Cuộc đua giành ngôi vị trung tâm tài chính châu Âu hậu Brexit

04/07/2016 16:12
04-07-2016 16:12:35+07:00

Cuộc đua giành ngôi vị trung tâm tài chính châu Âu hậu Brexit

Quyết định của cử tri Anh chọn chia tay với Liên minh châu Âu (Brexit) đã đe dọa vị thế của London với tư cách là trung tâm tài chính châu Âu vì có khả năng nhiều ngân hàng và công ty tài chính rút khỏi đây. Giới chức của các thành phố Paris (Pháp), Frankfurt (Đức) và Dublin (Ireland) đang chạy đua mời họ dời đại bản doanh hoặc văn phòng đại diện từ London đến thành phố của mình.

Khu trung tâm tài chính, thương mại tại quận La Défense, Paris, Pháp. Ảnh: ieseg.fr

Chớp cơ hội

Một ngày sau khi cuộc trưng cầu dân ý ở Anh quyết định rời EU, Cơ quan đầu tư nước ngoài Ireland đã gửi thư cho hơn một ngàn công ty, đưa ra các đề nghị hỗ trợ nếu họ chuyển trụ sở và nhân sự từ London đến Dublin.

Tại thành phố Frankfurt, các quan chức đã thiết lập một đường dây nóng dành cho các ngân hàng muốn thảo luận về việc chuyển các hoạt động ra khỏi Anh.

Hôm 2-7, trả lời phỏng vấn nhật báo Le Parisien, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết chính phủ Pháp đang nghiên cứu các phương án để giúp Paris trở thành một trung tài chính hấp dẫn hơn so với London.

Ông nói: “Chúng tôi biết một số tập đoàn có trụ sở tại London đang lên kế hoạch chuyển đến Dublin, Amsterdam (Hà Lan), Frankfurt và Paris. Chúng tôi đang thảo luận các biện pháp có thể làm tăng tính hấp dẫn cho Paris. Đối với các công ty quốc tế, tôi sẽ nói: Hoan nghênh đến Paris! Hãy đến đầu tư ở Pháp”.

Một nhóm công tác từ Paris Europlace, tổ chức quảng bá tài chính Pháp, đang có kế hoạch đến London để thuyết phục các công ty tài chính và nhân sự cấp cao chuyển đến Paris. Business France, cơ quan đại diện thương mại hỗ trợ việc phát triển quốc tế của các doanh nghiệp Pháp, đã in các tờ rơi nêu bật các thuận lợi khi làm việc và sống ở Paris.

“Chúng tôi không tìm cách tận dụng nỗi đau của kẻ khác. Nhưng chúng tôi nghĩ chúng tôi đang có một quân bài để chơi”, Tổng thư ký Paris Europlace Alain Pithon nói.

Kiểm soát tình hình

Đối mặt với sự ganh đua mạnh mẽ từ các thành phố châu Âu, các nhà vận động hàng lang trong bộ máy tài chính của Anh đang quyết liệt tìm cách kiểm soát tình hình.

“Luôn luôn có sự kình địch lành mạnh giữa chúng tôi”, Chris Cummings, Giám đốc điều hành tổ chức vận động hành lang TheCityUK ở London, nói. Trong thời gian gần đây, Cummings liên tục nhận được các cuộc gọi từ các nhà đầu tư đang lo lắng về tương lai của ngành tài chính London.

Trong tuần trước, khoảng 24 lãnh đạo ngân hàng cũng đã nhóm họp tại trụ sở của Hiệp hội các chủ ngân hàng Anh để thảo luận biện pháp thúc ép các chính phủ EU cho phép Anh được giữ lại quyền bán các sản phẩm tài chính ở thị trường EU sau khi Anh rời EU. Việc Anh có đạt được thỏa thuận này hay không phải mất nhiều năm mới có câu trả lời. Tiến trình thương lượng về Brexit chưa thể khởi động ít nhất cho đến mùa thu tới khi Anh có thủ tướng mới.

Các quy định về tài chính sẽ là một vấn đề mấu chốt trong cuộc đàm phán giữa Anh với EU về Brexit. Đối với Anh, các lợi ích trong vấn đề này rất lớn. Ngành tài chính chiếm khoảng 12% GDP của Anh trong năm 2014. Tại Anh, gần 2,2 triệu người làm việc trong ngành tài chính và các dịch vụ liên quan và hơn 700.000 trong số họ làm việc tại London.

Các ngân hàng và các công ty tài chính đang cân nhắc khả năng chuyển trụ sở và nhân viên khỏi London đến các thành phố khác của châu Âu nếu họ bị tước quyền bán các dịch vụ tài chính ở thị trường Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh chính thức rời EU.

