Vàng tìm được khi phân loại rác thuộc về ai?

01/09/2015 10:13
01-09-2015 10:13:39+07:00

Vàng tìm được khi phân loại rác thuộc về ai?

Nữ công nhân phân loại rác trong nhà máy xử lý rác thải, tìm được vàng rồi mất việc đang gây bão mạng. Vậy vàng tìm được sẽ thuộc về ai?

Công đoạn phân loại rác tại Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau - Ảnh: Website CPV

Một năm trước, trong khi phân loại rác tại Nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau, chị Phạm Tuyết Mai (35 tuổi, Cà Mau) tìm thấy một cái bóp có chứa vàng, trong đó có vòng vàng, dây chuyền, mặt dây, các nhẫn, bông tai...

Nhà máy yêu cầu lập biên bản thu giữ, chờ xin ý kiến công ty phụ trách nhưng chị Mai không đồng ý, chỉ đồng ý giao nộp tại công an.

Sau đó, công an phường Tân Xuyên và công an thành phố Cà Mau xuống lập biên bản, niêm phong số vàng, đăng tải thông tin tìm chủ sở hữu tài sản trên các phương điện thông tin đại chúng.

Theo lời chị Mai, sau ngày chị tìm được số vàng, chị bị nhà máy cho thôi việc. Trong khi phía nhà máy lại nói rằng chị tự ý nghỉ việc, nhà máy không đưa ra bất kỳ quyết định sa thải nào.

Giao vàng cho chị Mai hay nhà máy?

Ông Nguyễn Tiến Tân, giám đốc điều hành Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau cho biết khi chị Mai phát hiện ra cái bóp có chứa vàng, chị khăng khăng số vàng đó sẽ thuộc về mình.

“Thật sự lúc đó chưa biết vàng thật hay giả nhưng vì số lượng lớn nên ban quản lý nhà máy đã yêu cầu lập biên bản và hỏi ý kiến xử lý từ phía công ty ( trực thuộc Công ty TNHH Xây dựng- Thương mại - Du lịch Công Lý ).

Theo quan điểm của ông Tân, số vàng chị Mai tìm được khi phân loại rác cho nhà máy chứ không phải ngoài đường.

"Mọi vật dụng khi đưa vào nhà máy, bất kể có giá trị hay không, đều thuộc nhà máy. Chị Mai ký hợp đồng với công ty và đảm nhận vị trí công nhân phân loại, tìm được số vàng trong khi đang làm việc mà cứ khăng khăng đó là tài sản của mình thì không hợp lý, không chính xác. Công nhân không được đem bất kỳ vật dụng nào (kể cả giá trị hay không) ra khỏi nhà máy”, ông Tân bày tỏ.

Trao đổi với chị Phạm Tuyết Mai, chị cho biết chị phát hiện ra cái bóp da có chứa vàng ngày 4-8-2014. Sau đó, lãnh đạo nhà máy, cụ thể là ông Nguyễn Tiến Tân đã yêu cầu bảo vệ lấy số vàng trên tay chị Mai để mang về công ty xử lý. Chị Mai không đồng ý nên đã nhờ chồng (cũng có mặt ở đó) điện thoại cho công an xuống để giao nộp lại số vàng và tìm lại người mất để trả lại.

“Trước đây, nhiều anh chị em trong nhà máy cũng tìm được tiền, vàng khi phân loại rác và họ đều được giữ lại làm của riêng”, chị Mai nói.

Chị Phạm Tuyết Mai cho biết đã gửi đơn khiếu nại gửi đến công an và tòa án TP.Cà Mau xin nhận lại số vàng mà chị nhặt được. 

Sẽ sung công quỹ?

Chiều 31-8, trao đổi với chúng tôi, ông Tân cho biết phía cơ quan chức năng đã có thông báo không tìm được người chủ sở hữu của tài sản và sẽ trả lại số vàng cho nhà máy.

Tuy nhiên, nhà máy đã có văn bản gửi công an TP.Cà Mau với ba nội dung chính là: nếu tìm được người đánh rơi thì trả số vàng này cho họ, nếu không tìm được thì sung số tài sản này vào công quỹ Nhà nước và nếu trong quá trình xử lý gặp khó khăn thì sẽ xử lý theo các quy định của Nhà nước.

Về vấn đề này, luật sư Hà Hải cho rằng số vàng là do chị Mai nhặt được chứ không phải đào, bới trên đất của công ty. Thứ nữa, đây là công ty xử lý rác thải, không phải công ty thu mua vàng.

