Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tạo lực đẩy nguồn thu ngân sách Nhà nước

01/01/2015 16:21
01-01-2015 16:21:00+07:00

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tạo lực đẩy nguồn thu ngân sách Nhà nước

“Năm 2015, kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để thực hiện mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý..., toàn ngành Tài chính quyết liệt thực hiện công tác điều hành nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2015 một cách hiệu quả nhất qua các giải pháp đồng bộ đã đề ra.”

Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam trước thềm Năm Mới 2015.

- Xin Bộ trưởng cho biết những nét khái quát về bức tranh tài chính năm 2014. Đâu là dấu ấn quan trọng trong năm tài chính 2014?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Phải nói rằng, năm 2014 qua đi, nhưng đó là một năm ghi dấu ấn về bức tranh tài chính với nhiều “điểm sáng” toàn diện. Mặc dù trong năm qua, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính, các nhiệm vụ về tài chính-ngân sách đã đạt nhiều kết quả khả quan.

Tôi chỉ đơn cử qua mấy lĩnh vực quan trọng như thu ngân sách, mặc dù trong bối cảnh kinh tế chưa có sự tăng trưởng đột phá, hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, mặt khác đây cũng là năm nhiều chính sách thuế lớn được áp dụng theo hướng giảm động viên vào ngân sách, tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp tái đầu tư mở rộng sản xuất-kinh doanh, làm giảm thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn... nhưng kết quả thu ngân sách Nhà nước năm 2014 ước vượt 10,6% (63,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 12,3% so với năm 2013.

Nhờ có tăng thu ngân sách, đã đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán, bổ sung nguồn đảm bảo an sinh xã hội, tăng chi trả nợ và xử lý nợ của ngân sách Nhà nước; giữ bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi Quốc hội quyết định.

Bên cạnh đó, quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ và tiết kiệm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Cùng với đó là tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, góp phần hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát...

Nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển cũng được đảm bảo; từng bước cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ; Nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ để thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Đặc biệt, năm 2014 là năm toàn ngành Tài chính đã có bước đột phá đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và Hải quan, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2014 cũng còn những tồn tại, hạn chế, nhất là công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, hiệu quả thấp... cần phải khắc phục để làm tốt hơn trong thời gian tới.

- Giải pháp gì để đạt mục tiêu dự toán ngân sách 2015 vừa được Quốc hội thông qua?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 thông qua với tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 911,1 nghìn tỷ đồng, nếu tính cả 10 nghìn tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 thì tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 921,1 nghìn tỷ đồng.

Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.147,1 nghìn tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5% GDP.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 đã được Quốc hội thông qua, cần thiết phải tiếp tục quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ và tiết kiệm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, góp phần hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển; từng bước cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính sẽ tập trung triển khai những giải pháp trọng tâm đã được đề ra; trong đó, tổ chức triển khai thực hiện tốt các Luật thuế sửa đổi, bổ sung và nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội. Chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, kiểm soát, phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, giảm nợ đọng thuế, quản lý thu thuế khoán quyết liệt, hiệu quả hơn; Thúc đẩy cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, phấn đấu giảm số giờ nộp thuế xuống mức trung bình trong khu vực ASEAN; Không đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách Nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế.

Ngoài ra, Ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án đã triển khai giai đoạn 2011-2015 để cắt giảm, lồng ghép các chính sách; xây dựng lộ trình, quy mô phù hợp đối với từng nhóm chính sách để thực hiện cho giai đoạn 2016-2020; chỉ ban hành các chính sách làm tăng chi ngân sách Nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn kinh phí đảm bảo....

- Thưa Bộ trưởng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã vào cuộc quyết liệt nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian nộp thuế, giảm thời gian làm thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp và đã đạt được những kết quả cao trong năm 2014. Vậy đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn những giải pháp cụ thể mà ngành Tài chính sẽ thực hiện trong năm 2015 để đạt được mục tiêu như Thủ tướng Chính phủ đã đề ra cho hai ngành thuế và hải quan?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính nói chung, trong đó có thủ tục về thuế và hải quan đang tiếp tục là vấn đề trọng tâm được Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ.

