Ông “trùm” ngành bia Việt chào sàn: Giá kịch trần với dư mua hơn 6 triệu cp

06/12/2016 10:27
06-12-2016 10:27:30+07:00

Ông “trùm” ngành bia Việt chào sàn: Giá kịch trần với dư mua hơn 6 triệu cp

Ngày 06/12, Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco (HOSE: SAB) – đơn vị nắm giữ thị phần lớn nhất trong ngành bia Việt chính thức chào sàn tại mức giá tham chiếu 110,000 đồng/cp.

Nghi thức đánh chiêng mở màn giao dịch cổ phiếu SAB

Cổ phiếu Sabeco ngay khi chính thức giao dịch tại mức giá tham chiếu 110,000 đồng/cp đã nhanh chóng tăng hết biên độ 20% để đạt mức 132,000 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh đạt trên 3,000 cổ và dư mua trần trên 6.2 triệu cp.

Cơ cấu cổ đông chốt ngày 06/10/2016 của Sabeco là 1,227 cổ đông, trong đó Bộ Công thương nắm 574.5 triệu cp chiếm 89.59% vốn, cổ đông nước ngoài sở hữu 60.2 triệu cp ứng 9.39% vốn.

Được biết, Bộ Công thương đã nhận được quyết định của Chính phủ để thoái toàn bộ vốn tại hai đơn vị sản xuất bia, rượu, nước giải khát lớn nhất là Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (SAB) và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (BHN). Đồng thời, Bộ cũng đã công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco.

Theo chia sẻ của ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco, thì Bộ đang xúc tiến việc thoái vốn tại Tập đoàn. Lộ trình thoái vốn sẽ phải đảm bảo công khai minh bạch dựa trên các tiêu chí đưa ra mức giá hợp lý bảo toàn vốn Nhà nước, đảm bảo hoạt động kinh doanh tại Sabeco, duy trì thương hiệu Sabeco...

Sabeco là tập đoàn lớn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bia, rượu, nước giải khát. Trải qua 140 năm hoạt động, Sabeco đã trở thành nhà sản xuất bia hàng đầu ở thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm đi 27 quốc gia. Năm 2015, Tập đoàn vươn lên vị trí thứ 17 trong các tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới.

Quy mô Tập đoàn gồm công ty mẹ, 23 công ty con và 31 công ty liên doanh liên kết. Vốn điều lệ hiện tại là 6,412.8 tỷ đồng và tổng tài sản là 17,584 tỷ đồng. Sabeco đang có 24 nhà máy sản xuất bia với tổng công suất đạt trên 1.8 tỷ lít bia/năm cùng hệ thống phân phối với 11 công ty thương mại.

Tập đoàn sản xuất tập trung vào phân khúc bia phổ thông – là phân khúc thị trường bia lớn nhất tại Việt Nam, chiếm đến 60% sản lượng toàn ngành. Các sản phẩm bia chủ lực gồm bia lon Sài Gòn 333, bia chai Sài Gòn 355, bia chai Sài Gòn 450, bia chai Sài Gòn 330, bia lon Sài Gòn 330; ngoài ra còn có các sản phẩm khác như rượu Bình Tây, rượu Đồng Xuân, nước giải khát Chương Dương (do công ty con khai thác và quản lý). Riêng các nhãn hiệu bia 333, bia Sài Gòn Lager (Sài Gòn Xanh), Sài Gòn Export (Sài Gòn đỏ) và Sài Gòn Special chiếm đến 44.9% tổng thị phần bia trong nước.

Bia và nguyên vật liệu sản xuất bia là hai nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất với lần lượt 87% và 10.82% tổng doanh thu (năm 2014 và 2015), riêng 9 tháng đầu năm 2016 là 86.3% và 11.96%; hai mảng còn lại tỷ trọng không đáng kể. Qua đó, phần lợi nhuận gộp của lĩnh vực bia cũng chiếm trên 95% cơ cấu tổng.

Doanh thu thuần năm 2014 và 2015 của Sabeco đạt lần lượt 24,610.9 tỷ và 27,144.3 tỷ đồng; lãi ròng thực hiện ở mức gần 3,600 đồng đến 4,500 tỷ đồng. Bước sang năm 2016, kết quả kinh doanh của Sabeco cũng được cải thiện qua từng quý. Lũy kế 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu thuần 21,809 tỷ đồng và lãi ròng 3,547 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 9% và 22% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh của Sabeco

Lợi nhuận trước thuế 11 tháng đầu năm 2016 vượt 13% kế hoạch cả năm

Tại buổi lễ niêm yết, ông Hà cho biết theo thống kê mới nhất từ Sabeco, con số kết quả kinh doanh trong 11 tháng đầu năm khá ấn tượng với doanh thu hợp nhất (không bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) lên tới 28,298 tỷ đồng, giúp nâng mức lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp lên 5,035 tỷ đồng và vượt 13% so với kế hoạch của cả năm 2016.