“Do đó, số tài sản trên không thuộc quyền sở hữu của công ty. Nếu sau một năm mà không tìm được chủ sở hữu thì tài sản sẽ được trao lại cho người nhặt được, cụ thể là chị Phạm Tuyết Mai chứ không phải nhà máy”, ông Hải nói.

Ngày 31-8, một cán bộ điều tra Công an TP.Cà Mau cho biết ngày 27-8, Công an TP Cà Mau đã nhận đơn yêu cầu của bà Mai yêu cầu được phân chia một phần tài sản nhặt được. 

Theo cán bộ điều tra, số vàng nói trên sẽ giải quyết theo hướng áp dụng khoảng 2, điều 241 Bộ Luật dân sự.

Theo điều này, sau khi trừ chi phí bảo quản, bà Mai được hưởng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50 % giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu, phần còn lại thuộc Nhà nước quản lý. 

“Trong vụ này có “lấn cấn” là do số vàng này bà Mai nhặt được trong nhà máy xử lý rác. Bà Mai cũng là công nhân chịu sự quản lý theo nội quy làm việc của công ty đưa ra. Số vàng nhặt được được bỏ trong bóp vì vậy chứng tỏ do người nào đó vô ý đánh rơi nên không thể xem số vàng nói trên là vô chủ được. Vì vậy, tôi cho rằng áp dụng khoảng 2, điều 241 Bộ Luật dân sự là hợp lý” - một cán bộ điều tra Công an TP Cà Mau nhận định.

Nhận được toàn bộ hay chỉ một phần?

Như vậy, chị Phạm Tuyết Mai sẽ nhận lại toàn bộ số vàng nhặt được theo quy định tại điều 239 Bộ luật dân sự (BLDS) hay chỉ được nhận một phần (10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu) theo điều 241 BLDS?

Luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM nhận định rằng trong thời gian 1 năm mà không có ai nhận là chủ sở hữu và không chứng minh được ai là chủ sở hữu số tài sản đó thì cơ quan công an phải bàn giao toàn bộ tài sản này cho chị Mai vì đây là trường hợp “không xác định ai là chủ sở hữu” theo quy định tại khoản 2, điều 239 BLDS.

Theo khoản 2, điều 239 BLDS trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật.

Cùng quan điểm, luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho rằng “đối với vật người khác đánh rơi hay bỏ quên thì phải xác định được người nào đánh rơi hay bỏ quên. Vật vô chủ thì không cần xác định vì đã vô chủ thì làm sao xác định được”.

Chỉ khi nào cơ quan chức năng tìm được ai là “người khác” và chứng minh được có việc “đánh rơi, bỏ quên” thì mới có thể áp dụng Khoản 1 và 2 Điều 241 Bộ Luật dân sự” - LS Hà Hải nói thêm.

Ông Tân cho biết số rác thải là do Cty Công trình đô thị của TP. Cà Mau thu gom và đưa vào nhà máy xử lý. Chi phí xử lý rác thải do Nhà nước chi trả cho nhà máy căn cứ vào số lượng rác thải được xử lý.

Nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau đi vào hoạt động ngày 21-5-2012 với dây chuyền chế biến rác thải thành phân compost với công suất 200 tấn/ngày.

Tự ý nghỉ hay nhà máy cho thôi việc?

Ảnh chụp quyết định cho bà Mai thôi việc

Liên quan đến việc chị Mai không tiếp tục làm việc sau khi nhặt được vàng, theo lời ông Nguyễn Tiến Tân, không hiểu vì lý do gì, chị Mai không đến nhà máy làm việc nữa, công ty không đưa ra bất kỳ quyết định sa thải nào. 

“Phía nhà máy chưa có quyết định sa thải hay đưa ra nội dung gì để chị Mai phải nghỉ việc. Khi chị Mai tự ý nghỉ việc, hợp đồng lao động chị ký với công ty vẫn còn thời hạn. Chúng tôi cũng không thể liên lạc được với chị, chỉ biết là chị đơn phương làm việc với các cơ quan chức năng về sự việc số vàng tìm thấy khi phân loại rác, không liên lạc hay thông qua gì với nhà máy”, ông Tiến Tân nói thêm.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, công ty này đã quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà Phạm Tuyết Mai, công ty nêu rõ căn cứ biên bản vi phạm nội quy nhà máy giữa ban quản đốc nhà máy và chị Mai ngày 4-8-2014 (ngày chị Mai nhặt được vàng) và các căn cứ khác, công ty này đã chấm dứt hợp đồng lao động với chị Mai.

