Sửa Luật Hàng hải, đưa kinh tế biển lên vị trí số một

02/06/2015 09:02
02-06-2015 09:02:27+07:00

Sửa Luật Hàng hải, đưa kinh tế biển lên vị trí số một

Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật trao đổi với Báo Giao thông về những nội dung mới trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hàng hải VN. Theo ông Nhật, đây là cơ sở để đột phá, đưa kinh tế biển Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn số một của đất nước.

Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật

Bước khởi đầu để tạo đột phá kinh tế biển

Thưa ông, tại kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hàng hải VN. Theo ông đâu là tinh thần chung trong Dự thảo Luật lần này?

Bộ luật Hàng hải VN năm 2005 sau 10 năm triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, trong khi ngành Hàng hải đã cam kết mở cửa hội nhập toàn diện vào hoạt động kinh tế hàng hải toàn cầu. Chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2020 cũng xác định kinh tế biển từ sau năm 2020 là ngành kinh tế giữ vị trí số một quốc gia. Trong khi hiện nay, vận tải đường biển mới đảm nhiệm 17% tổng khối lượng hàng hóa vận tải nội địa, chưa tới 10% hàng hóa của Việt Nam đi quốc tế.

Để khắc phục những bất cập hiện nay, đưa kinh tế hàng hải lên vị trí số 1, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Và một trong những việc quan trọng là sửa đổi Bộ luật Hàng hải.

Quan điểm của cơ quan xây dựng Dự thảo luật là cần sửa đổi bổ sung một cách toàn diện, khắc phục được những bất cập trước đó, phải xây dựng Luật Hàng hải phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013, đặc biệt đưa ra những chính sách mang tính đột phá, cải cách để ngành Hàng hải phát triển, xứng tầm với một quốc gia biển.

Theo ông, dự thảo sửa đổi lần này có những quy định nào mới, mang tính đột phá?

Trước hết, đó là quy định về Ban quản lý và khai thác cảng biển. Đây là nội dung đột phá nhất trong tất cả các nội dung sẽ sửa đổi. Theo đó, Ban quản lý và khai thác cảng là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng. Ban quản lý này được thực hiện một số chức năng quản lý Nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao.

Luật cũng giao Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức này cũng như việc áp dụng mô hình tổ chức Ban quản lý và khai thác cảng tại cảng biển Việt Nam.

Ông có thể cho biết rõ hơn, vì sao đây lại là quy định mang tính đột phá nhất?

Quy định này xuất phát từ thực tế, tại mỗi một khu vực cảng biển hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư khai thác bến cảng dẫn đến tình trạng dư thừa công suất như đã xảy ra tại cảng Cái Mép - Thị Vải. Nếu không có sự kết hợp khai thác sử dụng vùng nước cảng và vùng đất hậu cần sau cảng thì không khai thác được hết hiệu quả kinh tế của khu vực cảng biển.

Dự thảo sửa đổi bổ sung Bộ luật Hàng hải lần này đã bổ sung thêm 108 điều (từ 261 điều hiện tại tăng lên 366 điều). Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã sửa đổi 107 điều.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đầu tư, khai thác cảng trong cùng một khu vực mà mạnh ai nấy làm, tìm mọi cách thu hút hàng hoá đến bến cảng của mình sẽ tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến tình hình khai thác cảng chung. Vì vậy, cần có một tổ chức để điều phối, quản lý chung khu vực cảng biển để khắc phục những tồn tại nói trên.

Mô hình Ban quản lý này, thực tế các nước trên thế giới đã áp dụng rất phổ biến từ hàng chục năm nay và rất có hiệu quả. Tại nhiều quốc gia, họ vẫn gọi đó là “Chính quyền cảng biển”.

Được biết, dự thảo cũng bổ sung quy định về quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách theo hướng tạo điều kiện để thu hút các nguồn vốn đầu tư khác. Xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?

Đúng vậy. Bộ Luật lần này đã bổ sung các quy định về hình thức chuyển nhượng, cho thuê, nhượng quyền khai thác từng phần, toàn bộ hoặc các hình thức phù hợp khác nhằm huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển.

Mỗi khu vực cảng biển sẽ có một ban quản lý và khai thác cảng để loại bỏ việc cạnh tranh không lành mạnh - Ảnh: Thanh Bình

Nhiều thủ tục không cần thiết được bãi bỏ

Thưa ông, còn những quy định nào nữa của bộ Luật được sửa đổi, bổ sung, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp?

