12 sai lầm thường gặp trong đầu tư chứng khoán

21/09/2015 09:54
21-09-2015 09:54:00+07:00

12 sai lầm thường gặp trong đầu tư chứng khoán

Dù bạn là một nhà đầu tư lâu năm hay một người vừa mới tham gia thị trường chứng khoán thì cũng cần lưu ý 12 sai lầm dễ mắc phải sau đây về giá cổ phiếu. 12 điều này nằm trong một chương của cuốn sách “One Up on Wall Street” của tác giả Peter Lynch.

 

1. “Mã đó đã giảm nhiều như thế rồi thì làm sao mà có thể giảm hơn được nữa”

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, khi giá cổ phiếu của tập đoàn Citigroup giảm từ 50 USD xuống chỉ còn 20 USD, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã cho rằng đây là mức giá rẻ vô căn cứ và không thể thấp hơn được. Sau đó không lâu, giá cổ phiếu của Citigroup chỉ còn 1 USD.

Đừng cố gắng “bắt dao rơi” vì thế nào rồi chính NĐT sẽ là người chịu đau nhiều nhất. Rất nhiều NĐT đã phải trả một cái giá rất đắt khi cho rằng “giá mã này đã chạm đáy và không thể rẻ hơn được”.

2. “Anh chắc với chú mã đấy chạm đáy rồi. Đợi gì mà không bắt?”

Một cú bắt đáy thành công quả thật sẽ mang lại một khoản hời cho NĐT. Nhưng thực tế cho thấy, đa phần những NĐT cố gắng bắt đáy lại chính là người mắc câu vì không ai có thể khẳng định chắc chắn một mã đã chạm đáy hay chưa.

Vậy trở lại với câu chuyện cũ, nên làm gì trước một con dao đang rơi? Cứ để cho nó cắm yên xuống đất đã, chờ một tý cho chắc chắn rồi hãy bình tĩnh mà nhặt lên.

3. “Cổ đó tăng mấy phiên liền rồi, không tăng nữa đâu”

Người viết bài này đã phải ngậm ngùi ăn quả đắng cho nhận định này khi bán một khoản đầu tư và rồi nhìn nó tăng gấp 10 lần sau đó. Một logic rất đơn giản, nếu muốn kiếm lời 10 lần thì phải giữ đến khi cổ phiếu tăng 10 lần. Thực tế, nhiều NĐT đã vội bán đi một món hời tiềm năng do suy nghĩ trên.

Cách duy nhất để không bị mong muốn chốt lời ảnh hưởng là cố gắng bình tĩnh và chọn đầu tư vào những mã với nền tảng hoạt động kinh doanh vững mạnh, có nhiều tiềm năng vượt trội so với thị trường. Vì sau cùng thì giá cổ phiếu cũng sẽ phản ánh đúng khả năng hoạt động của công ty, và khi ấy là lúc NĐT có thể hưởng trọn vẹn phần tăng giá.

Câu chuyện nắm giữ cổ phiếu CocaCola của Warren Buffett là một minh chứng đẹp cho bài học này. Giá trị của CocaCola hiện lên đến 16 tỷ USD so với mức vài triệu USD tại thời điểm vị tỷ phú mua vào cách đây vài thập niên.

4. “Mã đấy có vài ngàn bạc, lỗ cũng chẳng bao nhiêu”

Nhiều NĐT cho rằng cổ phiếu rẻ sẽ ít rủi ro hơn cổ phiếu giá cao vì cho dù có giảm về 0 đồng thì cũng mất chỉ vài ngàn đồng. Đây là một nhận định không thể sai hơn được. Vì xét cho cùng, dù cho mắc hay rẻ, khi giá về 0 thì cũng là mất tất cả.

Cổ phiếu giá rẻ không hẳn là một món hời nếu như nền tảng kinh doanh của doanh nghiệp không vững mạnh. Lý do chọn mua cổ phiếu không phải ở việc 1 ngàn hay 100 ngàn mà nên dựa trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

5. “Kiểu gì rồi thì giá cũng sẽ tăng trở lại thôi”

Nhìn nhận một cách chủ quan, đúng là có những công ty mà đà giảm giá chỉ là tạm thời khi họ có thể vượt qua những vấn đề đang gặp phải, song cũng có những công ty gặp khó khăn lớn đến mức phải phá sản. Trong cuộc khủng hoảng 2009 vừa qua, việc 2 ông lớn của ngành ngân hàng là Bear Stearns và Lehman Brothers tuyên bố phá sản đã gây chấn động toàn bộ thế giới bởi vì mọi người đều nghĩ 2 ngân hàng này quá lớn để có thể sụp đổ hay nói cách khác là không thể nào sụp đổ.

Trong thời buổi công nghệ thay đổi từng giờ như hiện nay, việc một ông vua trở thành ăn mày trong phút chốc không còn là chuyện lạ. Thất bại của Nokia là một minh chứng rõ ràng nhất. Nokia từng sở hữu thị phần điện thoại di động lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ cho đến khi bị đánh bại hoàn toàn bởi những kẻ sáng tạo hơn như Apple hay Samsung chỉ trong vài năm ngắn ngủi.

