CTCP Xi măng và VLXD Cầu Đước (Nghệ An): Sóng gió từ sau cổ phần hóa

26/08/2015 09:42
26-08-2015 09:42:44+07:00

CTCP Xi măng và VLXD Cầu Đước (Nghệ An): Sóng gió từ sau cổ phần hóa

Những vụ tiêu cực, những cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực kéo dài và cuối cùng là sự thao túng của cá nhân sau khi nắm tỷ lệ cổ phần chi phối đã đẩy đại đa số công nhân, những cổ đông nhỏ lẻ đến bước đường cùng… Sau màn “phù phép” tăng vốn điều lệ, Chủ tịch HĐQT bất ngờ cho giải thể nhà máy để lấy đất làm dự án bất động sản, cuộc sống của hàng trăm công nhân và tương lai Nhà máy Xi măng Cầu Đước có nguy cơ đóng cửa!

 

Công nhân căng băng rôn phản đối tại cổng Nhà máy Xi măng Cầu Đước.

Từ một doanh nghiệp giàu truyền thống

Công ty Cổ phần Xi măng & VLXD Cầu Đước (gọi tắt là Công ty Cầu Đước) tiền thân là Nhà máy Xi măng Cầu Đước, được thành lập năm 1958. Đây là một trong những doanh nghiệp giàu thành tích nhất của tỉnh Nghệ An, từng được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; cá nhân Giám đốc nhà máy từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2001, Nhà máy chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Xi măng & VLXD Cầu Đước với vốn điều lệ ban đầu là 5,3 tỷ đồng. Khi cổ phần hóa, công ty phát hành 53.000 cổ phần mệnh giá 100.000đ, trong đó, Nhà nước nắm giữ tỷ lệ 30%. Đáng chú ý, toàn bộ diện tích đất sử dụng của công ty là 4,5 ha không được đưa vào tài sản để định giá.

Từ năm 2001 đến năm 2011, công ty luôn kinh doanh có lãi và trả cổ tức đều đặn cho cổ đông. Trong đó năm 2004, thặng dư vốn của công ty tăng 2,9 tỷ đồng và đã được phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 8,2 tỷ; năm 2007, công ty tiếp tục chia thưởng cho cổ đông bằng cổ phiếu và nâng vốn điều lệ lên 10 tỷ đồng. Từ năm 2008 đến năm 2011, hàng năm công ty đều chi trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu trên vốn điều lệ 10 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2011, số lao động của Công ty CP Xi măng & VLXD Cầu Đước là 198 người, sản xuất và tiêu thụ 46.200 tấn xi măng, gạch block, gạch terra zzo, ngói màu, đạt doanh thu 58,5 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1,85 tỷ đồng, nộp bảo hiểm các loại 1,61 tỷ đồng, chi trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 10% bằng tiền mặt.

Thế nhưng từ năm 2007 sóng gió bắt đầu nổi lên khi UBND tỉnh Nghệ An quyết định bán toàn bộ phần vốn nhà nước cho Công ty TNHH Hà Thành (trụ sở đóng tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) do ông Phan Huy Lệ làm Giám đốc. Tại Đại hội cổ đông nhiệm kỳ III (2007 - 2012), ông Phan Huy Lệ được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Tranh giành quyền lực

Ngay sau khi trở thành Chủ tịch HĐQT, ông Phan Huy Lệ đã lập tức cho sa thải 42 cán bộ, công nhân từng có nhiều năm gắn bó với nhà máy và vẫn đang sở hữu cổ phần của công ty khiến cho những người này không có công ăn việc làm, rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Ngoài ra, ông Phan Huy Lệ còn can thiệp vào những công việc chuyên môn của Giám đốc điều hành, đơn cử như chỉ đạo bằng văn bản buộc Giám đốc Công ty Cầu Đước phải mua bao bì của Công ty Hà Thành (là công ty do ông Lệ làm Giám đốc). Ngày 06/5/2007, ông Phan Huy Lệ ra thông báo về việc tăng vốn điều lệ Công ty Cầu Đước từ 10 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng. Thông báo ghi rõ: “Hình thức huy động vốn là phát hành cổ phiếu bằng mệnh giá bán cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ vốn góp. Thời gian cổ đông đăng ký và nộp tiền từ ngày 7/5 đến 18/5/2007. Quá thời gian trên số cổ phần cổ đông mua không hết, HĐQT sẽ bán tiếp cho các cổ đông có nhu cầu không hạn chế tỷ lệ…”.

Chủ trương này của ông Phan Huy Lệ không nhận được sự đồng thuận của 4 thành viên HĐQT còn lại cũng như đa số cổ đông nhỏ lẻ. Vì có nhiều ý kiến cho rằng, quyết định tăng vốn này của ông Chủ tịch HĐQT không tuân thủ quy trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản đúng như quy định của Luật Doanh nghiệp; đa số cổ đông nhỏ lẻ (chủ yếu là công nhân) đang có hoàn cảnh khó khăn nên trong một thời hạn quá ngắn không thể kiếm đủ tiền để mua cổ phiếu phát hành thêm. Hơn nữa, mới trước đó không lâu, công ty vừa tăng vốn điều lệ từ 8,2 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng.

Bức xúc trước sự lạm quyền của tân Chủ tịch HĐQT, ngày 14/6/2007, các thành viên HĐQT còn lại gồm 4 người đã triệu tập một cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường (có hơn 65% cổ đông tham gia, không có mặt ông Phan Huy Lệ). Tại cuộc họp này, các cổ đông đã biểu quyết thông qua việc cách chức Chủ tịch HĐQT đối với ông Phan Huy Lệ, đồng thời bầu ông Lê Thanh Minh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành.

Công nhân phản đối việc giải thể nhà máy.

