“Ma trận” nước uống đóng chai

20/05/2015 22:06
20-05-2015 22:06:00+07:00

“Ma trận” nước uống đóng chai

Thời tiết nắng nóng, mùa hè cũng là mùa làm ăn của các hãng nước uống đóng chai. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cẩn thận trước khi muốn giải khát nếu không muốn “tiền mất, tật mang”.

Có quá nhiều hàng nhái nên người tiêu dùng cần phải thông thái. (Ảnh minh họa)

Vi phạm tràn lan

Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas), thị trường Việt Nam có trên 130 sản phẩm nước khoáng đóng chai. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất “chui” làm giả sản phẩm của các thương hiệu lớn xuất ra thị trường khiến việc quản lý, phân biệt thật – giả ngày càng phức tạp.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinastas cho biết, cơ quan chức năng đã từng phát hiện nước đóng chai nhiễm khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy của các nhãn hiệu Aquavenus, Bonwater, WaterHaru, Aqua Myanh, Sukura. Hay mới đây, Chi cục Quản lý thị trường Yên Bái phát hiện 6.000 lon nước uống tăng lực đóng chai nhãn hiệu Anh Đô, sử dụng đường Saccarin - chất không được phép sử dụng trong sản xuất nước ngọt.

Ngay tại Hà Nội, Hội cùng cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện không ít doanh nghiệp (DN) đăng ký sản xuất nước uống đóng chai từ nguồn nước giếng, tuy nhiên thực tế là lấy từ nguồn nước máy. Có cơ sở sản xuất nước tinh khiết nhưng sản xuất từ nước giếng khoan; trên mặt đất quanh giếng lại chăn nuôi gia súc, gia cầm dẫn đến khả năng ô nhiễm, thẩm thấu nguồn nước giếng rất cao và chỉ được xử lý qua hệ thống sơ sài.

Mới đây, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… đã công bố hàng loạt nhãn hiệu nước tinh khiết đóng chai nhiễm khuẩn, đặc biệt là khuẩn Coliforms có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. 

Thực tế, bên cạnh những thương hiệu quen thuộc như Aquafina, LaVie, Vikoda… các sản phẩm nhái với cái tên na ná kiểu như Aquatina, Aquafifa, LaVe, LaVi… cũng ngập tràn, đánh lừa người tiêu dùng. Thêm vào đó, các nhãn hiệu nước đóng chai này thường được bán với giá rẻ hơn khá nhiều so với các nhãn hiệu có tiếng khác cũng phần nào “đánh” vào tâm lý người tiêu dùng.

Nếu một chai nước nhái có dung tích 1,5l được bán từ 6.000-7.000 đồng thì các nhãn có tiếng phải bán đến 8.000-9.000 đồng/chai. Thậm chí có những bình nước 20l giá giao chỉ 10-12.000 đồng, thậm chí chỉ 8.000 đồng/bình. 

“Tiền nào của nấy. Với giá đó làm gì có nước tinh khiết…” - một nhân viên giao hàng tiết lộ… Đặc  biệt, với những sản phẩm được ghi trên nhãn  rất “nổ” như “công nghệ lọc ozone”  hay “thẩm thấu bằng tia cực tím”…, theo những người trong nghề, chỉ là “nói cho có”,  bởi nếu làm đúng theo công nghệ đó thì chủ đầu tư phải bỏ ra hàng tỷ đồng…

Người tiêu dùng thông thái

Làm thế nào để phân biệt nước uống đóng chai thật - giả đang là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, nhất là khi mùa hè đang đến. Ông Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, Quy chuẩn kỹ thuật đối với nước uống thiên nhiên và nước uống đóng chai được quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa...

Theo đó, việc ghi nhãn nước khoáng thiên nhiên đóng chai phải tuân thủ quy định về tên sản phẩm và chỉ định sản phẩm: nước có ga tự nhiên, ít ga tự nhiên, hay không ga, bổ sung ga từ nguồn... Tên nguồn nước khoáng, khu vực nguồn nước khoáng phải được ghi rõ trên nhãn sản phẩm. Nghiêm cấm ghi nhãn về tác dụng chữa bệnh...

Tuy nhiên, ngay cả với những sản phẩm được ghi đầy đủ các thông số theo quy định thì người tiêu dùng vẫn cần phải thông thái. Không ít người đã chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu, của các nhà sản xuất lớn, có uy tín, có dây chuyền sản xuất hiện đại.

“Việc có những thông tin về những sản phẩm nước uống đóng chai có thương hiệu bị “tố” có dị vật hoặc bị nhiễm khuẩn như vừa qua khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Các cơ quan chức năng và bản thân các DN cần phải nhanh chóng làm rõ và thông tin đến người tiêu dùng…”- ông Hùng đề nghị.

Thanh Thanh

pháp luật VN



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98