Thể thao - Mảnh đất "màu mỡ" của tham nhũng

13/10/2015 11:01
13-10-2015 11:01:51+07:00

Thể thao - Mảnh đất "màu mỡ" của tham nhũng

Vì sao thể thao lại là mảnh đất "màu mỡ" để tham nhũng hoành hành? Xét cho cùng, thể thao cũng là một lĩnh vực có sự can thiệp, chi phối bởi yếu tố kinh tế, như tất cả những lĩnh vực khác. Hơn nữa, lĩnh vực thể thao lại thường được điều hành bởi những cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn (có quyền, có tiền, có nhiều mối quan hệ…). Tham gia vào thể thao lại cũng là những cá nhân khỏe về cơ bắp nhưng lại thường yếu ớt về mặt lập trường. Thế nên, đó chính là những miếng "mồi ngon", hấp dẫn đối với các băng nhóm tội phạm có tổ chức.

Tham nhũng trong thể thao ngày càng "bành trướng". Ảnh minh họa: Internet

Thể thao đỉnh cao và siêu sao thể thao thường gắn liền với hình ảnh lắm tiền, nhiều của. Lắm tiền, nhiều của thì lại nảy sinh ra hành vi trốn thuế. Để trốn thuế thì lại phải mua chuộc luật sư tư vấn hoặc hối lộ nhân viên thuế vụ, làm nảy sinh mầm mống của các hành vi tham nhũng, thu hút sự chú ý, quan tâm của các băng nhóm tội phạm có tổ chức.

Ông Henri Roemer - cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Luxemburg từng nhấn mạnh rằng không có mafia điều hành trong thể thao mà chỉ có mafia tài trợ cho thể thao.

Ông Henri Roemer khẳng định, với lợi nhuận thu được rất lớn từ các môn thể thao, đặc biệt là một số môn thể thao "vua" như bóng đá, tennis, đua xe công thức 1… cộng với đó là mức độ chuyên nghiệp hóa của ban điều hành các câu lạc bộ đang ở mức khá thấp, thế nên, thể thao luôn bị các băng nhóm tội phạm tìm mọi cách để thao túng, từ mua bán cầu thủ cho đến rửa tiền, bán độ, mua chuộc trọng tài, thậm chí mua chuộc cả ban lãnh đạo các câu lạc bộ…

Các băng nhóm tội phạm biết rất rõ, cầu thủ, vận động viên hầu hết đều là những người rất trẻ nên có thể dễ dàng mua chuộc. Chỉ cần mua chuộc một vài cầu thủ chủ chốt là có thể "đổi trắng thay đen" kết quả của cả một trận thi đấu. Các cầu thủ trẻ thường nghĩ rằng, đã kiếm được rất nhiều tiền từ hành vi bán độ đó, thực ra, đó chỉ là con số rất ít trong số bộn tiền mà các băng đảng tội phạm thu về nhờ mỗi trận đấu bị "mua bán".

Ngày nay, các hoạt động phi pháp trong thể thao đang gần như bao trùm mọi bộ môn thể thao, trong khi đó luật pháp và các quy định nhằm kiểm soát hành vi phi pháp trong thể thao dường như không thể ngăn chặn nổi sự "bành trướng" của mafia thể thao. Nói cách khác, trong trường hợp các hành vi gian lận trong mua bán cầu thủ, rửa tiền, tham nhũng trong thể thao không để xảy ra những yếu tố cấu thành tội phạm hình sự (như bắt cóc, sử dụng bạo lực…) thì hầu như luật pháp và các quy định đều khó có thể "sờ" được đến các băng nhóm tội phạm thao túng thể thao.

Ngay cả khi phát hiện các hành vi phi pháp trong thể thao thì cũng rất khó để truy tố các hành vi đó theo nhóm tội danh hình sự. Những chuyên gia lão luyện chống tham nhũng trong thể thao phải thừa nhận rằng, thể thao là hoạt động giải trí mang đậm chất tư nhân hóa, nếu hành vi tham nhũng xảy ra trong hoạt động thể thao không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia hoặc lợi ích của tổ chức thuộc quyền quản lý của Nhà nước, thì rất khó để xử lý những hành vi này theo hướng hình sự hóa.

Tham nhũng, như nhiều người nghĩ, chỉ xảy ra ở những môn thể thao chuyên nghiệp. Thế nhưng ngày nay, theo nhiều chuyên gia thể thao, tham nhũng không chỉ bao trùm các môn thể thao chuyên nghiệp mà ngay cả những môn thể thao nghiệp dư cũng không thoát khỏi sự thao túng của tham nhũng. Thậm chí, ngay cả trong những giải đấu, trận đấu chỉ mang tính chất giao hữu, trình diễn, biểu diễn cũng không thoát khỏi sự bủa vây, "giật dây" của tham nhũng.

Giờ đây, thật khó để gán cho thể thao cụm từ "trong sạch". Các hoạt động tội phạm gắn liền với các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoặc sẽ bị xử lý về mặt hình sự (như buôn ma túy, buôn người), hoặc sẽ bị xã hội lên án (như hoạt động mại dâm)… Thể thao thì lại khác. Nó ít bị ràng buộc bởi các quy định mang tính tư pháp, ít bị kiểm soát tài chính chặt chẽ như ở các lĩnh vực khác. Mặc dù tham nhũng trong thể thao không hề nhỏ về giá trị cũng như mức độ, nhưng tham nhũng trong thể thao lại thường chỉ được nhìn nhận như hành vi đơn lẻ, được thực hiện bởi một vài cá nhân đơn lẻ. Tham nhũng trong thể thao thường được quy kết cho cá nhân nào đó mà không quy kết cho một tổ chức hay một hệ thống. Thế nên, tham nhũng trong thể thao cứ thế mà "núp bóng", để rồi các hành vi tham nhũng, gian lận trong thể thao ngày càng nhiều, như "nấm mọc sau mưa".

Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng tham nhũng tràn lan trong thể thao là vấn đề "xử lý nội bộ" trong các tổ chức thể thao, đặc biệt là trong các liên đoàn thể thao mang tầm quốc tế. Người ta vẫn thường dùng cụm từ "đại gia đình thể thao" để chỉ mối quan hệ thân hữu giữa các vận động viên với nhau, cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và thành tích đã đạt được. Thế nhưng, cụm từ này giờ đã được rút gọn xuống chỉ còn là "gia đình", và dù vẫn giữ nguyên ý nghĩa về mối quan hệ thân hữu, nhưng là mối quan hệ thân hữu giữa các băng đảng mafia và những quan chức thể thao, và mối quan hệ này không còn chia sẻ công khai nữa, mà thực hiện theo "luật im lặng". Vì thế, khi tham nhũng xuất hiện và tồn tại trong một tổ chức thể thao nào đó, thật khó để phát hiện ra nó bởi mối quan hệ "gia đình" và "luật im lặng". Việc này đã và đang xảy ra ở nhiều tổ chức thể thao mang tầm quốc gia cũng như quốc tế. FIFA đang là một ví dụ điển hình, với một câu nói mang tính điển hình của một quan chức lãnh đạo FIFA: "Nếu chúng ta có vấn đề rắc rối nội bộ, chúng ta sẽ giải quyết nội bộ, không đưa vấn đề rắc rối đó cho người khác giải quyết".

Nhật Minh

thanh tra



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98