Những rủi ro MTSH phải đối mặt khi niêm yết trên sàn chứng khoán Myanmar

16/05/2016 20:00
16-05-2016 20:00:00+07:00

Những rủi ro MTSH phải đối mặt khi niêm yết trên sàn chứng khoán Myanmar

Kế hoạch niêm yết trên Sở GDCK Yangon (YSX) của Công ty Myanmar Thilawa Special Economic Zone Holdings (MTSH) vừa được thông qua và công ty cũng đã công bố tài liệu trước khi lên sàn, thời báo Myanmar Times đưa tin.

 

MTSH sẽ niêm yết 3.9 triệu cổ phiếu trên YSX

Theo thông báo hôm 06/05 của YSX, công ty nắm quyền kiểm soát đặc khu kinh tế lớn nhất Myanmar này sẽ tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 20/05. Các quan chức YSX cho biết, Chủ tịch MTSH, ông U Win Aung, từng kỳ vọng đưa công ty lên sàn vào giữa tháng 3 nhưng do sự trì hoãn trong suốt quá trình chờ phê duyệt nên công ty phải lùi lịch trình lên sàn sang tháng 5.

Theo MTSH, giá niêm yết sẽ được công ty tư vấn tài chính và công ty chứng khoán hàng đầu Myanmar, CB Securities, xác định và được công bố trước ngày công ty lên sàn. Theo một quan chức giấu tên của một công ty chứng khoán khác thì giá cổ phiếu của MTSH đã chạm mức kịch trần 85,000 kyat trên thị trường giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (OTC).

Trước đó, trong tháng 2, ông U Win Aung cho biết giá cổ phiếu được giao dịch trong phạm vi từ 60,000 kyat/cp đến 80,000 kyat/cp, nhưng ông cho rằng đây không phải là giá trị thật của cổ phiếu mà chỉ là thước đo lực cung cầu của thị trường. Ông nói: “Chúng tôi phải định giá cổ phiếu ở mức hợp lý để nhà đầu tư không phải chịu thiệt”.

Trước đây, First Myanmar Investment (FMI), doanh nghiệp niêm yết đầu tiên trên YSX, đã chào bán cổ phiếu với mức giá khá thấp so với giá giao dịch cổ phiếu của công ty trên thị trường OTC. Vị quan chức giấu tên trên cho rằng có thể MTSH cũng sẽ áp dụng chiến lược định giá tương tự như thế.

Theo tài liệu công bố, MTSH sẽ niêm yết 3.9 triệu cổ phiếu trên YSX và tính đến tháng 11/2015, công ty có 16,720 cổ đông. Trong tháng 3, khi niêm yết trên YSX, FMI đã chào bán 23.4 triệu cổ phiếu với hơn 6,800 cổ đông.

Tài liệu công bố của MTSH cho biết tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của toàn bộ giám đốc và giám đốc điều hành của công ty tính đến tháng 12/2015 là 46%. Trong số này, ông U Win Aung có tỷ lệ nắm giữ nhiều nhất với 220,750 cổ phiếu. Các cổ đông còn lại có tỷ lệ nắm giữ từ 195,000 đến 197,000 cổ phiếu.

Tài liệu công bố cho biết thêm, tính đến ngày 06/11/2015, với tổng số 16,720 cổ đông, phần lớn trong số họ (13,565 cổ đông) nắm giữ từ 1 đến 100 cổ phiếu. Top 25 cổ đông, bao gồm top 10 cổ đông là toàn bộ giám đốc và giám đốc điều hành của công ty, nắm giữ hơn 50% cổ phiếu của MTSH.

Được biết, MTSH được thành lập năm 2013 nhằm triển khai kế hoạch đầu tư vào dự án Đặc khu kinh tế Thilawa (Thilawa SEZ) và một số liên doanh bất động sản khác trên khắp Myanmar. MTSH cho rằng tất cả các yếu tố như vị trí địa lý gần Yangon, tiềm năng to lớn cho việc mở rộng lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Myanmar, cùng với sự hiện diện của Chính phủ Myanamar và Chính phủ Nhật Bản, đều sẽ hỗ trợ đáng kể cho công ty.

