Đời Chứng khoán: Lên voi xuống…

26/09/2016 15:27
26-09-2016 15:27:00+07:00

Đời Chứng khoán: Lên voi xuống…

Thăng trầm, lên xuống vốn là bản chất của kinh doanh nói chung và chứng khoán nói riêng. Tuy nhiên, mức độ “lên voi xuống…” của chứng khoán có vẻ cao hơn và nhanh hơn so với các lĩnh vực khác rất nhiều. Vậy phải làm sao để vượt qua điều này?

Biến động mạnh liên tục – Điểm mạnh và cũng là điểm yếu

Dạo qua trên các diễn đàn, room chat bạn sẽ dễ dàng nghe được những lời than vãn kiểu như: “Đã trót dính vào “nghiệp chứng” thì sẽ luôn phải lo lắng, tính toán suốt ngày”. Điều này bắt nguồn từ hai lý do:

Thứ nhất, sự biến động mạnh liên tục khiến cho chứng khoán có sức hút mạnh liệt đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nó cũng khiến cho sự bất an gia tăng khi mà túi tiền của họ có thể bốc hơi bất cứ lúc nào.

Thứ hai, ngay cả khi thành công bạn sẽ luôn bị so sánh với các nhà đầu tư khác. Do các nhà đầu tư ít khi tiết lộ mức lợi nhuận thực tế của mình cho người khác, thậm chí đa số thường “nổ” hơn so với thực tế nên sự nghi ngờ về năng lực bản thân có thể sẽ gia tăng nếu như tỷ lệ sinh lời không được như ý hoặc thấp hơn so với những người xung quanh.

Tài chính hành vi sẽ giúp giảm bớt áp lực

Dưới góc độ nghiên cứu tài chính hành vi (Behavioral Finance) thì ngay cả khi đã được học và có nhiều kiến thức về tài chính, nhà đầu tư vẫn có thể rơi vào trạng thái bi quan nếu không có chiến lược tâm lý ứng phó phù hợp. Một số giải pháp sau có thể giúp nhà đầu tư:

Hạn chế sự bất mãn với thị trường. Albert Einstein từng nói: “Tôi chẳng khi nào nghĩ đến tương lai. Nó sẽ đến nhanh thôi”. Nhà đầu tư có thể tạm chắc chắn về những gì đang diễn ra trong hiện tại. Họ có quyền lo lắng cho tương lai và xây dựng một kế hoạch nhưng điều trớ trêu là hầu như thị trường sẽ không diễn ra như dự tính.

Ví dụ dưới đây của NTL - CTCP Phát Triển Đô Thị Từ Liêm sẽ minh họa rõ ràng hơn cho ý tưởng này. Vào giai đoạn tháng 02/2016, NTL test lại vùng đáy cũ ngắn hạn 11,800-12,200. Việc mua vào tại vùng này là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, giá đã phá vỡ vùng này vào giữ tháng 03/2016 nên nhà đầu tư cần phải cắt lỗ nhanh chóng để hạn chế tối đa thua lỗ.

Đến tháng 04/2016, giá lại test vùng hỗ trợ 9,000-10,000 nên việc mua vào được ủng hộ. Sau đó thì giá bứt phá khá mạnh trong nhiều tuần. Như vậy, việc vùng hỗ trợ sẽ bị phá vỡ hay không trong tương lai là khó có thể xác định chắc chắn. Nhà đầu tư chỉ có thể tính toán xác suất và cố gắng thích nghi nếu thị trường biến động ngược ý mình mà thôi. Một số nhà đầu tư thường không thích đối diện với việc cắt lỗ lắm do hội chứng loss aversion bias. Tuy nhiên, đây là việc cần thiết nên dù không thích thì vẫn phải tiến hành.

Nhà quản lý quỹ huyền thoại Nick Roditi từng nói chiến lược kinh doanh của ông là "gió chiều nào xoay chiều ấy". Vấn đề quan trọng nhất là cố gắng làm mọi thứ tốt nhất trong khả năng ở ngày hôm nay và không quá lo lắng về ngày mai. Nói kiểu thuật ngữ chuyên ngành thì theo Học thuyết Hỗn loạn (Chaos Theory), bạn nên tập trung vào việc phản ứng (react) thay vì cứ cố gắng đi dự báo (predict).

Nếu suy nghĩ “thoáng” hơn về việc dự báo sai là lẽ tất nhiên của công việc đầu tư thì bạn sẽ hạn chế được sự bất mãn và chán nản với thị trường. Từ đó, áp lực nặng nề với công việc đầu tư sẽ giảm xuống.