Theo Euromonitor International, trong giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành bia được dự báo ở mức bình quân 6%/năm. Thị phần sản lượng tiêu thụ bia của các phân khúc giá không thay đổi đáng kể, phân khúc bia cao cấp đạt 492.9 triệu lít (chiếm 10.2% tổng sản lượng), bia phân khúc giá trung bình đạt 3,002.5 triệu lít (tăng nhẹ lên 62%) và bia phân khúc giá rẻ đạt 1,347.6 triệu lít (chiếm 27.8% tổng sản lượng). Doanh thu tiêu thụ dự báo tăng trưởng bình quân 7.2%/năm trong giai đoạn 2015 – 2020.

Dựa trên dự báo ngành như trên, Sabeco đề ra kế hoạch cho năm 2017 gồm doanh thu thuần 30,384 tỷ đồng, tăng nhẹ 6.4% so với kế hoạch 2016 và lãi ròng 3,956 tỷ, tăng trưởng 8.1%. Cổ tức duy trì ở mức 30% và Tập đoàn không có kế hoạch tăng vốn.

Mặc dù Tập đoàn đang dẫn đầu thị trường nhưng trong thời gian tới còn nhiều thách thức. Trước tiên là các hiệp định thương mại được ký kết sẽ giảm thuế nhập khấu đối với nhiều loại sản phẩm trong đó có bia rượu. Do vậy, các sản phẩm bia nhập khẩu từ nước ngoài được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Mặt khác, phân khúc bia trung bình bị cạnh tranh gay gắt từ bia cao cấp như Heineken, Sapporo và xu hướng chuyển dịch tiêu dùng sang bia cao cấp khi thu nhập bình quân tăng lên.

Một rủi ro không kém phần quan trọng là về thuế tiêu thụ đặc biệt. Từ năm 2016, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu (trên 20 độ) và bia tăng lên 55% (tăng 5% so với năm 2015) và năm 2017 sẽ tăng lên 60%, năm 2018 là lên 65%./.





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

ELC muốn tạo "mưa" cổ phiếu, nâng vốn điều lệ vượt ngàn tỷ

CTCP Công Nghệ - Viễn Thông Elcom (HOSE: ELC) sắp phát hành 1 triệu cp ESOP, thời gian nhận tiền mua từ 15-24/04/2024. Chưa dừng lại ở đó, ELC còn có kế hoạch tạo...

Liên tục thua lỗ, một công ty thép cùng lúc rơi vào diện cảnh báo và kiểm soát

Ngày 04/04, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) thông báo đưa cổ phiếu của CTCP Đại Thiên Lộc (HOSE: DTL) vào diện cảnh báo và kiểm soát từ ngày 11/04, sau khoảng...

Cổ phiếu Nước giải khát Chương Dương giảm kịch sàn trước tin bị hủy niêm yết

Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) sẽ hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu SCD của CTCP Nước giải khát Chương Dương do lỗ ba năm liên tục và vốn điều lệ âm...

Cổ phiếu POM sẽ bị hủy niêm yết

Cổ phiếu POM sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm quy định về việc nộp báo cáo tài chính kiểm toán.  

Lỗ vượt vốn điều lệ, một cổ phiếu ngành nhựa có nguy cơ bị hủy niêm yết

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây thông báo về khả năng hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của CTCP Nhựa Đà Nẵng (HNX: DPC), sau 2 năm Công ty...

SPC vào diện cảnh báo, nối dài chuỗi ngày bị cắt margin

Ngày 20/03, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Bảo vệ Thực vật Sài Gòn (HNX: SPC) vào diện cảnh báo, đồng thời bổ sung lý do...

Từ 20/03, gần 15.7 triệu cp TKC giao dịch trở lại trên UPCoM, định giá chưa đến 19 tỷ đồng

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo gần 15.7 triệu cp của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ (TKC) sẽ chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM...

Hơn 304 triệu cổ phiếu HPX thoát diện đình chỉ giao dịch

Ngày 14/03, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Đầu tư Hải Phát (HOSE: HPX) ra khỏi diện đình chỉ giao dịch. Theo đó, hơn 304 triệu cp...

SD2 nối dài chuỗi ngày bị cảnh báo sau nhiều năm vướng ý kiến kiểm toán ngoại trừ

Ngày 13/03, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo duy trì diện cảnh báo với cổ phiếu của CTCP Sông Đà 2 (UPCoM: SD2) do có trên 3 năm vướng ý kiến kiểm...

Kiểm toán chấp thuận toàn phần và lợi nhuận dương trở lại, KDM thoát diện kiểm soát

Ngày 05/03, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa cổ phiếu KDM của CTCP Tập đoàn GCL ra khỏi diện bị kiểm soát, hiệu lực từ ngày 07/03.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98