NĐT vì thế phải hiểu rõ ngành mà mình đang đầu tư và sáng suốt đánh giá liệu rằng những công ty mình đang nắm giữ có đủ khả năng vượt qua thời kỳ khó khăn hay không để đưa ra quyết định nắm giữ hay bán đi.

6. “Sau cơn mưa trời sẽ sáng”

Nhận định này liên quan đến nhận định số 1 và 2 nêu trên. Mọi người đều cho rằng việc giảm giá rồi cũng chóng qua dẫn đến việc lưỡng lự trong cắt lỗ hoặc đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt khác.

Thực tế cho thấy, đôi lúc sau cơn mua trời quả thực sáng nhưng cũng có khi sau cơn mưa lại là một cơn bão tố mịt mùng. Vì vậy NĐT nên thiết lập cho mình những kỷ luật đầu tư và nghiêm túc tuân theo cũng như việc bình tĩnh nhận định trước khi đưa ra quyết định cắt lỗ hay tiếp tục nắm giữ chờ cổ phiếu tăng giá trở lại.

7. “Giá tăng lại tôi sẽ bán ngay”

Đa phần NĐT đều nói vậy khi được hỏi về một mã nắm giữ đang giảm giá, tuy nhiên hiếm khi họ thực hiện được điều này. Khi một mã đã giảm sâu tăng trở lại, NĐT lại quyết định nắm giữ. Thậm chí ngay cả khi giá không tăng trở lại, NĐT vẫn tiếp tục nắm giữ mã đấy.

Vậy nguyên nhân do đâu? Tất cả NĐT đều không chấp nhận việc mình đã đưa ra một quyết định sai lầm. Từ đó dẫn đến việc cố chấp nắm giữ một cổ phiếu thay vì cắt lỗ vì nghĩ rằng vẫn có cơ hội tăng trở lại và chứng tỏ rằng họ đã đúng đắn. Đáng tiếc, đa phần là sai.

Nếu không tin tưởng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc nên làm là bán ngay mã đấy nếu đang nắm giữ.

8. “Hồi đó anh cũng biết là nó sẽ tăng, phải mà mua lúc đấy thì giờ ngon rồi!”

Theo thời gian, sẽ có những lúc thị trường lên và xuống. NĐT thường nhìn về quá khứ và thốt lên những câu như “Anh biết kiểu gì thì cổ phiếu này cũng lên. Phải mà hồi đấy anh mua”.

Nhưng quả thật, chuyện đã qua ai nói không được và nói thế khác gì không nói. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2009, đã có rất nhiều cơ hội để mua cổ phiếu của những ngân hàng lớn tại Singapore với giá rất tốt, nhưng không nhiều NĐT nắm lấy cơ hội, đa phần đều ngậm ngùi nhìn giá cổ phiếu tăng cao gấp nhiều lần sau đó.

NĐT vì vậy cần rút kinh nghiệm từ quá khứ, rèn luyện khả năng nhìn ra và nắm bắt cơ hội. Cơ hội luôn luôn tồn tại nhưng NĐT cần có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể đón đầu chúng.

9. “Cổ phiếu của công ty phòng thủ thì an toàn lắm, không biến động nhiều đâu”

Nền kinh tế hiện tại đứng trước rất nhiều biến động. Một công ty được xem là phòng thủ ngày hôm nay có thể sẽ thua lỗ trong dài hạn nếu họ không thay đổi để phù hợp với thời đại. Vì vậy, không có một mã nào an toàn đến mức mà NĐT chỉ đơn giảm mua rồi để đó và chắc mẫm về mức lợi nhuận cố định mà không phải quan tâm đến diễn biến thị trường.

Cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi đã chứng minh không có một cổ phiếu nào là an toàn hoàn toàn, kể cả những mã xếp vào hàng bluechip cũng có thể bị giảm giá mạnh.

Tóm lại, dù là bất kỳ mã nào, bất kỳ ngành nào, NĐT cũng phải theo dõi từng diễn biến đang diễn ra nếu muốn nắm giữ cổ phiếu đấy trong dài hạn.

10. “Đối với tôi, như vậy là quá lâu để đạt được mức lợi nhuận đó”

Đa phần NĐT đều mong muốn kết quả đầu tư được thể hiện nhanh chóng. Tuy nhiên thị trường chứng khoán thường tỏ ra từ tốn và chỉ trao thưởng cho những ai đủ kiên nhẫn. Trong thực tế việc kiên trì nắm giữ một mã cổ phiếu mà chỉ một cá nhân tin tưởng trong khi cả thị trường không cùng ý kiến là một việc cực kỳ khó khăn để thực hiện. Tuy nhiên phải nhớ rằng, nếu nền tảng của doanh nghiệp vững mạnh thì cuối cùng sự kiên trì đấy sẽ được đền đáp xứng đáng.

