Điều gì khiến ngân hàng Hồi giáo “mọc lên như nấm sau mưa” ở Thổ Nhĩ Kỳ?

16/05/2015 20:00
16-05-2015 20:00:00+07:00

Điều gì khiến ngân hàng Hồi giáo “mọc lên như nấm sau mưa” ở Thổ Nhĩ Kỳ?

“Gửi ngân hàng lấy lãi là một... tội lỗi. Tôi sẽ không bao giờ làm thế đâu. Tôi dùng tiền để mua vàng hoặc cất dưới gối”.

 

Theo báo cáo năm 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB), ít nhất 8% người Thổ Nhĩ Kỳ trưởng thành hiện không có tài khoản ngân hàng vì lý do tôn giáo, bởi vì đạo Hồi cấm cho vay lấy lãi.

Dưới thời Tổng thống Tayyip Erdogan hiện nay, một nhà lãnh đạo xuất thân từ Hồi giáo và có ác cảm với chuyện cho vay nặng lãi, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng có thể biến sự khinh thường của những người ngoan đạo đối với các ngân hàng truyền thống thành một cuộc bùng nổ trong ngành tài chính Hồi giáo. Các ngân hàng thay vì trả lãi sẽ thành nơi thu phí dịch vụ và người gửi tiền sẽ chia sẻ lợi nhuận của ngân hàng.

Hai ngân hàng quốc doanh, Halkbank và Ziraat Bank, đang đẩy nhanh kế hoạch mở thêm các chi nhánh Hồi giáo trong năm nay nhằm góp mặt cùng với bốn ngân hàng Hồi giáo tư nhân khác hiện đang hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ziraat, ngân hàng chưa niêm yết lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành giao dịch với người Hồi giáo vào tháng 5 năm nay, còn Halkbank nói rằng họ hy vọng việc này sẽ bắt đầu vào cuối năm.

Các nhà điều hành ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng qua cũng đã chấp thuận việc thành lập một ngân hàng Hồi giáo thứ 3 khác có liên quan gián tiếp với ngân hàng nhà nước Vakifbank.

Trung tâm tài chính

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hành đợt trái phiếu Hồi giáo đầu tiên trị giá 1.5 tỷ USD cách đây 3 năm và năm ngoái đã giới thiệu một khung pháp lý dành cho các ngân hàng Hồi giáo đại chúng. Nay họ mong muốn tài sản của ngành công nghiệp này sẽ tăng gấp đôi lên 100 tỷ USD vào năm 2023.

Fadi Hakura, chuyên gia người Thổ Nhĩ Kỳ tại Chatham House (một nhóm chuyên gia ở Luân Đôn) cho biết: “Tổng thống Erdogan rất muốn giúp lĩnh vực ngân hàng Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. Đó là một phần trong những nỗ lực biến Istanbul thành trung tâm tài chính, và cũng là ác cảm của tổng thống đối với lãi suất, điều mà ông xem là bị cấm trong Hồi giáo”.

Tổng thống Erdogan luôn cho rằng lãi suất cao là nguyên nhân gây ra lạm phát – một lập luận đi ngược lại với kinh tế học chính thống. Tổng thống cũng cho rằng những người bảo vệ lãi suất cao là... phản quốc và làm cho các thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ hoảng loạn thời gian gần đây.

Ông cũng yêu cầu ngân hàng trung ương nước này giảm lãi suất mạnh hơn nữa. Những bài phát biểu đả kích chính sách tiền tệ của ông đã khiến đồng lira giảm đến 12% trong năm nay và liên tục xác lập các mức thấp kỷ lục nhưng lại tạo hiệu ứng khá tốt trong số người ủng hộ ông, gồm cả những nhà công nghiệp phất lên trong suốt thập niên qua nhờ vào nguồn vay rẻ và sự tương đối ổn định về mặt chính trị.

Oznur, một cô gái 25 tuổi, chia sẻ sau khi rời trụ ATM tại một ngân hàng Hồi giáo ở Fatih: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi sử dụng dich vụ của một ngân hàng Hồi giáo vì điều đó nằm trong sự cho phép của tôn giáo chúng tôi”.

* Thị trường dịch vụ tài chính Hồi giáo ước đạt 4.000 tỷ USD vào 2020

* S&P: Ngân hàng Hồi giáo nỗ lực mở rộng thị phần tại vùng Vịnh

* Mô hình tài chính Hồi giáo có phải là giải pháp?

Không thể là nhà vô địch?

Thoạt nhìn, một quốc gia không dính dáng gì đến tôn giáo về mặt hiến pháp như Thổ Nhĩ Kỳ dường như không thể là nhà vô địch của ngành ngân hàng Hồi giáo.

Tháng trước, các nhà điều hành đã giành quyền kiểm soát ngân hàng Hồi giáo Bank Asya. Lợi nhuận và nguồn vốn của ngân hàng này đã bị giảm mạnh vì có liên quan đến “cuộc chiến” giữa Tổng thống Erdogan và một giáo sĩ ở Mỹ. Những môn đồ của giáo sĩ này lại là những người sáng lập ngân hàng trên.

