Việt Nam chính thức áp dụng lộ trình kế toán chuẩn quốc tế từ năm 2016

21/04/2015 18:03
21-04-2015 18:03:04+07:00

Việt Nam chính thức áp dụng lộ trình kế toán chuẩn quốc tế từ năm 2016

“Việc rút ngắn khoảng cách giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán quốc tế cho thấy Việt Nam đã hòa nhập và đang có hướng đi phù hợp với thị trường khu vực Đông Nam Á (ASEAN) nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.

Hội thảo “Cập nhật thông tin chế độ kế toán doanh nghiệp,” ngày 21/4, tại Hà Nội. (Ảnh: HNX cung cấp)

Sự thay đổi này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải minh bạch về tài chính hơn nữa, quản trị rủi ro tài chính tốt hơn để từ đó quản lý tốt tài sản của doanh nghiệp. Điều này không chỉ tạo ra lợi nhuận cho riêng doanh nghiệp mà còn đóng góp tích cực cho nền kinh tế của đất nước.”

Đây là lời khẳng định của Bà Vũ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn quản trị công ty HNX tại Hội thảo “Cập nhật thông tin chế độ kế toán doanh nghiệp”, do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Vụ Chế độ kế toán-Bộ Tài chính tổ chức, ngày 21/4.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Tài chính, bà Hà Thị Ngọc Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán Bộ Tài chính đã phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp về các điểm thay đổi lớn và các quy định của thông tư 200/2014/TT-BTC thay thế Quyết định số 15/2006 ngày 20/3/2006 và Thông tư 244/2009/TT-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp. 

Nhìn chung các đại biểu tại Hội thảo đánh giá Thông tư 200/2014/TT-BTC là phù hợp với thực tiễn, hiện đại và mang tính khả thi, tôn trọng bản chất hơn hình thức.

Cụ thể, thông tư trên đã được xây dựng trên nền tảng linh hoạt và mở, lấy mục tiêu đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành ra quyết định kinh tế của doanh nghiệp, phục vụ nhà đầu tư và chủ nợ làm trọng tâm, không kế toán vì mục đích thuế.

Bên cạnh đó, các quy định tại thông tư tuân theo các tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế, tách biệt kỹ thuật kế toán trên tài khoản và báo cáo tài chính và đặc biệt đề cao trách nhiệm của người hành nghề.

Theo đó, thông tư  trên có 05 điểm thay đổi nổi bật về các vấn đề, bao gồm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán, tài khoản kế toán, báo cáo tài chính, chứng từ kế toán và sổ kế toán.

Như vậy, các doanh nghiệp được dùng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán, các doanh nghiệp có nghiệp vụ thu chi chủ yếu bằng ngoại tệ có thể chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán.

Báo cáo tài chính để công bố ra công chúng và nộp cho các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam là báo cáo tài chính được trình bày bằng đồng Việt Nam. Trong hệ thống tài khoản kế toán, bên cạnh việc thêm bớt, thay đổi một số tài khoản kế toán thì điểm đáng lưu ý là các tài khoản tài sản không phân biệt ngắn hạn và dài hạn.

Đối với báo cáo tài chính, thông tin bắt buộc trong báo cáo không còn là “thuế và khoản phải nộp Nhà nước”. Kỳ lập báo cáo giữa niên độ sẽ gồm báo cáo tài chính quý (cả quý 4) và bán niên.

Nổi bật hơn cả đó là việc thêm các quy định mới về xây dựng nguyên tắc kế toán và báo cáo tài chính khi doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục. Phần thuyết minh báo cáo tài chính cũng có nhiều sự thay đổi.

Đối với chứng từ kế toán, doanh nghiệp được chủ động xây dựng, thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán nhưng phải đáp ứng được các yêu cầu của Luật Kế toán và đảm bảo rõ ràng, minh bạch. Về sổ sách kế toán, doanh nghiệp được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho riêng mình nhưng phải đảm bảo cung cấp thông tin về giao dịch kinh tế một cách minh bạch và đầy đủ.

Tại Hội thảo, ông Vũ Đức Nguyên, Phó Tổng Giám đốc, Công ty kiểm toán Deloitte cũng cho biết, những điểm khác biệt cơ bản giữa chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) cùng với việc tổ chức áp dụng triển khai IFRS tại Việt Nam.

Theo ông Nguyên, có thể thống kê 10 khác biệt cơ bản giữa IFRS và VAS gồm có cách thức trình bày báo cáo tài chính; giá trị hợp lý; công cụ tài chính; suy giảm giá trị tài sản; các vấn đề liên quan tới báo cáo tài chính hợp nhất; doanh thu; tài sản cố định, bất động sản, thuê, tài sản dài hạn nắm giữ để bán; các khoản chi phí hoãn lại; thanh toán bằng cổ phiếu và chuẩn mực ngành.

“Lộ trình thực hiện chính thức áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ bắt đầu từ năm 2016. Việc triển khai áp dụng IFRS cần có sự quyết tâm và tổ chức thực hiện của lãnh đạo doanh nghiệp bởi IFRS không chỉ quy định về việc lập báo cáo tài chính, quy trình kế toán mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp,” ông Nguyên nói.

Linh Chi

vietnam+



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98