Đại gia phố núi: Ngày ấy và bây giờ

01/06/2016 13:06
01-06-2016 13:06:30+07:00

Đại gia phố núi: Ngày ấy và bây giờ

Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Đức Long Gia Lai (DLG) và Quốc Cường Gia Lai (QCG) đều là những doanh nghiệp đầu tiên người ta nhắc đến khi nói về đại gia phố núi đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Cùng khởi nghiệp chung ngành nghề, trải qua chặng đường dài đầy thăng trầm, nay mỗi doanh nghiệp đã có một “số phận” rất khác.

Khởi nghiệp từ gỗ

Cả HAG, DLG và QCG cùng khởi nghiệp từ kinh doanh gỗ từ những năm 90. Trong đó, HAG là đơn vị ra đời sớm nhất, vào năm 1990, là xưởng gỗ nhỏ đóng bàn ghế cho học sinh do ông Đoàn Nguyên Đức (hiện là Chủ tịch HAG) lập ra. Đến năm 1993 thì xí nghiệp tự doanh Hoàng Anh được thành lập và khánh thành nhà máy chế biến gỗ nội – ngoại thất tại Gia Lai. Năm 1995, sản phẩm gỗ của Hoàng Anh được xuất khẩu sang nhiều nước lớn trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc, Đức, Pháp….

Năm 2002, HAG khánh thành nhà máy chế tác đá, mở rộng thêm một nhà máy chế biến gỗ nội thất tại Gia Lai. Hai hoạt động này góp phần tạo thành một chuỗi khép kín cho HAG khi đơn vị này bước chân vào bất động sản. Từ đây thì thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai dần trở thành một cái tên nổi tiếng trên cả nước.

Sau khi HAG ra đời được 4 năm, vào năm 1994, QCG mới được thành lập với tên gọi là Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường bởi bà Nguyễn Thị Như Loan. Lúc bấy giờ, QCG cung cấp gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ chế biến và các sản phẩm gỗ xuất khẩu, bàn ghế ngoài trời, trang trí nội thất… Hàng năm, Công ty cung cấp hàng trăm ngàn m2 cửa, kệ bếp, tủ âm tường và nội thất ra thị trường và các công trình, căn hộ, biệt thự, nhà phố.

Còn ông Bùi Pháp (hiện là Chủ tịch DLG) khởi nghiệp bằng số tiền 1 chỉ vàng và 170,000 đồng. Đến tháng 9/1995, ông lập ra Xí nghiệp Tư doanh Đức Long với số vốn 3.6 tỷ đồng, trên 9,700 m2 đất và một dây chuyền chế biến gỗ thủ công và bán tự động.

Sau 15 năm vừa sản xuất và xây dựng, DLG đã mở rộng đến 150,000m2 mặt bằng nhà xưởng và sân bãi, với 4 nhà máy sản xuất cùng 7 dây chuyền chế biến sản phẩm gỗ hiện đại. 3 dòng sản phẩm chính của DLG gồm sản phẩm đồ gỗ nội thất, ván lót sàn, sản phẩm sân vườn và ngoài trời để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đến các nước như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Đức, Nhật, Singapore, Thái Lan... 

Cùng dấn thân vào bất động sản, gặp ngay sóng lớn

Cùng với sự trưởng thành trong nghề gỗ, cả HAG, QCG và DLG lần lượt bước chân vào lĩnh vực bất động sản. Và sóng gió của các ông lớn bắt đầu từ đây.

Năm 2002, Hoàng Anh Gia Lai thành lập công ty con là CTCP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh, đánh dấu cột mốc gia nhập thị trường bất động sản. Và đến năm 2004, HAG đưa vào hoạt động HAGL Resort Quy Nhơn; năm 2005 khai trương hoạt động HAGL Resort Đà Lạt và năm 2006 khai trương hoạt động HAGL Hotel Pleiku, bàn giao Khu căn hộ cao cấp Lê Văn Lương tại TPHCM (HAG chính chính thức chuyển sang hình thức CTCP vào năm này với vốn điều lệ là 296 tỷ đồng).

Những năm sau đó, HAG tung ra hàng loạt dự án bất động sản và lĩnh vực này nhanh chóng trở thành mũi nhọn trong chiến lược phát triển của Tập đoàn. Nhờ lợi thế quỹ đất đã mua từ rất lâu với giá rẻ, có công ty xây dựng lớn, có nhà máy chế biến gỗ và đá granite khép kín trong quy trình xây dựng căn hộ nên sản phẩm có giá thành cạnh tranh trên thị trường.

