp, thư ký công ty đưa văn bản đến và tôi ký. Tôi có đọc qua vì nghĩ rằng, công ty Thiên Nam do anh Kiên….

HĐXX ngắt lời và yêu cầu ông Giang đọc lại toàn bộ nội dung Biên bản họp HĐQT thực hiện giao dịch trạng thái vàng tại Ngân hàng ACB.

16h00: Cách ly bị cáo Nguyễn Đức Kiên

Tòa án tiến hành thẩm vấn về các hành vi trong vụ án đã tuyên tại tòa sơ thẩm, đồng thời đề nghị cho cách ly bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Lực lượng công an đã dẫn bị cáo này ra khỏi phòng xét xử.

15h25: Tòa đọc lại kháng cáo của Nguyễn Đức Kiên

Tòa đọc lại nội dung kháng cáo của Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm về việc kinh doanh trái phép và trốn thuế. Đồng thời hỏi các bị cáo bản án và bản kháng có có đúng không? Các bị cáo có bổ sung hay ý kiến gì khác liên quan đến bản án và kháng cáo?

Bị cáo Lý Xuân Hải trả lời: Cơ bản là đúng và xin tóm tắt lại các nội dung kháng cáo. Bị cáo cũng xin thêm 2 nội dung là đề nghị xem xét toàn bộ nội dung bản án và hình phạt là quá cao. Xin tòa xem xét lại hình phạt cấm tham gia ngành ngân hàng sau 5 năm. Đây là hình phạt quá cao.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói: “Không biết tôi có nghe nhầm không, tôi đề nghị bổ sung là kháng án toàn bộ nội dung bản án về cả tội danh và hình phạt".

Bị cáo Trịnh Kim Quang cho rằng, hình phạt đối với mình là quá nặng nề. Tòa án nói rằng như vậy là “kêu oan”. “Thực sự tôi cũng không rõ tội của tôi thế nào, nhưng trong điều kiện như thế này, tôi xin giảm án”.

Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm và nói ngắn gọn rằng: “Hành vi phạm tội của tôi đã rõ nhưng vấn đề đánh giá hành vi của cơ quan chức năng, tôi không tán thành. Tôi đề nghị tòa án xem xét lại các tình tiết giảm nhẹ về nhân thân”.

14h40: Ông Trần Ngọc Thanh ngất ngay tại tòa

Đang trong lúc tòa tóm tắt bản án bản án sơ thẩm thì ông Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội - đã bị tòa sơ thẩm kết án 5 năm 6 tháng tù, không kháng cáo), hầu tòa với tư cách người liên quan, đã bị choáng và ngất xỉu ngay tại phiên tòa.

Nhiều người tại phiên toàn đã cho rằng, nguyên nhân ông Thanh bị ngất là do quá căng thẳng. Tòa đã yêu cầu lực lượng y tế vào phòng xét xử cấp cứu cho ông Trần Ngọc Thanh. Ông Thanh sau đó được các nhân viên y tế dùng cáng đưa ra xe cấp cứu.

Tòa đã tuyên bố nghỉ giải lao và yêu cầu lực lượng cảnh sát dẫn giải các bị cáo trong thời gian tạm nghỉ.

Nụ cười của bầu kiện khi bước vào phòng xét xử

14h20: HĐXX đọc lại vụ việc và bản án sơ thẩm.

14h00: Các bị cáo bước vào phòng xét xử.

13h30: Phiên tòa bắt đầu tiếp tục làm việc.

11h30: Phiên tòa tạm nghỉ

Chiều nay, 13h30 tòa sẽ tiếp tục xét xử vụ án.

11h10: Phiên tòa xét xử phúc thẩm được tiếp tục

Sau khi nghỉ hội ý để xem xét đề nghị của các bị cáo và luật sư, HĐXX cho biết, về yêu cầu của các luật sư bào chữa cho cùng một bị cáo được ngồi cạnh nhau, tòa cho biết luật không có quy định. Việc bố trí chỗ ngồi cho các luật sư phụ thuộc vào điều kiện của tòa án.

Về yêu cầu triệu tập thêm các nhân chứng và người liên quan, HĐXX cho biết sẽ triệu tập để làm rõ nếu thấy cần thiết.

Về đề nghị được triệu tập các nhân viên của ngân hàng Vietinbank có liên quan đến hành vi vay tiền của Huyền Như là không cần thiết, tòa không chấp nhận.

Yêu cầu những người triệu tập còn lại, HĐXX sẽ xem xét trong quá trình xét xử. Về đề nghị của các luật sư được gặp bị cáo trong quá trình giải lao được quy định tại điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự nên được HĐXX chấp nhận.