11. “Hụt đợt tăng giá của mã đấy rồi, thôi tìm mua mã khác”

Đây là một nhận định không cơ sở của đa phần NĐT.

Khi một công ty công bố lợi nhuận sau thuế vượt trội dẫn đến giá cổ phiếu tăng vọt, công ty đó nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ vững mức lợi nhuận đó dựa vào nhiều yếu tố như sức mạnh tài chính tăng từ khoản lợi nhuận đó, hình ảnh của công ty với đại chúng được cải thiện và khả năng bán hàng với mức giá cao hơn. Sino Grandness và Ezion Holdings là hai minh chứng thực tế cho diễn biến nêu trên.

Đôi khi NĐT có thể sẽ bị xem là ngớ ngẩn khi bỏ tiền vào một con thuyền vừa qua sóng lớn, tuy nhiên vẫn có nhiều khả năng con thuyền đấy lại chuẩn bị lướt nhiều con sóng mạnh mẽ hơn khác.

12. “Tôi mua 11,000 đồng mới đây đã 15,000 đồng, tôi chắc chắn công ty đấy đang ăn nên làm ra”

Đây là một nhầm tưởng rất sai lầm. NĐT đôi khi dựa vào giá cổ phiếu trên thị trường để kết luận về tiềm năng của một đơn vị. Có nhiều yếu tố quyết định đến giá của cổ phiếu trên thị trường, từ tổ lái đến những tổ chức có tiềm lực tài chính khác.

Vì vậy chỉ đơn giản dựa vào diễn biến giá để kết luận có thể dẫn đến những quyết định sai lầm như: vội vàng cắt lỗ đối với một công ty có tiềm năng hay cố gắng năm giữ một công ty không mấy khả quan chỉ đơn giản vì giá của công ty đấy có tăng nhẹ sau khi mua.

Tấn Đạt (Theo Dollarsandsense)





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

'Chênh vênh' tâm lý giao dịch chứng khoán và những bài học đắt giá

Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường chứng khoán cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch. Có thể nói, yếu tố tâm lý của họ ảnh hưởng nhiều đến diễn...

Cẩn trọng với những chiêu trò lừa đảo chứng khoán trên mạng

Giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến giúp tiếp cận thị trường chứng khoán càng thêm thuận lợi hơn. Tuy nhiên, sự thuận lợi này kéo theo không ít chiêu trò lừa...

Kinh nghiệm nào cho nhà đầu tư qua sự cố hệ thống VNDirect?

Rủi ro với VNDirect cũng có thể xảy ra đối với bất kỳ công ty chứng khoán nào trên thị trường, dù doanh nghiệp đều đầu tư bài bản vào hệ thống công nghệ thông tin...

Hội quán Chứng khoán sinh hoạt định kỳ tháng 3/2024 với chủ đề “Cơ hội đầu tư quý 2 qua góc nhìn FA và Fn”

Sau giai đoạn tăng tốt về cả thanh khoản lẫn điểm số, thị trường chứng khoán trong tháng 3 đã có những tuần rung lắc, đặc biệt  phiên 19/03, chỉ số VN-Index giảm 42...

Trăn trở của nhà đầu tư nhỏ lẻ mỗi khi mùa báo cáo tài chính đến

Kết thúc năm 2023 cũng là lúc hàng ngàn báo cáo tài chính của các công ty niêm yết công bố với nhiều thông tin tích cực lẫn tiêu cực. Là một nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc...

Từ vụ 'đánh bạc' cổ phiếu họ FLC, rút bài học về nguyên tắc đầu tư

Qua vụ việc thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch tập đoàn FLC, một bài học lần nữa được nhắc lại, đó là nguyên tắc đầu tư và...

Warren Buffett: Kỷ nguyên tăng trưởng ấn tượng của Berkshire Hathaway đã qua

Huyền thoại Warren Buffett cảnh báo rằng đế chế đa ngành 905 tỷ USD của ông “gần như không có khả năng tăng trưởng ấn tượng” trong vài năm tới. Điều này đặt ra...

Warren Buffett ca ngợi Charlie Munger là kiến trúc sư của Berkshire Hathaway

Warren Buffett vừa chia sẻ sự kính trọng với huyền thoại Charlie Munger quá cố trong lá thư gửi cổ đông, ca ngợi Charlie Munger là kiến trúc sư của Berkshire...

Luận Cổ Nhơn, đàm chứng khoán

Đầu xuân Giáp Thìn 2024, tôi được một người đồng nghiệp giới thiệu trò chơi dân gian ở quê anh - Cổ Nhơn.

Bài học đắt giá nhất từ những nhà đầu tư hàng đầu thế giới

Không ai có thể đưa ra được những quyết định đầu tư đúng đắn mà không trả qua những sai lầm. Từ đó, họ rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc và tự điều chỉnh lại chiến...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98