“Cửa” nào cho phát triển điện gió ở Việt Nam?

01/09/2015 09:00
01-09-2015 09:00:54+07:00

“Cửa” nào cho phát triển điện gió ở Việt Nam?

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng điện gió. Đến nay mặc dù phát triển điện gió nhận được sự quan tâm của nhiều DN song tỷ lệ dự án được khởi công và hòa lưới điện là rất nhỏ so với tiềm năng sẵn có.

Cần có cơ chế hỗ trợ về vốn vay ưu đãi để phát triển điện gió của Việt Nam. Ảnh: ST.

Chỉ 10% dự án được triển khai

Một trong những lý do khiến điện gió tại Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là do giá mua điện gió của Nhà nước hiện nay thấp hơn giá thành (giá thành khoảng 9-10 cent USD/kWh), gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc quyết định triển khai thi công dự án.

Hiện nay tuy vẫn còn có những tranh luận xung quanh các con số dự báo về tiềm năng điện gió của Việt Nam, song hầu hết các chuyên gia đều nhận định Việt Nam có tiềm năng lớn đối với loại hình năng lượng này. Theo các kết quả khảo sát, “trung tâm” điện gió Việt Nam tập trung ở các khu vực ven biển Nam Trung bộ, Tây Nam bộ và khu vực Tây Nguyên... Trong đó, Ninh Thuận và Bình Thuận được coi là những địa phương có tiềm năng lớn nhất với tốc độ gió từ 6-7m/s. Ở độ cao từ 60-80 m, tại đây có thể xây dựng nhiều trang trại gió với tổng công suất lên đến 9.500 MW, gấp 4 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La.

Về phía Chính phủ, từ năm 2011, với chủ trương tận dụng nguồn năng lượng thiên nhiên phong phú để phát điện, giảm bớt chi phí phát điện từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, góp phần hạn chế biến đổi khí hậu, đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg (ngày 29-6-2011) về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Cũng trong năm 2011, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) được phê duyệt cũng xác định mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam vào năm 2020 đạt 4,5%, năm 2030 là 6% trong tổng nguồn cung cấp điện của cả nước, trong đó, phát triển điện gió đạt 1.000MW vào năm 2020, đạt 6.200MW vào năm 2030, đưa tỷ trọng điện năng từ điện gió chiếm 0,7%  năm 2020 lên 2,4% năm 2030. Với tiềm năng và hành lang pháp lý đó, đã có nhiều DN trong và ngoài nước quan tâm đến điện gió tại Việt Nam.

Ông Vũ Đình Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty VIWICO, một DN chuyên về lĩnh vực tư vấn phát triển điện gió cho biết: Do nhu cầu năng lượng tại Việt Nam ngày một tăng cao đáp ứng sự phát triển kinh tế và đời sống, thời gian qua nhiều DN trong nước cũng đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực điện gió. Cũng theo ông Tuấn, cả nước hiện có trên 40 dự án điện gió đăng ký và đã có 3 dự án đang phát điện thương mại, đó là dự án điện gió Tuy Phong (Bình Thuận) công suất 30MW, dự án điện gió đảo Phú Quý công suất 6MW tại tỉnh Bình Thuận; dự án điện gió Bạc Liêu công suất 16,5MW tại tỉnh Bạc Liêu.

Mới đây nhất, dự án điện gió Phú Lạc (tỉnh Bình Thuận) có công suất 20MW, tổng mức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng cũng đã được khởi công xây dựng vào tháng 7-2015. Trong giai đoạn 1 của dự án, nhà máy có công suất 24MW, gồm 12 tua-bin gió V100 của Vestas (Đan Mạch), mỗi tua-bin có công suất 2MW.

Như vậy, có thể thấy tỷ lệ dự án phong điện được triển khai, đi vào hoạt động chỉ chiếm khoảng 10% tổng số dự án đăng ký. Thông tin thêm về tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam, ông Tô Quốc Trụ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Năng lượng Việt Nam cho biết, các dự án điện gió không nối lưới đã xây dựng ở Việt Nam gồm các tuabin gió quy mô gia đình (150-200kW), chủ yếu lắp đặt ở các khu vực ngoài lưới (tại các đảo). Trong đó, hệ lai ghép tuabin gió - máy phát điện điêzen (30kW) đặt tại huyện Hải Hậu, Nam Định hiện không hoạt động được do độ cao lắp đặt thấp, trạm điện gió tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cũng gặp trục trặc, dừng hoạt động sau 2 năm đưa vào sử dụng (năm 2004).

Cần nội địa hóa thiết bị phát điện

Như vậy, tiềm năng điện gió thu hút nhà đầu tư, các DN đã có hành lang pháp lý để thực hiện đầu tư vào các dự án điện gió khi nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, một trong những lý do khiến điện gió tại Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là do giá mua điện gió của Nhà nước hiện nay thấp hơn giá thành (giá thành khoảng 9-10 cent USD/kWh), gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc quyết định triển khai thi công dự án.