Ngành bất động sản là chủ lực của HAG trong suốt 7 năm (2006-2012), luôn dẫn đầu trong “miếng bánh” doanh thu hàng năm. Đỉnh cao nhất là vào năm 2009 với 4 dựa án chính đưa vào khai thác, gồm: New SaiGon, Hoang Anh River View, Phú Hoàng Anh (giai đoạn 1) và Hoàng Anh Golden House; mang về doanh thu hơn 3,300 tỷ đồng, chiếm hơn 77% tổng doanh thu cả năm này.

Tuy nhiên, HAG đã không giữ được ngành chủ lực khi thị trường bất động sản đóng băng kéo dài (giá bắt đầu rơi từ năm 2008). Tháng 4/2013, HAG tổ chức ĐHĐCĐ thường niên và một trong những quyết định lớn là tái cấu trúc toàn bộ, đặc biệt là rút lui khỏi thị trường bất động sản trong nước nhằm giải quyết bài toán nan giải nhất lúc này là nợ vay. HAG đã thành lập Công ty An Phú hoạt động tương tự một công ty mua bán tài sản để xử lý các khoản nợ cho HAG. Theo đó, mảng bất động sản tại Việt Nam của HAG, thuộc công ty con là Công ty Phát triển Nhà Hoàng Anh, đã được chuyển toàn bộ tài sản và nghĩa vụ sang cho An Phú. An Phú hoạt động hoàn toàn độc lập với HAG và không có quan hệ sở hữu giữa hai công ty. Cổ phần An Phú được chào bán ra bên ngoài, bao gồm cả cổ đông của HAG.

“Bất động sản Việt Nam bây giờ càng làm càng chết” – Bầu Đức lên tiếng tại ĐHĐCĐ năm 2013 này.

Các chỉ số đòn bẩy tài chính của HAG 5 năm qua

Việc lập Công ty An Phú nhằm xử lý các khoản nợ giúp các chỉ số đòn bẩy tài chính của HAG giảm đều trong năm 2013

* Bầu Đức: BĐS Việt Nam bây giờ càng làm càng chết

* HAG sẽ có công ty AMC riêng trong 3 năm?!

* ĐHĐCĐ HAG: Giảm tỷ trọng BĐS từ 64% xuống 14%

Còn với Quốc Cường Gia Lai, năm 2005 đánh dấu cột mốc bước vào thị trường bất động sản bằng việc hợp tác với XNTD Hoàng Anh thành lập Công Ty TNHH Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh để triển khai khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh 1 & 2. Mặc dù vậy, phải đến năm 2009 thì các dự án của QCG mới bắt đầu hạch toán doanh thu, chiếm tỷ trọng 58% tổng doanh thu và nắm vai trò chủ lực trong chiến lược phát triển toàn Công ty.

  Chi phí lãi vay của QCG qua các năm
*Chi phí tài chính năm 2014: Đã trừ đi chi phí chuyển nhượng cp đầu tư tài chính gần 820 tỷ đồng (mọi năm không phát sinh khoản này)

Kết quả kinh doanh của QCG năm 2009 và 2010 theo đó cũng tăng trưởng rất mạnh. QCG tiếp tục tham vọng mở rộng lĩnh vực bất động sản, đi kèm với đó là động thái vay vốn rầm rộ để tài trợ dự án. Nếu như năm 2009, QCG chỉ sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức an toàn (khoản vay của công ty có giá trị 200 tỷ đồng) thì kể từ 2010, QCG đẩy mạnh vay vốn cả ngắn và dài hạn, tăng lên lần lượt 366 tỷ và 583 tỷ đồng. Và cho đến cuối năm 2015 thì nợ vay của QCG xấp xỉ 2,000 tỷ đồng.

Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho QCG hụt hơi trong tham vọng của mình trước bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng và lãi suất ngân hàng có thời điểm tăng rất cao. Năm 2011 là một minh chứng khi QCG từ lãi khủng năm trước đó đã trở thành nạn nhân khi lỗ nặng gần 40 tỷ đồng. Năm đó, chi phí lãi vay QCG lên tới 153 tỷ đồng trong khi lãi gộp cả năm chỉ vỏn vẹn 52 tỷ đồng.