Theo chị Mai, sau ngày sự việc xảy ra, chị Mai có xin phép nghỉ một ngày để về quê thăm cha mẹ. Tuy nhiên, đến sáng thứ hai đi làm lại thì phó phòng nhân sự của nhà máy thông báo giám đốc điều hành nhà máy Nguyễn Tiến Tân “đình chỉ, không cho chị làm nữa. Đến ngày 13-8-2014 là có quyết định nghỉ chính thức”, chị Mai kể.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Mai đưa ra một tờ giấy có chữ ký của phó tổng giám đốc cùng với dấu mộc đỏ của Cty TNHH Xây dựng- Thương mại - Du lịch Công Lý. Tờ quyết định ghi rõ việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Phạm Tuyết Mai kể từ ngày 13-8-2014 theo đề nghị của giám đốc điều hành Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau.

Công việc hiện tại của chị Mai là làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng đã gửi đứa con 14 tuổi về quê để ngoại chăm sóc.

Luật sư Hà Hải cho biết theo quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động 2012 (BLLĐ) và hướng dẫn tại điều 12, nghị định 05/2015/NĐ-CP thì người sử dụng lao động chỉ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong những trường hợp sau đây: Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc; người lao động bị ốm đau, tai nạn; do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng; người lao động không có mặt tại nơi làm việc. 

“Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ với chị Mai mà không thuộc những lý do trên, do đó, theo điều 41 BLLĐ, nhà máy đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với chị Mai”, luật sư Hà Hải đưa ra nhận định.

Theo điều 202 BLLĐ, thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này là 1 năm kể từ ngày bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ. 

Chị Mai bị nhà máy đơn phương chấm dứt HĐLĐ vào ngày 13-8-2014, nếu trong thời gian một năm qua chị liên tục khiếu nại nhưng không được giải quyết thì chị có quyền khởi kiện ra toà án, yêu cầu nhà máy nhận chị trở lại làm việc; trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày chị không được làm việc; trả thêm ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trong trường hợp vì việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ này mà gây tổn thất về vật chất, tinh thần, chị Mai cũng có thể đồng thời yêu cầu toà án buộc nhà máy phải bồi thường cho những thiệt hại này.

Võ Hương - Tấn Thái - Trà My

tuổi trẻ



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Vàng thế giới tăng khi căng thẳng kéo dài ở Trung Đông

Giá vàng tăng vào ngày thứ Năm (18/04), khi căng thẳng kéo dài ở Trung Đông làm tăng thêm sức hấp dẫn của vàng, bất chấp dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh mẽ làm tăng triển...

Ngược dòng thế giới, giá vàng SJC lại tăng nhanh

Giá vàng trong nước tăng trở lại mốc 84 triệu đồng/lượng bất chấp giá thế giới sụt giảm.

Đấu thầu vàng miếng hạ cơn sốt giá vàng ngắn hạn, đề xuất giải pháp lâu dài

Đấu thầu vàng miếng là giải pháp cần thiết để tạo nguồn cung nhanh nhất cho vàng miếng SJC. Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý rằng biện pháp này chỉ giải quyết được...

Vàng thế giới về gần 2,380 USD

Giá vàng giảm nhẹ vào ngày thứ Tư (17/04), nhưng vẫn dao động gần mức cao kỷ lục đã ghi nhận vào tuần trước, khi  hy vọng về việc hạ lãi suất Mỹ mờ nhạt dần.

Vàng thế giới vượt 2,400 USD nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn

Giá vàng tiếp đà tăng vào ngày thứ Ba (16/04), khi nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông lấn át kỳ vọng ngày càng tăng về việc...

'Né' kiểm tra, loạt tiệm vàng ở TP.HCM tiếp tục tạm đóng cửa

Động thái tạm đóng cửa, tạm dừng hoạt động của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng tại TP.HCM những ngày gần đây nhằm "né" đợt kiểm tra của lực lượng công an, quản...

NHNN tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng 

Ngày 15/04/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các Bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản...

TP HCM phát hiện 6 tiệm vàng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc

Cục Quản lý Thị trường (QLTT) TP HCM vừa có báo cáo sơ bộ về tình hình kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn.

Vàng “điên loạn” đến bao giờ?

Thị trường vàng thế giới lẫn trong nước vừa có 1 tuần nhảy múa và liên tục lập kỷ lục mới.

Vàng thế giới tăng gần 1% do căng thẳng ở Trung Đông

Giá vàng tăng vào ngày thứ Hai (15/04) do nhu cầu trú ẩn an toàn được thúc đẩy bởi căng thẳng ở Trung Đông, ngay cả khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng sau...

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98