TPP: Mỹ muốn Việt Nam giảm nhập vải sợi từ Trung Quốc

25/06/2015 07:47
25-06-2015 07:47:19+07:00

TPP: Mỹ muốn Việt Nam giảm nhập vải sợi từ Trung Quốc

Nhằm hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu trong nước, Mỹ quy định các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải cắt giảm nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. Theo tờ Wall Street Journal, đề xuất này của Mỹ đang vấp phải sự phản đối từ doanh nghiệp và giới chức nhiều nước tham gia TPP vì làm như vậy sẽ dẫn tới gián đoạn các chuỗi phân phối toàn cầu.

Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất hàng may mặc của công ty Esquel Group ở Thuận An, Bình Dương - Ảnh: Bloomberg

Ngày 24/6, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật trao quyền đàm phán nhanh các thỏa thuận thương mại, trong đó có TPP, cho Tổng thống Barack Obama. Trước đó, TPP đã vấp phải không ít chỉ trích ở Mỹ do lo ngại hiệp định này sẽ khiến người lao động Mỹ mất việc làm.

Để đạt mục tiêu hỗ trợ người lao động Mỹ, các nhà đàm phán thương mại nước này đang đề nghị Việt Nam, một nước xuất khẩu lớn các sản may mặc, giảm phụ thuộc vào vải vóc nhập khẩu từ Trung Quốc - nước không tham gia TPP - để đổi lấy ưu đãi khi tiếp cận thị trường Mỹ.

Đề xuất này nhằm mở ra thị trường mới tại Việt Nam cho ngành công nghiệp dệt của Mỹ, lĩnh vực sử dụng 1,4 triệu lao động và đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD trong năm 2014.

“Mỹ và Mexico là những nước sản xuất hàng dệt rất lớn. Việt Nam sẽ phải chuyển sang mua vải sợi của Mỹ và Mexico, từ chỗ mua của Trung Quốc”, bà Eliza Levy, phát ngôn viên Hội đồng Quốc gia Các tổ chức ngành dệt Mỹ, phát biểu.

Tuy vậy, các thương hiệu thời trang của Mỹ phản đối đề xuất này vì cho rằng làm như vậy là không tính đến sự phức tạp của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ nhì các mặt hàng may mặc và giày dép sang Mỹ, chỉ sau Trung Quốc, với mức kim ngạch 13,1 tỷ USD trong năm 2014. Tuy vậy, Việt Nam chỉ sản xuất được lượng vải sợi đáp ứng 1/5 nhu cầu và phải mua 4,7 tỷ USD vải sợi từ Trung Quốc.

Các thương hiệu thời trang muốn được nhập miễn thuế vào Mỹ tất cả các mặt hàng sản xuất tại các nước tham gia TPP, bất luận vải để may sản phẩm được sản xuất ở đâu. Đàm phán TPP có thể cắt giảm thuế suất mà Mỹ đánh vào nhiều mặt hàng dệt may và giày dép của Việt Nam xuất khẩu sang nước này xuống 0% từ mức 7-32%.

Bà Julia Hughes, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp thời trang Mỹ, nói các nhà xuất khẩu vải sợi Mỹ sẽ không đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu về số lượng của Việt Nam, buộc các nhà sản xuất hàng may mặc của Việt Nam tiếp tục phụ thuộc vào nguồn hàng từ Trung Quốc.

Theo bà Hughes, với quy định của Mỹ hiện tại, các nhà xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sẽ không được hưởng nhiều chính sách miễn thuế khi vào thị trường Mỹ.

Ngành công nghiệp may mặc của Mỹ lập luận rằng thương mại tự do sẽ giúp ích cho họ - lĩnh vực sử dụng 3 triệu lao động, bao gồm đội ngũ đông đảo các nhà thiết kế và nhân viên bán lẻ. Tuy nhiên, trong Quốc hội Mỹ, cuộc tranh cãi xung quanh việc liệu tự do thương mại có gây mất việc làm đã khiến TPP trở thành một vấn đề căng thẳng.

Các nhà đàm phán Mỹ thì quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình. Phó đại diện thương mại Mỹ Trevor Kincaid nói TPP “sẽ đem đến những cơ hội mới cho các doanh nghiệp ở Mỹ, bao gồm cơ hội liên quan tới lĩnh vực dệt may ở Việt Nam”.

Theo ông Kincaid, chính quyền Tổng thống Barack Obama “chủ trương giành thỏa thuận tốt nhất có thể cho người lao động và lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ”.

