Vấn đề an ninh năng lượng ở châu Á - Thái Bình Dương

25/01/2015 22:32
25-01-2015 22:32:00+07:00

Vấn đề an ninh năng lượng ở châu Á - Thái Bình Dương

Việt Nam, cũng giống như phần lớn quốc gia trong khu vực, gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng phong phú nhưng không dồi dào nên việc cung cấp năng lượng cho nền kinh tế đòi hỏi sự áp dụng đồng thời các giải pháp tăng cường nội lực và phát huy lợi thế từ hợp tác khu vực và quốc tế về năng lượng.

Dễ bị tổn thương

Việc đảm bảo an ninh năng lượng hiểu theo nghĩa hiện nay là không những đáp ứng nguồn năng lượng đầy đủ phục vụ nhu cầu phát triển mà còn phải đảm bảo cho cơ cấu năng lượng sạch, ít các-bon nhằm hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, đảm bảo an ninh năng lượng còn là đảm bảo việc tiếp cận nguồn năng lượng được thuận tiện và bình đẳng, hiệu suất sử dụng năng lượng cao.

Xét các nội hàm của an ninh năng lượng nói trên, khu vực CA-TBD rất dễ bị tổn thương do thiếu hụt năng lượng, bởi: (i) đây là khu vực có tốc độ tăng về nhu cầu năng lượng cao nhất thế giới. Trong giai đoạn 2000-2013, nếu mức tiêu thụ năng lượng thế giới tăng 36% thì CA-TBD chiếm 76% mức tăng này; (ii) Trừ Nga và Mỹ, hầu hết quốc gia trong khu vực đều không có khả năng tự đảm bảo nguồn cung năng lượng mà chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Dự báo, khu vực phải nhập 44% lượng dầu sử dụng trước năm 2035, so với mức 36% năm 2010. Trung Quốc nhập khẩu 60% lượng dầu tiêu thụ, con số này của Ấn Độ là 75% và của ASEAN là 35%. Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu 100% lượng dầu mỏ, khí đốt và than sử dụng; (iii) Tuyến đường nhập khẩu năng lượng của các quốc gia trong khu vực chủ yếu là tuyến đường biển đi qua Ấn Độ Dương, eo biển Malacca, Biển Đông và biển Hoa Đông vốn là những khu vực có tranh chấp chủ quyền và nạn cướp biển phát triển mạnh thời gian gần đây. Một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn vào khu vực như Syria, Iraq lại là quốc gia bất ổn chính trị, kinh tế; (iv) Điều kiện tự nhiên của khu vực không ổn định, có thể ảnh hưởng tới sự vận hành của các cơ sở năng lượng (động đất, sóng thần, hạn hán...).

Các quốc gia khu vực CA-TBD cũng đang từng bước tiến hành chuyển dịch cơ cấu năng lượng, theo hướng tăng cường nguồn năng lượng tái tạo với mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đa dạng hoá nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành thì cơ cấu năng lượng sẽ không thay đổi nhiều trong vòng 20 năm tới, các quốc gia tiếp tục khai thác nguồn than giá rẻ khi việc xây dựng các cơ sở năng lượng tái tạo thường đòi hỏi chi phí đầu vào cao (điều kiện phát triển cơ sở năng lượng mặt trời, năng lượng gió dồi dào nhưng không ổn định, đòi hỏi công nghệ hiện đại về dự báo các điều kiện tự nhiên).

Trong khu vực, Trung Quốc và Ấn Độ nổi lên là các quốc gia có tốc độ tiêu thụ năng lượng tăng nhanh nhất thế giới, lần lượt là nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất và lớn thứ tư thế giới. Cả hai nước đang thực hiện các kế hoạch, quy hoạch năng lượng nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, duy trì kho năng lượng dự trữ, đa dạng hoá nguồn cung năng lượng với các công trình thuỷ điện, nhà máy điện hạt nhân, phát triển nguồn năng lượng tái tạo... Tuy nhiên, trong tương lai gần, cơ cấu năng lượng của Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn phụ thuộc nhiều vào than, dầu lửa, khí đốt nhập khẩu, giống tình hình chung của cả khu vực CA-TBD.

ASEAN còn 1/5 dân số vẫn sống trong cảnh thiếu điện, nhưng nhu cầu năng lượng của khu vực sẽ tăng hơn 80% trong giai đoạn đến năm 2035, trong đó, 49% năng lượng tiêu thụ vẫn là từ than, do chi phí khai thác rẻ. Đây là thực trạng đáng lo ngại về vấn đề khí thải dẫn tới biến đổi khí hậu. Hiện nay ASEAN đang thảo luận nhiều về các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng bền vững, sử dụng công nghệ than sạch, kết nối đường dây tải điện cao thế ASEAN và đường ống dẫn dầu, hợp tác trong sử dụng năng lượng hạt nhân và hợp tác với các nước đối tác, hợp tác về chính sách - kế hoạch năng lượng ASEAN, hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử.

Trong nỗ lực đa dạng hoá cơ cấu, năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng giá rẻ, không gây hiệu ứng nhà kính, giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch. Tuy nhiên, việc phát triển điện hạt nhân đòi hỏi trình độ kĩ thuật, phù hợp với tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Trước sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản tháng 3/2011, khu vực CA-TBD hứa hẹn trở thành cực tăng trưởng năng lượng hạt nhân phục vụ mục đích dân sự. Nhiều quốc gia khu vực đã có kế hoạch dài hạn phát triển nhà máy hạt nhân để phục vụ nhu cầu điện và cắt giảm khí nhà kính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ. Sự cố Fukushima đã khiến cho việc triển khai các dự án năng lượng hạt nhân càng được xem xét kỹ, thận trọng.

