Siết kỷ luật ngân sách: Phải hành động cụ thể

28/05/2015 09:43
28-05-2015 09:43:48+07:00

Siết kỷ luật ngân sách: Phải hành động cụ thể

Việc liên tục vi phạm và điều chỉnh kỷ luật tài khóa như hiện nay khiến cho tính linh hoạt của chính sách tài khóa đang bị lạm dụng, và việc thực thi chính sách tài khóa đang trở nên tùy tiện. Điều này đang làm giảm tính nhất quán cũng như hiệu quả của chính sách tài khóa, đe dọa an ninh tài chính công, khi mà mục tiêu của chính sách và việc thực hiện chính sách bị sai lệch.

Thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2014 đã chính thức vượt chi đầu tư, phản ánh việc Chính phủ đã phải đi vay một phần để tài trợ cho tiêu dùng, vi phạm Luật Ngân sách nhà nước hiện hành… Ảnh: Tuệ Doanh

Các quy tắc hay kỷ luật tài khóa thường được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới nhằm duy trì sự ổn định tài khóa và tính bền vững của nợ công trong dài hạn. Mỗi nước có thể áp dụng các quy tắc tài khóa đơn giản hay phức tạp khác nhau, nhưng chúng thường liên quan đến các giới hạn về trần nợ công, thâm hụt ngân sách, thu thuế, chi tiêu công và cách thức xử lý khi các kỷ luật tài khóa này bị vi phạm.

Ví dụ như Thụy Sỹ yêu cầu ngân sách nhà nước phải ở trạng thái cân bằng trong một chu kỳ kinh tế. Nếu ngân sách trong một năm nào đó thâm hụt thì nó buộc phải thặng dư trong những năm tiếp theo nhằm đảm bảo sự cân bằng ngân sách trong cả chu kỳ. Chile yêu cầu ngân sách cơ bản (không bao gồm chi trả nợ gốc), sau khi loại bỏ yếu tố chu kỳ, phải thặng dư. Ở quốc gia này, thông thường mục tiêu thặng dư ngân sách này vào khoảng 1% GDP, tuy nhiên nó đã được điều chỉnh giảm xuống còn 0,5% và sau đó là 0% GDP trong các năm 2008-2009 nhằm chống lại tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, nước Anh có các kỷ luật về tài khóa như thâm hụt ngân sách chỉ dùng để tài trợ cho đầu tư công, tỷ lệ nợ/GDP không được vượt quá 40%...

Nhìn chung, các quy tắc tài khóa mặc dù được thực hiện nghiêm nhưng chúng không hoàn toàn cứng nhắc.

Các quy tắc này có thể được nới lỏng khi nền kinh tế gặp phải các thảm họa thiên nhiên hoặc phải chống lại các tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, việc vi phạm kỷ luật tài khóa thường chỉ được phép diễn ra trong thời gian ngắn (thường là một vài năm) và chính phủ các nước phải có lộ trình điều chỉnh các chương trình tài khóa nhằm đưa các chỉ tiêu về ngân sách và nợ công trở lại quỹ đạo như quy định.

Hiện nay, dưới nhiều hình thức khác nhau, Việt Nam đã có kỷ luật về nợ công, cán cân ngân sách, thu và chi ngân sách. Các mức giới hạn liên quan đến nợ công và thâm hụt ngân sách đã được thể chế hóa trong các văn bản của Chính phủ và Quốc hội. Trần nợ công và thâm hụt ngân sách dài hạn được xây dựng cho các kế hoạch kinh tế xã hội năm năm một lần. Các kế hoạch về thu và chi ngân sách được lập và phê duyệt hàng năm.

Mặc dù đã tồn tại ở nhiều dạng khác nhau nhưng việc thực thi kỷ luật tài khóa ở Việt Nam lại chưa nghiêm.

Các kỷ luật tài khóa luôn được đưa ra, điều chỉnh, rồi lại bị vi phạm mà không gắn với trách nhiệm của bất kỳ cơ quan hay cá nhân nào. Thậm chí, các kỷ luật tài khóa và tình hình tuân thủ chúng không được báo cáo, cập nhật thường xuyên một cách vô tình hay hữu ý. Các thước đo kỷ luật tài khóa hầu như chỉ được nhắc đến trong các phiên chất vấn Chính phủ tại các kỳ họp của Quốc hội. Do vậy, việc theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện kỷ luật ngân sách gặp rất nhiều khó khăn.