Bản thân bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ QCG, khi đó thừa nhận vay nợ là “ác mộng” với công ty.

Riêng Đức Long Gia Lai, đơn vị này không vội vàng bước chân vào lĩnh vực bất động sản mà tiếp tục mở rộng mảng kinh doanh gỗ. Thậm chí, khi đã trở thành tập đoàn đa ngành với nhiều lĩnh vực được bổ sung thêm như bất động sản, thủy điện, khai thác đá, dịch vụ bến xe... thì doanh thu từ gỗ và sản phẩm gỗ vẫn chiếm 35% trong 5 năm trở lại đây.

Mặc dù vậy, vận đen đến với DLG vào giai đoạn 2012 và 2013 khi mà lợi nhuận từ con số vài chục tỷ đồng ở những năm trước đó rơi mạnh xuống 1-2 tỷ đồng. Cũng giống như HAG và QCG, việc vay nợ gia tăng khiến chí phí tài chính ăn mòn gần hết lợi nhuận trong những năm này của DLG. Song, không thể không nói đến các nguyên nhân khác khiến DLG sụp hầm đó là việc chuyển nhượng một phần tòa nhà Tower thấp hơn giá vốn vào năm 2013.

Kết quả kinh doanh DLG từ 2008-2015 (Đvt: Tỷ đồng)

Cũng trong khoảng thời gian này, DLG còn chịu thêm đòn đau khi đầu tư hơn 130 tỷ đồng để xây dựng Bến xe phía Nam (Đà Nẵng) nhưng đưa vào vận hành vẫn không một bóng người.

Nhưng thất bại lớn với DLG trong những năm qua có lẽ là thủy điện. Tập đoàn từng công bố là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn như Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Thủy điện Sông Sen, Thủy điện Mỹ Lý (Nghệ An), Krongpa, Dakspay (Gia Lai)... nhưng tất cả đều bị hủy hoặc đang tạm dừng. Đáng chú ý nhất là dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, dự án thủy điện Dakspay đã bị loại trừ do được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái vì nằm ngay cạnh vườn quốc gia và khu rừng nguyên sinh.

Đại gia phố núi nay ra sao?

Trải qua bao thăng trầm, nay ba doanh nghiệp trên đã rẽ nhiều lối khác nhau.

Sau khi đưa ra chiến lược tái cấu trúc toàn diện vào năm 2013, HAG bước sang trang mới với mũi nhọn là nông nghiệp (chủ yếu tập trung trồng trọt tại Lào và Campuchia). Kết quả được thể hiện ngay trong năm 2013 khi các sản phẩm từ mía đường và cao su xuất hiện, rồi năm 2014 có thêm bắp và khép lại năm 2015 với nguồn thu chủ lực từ bán bò. Lợi nhuận của HAG dần khôi phục, ghi nhận trở lại con số hơn ngàn tỷ trong năm 2014. Song, con đường HAG phải nói chưa bao giờ thôi gập ghềnh. Vừa chuyển qua nông nghiệp, HAG dính ngay “scandal” với cáo buộc của Global Witness về việc phá rừng, hủy hoại sinh kế của người dân địa phương cũng như môi trường trong các khoản đầu tư ào ạt vào cao su tại Lào và Campuchia.

Cái ung nhọt đã theo HAG từ lâu là vấn đề nợ đến nay lại chực chờ vỡ, đang đẩy doanh nghiệp này vào tình cảnh hết sức khó khăn nếu không muốn nói là ngàn cân treo sợi tóc. Tại BCTC hợp nhất kiểm toán 2015 của HAG, kiểm toán viên đã lưu ý đến khả năng hoạt động liên tục của HAG khi hàng loạt các khoản vay đang vi phạm cam kết, áp lực nhiều khoản vay sắp đáo hạn. Đến nay, hoạt động, chiến lược kinh doanh cũng như định hướng phát triển trong 3 năm tới của HAG phải chờ đợi vào quyết định tái cơ cấu nợ (10 chủ nợ của HAG đã trình phương án giải cứu lên NHNN). Một vài thông tin gần đây cho thấy bầu Đức có thể sẽ được giải cứu, tuy nhiên sau đó Tập đoàn này có vượt qua được giông bão để tiếp tục phát triển hay không thì rất khó trả lời. Gần đây nhất, kết quả kinh doanh quý 1/2016 của HAG cho thấy sự thụt lùi đáng kể.