Từ những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan, cụ thể một số nội dung như:

Đối với lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ chính sách thuế cũng như công tác quản lý thuế để đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách thuế cũng như quản lý thuế để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, đồng thời giảm số giờ nộp thuế theo đúng mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra; Tiếp tục nghiên cứu, triển khai, nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho người nộp thuế và công tác quản lý thuế. Phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai nhanh Dự án Nộp thuế điện tử, phấn đấu đến hết năm 2015 hoàn thành triển khai dự án này tới 63/63 tỉnh/thành phố, góp phần làm giảm thời gian nộp thuế cho người nộp thuế ; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật trong nội ngành, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật; chấn chỉnh lề lối, tác phong ứng xử của cán bộ, công chức thuế, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp;

Đối với lĩnh vực Hải quan, sẽ xây dựng thể chế chính sách và cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung vào việc rà soát, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính để giảm số lượng chứng từ trong hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục; Triển khai cơ chế một cửa Asean và cơ chế một cửa quốc gia… Qua đó, kiến nghị với các Bộ, cơ quan liên quan về những giải pháp giảm thời gian làm thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đồng thời, tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành quy định áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh…; Thường xuyên xây dựng, cập nhật, đánh giá hệ thống tiêu chí quản lý rủi ro nhằm nâng cao tỷ lệ phát hiện vi phạm, giảm tỷ lệ kiểm tra; Đặc biệt là xây dựng lực lượng, đẩy mạnh liêm chính hải quan.

Song song với cải cách thủ tục hành chính phải tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn cộng đồng nhằm mục tiêu cải cách gắn liền với kiểm soát đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng các Bộ/Ngành liên quan.

- Năm 2015 là năm tiếp theo cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và cũng là năm quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Vậy, thưa Bộ trưởng những định hướng lớn sẽ được Bộ Tài chính triển khai trong năm 2015 là gì?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 08/11/2011 của Quốc hội, theo đó các kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước nói chung và nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp Nhà nước), tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng (đây là những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính) có ý nghĩa quan trọng, đóng góp vào thành công của kế hoạch 5 năm (2011-2015).

Trong những năm qua, thực hiện các nhiệm vụ được giao, ngành Tài chính đã đạt được một số kết quả tích cực trong ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, thực hành tiết kiệm chống lãng phí các nguồn lực ngân sách Nhà nước và đặc biệt là trong thực hiện các nhiệm vụ về tái cơ cấu.

Tuy nhiên, việc sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước diễn ra còn chậm, nợ đọng trong xây dựng cơ bản chưa được giải quyết triệt để, sự tham gia của các nhà đầu tư có tổ chức và các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm còn hạn chế.

Xuất phát từ những hạn chế nêu trên và căn cứ Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 đã được Quốc hội thông qua ngày 10/11/2014, trong đó nhấn mạnh mục tiêu của năm 2015 là ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh… thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu; trong đó, tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tài chính, thị trường chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm…

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thùy Dương

Vietnam+





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Đã có hơn 14,700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu áp dụng xuất hóa đơn điện tử

Chiều 25/03, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết toàn quốc có 14,727 cửa hàng bán lẻ xăng dầu áp dụng xuất hóa đơn điện tử, chiếm 92.2%.

Khởi tố và bắt tạm giam nữ giám đốc mua bán hóa đơn khống tới 730 tỷ đồng

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố vụ án mua bán hóa đơn khống và trốn thuế với tổng số tiền giao dịch lên tới 730 tỷ đồng, bắt một nữ giám đốc.

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để thực hiện hành vi lừa đảo...

Không thể khoanh nợ gần 1.000 tỷ đồng của Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình

Bộ Tài chính cho biết tổng số tiền nợ thuế của Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình đến hết tháng 11/2023 là 941,7 tỷ đồng.

Bộ Công Thương chỉ đạo hỏa tốc về việc thực hiện hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Ngày 18/3/2024, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các...

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Sẽ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết việc tính thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, Bộ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Muốn thay đổi phải sửa đổi...

Vasep kiến nghị xem xét giữ nguyên thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu

Vasep đề nghị giữ nguyên quy định về thuế cho dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% như quy định hiện hành để đảm bảo sự công bằng và năng lực cạnh tranh cho...

Doanh thu xổ số năm 2023 đạt 153.037 tỉ đồng, tăng tới 11%

Bộ Tài chính nêu rõ toàn bộ nguồn thu từ xổ số được nộp vào ngân sách địa phương và hằng năm được Quốc hội phê duyệt để chi cho đầu tư phát triển.

Bộ Tài chính: Tiến độ cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm

Theo Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm, không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng giao do còn nhiều hạn chế ở khâu...

Tạm đình chỉ chi ngân sách một số đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ Tài chính vừa có chỉ đạo liên quan đến việc chi ngân sách đối với một số đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB-XH.

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98