MTSH cho biết, trong năm tài khóa 2015-2016, công ty đã ghi nhận 16.2 tỷ kyat lợi nhuận ròng sau khi gánh chịu khoản thua lỗ ròng 463 triệu kyat ở tài khóa trước. Theo trình bày trong tài liệu công bố, đó là giai đoạn công ty vừa chính thức đi vào hoạt động và báo cáo tài chính không bao gồm doanh thu từ một hợp đồng tiếp thị ký kết trong tháng 2/2015. MTHS cũng dự báo lãi ròng có thể giảm còn 7.8 tỷ kyat trong năm tài khóa hiện tại và giảm còn 7.3 tỷ kyat trong tài khóa 2017-2018.

MTSH cũng chia sẻ, dù đưa ra dự báo về lợi nhuận cho những năm tới như thế, nhưng với bản chất của công ty dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường bất động sản Myanmar cũng những biến chuyển về giá và nhu cầu đối với đất thương mại, đất ở và đất công nghiệp, tất cả đều có thể trở thành trở ngại đối với MTSH.

Cũng giống như FMI trước đây, theo quy định, MTSH phải công khai tài liệu trước khi tiến IPO. Trong tài liệu công bố này, công ty phải trình bày cơ cấu sở hữu cũng như các thông tin về lợi nhuận và những rủi ro mà công ty phải đối mặt, để nhà đầu tư tiềm năng có thể đánh giá công ty trước khi họ đưa ra quyết định mua cổ phiếu.

Rủi ro chực chờ…

Đề cập đến những rủi ro trước khi niêm yết trên YSX, trong tài liệu công bố của mình MTSH đã lưu ý đến mối nguy trước nhất đó là sự phụ thuộc của dòng tiền mặt và doanh thu vào số cổ phiếu và vốn đầu tư của các công ty khác mà MTSH sở hữu.

Một mối nguy khác được kể đến đó là công ty có thực hiện một số liên doanh với những đơn vị khác bởi vì các bên trong liên doanh có thể không nhất trí với nhau, họ rút lui hay phát sinh những xung đột về lợi ích. Các nhà đầu tư tiềm năng vì thế phải xem xét đến triển vọng của các khoản đầu tư mà MTSH thực hiện cũng như những hành động tiềm ẩn của các đối tác liên doanh của công ty này.

Được biết, hai đơn vị đầu tư mà MTSH phụ thuộc nhiều nhất đó là công ty con Thilawa Property Development (TPD) và đơn vị trực thuộc Myanmar Japan Thilawa Development (MJTD). Theo tài liệu công bố, các đơn vị này đóng góp một tỷ lệ tiền mặt và doanh thu đáng kể vào MTSH.

Theo đó, MJTD là liên doanh giữa MTSH, Ủy ban Quản lý Thilawa SEZ do Chính phủ Myanmar nắm giữ và Tập đoàn MMS Thilawa Development của Nhật Bản. MJTD giữ vai trò phát triển, xây dựng, tiếp thị, bán và vận hành khu công nghiệp thuộc Khu A của Thilawa SEZ.

Trong liên doanh này, MTSH sở hữu 41% cổ phần, Chính phủ Myanmar nắm giữ 10% và 49% còn lại thuộc quyền kiểm soát của Tập đoàn Nhật Bản.

Công ty con TPD của MTSH cũng phụ trách các vai trò tương tự nhưng liên quan đến các mảng thương mại và nhà ở tại Khu A.

MTSH cho biết, khoảng 326 ha đất thuộc Khu A sẽ cho nhà đầu tư thuê và tính đến cuối tháng 12/2015, 76% đất của khu này đã được cho thuê hết.

MTSH cho biết, hoạt động kinh doanh của công ty sẽ phụ thuộc vào cổ tức cũng như các khoản phí và hoa hồng mà công ty nhận được từ TPD và MJTD. MTSH cho rằng bất cứ tác động nào đến các dự án liên doanh này cũng đều có thể ảnh hưởng đến dòng tiền mặt của công ty.

Được biết, MTSH cũng có phát sinh hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý cho MJTD. Theo hợp đồng này, MJTD sẽ thanh toán mức phí 656,000 USD cho 2 giai đoạn 2014-2016 và 2016-2018 cho MTSH. Chi phí quản lý do MJTD thanh toán chiếm 21% doanh thu của MTSH trong năm tài chính 2015-2016.

Khoản thu nhập từ tiền lãi, thông thường là tiền mặt được ghi nhận ở các tài khoản và danh mục đầu tư khác, chiếm 49%.