Bước rẽ ngang qua nông nghiệp của HAG đã không thuận lợi như những gì bầu Đức kỳ vọng. Kết quả kinh doanh mảng nông nghiệp của HAG phát đi tín hiệu đáng lo ngại khi cao su (mảng được bầu Đức rất kỳ vọng) gần đây báo lỗ còn mía đường thì giảm dần biên lãi gộp.

Cơ cấu doanh thu HAG từ năm 2006-2015 (Đvt: tỷ đồng)

Không quá nguy nan như HAG nhưng QCG vẫn chưa vượt qua được khó khăn để quay lại thời kỳ hoàng kim. Kể từ khi bước chân vào bất động sản cho đến nay, QCG vẫn xem đây là ngành mũi nhọn trong chiến lược kinh doanh của mình bên cạnh lĩnh vực đang nhận trái đắng đó là cao su.

Như đã đề cập, khi thực hiện tham vọng trong lĩnh vực bất động sản, năm 2008, QCG đã đầu tư vào dự án Phước Kiển tại huyện Nhà Bè - TPHCM. Và cho đến hôm nay, chính QCG đang mắc kẹt tại dự án này với tồn kho hơn 3,800 tỷ đồng (chiếm 70% tổng tồn kho tính đến cuối năm 2015) và đáng chú ý là các khoản nợ vay của QCG cũng đang dồn hết nơi đây (cuối năm 2015 là 1,622 tỷ đồng).

Chịu áp lực trả lãi vay lớn, Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan phải dùng toàn bộ số cổ phần nắm giữ tại QCG (tính đến cuối năm 2015 là gần 102 triệu cp) cùng với hơn 1,220 tỷ đồng giá trị dự án Phước Kiển làm tài sản đảm bảo.

Còn với DLG, ông lớn này có một quyết định bất ngờ đối với mảng ngành nghề truyền thống là kinh doanh gỗ và các sản phẩm từ gỗ khi chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty Chế biến gỗ Đức Long Gia Lai (vốn điều lệ 35 tỷ đồng) cho Bamboo Capital (BCG) từ quý 2/2015 mặc dù cho doanh thu mang lại hàng năm đều chiếm tỷ trọng cao. Theo bản cáo bạch 2015, việc mất dần lợi thế về nguồn nguyên vật liệu do chính sách đóng cửa rừng của Chính phủ đã có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh ngành gỗ của DLG.

Trước kết quả kinh doanh nhiều năm không mấy khả quan, DLG đã tái cấu trúc Tập đoàn từ năm 2014, chỉ còn tập trung 3 ngành mũi nhọn là nông nghiệp, năng lượng và hạ tầng. Tuy nhiên, đến năm 2015, DLG lại bổ sung thêm ngành sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử và tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 vừa qua, DLG chính thức bổ sung bất động sản vào chiến lược tái cấu trúc.

Về nông nghiệp, trồng bắp bắt đầu mang lại nguồn thu từ năm 2014 với doanh thu hơn 60 tỷ và lợi nhuận 42 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DLG còn đặt tham vọng lấn sân sang chăn nuôi bò sữa và bò thịt. Dự kiến quy mô của dự án lên đến 80,000 con bò sữa, 45,000 con bò thịt với tổng vốn đầu tư 11,000 tỷ đồng tại 3 tỉnh Tây Nguyên: Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai, bắt đầu triển khai nuôi từ quý 1/2015. Tuy nhiên, đến nay thì đàn bò của DLG vẫn chưa thấy về trang trại.

Trong lĩnh vực hạ tầng, DLG chủ yếu tham gia theo hình thức BOT hoặc BT. Hiện Công ty tham gia vào các dự án lớn tại khu vực Tây Nguyên, trên các tuyến đường nối các tỉnh này với TPHCM và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, những phản ánh từ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông hồi cuối tháng 6/2015 cho thấy Tập đoàn thi công chậm tiến độ và chất lượng chưa đảm bảo nhất trong số các nhà thầu đang làm tại dự án nâng cấp quốc lộ 14 qua Đắk Nông. Sau đó, dự án đã được hoàn thành và đi vào thu phí từ tháng 10 và 11/2015.