Một vấn đề khác nữa là Anh có thể sẽ không còn hưởng quyền tự do đi lại với các nước EU khác. Điều này đặt ra viễn cảnh công dân của các nước EU đang làm việc tại Anh sẽ phải rời nước Anh. Các công ty tài chính ở London có thể phải sắp xếp lại về nhân sự.

London vẫn còn nhiều lợi thế

Tuy vậy, rời bỏ London không phải là không mất mát. Ít thành phố khác ở châu Âu có cùng múi giờ với London, sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh và có sức hấp dẫn với tư cách là thành phố quốc tế.

Thuế, luật lao động cũng chi phí sinh hoạt sẽ là những khía cạnh để các công ty tài chính cân nhắc quyết định của họ. Bấy lâu nay, Anh quảng bá nước này như là cánh cổng thân thiện đối với doanh nghiệp để bước vào châu Âu. Các công ty tài chính ở London được hưởng lợi nhờ thuế thu nhập doanh nghiệp thấp và luật lao động mềm dẻo hơn ở Đức và Pháp.

Một lợi thế lớn khác của Anh là sau khi rời EU, Anh có quyền bỏ áp dụng quy định của EU về việc khống chế mức thưởng hàng năm cho các lãnh đạo ngân hàng ở mức tối đa gấp hai mức lương năm cơ bản. Trước đó, chính phủ Anh đã vận động bỏ mức giới hạn thưởng này nhưng không thành.

Phong cách sống cũng sẽ là một yếu tố để các công ty tài chính lựa chọn địa điểm đặt đại bản doanh. Chẳng hạn, dù Frankfurt là nơi đặt trụ sở của Ngân hàng trung ương châu Âu và có chi phí sinh hoạt rẻ hơn ở London nhưng thành phố này được cho là tẻ nhạt.

Tuy nhiên, ông Hubertus Väth, Giám đốc Frankfurt Main Finance, tổ chức quảng bá thành phố Frankfurt cho rằng nếu đã đến Frankfurt, mọi người sẽ thấy điều này không đúng. “Người ta nói rằng Frankfurt làm bạn khóc hai lần. Bạn khóc lần đầu khi bạn đến đây và bạn sẽ khóc lần nữa khi bạn phải rời thành phố này”, ông Hubertus nói.

(Theo Wall Street Journal, Reuters)

Chánh Tài

TBKTSG







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Đồng yen của Nhật Bản trượt giá xuống mức thấp nhất trong 34 năm

Giá đồng yen giảm sau khi Mỹ công bố các dữ liệu lạm phát mới cao hơn dự tính, đẩy giá đồng USD lên mức cao nhất trong 5 tháng và càng củng cố niềm tin rằng Fed sẽ...

Indonesia bất ngờ nâng lãi suất

Ngân hàng Trung ương Indonesia bất ngờ nâng lãi suất trong ngày 24/04 nhằm hỗ trợ đồng Rupiah, sau khi đồng tiền này rơi xuống đáy 4 năm.

Nhiều nước bày tỏ lo ngại trước việc đồng USD tăng giá mạnh

Đồng USD ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 so với các đồng tiền mạnh khác và trên đà tăng tháng thứ tư liên tiếp khiến các nhà hoạch định chính sách từ Nhật Bản...

IEA dự báo 50% xe điện bán ra trong năm 2024 sẽ đến từ Trung Quốc

Trong báo cáo vừa công bố, Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo doanh số xe điện sẽ tăng mạnh trong năm 2024 và ngày càng gây áp lực lên nhu cầu dầu. Họ cho rằng...

Apple thất thế trước Huawei ở Trung Quốc

Doanh số iPhone rớt mạnh ở Trung Quốc trong quý đầu năm khi công ty đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các dòng điện thoại của Huawei.

Các công ty quản lý tài sản khổng lồ đang chi phối hệ thống tài chính Mỹ

Các công ty quản lý tài sản hàng đầu của Mỹ như Blackstone, Franklin Templeton, BlackRock và KKR, đang lấn lướt các ngân hàng ở Phố Wall để chi phối hệ thống tài...

Vì sao đồng USD tăng mạnh trở lại?

Thị trường tài chính thế giới đang đối mặt với một lực lượng mà họ không ngờ tới: Đồng đô la mạnh trở lại và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các đồng tiền ổn định sau những biến động trên thị trường

Đồng yen tương đối ổn định và đồng USD duy trì gần mức cao sau những diễn biến địa chính trị và các hành động chính sách trong tuần trước.

Đồng won giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008

Trong phát biểu ngày 19/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) Rhee Chang-yong cho biết tỷ giá hối đoái đồng won có thể giữ ổn định nếu căng thẳng ở Trung...

Giới đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi thị trường

Giá cổ phiếu tăng cao khiến nhà đầu tư lo lắng, kích thích tâm lý lo lắng và gây ra làn sóng rút hàng tỷ đô la khỏi cổ phiếu và trái phiếu rác trong tuần qua.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98