Việt Nam cũng có ý tưởng của riêng mình. Hiện Việt Nam đang nỗ lực nhanh chóng phát triển công nghiệp dệt trong nước nhằm vượt qua những trở ngại trong TPP.

“Việt Nam đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu ngành may mặc từ Trung Quốc nhằm tận dụng tốt hơn TPP”, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ thuộc Bộ Công Thương nói. Tuy vậy, ông Dũng cho rằng các nhà sản xuất hàng dệt của Mỹ khó có cơ hội nếu Việt Nam giảm nhập vải vóc của Trung Quốc.

Gần đây, các công ty từ Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan đã chi hàng trăm triệu USD để mở nhà máy dệt ở Việt Nam với hy vọng sau này sẽ được hưởng thuế suất bằng 0 khi vào thị trường Mỹ.

Công ty TAL Apparel có trụ sở ở Hồng Kông đang xây một nhà máy dệt 240 triệu USD ở Việt Nam, dự kiến hoàn thành vào năm 2017, nhằm đáp ứng nhu cầu 2 nhà máy sản xuất hàng dệt may của công ty này tại đây.

Ông Roger Lee, Giám đốc điều hành của TAL Apparel, nói sẽ mất 5 năm để công nghiệp dệt của Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu của ngành may mặc trong nước. Cũng theo ông Lee, các nhà cung cấp vải của Mỹ có mức giá đắt đỏ mà lại quá xa khu vực châu Á để có thể cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc cũng đang chuyển nhà máy tới Việt Nam do tiền lương ở Trung Quốc đang tăng và cũng để đón đầu cơ hội mà TPP mang lại.

Youngor Group, một công ty may mặc Trung Quốc có nhà máy ở Nam Định, đang muốn mua thêm vải nguyên liệu từ Việt Nam thay vì nhập từ chính nhà máy của công ty ở Trung Quốc, nhằm được hưởng thuế suất bằng 0 khi vào Mỹ một khi TPP được thực thi.

Một báo cáo mới đây của Quốc hội Mỹ nói rằng ngành dệt của Việt Nam nếu phát triển đủ nhanh thậm chí có thể cạnh tranh với Mỹ về xuất khẩu các sản phẩm dệt sang Mexico, quốc gia cũng tham gia TPP.

Dưới áp lực của các thương hiệu thời trang Mỹ, TPP cho phép Việt Nam tiếp tục nhập từ bất kỳ quốc gia nào các loại vải và sợi trong một “danh sách thiếu hụt nguồn cung”. Đây là danh sách các mặt hàng đầu vào không được sản xuất đủ số lượng ở các nước trong TPP.

Theo bà Hughes, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp thời trang Mỹ, danh sách này quá hạn chế và sẽ ảnh hưởng bất lợi tới các thương hiệu thời trang Mỹ.

Điệp Vũ

vneconomy





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Cấp 'tín chỉ xanh' đối với các nhà máy sử dụng năng lượng sạch

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết

Tính đến cuối tháng Ba, vẫn còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết, thậm chí 15 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%.

Vì sao ngành điện muốn áp giá hai thành phần?

Với cách tính hiện nay, hai khách hàng dùng cùng lượng điện, tiền trả như nhau, nhưng chi phí nhà đèn bỏ ra cho họ chưa được phản ánh chính xác, theo chuyên gia.

Thủ tướng đề nghị Apple mở rộng kinh doanh và xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu

Sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple của Hoa Kỳ - công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư nước ngoài lớn...

Điện mặt trời mái nhà dư thừa: Phát lên lưới giá 0 đồng, không được tính tiền

Điện mặt trời mái nhà chỉ được tự dùng, không được bán cho cá nhân, tổ chức khác. Nếu không dùng hết, phát lên lưới chỉ được ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng...

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An bị bắt: DN vài tỷ vốn tăng gấp 200 lần, nổi lên nhờ cầu đường

Từ một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm trở lại đây Thuận An đã lớn nhanh như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần lúc mới...

Nhiều tiệm vàng tại TP HCM bất ngờ đóng cửa

Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết sẽ tiếp tục đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn thành phố

Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng...

Ứng phó thế nào trước làn sóng thép ngoại tràn vào?

"Việc suy giảm thị phần nội địa của ngành sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước là có. Việc mất 1/3 thị phần trong chưa đầy 1 năm là một trong những tín hiệu đáng...

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam bằng máy bay riêng

CEO Apple Tim Cook dự kiến có nhiều hoạt động trong 2 ngày 15 và 16-4 tại Việt Nam, trong đó sẽ gặp mặt một số nhà sáng tạo nội dung


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98