Liệu thế giới có xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới?

16/08/2016 07:45
16-08-2016 07:45:20+07:00

Liệu thế giới có xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới?

Thế giới có thể đang đứng bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng mới với những dấu hiệu đang khá rõ ràng. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tỷ lệ nợ xấu trên tổng các khoản cho vay trong năm 2015 đã đạt 4,3%.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AFP)

Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu xảy ra năm 2009, con số này chỉ là 4,2%.

Thậm chí, tình hình hiện nay còn đang diễn ra theo chiều hướng tiêu cực hơn so với khủng hoảng tài chính-tiền tệ năm 2009. Hiện có hơn 3.000 tỷ USD nợ xấu trên toàn cầu, so với con số xấp xỉ 1.000 tỷ USD tín dụng thế chấp dưới chuẩn đã dẫn tới khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu năm 2009.

Các ngân hàng châu Âu đang “gánh” 1.300 tỷ USD nợ xấu, trong đó gần 400 tỷ USD nợ xấu thuộc về Italy. Monte dei Paschi di Siena (MPS) và một số ngân hàng đang gặp khó khăn của Italy đang tìm cách “lôi kéo” các ngân hàng đầu tư bằng việc chào mời cơ hội kiếm lời hấp dẫn.

Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư đang tỏ ra thờ ơ với việc tham gia vào kế hoạch của MPS, do lịch sử thất bại trong các chương trình hành động của MPS, những điều kiện thiếu chắc chắn trên thị trường và mối lo ngại gia tăng về nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sa sút.

Còn tại châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính các khoản tín dụng có rủi ro ở Trung Quốc cũng lên tới 1.300 tỷ USD, mặc dù những dự đoán của các tổ chức tư nhân đưa ra còn cao hơn con số này. Trong khi đó, các khoản cho vay có rủi ro “bay hơi” của Ấn Độ là 150 tỷ USD.

Đáng chú ý là các ngân hàng ở Mỹ, Canada, Vương quốc Anh và một số nước châu Âu, châu Á, Australia và New Zealand lại tiếp tục lún sâu vào các thị trường bất động sản thường bị định giá quá mức.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng cung cấp khá nhiều tín dụng cho lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản đang gặp không ít khó khăn. Chỉ riêng các khoản tín dụng dành cho lĩnh vực năng lượng trên toàn cầu ước đã lên tới khoảng 3.000 tỷ USD.

Những người đi vay đang gặp khó khăn trong việc trả lãi vay trong một môi trường sản xuất-kinh doanh mà giá hàng hóa đang giảm, tăng trưởng yếu kém, dư cung kéo dài, chi phí đi vay tăng và trong một số trường hợp là đồng tiền suy yếu.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi đà hồi phục ì ạch của nền kinh tế thế giới kể từ năm 2009 đang góp thêm các khoản nợ xấu.

Tại các nền kinh tế phát triển, tăng trưởng thấp và thiểu phát đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ. Nhiều công ty châu Âu đang đối mặt với tình trạng sức cạnh tranh suy giảm trên thị trường toàn cầu và vấn đề càng trầm trọng hơn do tác động tiêu cực của đồng euro.

Những nỗ lực của chính phủ nhằm khôi phục tăng trưởng, phần lớn thông qua một sự tăng cường nguồn cung tín dụng ngân hàng có chủ đích, đang dẫn tới các tác động nguy hiểm.

Với các tài sản an toàn mang về nguồn thu nhập thấp, các ngân hàng đã cấp tín dụng cho những đối tượng đi vay có độ tín nhiệm thấp hơn so với trước đây, nhất là đối với ngành công nghiệp dầu khí đá phiến và các thị trường mới nổi. Nguồn thanh khoản dồi dào đã đẩy giá tài sản tăng và các ngân hàng đã cho vay dựa trên các tài sản thế chấp được định giá quá cao.