Ngoài ra, MTSH còn có hợp đồng cung cấp dịch vụ tiếp thị 5 năm cho MJTD và hợp đồng này có thể được gia hạn cho đến khi toàn bộ đất của Khu A được cho thuê hết. MTSH cho biết, các khoản phí và hoa hồng từ dịch vụ này chiếm một tỷ trọng đáng kể trong toàn bộ doanh thu của công ty.

Tuy nhiên, một khi toàn bộ đất được cho thuê hết thì nguồn doanh thu này sẽ giảm đi.

Theo MTSH, mối nguy đến một nguồn thu khác đó là cổ tức từ MJTD có thể giảm trong năm tài chính 2017-2018 do đơn vị này bắt đầu tái đầu tư vào dự án Khu B sắp tới của Thilawa SEZ. Để đối phó với xu hướng này, công ty dự định sẽ đa dạng hóa doanh mục đầu tư của mình vào các dự án phát triển bất động sản khác.

Một rủi ro nữa được kể đến đó là một số nhà đầu tư trong MTSH thực tế đang sở hữu các công ty bất động sản của riêng họ. Chẳng hạn, FMI cũng là một cổ đông trong MTSH và thực hiện các dự án bất động sản, điều này có thể tiềm ẩn một sự cạnh tranh với MJTD hay TDP

Tương tự, Dagon International, công ty thuộc quyền kiểm soát của Chủ tịch MTSH U Win Aung cũng hực hiện các dự án bất động sản tại Yangon và có thể phát sinh cạnh tranh với MTSH.

Công ty cũng lưu ý các nhà đầu tư tiềm năng của mình rằng “quyết định đầu tư ngắn hạn có lẽ không phù hợp cho lắm” do nhà đầu tư có thể không kiếm được lợi nhuận trong một khung thời gian “vừa phải” nào đó./.





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chứng khoán Campuchia kỳ vọng chào đón thêm 5 doanh nghiệp niêm yết trái phiếu trong năm 2024

Cơ quan Quản lý Giao dịch chứng khoán Campuchia (SERC) kỳ vọng sẽ có 5 công ty niêm yết trái phiếu doanh nghiệp trên Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) trong...

Mục tiêu thách thức cho Chứng khoán Campuchia trong năm 2024

Giám đốc điều hành (CEO) của Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) gần đây cho biết, CSX đã điều chỉnh mục tiêu gia tăng số lượng tài khoản giao dịch lên 100,000...

Campuchia giới thiệu cơ chế thanh toán chứng khoán bằng USD

Hôm 15/01, Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) vừa giới thiệu một cơ chế giao dịch mới, cho phép nhà đầu tư giao dịch bằng đồng Riel và tất toán bằng USD...

Chứng khoán Campuchia đạt kỷ lục về số lượng niêm yết mới trong năm 2023

Năm 2023 trở thành một bước ngoặt quan trọng đối với thị trường chứng khoán Campuchia khi chứng kiến kỷ lục 5 doanh nghiệp niêm yết (DNNY) mới, con số cao nhất...

Chứng khoán Campuchia giảm nhẹ trong quý 3, sắp có ba doanh nghiệp mới niêm yết

Giá cổ phiếu của đa số các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) đều giảm do lực bán mạnh hơn mua. Trong khi đó, thị trường...

Thêm một doanh nghiệp niêm yết lên sàn chứng khoán Campuchia

Hôm 27/06, nhà điều hành viễn thông CAMGSM đã chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) thông qua đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công...

Số tài khoản giao dịch trên sàn chứng khoán Campuchia tiếp tục tăng

Số lượng tài khoản giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) đang ngày càng tăng và hầu hết giao dịch có quy mô nhỏ. Điều này phản ánh rằng ngày càng...

Sàn chứng khoán Campuchia sắp đón thêm 3 doanh nghiệp trong quý 2/2023

Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) kỳ vọng sẽ chào đón 3 công ty cháo bán cổ phiếu trong quý 2/2023, qua đó đánh dấu bước tiến khả quan của thị trường chứng...

Campuchia thay đổi thủ tục để đẩy nhanh quá trình IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán

Cơ quan Quản lý Giao dịch chứng khoán Campuchia (SERC) và Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) đã thay đổi thủ tục xin chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng...

Giá trị giao dịch chứng khoán của Campuchia lập kỷ lục mới trong năm 2022

Với sự góp mặt thêm của 7 doanh nghiệp niêm yết mới, trong năm 2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) ghi nhận giá trị giao dịch cao kỷ lục, báo cáo của CSX...

Chứng khoán thế giới


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98