Vụ án chấn động thành Vinh và phiên toà hoãn vô thời hạn

Vừa mới lên nắm quyền được hơn 3 tháng đã bị lật đổ, ông Phan Huy Lệ gửi đơn khiếu nại đến UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng cho rằng, việc cách chức Chủ tịch HĐQT đối với ông là bất hợp pháp, đồng thời ông Lệ tố cáo ban lãnh đạo Công ty Cầu Đước từ năm 2001 đến năm 2007 có nhiều dấu hiệu tham ô tài sản.

UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý vụ việc. Tuy nhiên, sau khi vào cuộc, nhận thấy theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, cuộc Đại hội cổ đông bất thường có sự tham dự của hơn 65% cổ đông đã biểu quyết thông qua quyết định cách chức Chủ tịch HĐQT đối với ông Phan Huy Lệ và bầu ông Lê Thanh Minh làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành là hợp pháp, nên cơ quan chức năng chỉ điều tra xử lý nội dung tố cáo tham ô tài sản.

Ngày 12/12/2007, cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án; ngày 14/12/2007, tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Xuân Hoan, Phó Trưởng phòng Thị trường của Công ty Cầu Đước về tội: “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản”. Một thời gian sau Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục khởi tố ông Lê Thanh Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty; ông Đặng Quang Sửu, nguyên Kế toán trưởng; bà Phạm Thị Trà, Kế toán trưởng về tội: “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Thông tin này được công bố đã gây chấn động tỉnh Nghệ An.

Ngày 14/4/2010, Tòa án nhân dân TP Vinh đưa vụ án ra xét xử. Căn cứ vào kết luận điều tra, cáo trạng của Viện KSND TP Vinh đã đề nghị truy tố một loạt bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo Công ty Cầu Đước với tội danh tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Thế nhưng Đảng ủy, Công đoàn và hàng trăm cán bộ công nhân Công ty Cầu Đước đã gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng bày tỏ sự không đồng tình với kết luận của cơ quan điều tra cũng như bản cáo trạng của VKSND TP Vinh. Hàng trăm công nhân đến dự phiên tòa lên tiếng bênh vực các bị cáo. Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An cũng đưa ra những chứng cớ và lập luận chứng minh rằng, các bị cáo đã thực hiện đúng các quy định mà điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp cho phép trong vấn đề chi tiếp khách và trả hoa hồng cho người có công tiếp thị bán hàng. Sau nhiều cuộc hội ý, cuối cùng Tòa án nhân dân TP Vinh đã quyết định hoãn phiên tòa, trả lại hồ sơ cho Viện kiểm sát. Từ đó đến nay vụ án hoàn toàn chìm lắng.

Thế nhưng, bàn cờ dường như đã đổi chiều khi mới đây, bằng mọi cách, ông Phan Huy Lệ đã thu gom mua được 51% cổ phần và trở lại nắm quyền Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên tới bạn đọc.

Anh Tuấn - Hoàng Hảo

báo xây dựng



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thoái vốn tại VIMC, MobiFone, VRG: Có thể thu về 50.000 tỷ đồng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có tờ trình Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại 3 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Sau IPO, Chứng khoán DNSE hướng tới mục tiêu vốn hóa 3 tỷ USD

Chiều ngày 18/01/2024, CTCP Chứng khoán DNSE đã tổ chức buổi Hội thảo (Roadshow) cơ hội đầu tư vào DNSE, nhằm cung cấp thông tin cho nhà đầu tư về đợt IPO chào bán...

Thấy gì từ sự kiện IPO của công ty chứng khoán công nghệ đầu tiên?

Với những nền tảng được xây dựng vững chắc và độc đáo, DNSE một khi niêm yết thành công hứa hẹn sẽ là “tay chơi” có dư địa phát triển khổng lồ trên thị trường chứng...

Chứng khoán DNSE sẽ làm gì sau khi IPO?

IPO thành công sẽ góp phần gia tăng nhận diện thương hiệu, nâng cao giá trị công ty, đảm bảo lợi ích cho cổ đông, đồng thời mở ra cánh cửa huy động thêm những nguồn...

Chứng khoán DNSE khép lại 5 năm vắng bóng các công ty chứng khoán IPO

Chứng khoán DNSE vừa thông báo sẽ tiến hành chào bán 30 triệu cổ phiếu lần đầu ra công chúng nhằm huy động 900 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán công nghệ đầu...

­Sáng nay, cổ phiếu BCR của BCG Land chính thức lên sàn UPCoM

Sáng ngày 8/12, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ diễn ra lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu Công ty Cổ phần BCG Land trên...

Cổ phiếu BCR của BCG Land sẽ giao dịch ngày đầu tiên trên UPCoM vào 8/12

Ngày 1/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo 460 triệu cổ phiếu mã BCR của Công ty Cổ phần BCG Land sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM vào ngày...

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Giậm chân tại chỗ vì nhà đầu tư sợ rủi ro

Dù cơ quan chức năng đưa ra nhiều giải pháp nhưng tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày càng chậm. Thực trạng này xuất phát từ tâm lý sợ sai của...

Đề xuất bảo vệ nhà đầu tư mua vốn cổ phần hóa

Một số nhà đầu tư phản ánh rất ngần ngại khi mua phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hoá do rủi ro pháp lý quá lớn. Vì vậy, VCCI đề nghị nghiên cứu bổ...

'Nhà đầu tư ngại mua doanh nghiệp cổ phần hóa vì rủi ro pháp lý lớn'

Một số nhà đầu tư mua phần vốn cổ phần hóa qua đấu giá nhưng khi có sai sót nội bộ từ bên bán lại phải hủy giao dịch, trả lại tài sản, theo VCCI.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98