Mức lãi suất thấp cho phép các đối tượng đi vay có mức tín nhiệm thấp có thể “tồn tại” lâu hơn, qua đó chỉ giúp kéo dài hơn khoảng thời gian dẫn tới hệ quả tất yếu là phải giảm hay xóa nợ cho họ.

Còn ở các nền kinh tế đang phát triển, các nhà đầu tư với dòng vốn mạnh đã góp phần làm gia tăng rủi ro khi họ tìm kiếm nguồn thu nhập cao hơn hay tránh các đồng tiền giảm giá, Chính sách của các chính phủ đang khuyến khích đầu tư hay tiêu dùng dựa trên nguồn vốn vay để kích thích nhu cầu hiện đang èo uột.

Tuy vậy, điều đáng lo ngại nhất trên thực tế là các giải pháp truyền thống để ứng phó với các cuộc khủng hoảng ngân hàng dường như là “không còn trong tư thế sẵn sàng và mang lại hiệu quả như trước đây.”

Để vượt qua giai đoạn khó khăn, các ngân hàng cần mức lợi nhuận cao, bơm vốn, một tiến trình tái cơ cấu các khoản tín dụng xấu và cải cách đối với các ngành nghề. Các nhà phân tích đánh giá năng lực của các ngân hàng để thoát khỏi khó khăn và xóa nợ hiện này là khá hạn chế.

Chính sách tiền tệ hiện tại được cho là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng đáng lo ngại kể trên. Chính sách lãi suất 0% hoặc ở mức âm đang kéo lãi suất cho vay ngân hàng xuống nhiều hơn so với lãi suất huy động - vốn không thể bị cắt giảm do nhu cầu duy trì nguồn tiền gửi tiết kiệm và tuân thủ các yêu cầu theo quy định đối với nguồn vốn ổn định.

Thông thường, các ngân hàng tích lũy vốn bằng nguồn thu nhập từ chênh lệch lãi suất tiền gửi thấp và các tài sản có mức lãi suất ổn định dài hạn, an toàn hơn như trái phiếu chính phủ. Tuy vậy, hiện nay sự chênh lệch giữa lãi suất ngắn hạn và dài hạn đã giảm mạnh.

Thu hút nguồn vốn mới đòi hỏi triển vọng dài hạn của lĩnh vực ngành nghề đó phải sáng sủa. Ngược lại, một số yếu tố mang tính cơ cấu đang gây ra những bất ổn đối với tương lai của ngành ngân hàng và có thể làm giảm các khoản lợi nhuận hiện có trong dài hạn.

Các mô hình hoạt động ngân hàng ở một số quốc gia cần có sự cải cách mạnh mẽ, mà đầu tiên là củng cố hoạt động và cắt giảm chi phí. Nhiều quốc gia có các ngân hàng cần hỗ trợ vẫn còn chưa “cởi mở” về vấn đề người nước ngoài sở hữu tài sản với vốn và kinh nghiệm chuyên môn có thể giúp họ hoạt động hiệu quả hơn.

Hành lang pháp lý nghèo nàn, nhất là thủ tục đăng ký phá sản không hiệu quả, không khuyến khích dòng vốn đầu tư mới đổ vào các ngân hàng hay các tài sản phát mãi. Quá trình tịch biên tài sản (để xiết nợ) ở Italy có thể diễn ra trong thời gian hơn bốn năm, so với 18 tháng ở Mỹ hay Vương quốc Anh.

Tại nhiều thị trường mới nổi, tình hình còn phức tạp hơn. Các cơ quan, tổ chức chính trị đi vay có thể buộc các ngân hàng phải gia hạn nợ dài kỳ hay thậm chí là vĩnh viên thay vì được coi là mất vốn.

Bên cạnh đó, những diễn biến chính trị bất ngờ càng làm tình hình nghiêm trọng hơn. Giá năng lượng chịu tác động của tình hình địa chính trị cũng nhiều như diễn biến thị trường. Cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã khiến hệ thống ngân hàng lao đao khi làm giảm mạnh giá đồng bảng và làm thay đổi hoàn toàn tương lai của các tổ chức tài chính ở Vương quốc Anh.

