Crimea đang trở thành “đứa con hư” của Nga

24/07/2015 21:36
24-07-2015 21:36:00+07:00

Crimea đang trở thành “đứa con hư” của Nga

2/3 ngân sách mà Moscow cấp cho Crimea trong năm 2014 đã “biến mất” mà không để lại dấu vết gì...

Khi sáp nhập Crimea - bán đảo ly khai khỏi Ukraine - vào Nga hồi tháng 3/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin ví sự kiện này như chuyện một gia đình chào đón người thân đi xa lâu ngày trở về.

Tuy nhiên, “gia đình” này giờ đây đang có những dấu hiệu của sự căng thẳng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Bloomberg/Getty.

Thế khó của Nga

Theo hãng tin Bloomberg, cơ quan an ninh liên bang Nga FSB mới đây đã mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào ba quan chức cấp cao của chính quyền Crimea, cáo buộc những người này phạm tội tham nhũng và các tội danh khác.

Chỉ trong vòng mấy tháng qua, 4 thành viên nội các vùng Crimea đã bị cách chức vì nghi án tham nhũng.

Vào tháng 6, các nhà kiểm toán của điện Kremlin cho hay, 2/3 ngân sách mà Moscow cấp cho Crimea trong năm 2014 đã “biến mất” mà không để lại dấu vết gì.

Thống đốc Crimea Sergey Aksyonov, người đắc cử vào tháng 4/2014 với sự hậu thuẫn của Tổng thống Putin, đã phản ứng gay gắt trước những cáo buộc trên.

Trong một bài phát biểu trước các bộ trưởng trong nội các Crimea hôm 7/7, ông Aksyonov cáo buộc Moscow tìm cách “gây bất ổn” ở Crimea và sử dụng những bằng chứng “ngụy tạo” để chống lại những người đang bị điều tra - bao gồm một bộ trưởng chính sách công nghiệp vùng, chánh thanh tra thuế, và giám đốc cảng Yalta.

“Không ai có thể biến các quan chức của chúng ta thành nạn nhân được”, ông Aksyonov tuyên bố.

Quan ngại về tham nhũng và sai lầm trong quản lý ở Crimea không phải là những vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Tổng thống Putin vào thời điểm Aksyonov lên nắm quyền ở bán đảo này - theo GS. Robert Orttung thuộc Trường Quan hệ quốc tế Elliott, Đại học George Washington, Mỹ.

Ông Orttung cho rằng, vào thời điểm đó, Moscow đơn giản chỉ muốn đảm bảo rằng nhà lãnh đạo mới của Crimea sẽ trung thành với điện Kremlin. Nhưng giờ đây, theo vị giáo sư, “lãnh đạo Crimea đang ra khỏi tầm kiểm soát” của Moscow.

Chính quyền Aksyonov đã tiến hành một chiến dịch quốc hữu hóa cưỡng chế, thông qua luật trao cho mình quyền lực lớn hơn trong việc tịch thu các công ty, bất động sản và các tài sản tư nhân khác.

Công dân Nga nằm trong số những người bị thu tài sản và các tòa án Nga đã tiếp nhận một lượng đơn kiện lớn của những người muốn đòi lại tài sản. Chính quyền Crimea nói việc cưỡng chế tịch thu tài sản kết thúc vào tháng 3, nhưng đến thời điểm đó, các nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi vùng này và nền kinh tế rơi vào trì trệ.

Điều này đặt Moscow vào thế khó. Hiện Chính phủ Nga đang là nguồn cung cấp 75% ngân sách cho chính quyền Crimea, cùng với trợ cấp lương hưu và các chế độ khác cho người dân địa phương.

Trong bối cảnh như vậy, những cáo buộc về tham nhũng ở Crimea đặt ra những câu hỏi liệu điện Kremlin sẽ duy trì như thế nào lời hứa viện trợ 18 tỷ USD cho Crimea trong vòng 5 năm tới.

Theo dự kiến, số tiền này sẽ được sử dụng cho phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng, bao gồm xây dựng một cây cầu nối giữa Crimea và đại lục Nga.

“Nguyên tắc cuộc chơi”

Cuộc điều tra của FSB có thể phản ánh nỗ lực của điện Kremlin nhằm kiểm soát “những lá van tham nhũng chính” ở Crimea, theo ông Andrew Foxall, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga tại tổ chức Henry Jackson Society ở London.

Vị trí chiến lược của Crimea bên bờ biển Đen khiến bán đảo này trở thành “một trong những cửa ngõ chính của nền kinh tế ngầm”, bao gồm buôn lậu vũ khí và thuốc lá, theo ông Foxall. Cuộc điều tra của FBS nhằm vào giám đốc cảng Yalta có thể phản ánh một cuộc chiến nhằm giành quyền kiểm soát cảng biển này.

Những cáo buộc về nạn tham nhũng tràn lan ở Crimea cũng có thể tạo cho Moscow một cái cớ để cắt giảm một phần khoản viện trợ 18 tỷ USD đã hứa dành cho Crimea. Giữ lời hứa đó không phải là một việc dễ, nhất là khi nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái và đồng Rúp đã mất giá khoảng 50% so với đồng USD kể từ thời điểm Crimea sáp nhập vào Nga.

Trước đây, điện Kremlin đã từng thất bại trong việc giữ lời hừa viện trợ cho các vùng khác, chẳng hạn vùng Viễn Đông. Moscow hứa viện trợ cho vùng này 23 tỷ USD trong thời gian từ năm 2007-2013, nhưng chỉ thực hiện được một phần rất nhỏ so với con số cam kết.

Hiện tại, Aksyonov, lãnh đạo vùng Crimea, và các đồng minh của ông đang tỏ ra cứng rắn.

“Chúng ta không sáp nhập vào Nga để phải hứng chịu những điều khủng khiếp mà chúng tôi đã từng phải trải qua khi Crimea còn thuộc về Ukraine”, nghị sỹ Sergei Shuvaynik của Crimea phát biểu trước nghị viện của vùng mới đây.

Nhưng xét cho cùng, theo ông Foxall, các quan chức Crimea sẽ phải lựa chọn giữa “nghe lời” điện Kremlin hoặc là chịu mất việc. “Đây là nguyên tắc của cuộc chơi mà Crimea đăng ký tham gia” khi bỏ phiếu ly khai khỏi Ukraine.

“Giờ thì họ mới nhận ra điều này”, ông Foxall nói.

An Huy

vneconomy





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98