Về yêu cầu của các luật sư cho người nhà được tiếp xúc với bị cáo, HĐXX cho biết không có quy định nên việc thăm gặp được tiến hành ở các cơ quan khác.

Về yêu cầu của bị cáo Kiên việc xác định tư cách của ông Trần Đình Long và ông Trần Tuấn Dương (Tập đoàn Hòa Phát) khi tham gia tố tụng, tòa cho biết thuộc thẩm quyền của tòa nên tòa sẽ xem xét.

Với các yêu cầu về việc các cơ quan chức năng, người tham gia tố tụng chuyển tài liệu cho bị cáo, sẽ được HĐXX xem xét trong quá trình giải quyết vụ án.

Với yêu cầu bị cáo được ngồi trong quá trình xét xử, HĐXX sẽ xem xét cụ thể trong quá trình xét xử.


Quang cảnh bên trong phiên toàn qua màn hình

10h40: HĐXX cho phiên tòa nghỉ giải lao

10h30: Bầu Kiên muốn tự bào chữa

Đánh giá về tính chất, mức độ, vai trò và thủ đoạn của các bị cáo trong vụ án, trong phiên sơ thẩm, HĐXX cho rằng, hành vi phạm tội của ông Kiên cùng các đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển của nền kinh tế. Các bị cáo đã tạo ra dòng tiền và tài sản ảo, chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, làm tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận và tăng trưởng giá trị cổ phiếu ảo.

“Sự cạnh tranh không lành mạnh và không dựa trên một quy luật thông thường, quy luật thị trường đã bị bóp méo nhằm phục vụ lợi ích nhóm và cá nhân” - bản án sơ thẩm có đoạn.

Phần kiểm tra căn cước kết thúc. Luật sư Lưu Văn Tám, bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải, đề nghị được bố trí lại vị trí ngồi của các luật sư cùng bào chữa cho một bị cáo để thuận lợi thảo luận về tài liệu.

Luật sư Tám đồng thời yêu cầu được trao đổi tài liệu với các bị cáo trong giờ nghỉ giải lao và đề nghị HĐXX cho phép bị cáo gặp người nhà.

Luật sư Vũ Xuân Nam, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên, đề nghị triệu tập một số người có lời khai trong vụ án như nhóm nhân viên của Vietinbank, nhóm nhận tiền vay vốn của Vietinbank…

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho biết đã có đơn đề nghị gửi TAND tối cao và nhắc lại đề nghị triệu tập Trần Thành Long, Trần Tuấn Dương đến tòa với tư cách nhân chứng vì đây là những người trực tiếp trao đổi, đàm phán hợp đồng.

"Bầu" Kiên muốn được sử dụng quyền tự bào chữa tại phiên tòa

Bộ Công thương đã có văn bản trả lời cơ quan điều tra, nội dung trả lời như thế nào, đề nghị xuất trình cho Tòa phúc thẩm. Yêu cầu Tổng Cục thuế nạp văn bản cho Tòa về việc Tổng Cục thuế trả lời Cục thuế Hà Nội về quyết toán thuế của công ty Thiên Nam. Đề nghị nạp văn bản tại tòa vì đây là văn bản trọng yếu của vụ án.

Đề nghị triệu tập Cục thuế tỉnh Hải Dương vì 5 công ty của Bầu Kiên còn có đăng ký kinh doanh tại Hải Dương. Đề nghị triệu tập phòng đăng kí kinh doanh Hải Dương, Hải Phòng, Hưng yên, Đồng Nai, TP. HCM. Đây là những nơi đã cấp phép cho các công ty của Bầu Kiên thành lập.

"Bầu" Kiên muốn được sử dụng quyền tự bào chữa tại phiên tòa. Trước đó, phiên tòa sơ thẩm bị cách ly, bị cáo không biết các bị cáo khác khai gì. Tòa phúc thẩm đề nghị hạn chế sự cách ly nếu không cần thiết vì bị cáo cần biết các bị cáo khác khai gì về mình.

Bầu Kiên cũng đề nghị đưa những câu hỏi đến những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến HĐXX.

"Bầu" Kiên ngồi đọc tài liệu liên quan đến vụ án

9:50: Có 6 bị cáo kháng cáo

Trong phiên sơ thẩm (từ 20/5 đến 9/6/2014), “bầu” Kiên) bị tuyên phạt mức án cao nhất dành cho hình phạt tù có thời hạn (30 năm), với 4 tội Kinh doanh trái phép; Trốn thuế; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ở hành vi kinh doanh trái phép, bầu Kiên bị Viện KSND Tối cao cáo buộc từ ngày 15/5/2007 đến 3/8/2012, thông qua 6 Cty: Cty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Cty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu, Cty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, Cty cổ phần đầu tư tài chính Á Châu, Cty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Cty cổ phần phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam, do chính ông Kiên làm chủ tịch hội đồng quản trị hoặc chủ tịch hội đồng thành viên, để tổ chức hoạt động kinh doanh trái phép.