Đừng quá phụ thuộc vào người khác. Minh họa sống động nhất cho hội chứng confirmation bias trong các sách viết về tài chính là câu chuyện “Nếu là con cừu, bạn sẽ chọn ở chung với chó sói hay sư tử?”. Đây là chuyện khá phổ biến để nói lên tầm quan trọng của việc nắm giữ cái gọi là “quyền quyết định”. Truyện có thể tóm tắt như sau:

Thượng đế chia bầy cừu ở thảo nguyên thành một nửa phía Nam và một nửa phía Bắc. Ngài ban cho chúng 2 kẻ thù: sư tử và sói. Nếu chọn sói thì cho 1 con. Nếu chọn sư tử thì cho 2 con nhưng có thể tùy ý chọn một trong hai con sư tử và được thay đổi bất cứ lúc nào.

Lũ cừu phía Nam nghĩ: sư tử to con và ăn nhiều hơn sói nên chọn sói. Lũ cừu phía Bắc nghĩ: sư tử tuy hung dữ hơn sói nhưng chúng có quyền lựa chọn trong 2 con đó nên chọn sư tử. Sau khi con sói được thả vào bầy cừu phía Nam do cơ thể sói nhỏ nên sức ăn cũng ít, một con cừu đủ để nó no mấy ngày. Phía Bắc chọn một con sư tử, còn một con để lại chỗ Thượng đế. Sau khi con sư tử được thả vào đàn cừu, nó ngày nào cũng phải ăn một con cừu. Bầy cừu liền vội vàng xin Thượng đế cho đổi con sư tử còn lại. Tuy nhiên, con sư tử kia bị bỏ đói nên còn đáng sợ và ăn nhiều hơn cả con sư tử trước đó.

Bầy cừu phía Nam vui mừng đã chọn đúng kẻ thù, cười nhạo lũ phía Bắc. Phía Bắc chỉ có thể không ngừng thay đổi giữa hai con sư tử. Nhưng hai con sư tử đều hung dữ, dù có đổi thế nào cũng thảm hại hơn lũ cừu phía Nam nên chúng quyết định không đổi nữa, để cho con sư tử kia ăn đến béo mập, còn con còn lại đói meo. Thấy con sư tử kia sắp đói chết rồi, lũ cừu mới xin Thượng đế đổi. Con sư tử đói sắp chết đó sau khi trải qua cơn đói kéo dài, nó từ từ nhận ra một đạo lý: “Mình tuy mạnh nhưng “quyền quyết định” vận mệnh lại nằm trong tay lũ cừu. Lũ cừu phía Bắc có thể đưa mình lại chỗ Thượng đế bất cứ lúc nào và khiến mình chết đói”. Sau khi hiểu được điều đó, con sư tử gầy rất tốt với lũ cừu, chỉ ăn thịt cừu chết hoặc cừu bệnh thôi.

Tuy nhiên, một con cừu già mới nhắc nhở cả bầy: “Con sư tử gầy sợ chúng ta gửi nó lại chỗ Thượng đế chịu đói khát mới đối xử với chúng ta tốt như vậy. Nhỡ đâu con sư tử béo kia đói chết, chúng ta hết đường lựa chọn. Khi đó con sư tử gầy sẽ nhanh chóng hung dữ trở lại”. Bầy cừu cảm thấy con cừu già nói rất có lý, để con sư tử kia không bị chết đói, chúng lại nhanh chóng đổi lại nó. Con sư tử vốn dĩ béo tốt bị bỏ đói chỉ còn da bọc xương, cũng bắt đầu hiểu được tính mệnh bản thân phụ thuộc vào lũ cừu. Để được giữ lại lâu hơn trên thảo nguyên, nó nghĩ ra trăm phương nghìn cách nịnh nọt lũ cừu.

Lũ cừu phía Nam thì ngày càng thảm hại do con sói kia vì không có đối thủ nên càng hung dữ và ăn nhiều hơn. Thậm chí, nó còn không thèm ăn thịt cừu nữa mà chỉ uống máu cừu. Một ngày nó giết đến cả chục con. Lũ cừu phía Nam than: “ Nếu biết vậy thà chọn hai con sư tử còn hơn”.

Rõ ràng câu chuyện trên cho thấy: Nếu muốn được vui vẻ thoải mái thì ngoài khả năng mạnh yếu, tài giỏi của bản thân còn cần tự mình nắm giữ “quyền quyết định”. Đừng để ai quyết định vận mệnh của bạn ngay cả khi bạn là “kẻ yếu”.