DLG tiếp tục lấn sân sang linh kiện điện tử. Sau khi phát hành thêm để hoán đổi cổ phiếu, DLG đã sở hữu gần 98% cổ phần tại Mass Noble (công ty của Mỹ chuyên sản xuất, gia công các sản phẩm như các loại đèn LED cao cấp dùng cho nội thất, ôtô, đường phố, màn hình LCD...).

Việc phát triển nhiều ngành nghề đã khiến cho nguồn lực DLG bị phân tán. Tập đoàn sử dụng đến 85% nguồn vốn từ ngân hàng cho các dự án hạ tầng và dự kiến phát hành 219 triệu cp cho cổ đông để bổ sung vốn đầu tư. Việc vay vốn nhiều khiến cho chi phí lãi vay mà DLG phải gánh rất lớn. Chỉ tính riêng trong quý đầu tiên của năm 2016, DLG tuy có ghi nhận thêm 199 tỷ đồng doanh thu từ linh kiện điện tử và 81 tỷ đồng thu phí đường BOT thì kết quả lãi ròng cũng chỉ hơn 11 tỷ đồng, giảm 52% so cùng kỳ, nguyên nhân bởi chi phí lãi vay tăng 155%, ở mức 76 tỷ đồng.

Các đại gia phố núi nay đều là những ông lớn ngàn tỷ, đang đeo đuổi những giấc mộng riêng với nhiều thử thách phải đương đầu: Một HAG đang đau đầu giải quyết câu chuyện nợ, QCG ngoài nợ cũng tìm cách giải phóng núi tồn kho (dự án Phước Kiển) và một DLG cùng giấc mộng đa ngành./.



MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (6)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chứng khoán BIS đặt mục tiêu lãi đi lùi gần 90%, chuyển nhượng các khoản phải thu gần 40 tỷ đồng cho cổ đông cũ

CTCP Chứng khoán BIS (tên cũ là CTCP Chứng khoán Kenanga Việt Nam - KVS) đặt mục tiêu lãi trước thuế 500 triệu đồng và doanh thu gần 28 tỷ đồng năm 2024, theo tài...

Tham vọng "Công ty tỷ đô" liệu có khả thi với DGW?

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa công bố, DGW đặt kế hoạch doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt tăng 22% và 38%, tiếp nối hành trình trở thành “Công ty tỷ...

Vicostone đặt mục tiêu lãi trước thuế hơn ngàn tỷ trong 2024

Nhận định ngành công nghiệp vật liệu xây dựng cũng như sản xuất đá nhân tạo còn đối mặt nhiều khó khăn, CTCP Vicostone (HNX: VCS) vẫn đặt kế hoạch lãi trước thuế...

LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 2024 tăng 35%, tăng vốn lên gần 33,600 tỷ 

Kế hoạch tăng trưởng tài sản, tín dụng, lợi nhuận, vốn điều lệ và đổi tên mới là những nội dung quan trọng được Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE:...

Công ty chứng khoán của chủ sở hữu MoMo đặt kế hoạch tăng lỗ năm 2024

Sau khi về tay chủ sở hữu ví điện tử MoMo, CTCP Chứng khoán CV (CVS) có nhiều bước tái cơ cấu nhằm quay lại thị trường.

Giá cổ phiếu ở mức thấp trong các doanh nghiệp BĐS KCN, Chủ tịch KBC nói gì?

“KBC hoạt động nhờ vào niềm tin từ cổ đông và chứng khoán cũng sống nhờ niềm tin, khi niềm tin càng lớn thì giá cổ phiếu lên theo cách ổn định, bền vững sẽ tốt hơn...

Sợi Thế Kỷ ưu tiên giảm giá để lấy đơn hàng, ngôi sao hy vọng đặt vào nhà máy Unitex

"Chúng ta có những chính sách, chiến lược bán hàng để nhượng bộ khách hàng nhằm lấy được nhiều đơn hàng hơn. Thay vì chờ đạt được giá như mong muốn mới bán thì dùng...

Techcombank dự kiến tăng vốn điều lệ gấp đôi trong năm 2024, trả cổ tức tiền mặt 15% 

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức tiền mặt và tăng vốn điều lệ.

Lo ngành thép tiếp tục gặp khó, một công ty thép đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 24%

Trong báo cáo thường niên vừa công bố, CTCP Kim khí TPHCM (HOSE: HMC) đưa ra cái nhìn thận trọng về năm 2024, dự báo nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa hồi phục, nhất là...

ĐHĐCĐ GELEX 2024 thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1,921 tỷ đồng

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98