Phiên tòa phúc thẩm có mặt đại diện một số cơ quan nhà nước như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Uỷ Ban chứng khoán Nhà nước, Sở kế hoạch đầu tư TP. Hà Nội, Sở kế hoạch đầu tư TP Hồ Chí Minh.

Đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư và đại diện Bộ Công thương vắng mặt tại phiên tòa.

Hai bị án Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) tuy không có kháng cáo nhưng vẫn có mặt tại tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm có 6 bị cáo kháng cáo bản án nên trong phiên tòa xét xử phúc thẩm sáng nay sẽ xét xử các bị cáo gồm: Nguyễn Đức Kiên; Lê Vũ Kỳ; Lý Xuân Hải; Trịnh Kim Quang; Phạm Trung Cang; Huỳnh Quang Tuấn.

Trong đơn kháng cáo, bị cáo Nguyễn Đức Kiên kêu oan và kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.

Các bị cáo khác cũng cho rằng mình không phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Phiên tòa sáng nay. Trong ảnh, Thẩm phán Đặng Bảo Vĩnh ngồi ở giữa

9:20: HĐXX kiểm tra căn cước bị cáo

HĐXX tiến hành kiểm tra căn cước của các bị cáo. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên được HĐXX tiến hành kiểm tra đầu tiên. Trước tòa, bầu Kiên giữ được vẻ bình tĩnh cố hữu, trả lời ngắn gọn nhất những câu hỏi của chủ tọa. Trong lúc chờ HĐXX thẩm tra lý lịch những người có liên quan, bầu Kiên tranh thủ đọc các tài liệu liên quan về vụ án.

Vợ "bầu" Kiên dự tòa với nét mặt bình thản

Bà Đặng Ngọc Lan - vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên - cũng có mặt tại TAND Tối cao để theo dõi phiên tòa xét xử phúc thẩm. Dự phiên tòa sáng nay, bà Lan mặc áo sơ mi trắng và quần âu đen với nét mặt bình thản.

Hình ảnh bà Đặng Ngọc Lan làm thủ tục trước phiên tòa sáng nay

Tại phiên tòa phúc thẩm, phạm nhân Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank TP HCM, lĩnh án chung thân trong vụ án khác) cũng đã bị áp giải tới phiên xử.

9:00: "Bầu" Kiên ngồi trước vành móng ngựa

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã ngồi trước vành móng ngựa. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên xuất hiện tại tòa trong trang phục áo trắng, quần đen, nổi bật so với các bị cáo còn lại.

Đại diện TAND Tối cao đọc nội quy của phiên tòa để chuẩn bị xét xử. Gần 50 phóng viên được bố trí theo dõi phiên phúc thẩm qua màn hình.

Siết chặt an ninh phiên xử phúc thẩm

Theo Tuổi trẻ, an ninh tại Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội sáng nay được siết chặt trong phiên xử phúc thẩm vụ lừa đảo, trốn thuế, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB).

7:00: Xe chở "bầu" Kiên tiến vào trụ sở tòa

Xe chở bị can tiến vào cổng trụ sở tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội trên đường Đội Cấn. Bị cáo Lý Xuân Hải (cựu tổng giám đốc Ngân hàng ACB) và bị cáo Phạm Trung Cang (cựu Phó chủ tịch HĐQT ACB) tay bị còng, dẫn giải vào phòng chờ xét xử.

Cùng thời điểm, nhiều luật sư cùng những người liên quan vụ việc và rất đông người dân quan tâm vụ án đã có mặt tại cổng tòa để chuẩn bị tham dự và theo dõi phiên xét xử.

Phiên tòa phúc thẩm được mở theo kháng cáo của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Riêng hai bị án là Trần Ngọc Thanh, nguyên Giám đốc Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội và Nguyễn Thị Hải Yến, nguyên kế toán trưởng công ty này không có đơn kháng cáo và cũng không bị kháng nghị nên Tòa phúc thẩm không xem xét.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm, Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại CP Á Châu (ACB) bị phạt tổng cộng 30 năm tù giam với bốn tội danh. Ngoài ra, Nguyễn Đức Kiên còn bị tòa sơ thẩm tuyên hình phạt bổ sung số tiền hơn 75 tỷ đồng về tội trốn thuế, phạt bổ sung 100 triệu đồng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, cấm đảm nhiệm chức vụ về lĩnh vực ngân hàng trong thời gian 5 năm, kể từ ngày mãn hạn tù.

Hữu Tuấn

giaothongvantai.com.vn







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (3)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98