Chật vật vì quy định ký quỹ

10/06/2015 10:27
10-06-2015 10:27:26+07:00

Chật vật vì quy định ký quỹ

Quy định về ký quỹ tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP đang khiến DN ngành thép “đứng ngồi không yên”.

Đa phần DN cho rằng, mức ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng sắt, thép phế liệu NK là quá cao. Ảnh: Trần Việt

Theo Nghị định 38, ngoài việc phải ký quỹ, tổ chức, cá nhân trực tiếp NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn phải đáp ứng các điều kiện về kho, bãi lưu giữ phế liệu NK; công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định; có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý; có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu NK không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Không chịu nổi mức 20%

Theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ 15-6-2015: Các DN, cá nhân NK sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu NK với mức dao động từ 10-20% tổng giá trị lô hàng. Cụ thể, với khối lượng NK dưới 500 tấn, DN phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu NK; khối lượng NK từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu NK và khối lượng NK từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Hiện nay, nhiều DN thép trên cả nước vẫn phải sử dụng nguồn thép phế liệu NK khá lớn bởi nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong bối cảnh hoạt động của các DN gặp nhiều khó khăn, đặc biệt hầu hết DN còn phải sử dụng vốn vay ngân hàng với mức lãi suất khoảng 10%/năm thì việc “gánh” 20% ký quỹ trên tổng giá trị mỗi lô hàng NK sẽ khiến DN thêm chật vật. Nhìn rộng ra trong tương quan chung, DN thép Việt Nam vốn đã chịu thiệt thòi bởi mức lãi suất vay ngân hàng cao hơn so với DN kinh doanh cùng ngành nghề của nhiều nước trên thế giới thì quy định bắt buộc DN ký quỹ này càng làm giảm sức cạnh tranh của DN.

Khẳng định mức ký quỹ tối đa lên tới 20% giá trị lô hàng sắt, thép phế liệu NK là quá lớn, ông Đỗ Xuân Chiểu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Pomina cho rằng, hầu hết DN sẽ không chịu nổi mức ký quỹ này. Theo ông Chiểu, hiện nay mỗi lô hàng NK của DN thường lên tới vài nghìn tấn thép phế liệu, đương nhiên sẽ vượt trên mức 1.000 tấn theo quy định và phải chịu mức ký quỹ cao nhất. Trung bình giá thép phế liệu NK là 250 USD/tấn. Nếu DN chỉ cần NK 2.000 tấn đã là 500.000 USD. Dễ thấy, số tiền DN phải chi thêm cho việc ký quỹ lên tới 100.000 USD.

Đề nghị giảm xuống 5-10%

Trên thực tế, theo Nghị định 38, lý do bắt buộc DN NK sắt, thép phế liệu phải ký quỹ tối đa lên tới 20% giá trị lô hàng là để bảo đảm phế liệu NK về Việt Nam là những mặt hàng được phép NK; đồng thời đảm bảo nếu có phát sinh những rủi ro như hàng có nguy cơ ô nhiễm môi trường, hàng giả, hàng lậu mà không ai nhận sẽ được tiếp nhận và xử lý bằng quỹ DN đã ký gửi…

Tuy nhiên, theo ông Sưa, hàng chục năm qua sắt, thép phế liệu được NK về, song số DN vi phạm các quy định, đặc biệt quy định liên quan tới vấn đề môi trường rất ít, không có lý nào vì “con sâu làm rầu nồi canh” mà gây khó khăn cho các DN.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện một số DN cho rằng: Các DN NK thép phế liệu về sản xuất chủ yếu là DN lớn, chi nhiều tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà máy, xí nghiệp. Số tài sản đó cũng đã đủ để chứng minh năng lực sản xuất, làm cơ sở đảm bảo DN không trốn tránh trách nhiệm nên không nhất định phải buộc DN ký quỹ với mức cao.