“Giá mua điện gió của EVN chưa tương xứng với giá trị đầu tư của điện gió, hiện giá mua điện gió là 7,8 cents USD/ kWh (kể cả 1 cent USD trợ giá) tương đương 1,699 đồng/kWh, trong khi đó suất đầu tư trung bình 1,9 triệu USD/MW điện gió nên thời gian hoàn vốn kéo dài trên 10 năm không hấp dẫn các nhà đầu tư”, ông Vũ Đình Tuấn cho biết. Cũng theo ông Vũ Đình Tuấn, hiện nay cơ chế bảo lãnh tiền vay nước ngoài cho các nhà đầu tư điện gió cũng không còn nữa nên với một dự án khoảng 50MW khó có DN nào tiềm lực đủ mạnh để đầu tư trực tiếp vào dự án.

Đồng quan điểm, chuyên gia cao cấp về năng lượng, ông Tô Quốc Trụ cho rằng, đối với điện gió hiện nay vấn đề khó khăn nhất là vốn. Theo ông Tô Quốc Trụ, nay hầu hết các dự án điện gió đều do các công ty tư nhân triển khai và để triển khai được họ phải vay vốn, trong khi đó vay vốn thương mại thường lãi suất rất cao. Bên cạnh đó, các thiết bị phát điện hiện nay hầu hết phải NK, nếu mua thiết bị của các hãng nổi tiếng của các nước phát triển như VESTAS (Đan Mạch), GAMESA (Tây Ban Nha)... thì chất lượng rất tốt, nhưng giá của các thiết bị thường rất đắt, từ đó kéo theo giá thành điện gió sẽ cao. Thiết bị của Trung Quốc rẻ hơn, nhưng DN e ngại là khi vận hành có trục trặc.

Theo ông Tô Quốc Trụ, đã có DN trong nước có thể sản xuất trụ điện, vấn đề còn lại là cần đầu tư để nội địa hóa thiết bị phát điện. Hiện cũng đã có một DN của Mỹ đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị phát điện của điện gió tại Việt Nam. Việc kết hợp để có nhà máy điện gió với thiết bị có tỷ lệ nội địa hóa cao sẽ làm giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành cho điện gió và tháo gỡ được khó khăn trong thu hút đầu tư phát triển điện gió tại Việt Nam.

Để tháo gỡ khó khăn liên quan đến vốn đầu tư dự án, NK thiết bị, ông Vũ Đình Tuấn kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các DN được sử dụng vốn vay ưu đãi để NK công nghệ chế tạo thiết bị điện gió nhằm giảm chi phí, giảm suất đầu tư sẽ làm cho bài toán đầu tư điện gió tháo gỡ được nút thắt. “Để khuyến khích phát triển điện gió tại VN nhà nước cần xem xét điều chỉnh giá mua điện gió theo lộ trình phù hợp, đồng thời có cơ chế hỗ trợ, bảo lãnh vốn vay cho các DN đầu tư và nhập khẩu công nghệ sản xuất thiết bị.”

Được biết, cuối năm 2015 Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ phê duyệt quyết định bổ sung một số chính sách hỗ trợ phát triển điện gió. Hy vọng những chính sách mới này sẽ cải tiến, tăng cường và thu hút đầu tư để phát triển điện gió tại Việt Nam, ông Tô Quốc Trụ nhận định.

Hoài Anh

hải quan





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM là nơi có nhiều cơ hội, dư địa để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM có nhiều dư địa, cơ hội, nhiều đơn đặt hàng để các nhà khởi nghiệp nghiên cứu.

Vụ Tập đoàn Phúc Sơn: Bắt tạm giam nguyên Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và Phó Bí thư Tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày 27/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với nguyên Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và ông Phạm Hoàng...

Chợ Bến Thành, Tân Định... có lợi thế phát triển nhờ metro

Các Sở An toàn thực phẩm (ATTP), QHKT TP.HCM, Phòng kinh tế quận 6…đều nhìn nhận chợ truyền thống đang dần bị thu hẹp nhưng không hề mất đi.

Quý 1, TP.HCM dẫn đầu cả nước về số dự án có vốn đầu tư nước ngoài

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư. Còn, TP.HCM dẫn đầu về số dự án mới, điều chỉnh vốn và...

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng nhận án 8 năm tù

TAND TP Hà Nội vừa tuyên phạt Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng mức án 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tổng vốn FDI vào Việt Nam 3 tháng đầu năm 2024 đạt 6.17 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ

Thu hút FDI của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc khi tăng 13.4% so với cùng kỳ năm 2023. 

Đề nghị truy tố 254 bị can trong ‘đại án đăng kiểm’

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 254 bị can liên quan đến đại án tiêu cực ngành đăng...

Thị trường 'ấm dần', xuất khẩu ngành hàng dệt may đón cơ hội để tăng tốc

Để đẩy mạnh xuất khẩu, ngành dệt may tiếp tục đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày...

Thu hút vốn FDI: Góc nhìn từ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Việc tăng cường các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra một chương mới, gia tăng hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Chính phủ đồng ý cho EVN được điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần

Quyết định mới nhất đề xuất rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng. Song điều này không có nghĩa là cứ 3 tháng điều chỉnh...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98