Tại Italy, nhân tố chính trị đang gây trở ngại cho việc tái cấp vốn của các ngân hàng. Trong khi các quy định ngân hàng của Liên minh châu Âu (EU) cũng như mức trần nợ và ngân sách khiến Chính phủ Italy khó có thể can thiệp để ứng phó với tình hình nan giải này.

Liệu một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới có thể bắt đầu nổ ra từ đây? Trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan quản lý ngân hàng trên khắp thế giới sẽ cần phải tìm được lời giải cho một số câu hỏi “khó nhằn” như việc cung cấp vốn của các nền kinh tế phát triển đã đi quá xa mức cần thiết?

Vai trò các ngân hàng có cần phải được điều chỉnh để đảm bảo các cuộc khủng hoảng như vậy sẽ ít thường xuyên xảy ra hơn? Và điều không mấy vui vẻ là đáp án cho tất cả những câu hỏi như vậy ngày càng hướng về khả năng là "có"./.

vietnam+

 



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Các ngân hàng trung ương châu Á chật vật 'chế ngự' đô la

Các ngân hàng trung ương châu Á đang chuẩn bị ứng phó nhiều bất ổn hơn từ sự trỗi dậy của đồng đô la Mỹ khi triển vọng giảm lãi suất không chắc chắn của Mỹ trong...

Đợt tăng vốn lớn nhất cho Ngân hàng Thế giới kể từ năm 2022

Phần lớn khoản cam kết tài trợ mới nhất, khoảng 9 tỷ USD, là của Mỹ dành cho Nền tảng bảo lãnh danh mục đầu tư mới, giúp hỗ trợ các khoản vay tư nhân và đầu tư vốn...

Doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường tích trữ đô la

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường tích trữ đô la Mỹ khi họ dự đoán đồng nhân dân tệ (NDT) sẽ mất giá hơn nữa. Thực trạng này càng làm trầm trọng thêm đà...

Bê bối tài chính Wirecard: Kiểm toán EY rất cẩu thả

Theo các nguồn thạo tin liên quan tới cuộc điều tra, cơ quan giám sát kiểm toán Đức (Apas) nhận định hoạt động kiểm toán của EY đối với công ty thanh toán Wirecard...

Nội tệ mất giá, Hàn Quốc phát cảnh báo hiếm thấy

Chính phủ Hàn Quốc đưa ra cảnh báo hiếm hoi đối với những người tham gia thị trường ngoại hối sau khi đồng won nhanh chóng chạm mốc 1,400 won đổi 1 USD lần đầu tiên...

Các đồng tiền ở thị trường mới nổi rơi xuống đáy mới trong năm 2024

Sự trở lại mạnh mẽ của đồng USD đã giáng đòn nặng nề tới các đồng tiền trên toàn cầu trong ngày 16/04, làm suy yếu nhiều đồng tiền châu Á và có thể buộc các quan...

Nhật Bản: Đồng yen giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1990

Trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh sau khi Fed công bố dữ liệu kinh tế, trong phiên giao dịch ngày 15/4, 154,28 yen đổi 1 USD, mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng...

Giới chuyên gia nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2024

Tờ The Wall Street Journal (WSJ) ngày 14/4 dẫn kết quả thăm dò quý mới nhất cho thấy giới lãnh đạo doanh nghiệp và học giả kinh tế đã hạ nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào...

Các nền kinh tế mới nổi và phát triển thận trọng trước đồng USD tăng giá

Trước sức mạnh của đồng USD, ngay cả các nền kinh tế có quy mô như Australia, Canada và EU cũng chứng kiến đồng nội tệ suy yếu với tốc độ mất giá lần lượt là 4,4%...

Triển vọng tín dụng toàn cầu năm 2024 ngày càng tồi tệ

Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội các nhà quản lý danh mục tín dụng quốc tế (IACPM), các nhà quản lý danh mục đầu tư và tài sản tại một số tổ chức tài chính lớn...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98