Dự án Mars One đưa người lên sao Hỏa: Vụ lừa đảo khoa học lớn nhất?

28/03/2015 09:01
28-03-2015 09:01:00+07:00

Dự án Mars One đưa người lên sao Hỏa: Vụ lừa đảo khoa học lớn nhất?

Năm 2012, công ty Mars One gây chú ý khi công bố kế hoạch đình đám nhằm đưa người lên sao Hỏa trong năm 2025. Tuy nhiên, càng ngày kế hoạch này càng bộc lộ nhiều dấu hiệu của một vụ lừa đảo, không hơn không kém.

Hình ảnh mô phỏng cuộc sống của các phi hành gia Mars One trên sao Hỏa.

Kế hoạch hoành tráng, chi phí “bèo”

Đằng sau những đám mây màu đỏ và những dãy núi tuyệt đẹp như tranh vẽ, do các tàu thăm dò gửi về, sao Hỏa là hành tinh đặc biệt không thân thiện với sự sống.

Sao Hỏa gần như không có bầu khí quyển, do đã bị các cơn gió Mặt trời hoạt động trong hàng tỉ năm qua tước mất. Việc này khiến bề mặt hành tinh đỏ có lượng phóng xạ đủ lớn để giết chết các sinh vật sống. Nhiệt độ trung bình bề mặt là -20 độ C. Ngoài ra, cứ sau mỗi 5 năm, hành tinh này lại bao trùm trong một cơn bão bụi, có thể chặn ánh sáng mặt trời trong nhiều tháng liền.

Vì thế khi Mars One, một công ty phi lợi nhuận tới từ Hà Lan, chưa từng có kinh nghiệm gì về chinh phục không gian, nói rằng họ có thể đưa người lên sao Hỏa trong 10 năm, với ngân sách 6 tỉ USD, nhiều chuyên gia đã cười lớn. “Tôi không muốn cản đường, nhưng tôi rất nghi ngờ chương trình sẽ diễn ra đúng khung thời gian mà họ nói” - Neil deGrasse Tyson, một nhà nghiên cứu không gian cho tờ Business Insider biết.

Mars One gây chú ý vì kế hoạch đưa người định cư lên sao Hỏa rất “hoành tráng”. Theo đó, trong năm nay, các ứng cử viên hàng đầu sẽ bắt đầu tiến trình huấn luyện để trở thành phi hành gia tới sao Hỏa. Kết thúc huấn luyện, Mars One sẽ chọn 24 người xuất sắc nhất.

Trong năm 2018, công ty sẽ phóng một vệ tinh lên quỹ đạo sao Hỏa. Vệ tinh này có khả năng chuyển tải thông điệp giữa Trái đất và sao Hỏa. Năm 2020, một tàu thăm dò được gửi tới sao Hỏa để tìm điểm định cư lý tưởng nhất.

Năm 2022, các tàu tiếp tế tới sao Hỏa. Chúng mang theo 2 module phục vụ cuộc sống của phi hành gia, 2 hệ thống hỗ trợ sự sống và một module cung cấp nhu yếu phẩm. Năm 2003, tàu thăm dò sẽ thu gom tất cả các gói hàng tiếp tế này, thiết lập căn cứ ban đầu, sẵn sàng đón con người. Năm 2024, 4 phi hành gia đầu tiên rời Trái đất và sẽ phải mất từ 6 - 8 tháng để họ tới đích, vào năm 2025. Do nhân loại không có công nghệ để đưa các phi hành gia từ sao Hỏa trở về, họ sẽ ở lại đây vĩnh viễn.

Chưa dừng ở đó, Mars One khiến người ta trợn mắt khi tuyên bố nhiệm vụ chỉ tốn có 6 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với ước tính chi phí để thực hiện chuyến bay có người lái của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) lên sao Hỏa, dự kiến tốn từ 80 - 100 tỉ USD.

 

Sáng lập viên Mars One, Bas Lansdorp, khẳng định công ty ông không lừa đảo.

Mars One công khai thừa nhận họ không phải là một công ty hàng không, không gian nên sẽ không sản xuất linh kiện phần cứng cho nhiệm vụ lên sao Hỏa. Toàn bộ các linh kiện sẽ được phát triển bởi các nhà cung cấp thuộc bên thứ ba và được lắp ráp với nhau tại các cơ sở uy tín về hàng không, không gian.