Các nhà đầu tư nhỏ vẫn hay được ví như những con cừu với đặc điểm yếu đuối, chậm chạp nên dễ bị “thịt”. Tuy nhiên, ngay cả khi không có lợi thế nào thì nhà đầu tư vẫn có thể sống sót bằng cách hạn chế cái gọi là confirmation bias. Đây là khuynh hướng của con người ưa chuộng những thông tin nào xác nhận các niềm tin hoặc giả thuyết của chính họ chứ không phải là những bằng chứng được xác nhận từ thực tế. Các niềm tin ban đầu của nhà đầu tư có thể được dẫn dắt bởi các “tay to”, “cá mập”… thì lại càng có thể gây ra các hệ lụy nguy hiểm. Đây là mầm mống để phát sinh một loại hội chứng khác cũng rất nguy hiểm là tâm lý bầy đàn (herding bias). Khi đó, nhà đầu tư đã tự trao “quyền quyết định” số phận cho người khác rồi.

Cách khắc phục nhược điểm này là nhà đầu tư cần backtest thật kỹ hệ thống và các yếu tố ra quyết định đầu tư của mình. Các yếu tố cơ bản hoặc chỉ báo được dư luận đánh giá cao nhưng không phát huy hiệu quả đối với mình thì cần nhanh chóng gạt bỏ và thay bằng các yếu tố có tỷ lệ thắng thua (win/loss ratio) khi ra quyết định đầu tư cao hơn. Nếu có thể tự mình xây dựng được một hệ thống (dù là rất đơn giản) ra quyết định hiệu quả thì nhà đầu tư gần như đã thành công rồi./.





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

'Chênh vênh' tâm lý giao dịch chứng khoán và những bài học đắt giá

Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường chứng khoán cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch. Có thể nói, yếu tố tâm lý của họ ảnh hưởng nhiều đến diễn...

Cẩn trọng với những chiêu trò lừa đảo chứng khoán trên mạng

Giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến giúp tiếp cận thị trường chứng khoán càng thêm thuận lợi hơn. Tuy nhiên, sự thuận lợi này kéo theo không ít chiêu trò lừa...

Kinh nghiệm nào cho nhà đầu tư qua sự cố hệ thống VNDirect?

Rủi ro với VNDirect cũng có thể xảy ra đối với bất kỳ công ty chứng khoán nào trên thị trường, dù doanh nghiệp đều đầu tư bài bản vào hệ thống công nghệ thông tin...

Hội quán Chứng khoán sinh hoạt định kỳ tháng 3/2024 với chủ đề “Cơ hội đầu tư quý 2 qua góc nhìn FA và Fn”

Sau giai đoạn tăng tốt về cả thanh khoản lẫn điểm số, thị trường chứng khoán trong tháng 3 đã có những tuần rung lắc, đặc biệt  phiên 19/03, chỉ số VN-Index giảm 42...

Trăn trở của nhà đầu tư nhỏ lẻ mỗi khi mùa báo cáo tài chính đến

Kết thúc năm 2023 cũng là lúc hàng ngàn báo cáo tài chính của các công ty niêm yết công bố với nhiều thông tin tích cực lẫn tiêu cực. Là một nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc...

Từ vụ 'đánh bạc' cổ phiếu họ FLC, rút bài học về nguyên tắc đầu tư

Qua vụ việc thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch tập đoàn FLC, một bài học lần nữa được nhắc lại, đó là nguyên tắc đầu tư và...

Warren Buffett: Kỷ nguyên tăng trưởng ấn tượng của Berkshire Hathaway đã qua

Huyền thoại Warren Buffett cảnh báo rằng đế chế đa ngành 905 tỷ USD của ông “gần như không có khả năng tăng trưởng ấn tượng” trong vài năm tới. Điều này đặt ra...

Warren Buffett ca ngợi Charlie Munger là kiến trúc sư của Berkshire Hathaway

Warren Buffett vừa chia sẻ sự kính trọng với huyền thoại Charlie Munger quá cố trong lá thư gửi cổ đông, ca ngợi Charlie Munger là kiến trúc sư của Berkshire...

Luận Cổ Nhơn, đàm chứng khoán

Đầu xuân Giáp Thìn 2024, tôi được một người đồng nghiệp giới thiệu trò chơi dân gian ở quê anh - Cổ Nhơn.

Bài học đắt giá nhất từ những nhà đầu tư hàng đầu thế giới

Không ai có thể đưa ra được những quyết định đầu tư đúng đắn mà không trả qua những sai lầm. Từ đó, họ rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc và tự điều chỉnh lại chiến...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98