Bên cạnh mức ký quỹ tối đa tới 20% giá trị lô hàng, các DN còn đánh giá thủ tục thực hiện ký quỹ theo quy định tại Nghị định 38 cũng gây thêm gánh nặng cho DN. Cụ thể, Nghị định 38 nêu rõ: Các DN thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam, các ngân hàng thương mại nơi mình mở tài khoản giao dịch. Số tiền nộp là Việt Nam đồng và hưởng lãi suất không kỳ hạn từ ngày ký. Thời gian thực hiện hoàn tất ký quỹ là trước thông quan 15 ngày. Theo ông Sưa, nếu thực hiện đúng quy định, DN sẽ bị “giam” vốn. Điều này rất bất lợi khi phần lớn số vốn đó của DN lại lấy từ nguồn vay ngân hàng với mức lãi suất không hề nhỏ.

Đánh giá quy định buộc DN ký quỹ là cần thiết, tuy nhiên ông Sưa khẳng định, mức ký quỹ phải giảm xuống và thủ tục thực hiện ký quỹ cũng phải thay đổi cho phù hợp. “Để tháo gỡ khó khăn cho DN trong ngành, Hiệp hội Thép Việt Nam đã gửi công văn, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số quy định nêu trong Nghị định 38. Cụ thể, Hiệp hội đề xuất giảm mức ký quỹ xuống 5-10% tổng giá trị lô hàng phế liệu NK, đồng thời cho phép DN được thực hiện ký quỹ thông qua hình thức bảo lãnh của ngân hàng. Như vậy, DN chỉ phải chịu mức phí bảo lãnh, “nhẹ gánh” hơn nhiều so với chịu lãi suất đi vay”, ông Sưa nhấn mạnh.

Thanh Nguyễn

Hải Quan





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Xuất khẩu thép của Trung Quốc trong quý 1 tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2023

Trung Quốc đã xuất khẩu gần 26 triệu tấn thép trong quý 1/2024 - tăng 28% so với cùng kỳ năm trước đó - do cuộc khủng hoảng bất động sản làm giảm nhu cầu trong nước.

Yêu cầu rà soát tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp.

Trung Quốc yêu cầu Mỹ dừng tăng thuế với các sản phẩm thép và nhôm của nước này

Sau khi Tổng thống Joe Biden kêu gọi tăng thuế mạnh đối với các sản phẩm kim loại của Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, kêu gọi Mỹ ngay...

Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi tăng gấp 3 lần thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc

Nhà Trắng khẳng định việc tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm Trung Quốc là điều cần thiết cho an ninh quốc gia bởi lĩnh vực sản xuất thép là "xương sống" của...

Trung Quốc: Xuất khẩu thép quý 1 đạt gần 26 triệu tấn, tăng hơn 30% so với cùng kỳ

Trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản vẫn còn tiếp diễn và nhu cầu nội địa không hồi phục mạnh như dự báo, xuất khẩu các sản phẩm thép của Trung Quốc đạt mức cao...

Nhu cầu thép toàn cầu dự kiến tăng trở lại và ổn định trong năm 2024

Hiệp hội Thép Thế giới cho biết nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 1,7% lên 1,793 tỷ tấn trong năm 2024, và tăng 1,2% lên 1,815 tỷ tấn trong năm 2025.

Yêu cầu bổ sung thông tin hồ sơ chống bán phá giá với sản phẩm thép cán nóng

Sau khi doanh nghiệp bổ sung thông tin theo yêu cầu, Cục Phòng vệ Thương mại xem xét hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá sản phẩm thép cán...

Giá thép xây dựng giảm lần thứ 3 từ đầu năm

Các doanh nghiệp thép xây dựng lại tiếp “bài ca” giảm giá, với đợt điều chỉnh khoảng 100,000 đồng/tấn.

Cạnh tranh với Trung Quốc, Hòa Phát hạ giá bán thép HRC xuống 550 USD/tấn

Mới đây, hãng thép Hòa Phát (HOSE: HPG) đã hạ mạnh giá bán thép cuộn cán nóng (HRC) trong bối cảnh nhu cầu yếu và áp lực phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc.

Giá quặng sắt xuống đáy 10 tháng vì bất động sản Trung Quốc khủng hoảng

Giá quặng sắt rơi xuống mức thấp nhất trong 10 tháng khi hoạt động xây dựng của Trung Quốc vẫn rất ảm đạm, trong khi nguồn cung quặng sắt lại tăng vọt.

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98