Nhưng theo các nhà phân tích, “cuộc chiến” trên không cho thấy được tầm nhìn rộng hơn về ngành công nghiệp tài chính Hồi giáo toàn cầu trị giá đến 1.8 ngàn tỷ USD. Các rắc rối trong vụ ngân hàng Bank Asya là một phần trong những nỗ lực của Tổng thống Erdogan nhằm “nghiền nát” mạng lưới hoạt động của giáo sĩ Fethullah Gulen, người mà ông buộc tội là đã chiếm đoạt quyền lực của mình thông qua “một nhà nước song song” được hình thành từ những môn đồ trong nhiều ngành, gồm cả ngành cảnh sát và tư pháp.

Emre Deliveli, một nhà kinh tế và cũng là cây bút của Hurriyet Daily News cho rằng động lực mở rộng mảng tài chính Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn là để thu hút đầu tư nước ngoài. Ông nói với Reuters: “Tôi xem nó như là một nỗ lực để được hưởng lợi từ nhu cầu về mảng tài chính Hồi giáo bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ẩn ý của Tổng thống Erdogan về chuyện lãi suất còn nằm ở lý tưởng phục hồi di sản Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ của ông, biến nó thành trung tâm của xã hội sau 9 thập niên thống trị bởi một nhóm tu sĩ đầy quyền lực khi đế chế Ottoman sụp đổ.

Theo dữ liệu từ cơ quan quản lý ngân hàng, tính đến tháng 1 năm nay, các ngân hàng Hồi giáo đã chiếm trên 5% tổng tài sản của các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều hơn gấp đôi so với cách đây một thập niên.

Bốn ngân hàng Hồi giáo hiện tại - Albaraka Turk, Bank Asya, Turkiye Finans và Kuveyt Turk – có gần 1,000 chi nhánh và thuê hơn 16,000 nhân viên, cả hai con số này đều gấp ba số lượng mà họ có cách đây 10 năm.

Khi lĩnh vực này phát triển, những người Thổ Nhĩ Kỳ còn đang e dè với các tài khoản truyền thống vì lí do tôn giáo sẽ có thể thay đổi suy nghĩ và những con số trên sẽ còn tăng.

Berat Tasci, một chủ tiệm bánh 38 tuổi đang ăn trưa trước một cửa hàng kebab ở Fatih, cho biết: “Ngân hàng là một hệ thống bóc lột nhưng chúng tôi phải sử dụng nó trong công việc. Chúng tôi biết đó là tội lỗi, nhưng chúng tôi phải dùng. Tôi có thích nó không ư? Không, dĩ nhiên là không”.

Nhã Thanh (Theo BusinessInsider)





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường tích trữ đô la

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường tích trữ đô la Mỹ khi họ dự đoán đồng nhân dân tệ (NDT) sẽ mất giá hơn nữa. Thực trạng này càng làm trầm trọng thêm đà...

Bê bối tài chính Wirecard: Kiểm toán EY rất cẩu thả

Theo các nguồn thạo tin liên quan tới cuộc điều tra, cơ quan giám sát kiểm toán Đức (Apas) nhận định hoạt động kiểm toán của EY đối với công ty thanh toán Wirecard...

Nội tệ mất giá, Hàn Quốc phát cảnh báo hiếm thấy

Chính phủ Hàn Quốc đưa ra cảnh báo hiếm hoi đối với những người tham gia thị trường ngoại hối sau khi đồng won nhanh chóng chạm mốc 1,400 won đổi 1 USD lần đầu tiên...

Các đồng tiền ở thị trường mới nổi rơi xuống đáy mới trong năm 2024

Sự trở lại mạnh mẽ của đồng USD đã giáng đòn nặng nề tới các đồng tiền trên toàn cầu trong ngày 16/04, làm suy yếu nhiều đồng tiền châu Á và có thể buộc các quan...

Nhật Bản: Đồng yen giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1990

Trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh sau khi Fed công bố dữ liệu kinh tế, trong phiên giao dịch ngày 15/4, 154,28 yen đổi 1 USD, mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng...

Giới chuyên gia nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2024

Tờ The Wall Street Journal (WSJ) ngày 14/4 dẫn kết quả thăm dò quý mới nhất cho thấy giới lãnh đạo doanh nghiệp và học giả kinh tế đã hạ nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào...

Các nền kinh tế mới nổi và phát triển thận trọng trước đồng USD tăng giá

Trước sức mạnh của đồng USD, ngay cả các nền kinh tế có quy mô như Australia, Canada và EU cũng chứng kiến đồng nội tệ suy yếu với tốc độ mất giá lần lượt là 4,4%...

Triển vọng tín dụng toàn cầu năm 2024 ngày càng tồi tệ

Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội các nhà quản lý danh mục tín dụng quốc tế (IACPM), các nhà quản lý danh mục đầu tư và tài sản tại một số tổ chức tài chính lớn...

Đồng USD vẫn giữ vị trí ổn định trong dự trữ ngoại hối của nhiều nước

Khảo sát của IMF cho thấy tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối của các nước tăng 0,2 điểm phần trăm, lên 58,4% trong năm 2023, tuy khiêm tốn nhưng là mức...

KPMG và Deloitte đối mặt mức phạt lớn nhất trong lịch sử ngành kiểm toán Mỹ

PCAOB đã áp đặt mức phạt 25 triệu USD đối với KPMG chi nhánh Hà Lan và 2 triệu USD đối với các chi nhánh của Deloitte ở Indonesia và Philippines, vì hành vi gian...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98