Mars One định kiếm tiền cho dự án lên sao Hỏa bằng 2 cách. Đầu tiên họ sẽ vận động gây quỹ để người dân toàn cầu đóng góp cho chương trình. Ngoài ra họ còn bán bản quyền các chương trình truyền hình thực tế, ghi lại hoạt động đào tạo phi hành gia và hành trình của họ từ Trái đất lên sao Hỏa. Mars One tin rằng hai hình thức huy động vốn này sẽ giúp họ kiếm đủ tiền phục vụ kế hoạch tham vọng của mình.

Rất nhiều điều bất hợp lý

Kế hoạch của Mars One ban đầu nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, nhất là khi họ tuyên bố mở rộng vòng tay đón bất kỳ ai trên thế giới muốn tình nguyện tham gia. Những con người này hoàn toàn không cần phải có kỹ năng gì. Họ chỉ cần có sức khỏe tốt về thể lực và tinh thần. Họ cũng phải có tinh thần tự nguyện cao, chấp nhận việc “một đi không trở lại” lên sao Hỏa và các rủi ro trước mắt. Nhưng càng lúc người ta càng cảm thấy có gì đó không ổn.

Đã 2 năm trôi qua kể từ khi Bas Lansdorp, đồng sáng lập và nay là Chủ tịch điều hành Mars One, thông báo kế hoạch đô hộ Hành tinh Đỏ. Ông tuyên bố đã có hơn 200.000 người đăng ký ghi danh tham gia chương trình (dù con số này gây nhiều nghi ngờ và một số tin rằng thực tế thấp hơn rất nhiều). Dù sao thì gần đây Mars One đã giảm bớt số ứng viên xuống còn 100 người, được họ gọi là nhóm “The Mars 100”. Đây là những người sẽ được tham gia chương trình huấn luyện thành phi hành gia lên sao Hỏa.

Có điều Mars One chưa tuyên bố khu vực diễn ra hoạt động huấn luyện sẽ nằm ở đâu. Chỉ có Lansdorp vẫn “ra rả” khẳng định chuyện đang rất ổn. “Chúng tôi đang thương thảo và khu vực huấn luyện phi hành gia sẽ được chuẩn bị xong sau mùa hè” - Lansdorp viết.

Ngoài việc mập mờ trong hoạt động huấn luyện, Mars One cũng không đạt mục tiêu gom tiền, dù ngân sách dự kiến phục vụ việc lên sao Hỏa của công ty rất thấp, chỉ 6 tỉ USD. Cụ thể trong năm ngoái, công ty không đạt mục tiêu gây quỹ khoản tiền 400.000 USD. Đây là tiền sẽ giúp sản xuất tàu hạ cánh xuống sao Hỏa.

Việc Mars One không quyên được nhiều tiền cũng chẳng có gì lạ. Một công ty tư nhân khác là SpaceX, hiện đang đứng đầu về khả năng gây quỹ nghiên cứu về hàng không không gian, cũng mới chỉ thu về 1,2 tỉ USD. Tuy nhiên họ đã có thành tích dày dặn và cũng hoạt động lâu hơn nhiều so với Mars One. Tính tới ngày 28.2 năm nay, Mars One đã nhận được 759. 816 USD, tức mới chỉ là 0,01% mục tiêu ngân sách. Nhưng Lansdorp vẫn “nói cứng” về kế hoạch của mình, khẳng định sẽ chẳng có thay đổi nào trong khung thời gian.

Hoạt động bán bản quyền truyền hình của Mars One cũng không khá hơn bao nhiêu. Hiện chưa có hãng truyền thông nào thương thảo với Mars One về việc mua quyền phát sóng chương trình truyền hình thực tế lên sao Hỏa.

Giới quan sát cũng chỉ ra rằng một chương trình như thế sẽ khó hấp dẫn khán giả, bởi họ sẽ chỉ thấy cảnh các phi hành gia đang làm những công việc rất kỹ thuật, rất nhàm chán trong module trên sao Hỏa. Và chuyện này cũng chỉ diễn ra nếu mọi giả thuyết thành sự thật và các phi hành gia còn sống sau chuyến bay tới sao Hỏa.