Có thể kể đến một số kỷ luật tài khóa quan trọng nhất của Việt Nam đang hoặc sắp bị vi phạm trong tương lai gần, như nợ công/GDP dự kiến vào khoảng 64%, tiến sát ngưỡng trần 65% theo quy định của Quốc hội; thâm hụt ngân sách theo quy định là 4,8% GDP mỗi năm nhưng thực tế đã lên tới 5,4% GDP vào năm 2012, 6,6% GDP vào năm 2013, và ước tính 5,3% GDP vào năm 2014; nghĩa vụ trả nợ/tổng thu ngân sách nhà nước là 22,6% trong năm 2013 và ước khoảng 26,7% vào năm 2014, chính thức vượt ngưỡng 25% theo quy định; thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2014 đã chính thức vượt chi đầu tư, phản ánh Chính phủ Việt Nam đã phải đi vay một phần để tài trợ cho tiêu dùng, vi phạm Luật Ngân sách nhà nước hiện hành…

Tất nhiên, trong một số trường hợp, việc điều chỉnh chỉ tiêu tài khóa theo hướng “tùy cơ ứng biến” nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực và bất ngờ đối với nền kinh tế trước các cú sốc là cần thiết. Nhưng về tổng thể, việc các kỷ luật tài khóa lần lượt bị vi phạm đang khiến cho vai trò của kỷ luật tài khóa trở nên mờ nhạt.

Để tăng tính tin cậy và tuân thủ kỷ luật tài khóa, trước tiên cần xây dựng được một hệ thống các kỷ luật tài khóa đầy đủ, chi tiết và thích hợp. Các thước đo kỷ luật tài khóa này cần hài hòa được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với an ninh tài chính, nhưng đồng thời phải ngăn chặn được các rủi ro tài khóa có thể phát sinh.

Các kỷ luật này cần được xây dựng và giám sát bởi Quốc hội. Chính phủ cần phải được yêu cầu minh bạch hóa thông tin về tình hình thực hiện các kỷ luật tài khóa thông qua các báo cáo định kỳ thường xuyên và cập nhật. Điều này không những thúc đẩy tính chính xác của công tác lập kế hoạch tài khóa mà còn giúp làm tăng khả năng giám sát của người dân và Quốc hội. Đồng thời, nó cũng chính là sức ép để Chính phủ thực hiện nghiêm các kỷ luật tài khóa đề ra, tránh xa rời mục tiêu ban đầu.

Quốc hội, với vai trò là người giám sát và đảm bảo sự tuân thủ kỷ luật tài khóa, không thể xuề xòa trong việc điều chỉnh và phê duyệt việc vi phạm kỷ luật tài khóa nếu không có những lý do chính đáng. Ngoài ra, việc bỏ phiếu tín nhiệm dưới hình thức nào đó đối với những người lập kế hoạch và thực thi tài khóa, từ cấp trung ương đến địa phương, cũng là sức ép cần thiết để nâng cao trách nhiệm đối với việc tuân thủ kỷ luật tài khóa.

Phạm Thế Anh/ Đại học Kinh tế Quốc dân

tbktsg



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Ngân sách Nhà nước bội thu 146 ngàn tỷ trong quý 1/2024

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu ngân sách Nhà nước quý 1/2024 ước tăng 9.8% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 8.3% so với cùng kỳ...

Đã có hơn 14,700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu áp dụng xuất hóa đơn điện tử

Chiều 25/03, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết toàn quốc có 14,727 cửa hàng bán lẻ xăng dầu áp dụng xuất hóa đơn điện tử, chiếm 92.2%.

Khởi tố và bắt tạm giam nữ giám đốc mua bán hóa đơn khống tới 730 tỷ đồng

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố vụ án mua bán hóa đơn khống và trốn thuế với tổng số tiền giao dịch lên tới 730 tỷ đồng, bắt một nữ giám đốc.

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để thực hiện hành vi lừa đảo...

Không thể khoanh nợ gần 1.000 tỷ đồng của Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình

Bộ Tài chính cho biết tổng số tiền nợ thuế của Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình đến hết tháng 11/2023 là 941,7 tỷ đồng.

Bộ Công Thương chỉ đạo hỏa tốc về việc thực hiện hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Ngày 18/3/2024, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các...

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Sẽ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết việc tính thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, Bộ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Muốn thay đổi phải sửa đổi...

Vasep kiến nghị xem xét giữ nguyên thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu

Vasep đề nghị giữ nguyên quy định về thuế cho dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% như quy định hiện hành để đảm bảo sự công bằng và năng lực cạnh tranh cho...

Doanh thu xổ số năm 2023 đạt 153.037 tỉ đồng, tăng tới 11%

Bộ Tài chính nêu rõ toàn bộ nguồn thu từ xổ số được nộp vào ngân sách địa phương và hằng năm được Quốc hội phê duyệt để chi cho đầu tư phát triển.

Bộ Tài chính: Tiến độ cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm

Theo Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm, không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng giao do còn nhiều hạn chế ở khâu...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98