Những quy định được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật lần này, đã bao quát được hết các vấn đề xảy ra trong hoạt động kinh tế hàng hải. Ngoài những nội dung chính sách đột phá về thể chế, chính sách phát triển kinh tế biển, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, còn rất nhiều nội dung giúp mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp. Tôi cho rằng, Dự thảo lần này đã giải quyết được những vấn đề mà cuộc sống đòi hỏi.

Ví dụ, việc có đưa định nghĩa ụ nổi vào Bộ luật sửa đổi hay không? Thực tế là đến nay ụ nổi không được định nghĩa rõ ràng là tàu biển hay không phải tàu biển nên dẫn đến nhiều hệ luỵ. Nó là cái gì thì phải nói cho rõ ra, không mập mờ, không né tránh. Sửa luật là để đáp ứng được những vấn đề của thực tiễn cuộc sống đặt ra. Do đó định nghĩa ụ nổi đã được đưa vào luật.

Trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo Bộ GTVT đã nhấn mạnh đến việc cải cách hành chính khi xây dựng dự thảo. Ông có thể cho biết, một số nội dung cụ thể?

Một trong những nguyên tắc xuyên suốt được Ban soạn thảo quán triệt trong toàn bộ nội dung sửa đổi, bổ sung là phải đặc biệt chú ý đến cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động giao thông hàng hải. Vì thế, rất nhiều quy định trước đây, xét thấy không cần thiết đã được Ban soạn thảo mạnh dạn bãi bỏ.

Chẳng hạn, hiện nay, hộ chiếu thuyền viên không thay thế được hộ chiếu phổ thông nên cùng lúc thuyền viên phải mang hai loại hộ chiếu. Dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định việc yêu cầu thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam phải có hộ chiếu thuyền viên. Đây là một quy định đột phá về cải cách hành chính.

Hay quy định về hoa tiêu hàng hải, dự thảo đã bổ sung quy định ba trường hợp được miễn sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải. Việc bãi bỏ này nhằm tạo thuận lợi cho các chủ tàu Việt Nam không phải mất chi phí cho hoa tiêu dẫn tàu vì trên thực tế các thuyền trưởng của các tàu này đều có thể tự dẫn tàu. Bên cạnh đó còn rất nhiều các thủ tục hành chính khác được điều chỉnh, bãi bỏ để phù hợp với thực tế cuộc sống.

Cảm ơn ông!

Phương Anh

báo giao thông



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Cấp 'tín chỉ xanh' đối với các nhà máy sử dụng năng lượng sạch

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết

Tính đến cuối tháng Ba, vẫn còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết, thậm chí 15 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%.

Vì sao ngành điện muốn áp giá hai thành phần?

Với cách tính hiện nay, hai khách hàng dùng cùng lượng điện, tiền trả như nhau, nhưng chi phí nhà đèn bỏ ra cho họ chưa được phản ánh chính xác, theo chuyên gia.

Thủ tướng đề nghị Apple mở rộng kinh doanh và xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu

Sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple của Hoa Kỳ - công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư nước ngoài lớn...

Điện mặt trời mái nhà dư thừa: Phát lên lưới giá 0 đồng, không được tính tiền

Điện mặt trời mái nhà chỉ được tự dùng, không được bán cho cá nhân, tổ chức khác. Nếu không dùng hết, phát lên lưới chỉ được ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng...

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An bị bắt: DN vài tỷ vốn tăng gấp 200 lần, nổi lên nhờ cầu đường

Từ một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm trở lại đây Thuận An đã lớn nhanh như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần lúc mới...

Nhiều tiệm vàng tại TP HCM bất ngờ đóng cửa

Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết sẽ tiếp tục đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn thành phố

Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng...

Ứng phó thế nào trước làn sóng thép ngoại tràn vào?

"Việc suy giảm thị phần nội địa của ngành sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước là có. Việc mất 1/3 thị phần trong chưa đầy 1 năm là một trong những tín hiệu đáng...

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam bằng máy bay riêng

CEO Apple Tim Cook dự kiến có nhiều hoạt động trong 2 ngày 15 và 16-4 tại Việt Nam, trong đó sẽ gặp mặt một số nhà sáng tạo nội dung


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98