“Giống hệt một vụ lừa đảo”

Cũng cần phải bàn tới khung thời gian quá phi thực tế của công ty. Chỉ còn 10 năm nữa để Mars One đưa người lên sao Hỏa là điều vô cùng khó thực hiện. Một tổ chức lớn và uy tín như NASA cũng chỉ đặt mục tiêu “có thể” đưa người lên quỹ đạo sao Hỏa trong những năm 2030 mà thôi. NASA cũng đề ra kế hoạch đưa người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa vào những năm 2060, song đây chỉ là dự kiến trong tương lai xa.

Trở ngại nữa là các công nghệ hỗ trợ sự sống trên sao Hỏa chưa tồn tại. Theo một nghiên cứu của Học viện công nghệ Massachussett, các phi hành gia của Mars One sẽ chết ngạt chỉ 68 ngày sau khi tới sao Hỏa, nếu sử dụng công nghệ hiện nay, do thiết bị không đủ khả năng sản xuất oxy phục vụ họ. Trong khi đó các công nghệ tương lai được đề cập tới trong dự án của Mars One vẫn chưa tồn tại. Lansdorp đã không chấp nhận điều này, cho rằng công trình nghiên cứu của MIT do vài tay nghiên cứu sinh “nhãi ranh” viết ra và chứa ít giá trị.

Mars One cũng nói rằng họ đã đề nghị công ty Survey Satellite Technology Ltd sản xuất vệ tinh liên lạc phục vụ việc phóng lên sao Hỏa vào năm 2018; Lockheed Martin chế tàu thăm dò để phóng vào năm 2020 và dùng tên lửa Falcon Heavy của SpaceX để lên sao Hỏa. Tuy nhiên Mars One chưa thương thảo và có hợp đồng với bất kỳ công ty nào ở trên.

Ngoài ra còn phải đề cập tới các câu hỏi, rằng các phi hành gia của Mars One sẽ sống bằng thứ gì và liệu họ sẽ chịu tác động gì từ một chuyến đi dài 7 - 8 tháng trong không gian, cũng như môi trường trên sao Hỏa.

Khi bị dồn vào chân tường, Mars One bèn ra tuyên bố nói rằng mục tiêu của họ không chỉ nhắm tới việc đưa người lên sao Hỏa mà còn truyền cảm hứng để con người nghĩ tới hoạt động chinh phục không gian. “Có nhiều thứ sẽ thu được từ các hoạt động như thế này” - Sonia Van Meter, một thành viên thuộc nhóm Mars 100 nói - “Nó không tốn kém, nhưng vinh quang lớn nhất là nó truyền cảm hứng cho mọi người”.

Những tuyên bố to tát như thế không thuyết phục được các nhà quan sát như John Logsdon, chuyên gia chính sách không gian ở Đại học George Washington. “Tất cả chuyện này giống hệt một vụ lừa đảo” - ông nhận xét.

Mars One từ góc nhìn của người trong cuộc

Tiến sĩ Joseph Roche là một thành viên nhóm Mars 100. Anh nói rằng đã tham gia chương trình của Mars One vì tò mò. Anh cho biết dù lọt vào nhóm Mars 100 nhưng bản thân chưa từng được ai từ Mars One trực tiếp phỏng vấn. Lần duy nhất anh được phỏng vấn là tại một cuộc trò chuyện qua ứng dụng điện thoại Internet Skype, kéo dài 10 phút.

Anh nói rằng Mars One chỉ quan tâm tới việc các ứng viên quyên tiền, mua hàng lưu niệm của họ để được tặng điểm và thăng hạng trong danh sách Mars 100 - đồng nghĩa với việc họ dễ được lựa chọn vào nhóm 24 người cuối cùng. Người nào quyên càng nhiều tiền thì thứ hạng của họ càng cao. Công ty cũng khuyến khích các ứng viên nộp 75% tiền thu được từ các cuộc trả lời phỏng vấn liên quan tới chương trình Mars One cho họ.

“Mars One chẳng có xu nào trong tay. Họ không có hợp đồng với các công ty nghiên cứu hàng không không gian. Mars One cũng không có thỏa thuận hợp tác sản xuất với bất kỳ đài truyền hình nào” - bài báo xoay quanh câu chuyện của Roche trên trang tin Medium kết luận.


Hương Giang (tổng hợp)

lao động





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98