Tại khu vực Đông Nam Á, ba nước Việt Nam, Indonesia và Malaysia có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân và Việt Nam đã triển khai dự án phục vụ cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong năm 2014. Việt Nam vẫn đang tiếp tục quá trình nâng cao các tiêu chuẩn an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế của IAEA, xây dựng kế hoạch dài hạn về việc xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn đề Năng lượng nguyên tử...

Cơ hội của Việt Nam

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và liên tục, tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam dự báo là đạt 8,1-8,7% giai đoạn (2001-2020) và thuộc nhóm những nước tiêu thụ năng lượng tương đối lớn so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, cán cân cung cầu năng lượng của Việt Nam bắt đầu dấu hiệu thiếu hụt: Năm 2015, khả năng khai thác than đá đáp ứng từ 96%-100% nhu cầu sử dụng nhưng đến năm 2020, khả năng khai thác chỉ đáp ứng được 60%, Việt Nam bắt đầu phải nhập khẩu than đá từ Australia từ năm 2015. Năm 2030, tiềm năng thủy điện lớn của Việt Nam sẽ được khai thác hết. Trong khi đó, tiêu hao năng lượng cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Từ một nước xuất khẩu năng lượng, sắp tới, Việt Nam phải nhập khẩu năng lượng, khiến nền kinh tế giảm năng lực cạnh tranh và tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Trước tình hình này, bên cạnh việc nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu suất sử dụng năng lượng, lập kho dự trữ năng lượng, phát triển cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững hơn, Việt Nam cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế về năng lượng, xây dựng trụ cột ngoại giao năng lượng trong chính sách đối ngoại. Hợp tác an ninh năng lượng vốn là một trong những nội dung quan trọng trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, ASEAN+3, APEC, EAS... với nhiều cam kết đã được ký kết, cần được tiếp tục hiện thực hoá trên thực tế. Giữa các quốc gia khu vực nên có cơ chế hợp tác, chia sẻ nguồn dự trữ năng lượng khi một quốc gia gặp sự cố năng lượng. Hợp tác khu vực là cơ hội cho Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm các nước trong phát hiện các nguồn năng lượng mới, sử dụng hiệu quả năng lượng, đặc biệt là học hỏi công nghệ lưu trữ năng lượng, giảm thiểu mức hao tổn của hệ thống truyền tải năng lượng, kinh nghiệm trong quản lý, xây dựng, đào tạo nhân lực phục vụ các cơ sở sản xuất năng lượng mới như cơ sở điện hạt nhân, năng lượng mặt trời, năng lượng gió.

Việc tăng cường hợp tác khu vực về an ninh năng lượng còn giúp hình thành mạng lưới các thị trường tiêu thụ, ổn định nguồn cung, chia sẻ thông tin để đảm bảo tính minh bạch của các dự án năng lượng mới (đặc biệt là với các dự án nhà máy điện hạt nhân, dự án thuỷ điện thượng nguồn...).

Nguyễn Nam Dương & Vũ Thị Thanh Tú

Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao

thế giới & việt nam





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Dầu tăng hơn 1 USD/thùng trước triển vọng nguồn cung khan hiếm hơn

Giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng vào ngày thứ Năm (28/03), sau khi giàm 2 phiên liên tiếp, nhờ triển vọng nguồn cung do liên minh sản xuất OPEC+ dự kiến sẽ duy trì lộ...

Giá xăng RON 95-III tăng 530 đồng lên 24,810 đồng/lít

Từ 15h chiều 28/3, giá xăng E5RON 92 tăng 410 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 530 đồng/lít; giá 2 loại dầu giảm 320 và 390 đồng/lít/kg, dầu mazut tăng 50 đồng/kg.

Dự thảo điều hành giá xăng: Siết quy định về kho, bể chứa xăng dầu

Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất siết quy định cho thuê, mượn kho chứa...

Dầu giảm 2 phiên liên tiếp khi dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng

Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm phiên thứ 2 liên tiếp vào ngày thứ Tư (27/03), khi dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26/3/2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện...

Dầu Brent lùi nhẹ về gần 86 USD/thùng

Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm nhẹ vào ngày thứ Ba (26/03), khi nhà đầu tư đánh giá tác động của các cuộc chiến tranh ở Đông Âu và Trung Đông đối với bức tranh...

Dầu tăng hơn 1.5% sau khi Nga cắt giảm sản lượng để đáp ứng mục tiêu của OPEC+

Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng mạnh vào ngày thứ Hai (25/03), khi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine làm gián đoạn công suất lọc dầu...

Dầu thô có dễ ‘hết thời’?

Thế giới đang sử dụng nhiều dầu thô hơn bao giờ hết và nhu cầu nhiên liệu hóa thạch này có thể tăng vượt kỳ vọng trong năm nay. Các nhà lãnh đạo ngành dầu khí toàn...

Dầu lùi nhẹ chờ kết quả đàm phán ngừng bắn ở Gaza

Giá dầu giảm vào ngày thứ Sáu (22/03) và gần như đi ngang trong tuần, khi khả năng ngừng bắn ở Gaza làm suy yếu giá dầu thô. Trong khi đó, cuộc chiến ở châu Âu và...

Dầu giảm nhẹ khi nhu cầu xăng tại Mỹ yếu hơn

Giá dầu giảm nhẹ vào ngày thứ Năm (21/03), chịu áp lực bởi dữ liệu nhu cầu xăng tại Mỹ yếu hơn.

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98