Các chuyên gia dự báo gì về thị trường chứng khoán châu Á 2017?

02/01/2017 09:48
02-01-2017 09:48:33+07:00

Các chuyên gia dự báo gì về thị trường chứng khoán châu Á 2017?

Bất ổn chính trị, lãi suất âm, sự cố điện thoại phát nổ có thể nói là những sự kiện làm rúng động thị trường chứng khoán châu Á trong năm 2016, nhưng các thị trường khu vực vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Các chiến lược gia dự báo TTCK châu Á sẽ tăng trưởng vào năm 2017, bất chấp những bất ổn vĩ mô đang khiến nền kinh tế xáo trộn.

Nguồn: Bloomberg

Trong ngắn hạn, các cổ phiếu châu Á có thể ăn theo đà tăng của cổ phiếu Mỹ nhờ chính sách tăng cường chi tiêu công của Tổng thống đắc cử Donald Trump sau khi ông chính thức nhậm chức vào ngày 20/01/2017. Tuy nhiên, các chiến lược gia dự báo lạm phát cao và việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn, kết hợp với đồng USD mạnh và khả năng thực hiện các biện pháp bảo hộ của Mỹ đã làm gia tăng rủi ro cho các thị trường châu Á. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc bắt đầu ổn định từ giữa năm 2016 nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng và có thể tiếp tục duy trì ngay cả khi đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá.

"Nếu bạn đầu tư vào thị trường ngay thời điểm đầu năm 2016, và không nhìn lại khoản đầu tư này trong thời gian còn lại của năm, bạn có thể nghĩ rằng đó là 1 năm tốt, khi các sự kiện toàn cầu như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và Brexit đã không xảy ra", ông Arthur Kwong, Trưởng Bộ phận TTCK Châu Á - Thái Bình Dương tại công ty BNP Paribas Investment Partners ở Hồng Kông, cho biết. Công ty này dự báo ​​tốc độ tăng trưởng của châu Á sẽ tiến xa hơn so với nhiều nền kinh tế khác trên toàn cầu.

Dưới đây là những mục tiêu trung vị (giá trị dự báo đứng giữa trong số các dự báo) đối với chỉ số chính của các thị trường lớn từ Nhật Bản cho đến Ấn Độ dựa trên kết quả cuộc thăm dò của Bloomberg. Các tính toán riêng được thực hiện bởi Bloomberg đều dựa trên phân tích các mức giá mục tiêu của các cổ phiếu thành viên trong mỗi chỉ số.

Nhật Bản

Mục tiêu trung bình của 7 nhà phân tích và nhà đầu tư đối với chỉ số Topix vào thời điểm kết thúc năm 2017 là 1,600 điểm, tăng khoảng 4% so với mức đóng cửa hôm thứ Ba (13/12/2016). Trong khi đó, các tính toán của Bloomberg cho thấy mục tiêu giá là 1,573.96.

Topix khép lại phiên 13/12 tại mức 1,540.25 và chỉ còn giảm 0.5% trong năm 2016 sau khi leo dốc trong tháng 11/2016.

Cổ phiếu Nhật Bản còn nhiều tiềm năng tăng cao hơn nhờ môi trường kinh tế toàn cầu được hưởng lợi từ tâm lý lạc quan về nền kinh tế Mỹ dưới thời của Donald Trump, các chiến lược gia tại Daiwa SB Investments và Mitsubishi UFJ Kokusai Asset Management cho biết.

6 tháng cuối năm 2017 có thể gặp nhiều thách thức hơn, khi thị trường có cái nhìn rõ hơn về các chính sách của ông Trump, ông Naoki Fujiwara, Giám đốc quản lý quỹ Shinkin Asset Management, nhận định.

Ông Fujiwara nhận thấy chứng khoán Nhật Bản sẽ bước vào một giai đoạn "ảm đạm" hơn nếu Fed nâng lãi suất.

Trung Quốc

Các nhà chiến lược tham gia cuộc thăm dò dự đoán chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sẽ có giá trị trung bình tại 25,000 và chỉ số Hang Seng China Enterprises đạt 11,000 điểm, các mục tiêu này đều tăng 13% so với mức đóng cửa ngày thứ Ba (13/12). Đối với Shanghai Composite, các nhà chiến lược dự báo chỉ số này tăng 20% lên mức 3,800, sau khi sụt giảm hơn 10% trong năm 2016.

Mặc dù thị trường Trung Quốc có thể khởi đầu chậm chạp, nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có khả năng phục hồi lên mức cao nhất trong vòng 4 năm nhờ lạm phát ổn định, ông Kinger Lau, Chiến lược gia về cổ phiếu Trung Quốc của Goldman Sachs, cho hay.

Đa số các chiến lược gia tham gia cuộc thăm dò đều cho rằng năng lượng là lĩnh vực được ưa thích. Ngoài ra, cổ nhóm phiếu ngân hàng, bảo hiểm và tiêu dùng được dự báo có thành quả tốt hơn trong năm 2017. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu viễn thông và tiện ích lại có thành quả kém, theo nhận định của các nhà phân tích từ Macquarie và Citi.

Nỗi lo sợ của thị trường về đà suy yếu của đồng NDT và việc hạn chế thị trường bất động sản của Trung Quốc đã được "khuếch đại" khi khả năng phục hồi thị trường trong nước lấn át những rủi ro thương mại trong năm tới, Chiến lược gia của Citi đánh giá.

Theo tính toán của Bloomberg, mục tiêu giá cho chỉ số Taiex của Đài Loan là 9,839.63, tức tăng gần 5% so với mức đóng cửa hôm thứ Ba (13/12).

Ấn Độ

Ấn Độ tỏ ra khá hấp dẫn và có thể có tỷ suất sinh lợi 2 con số trong năm 2017, các chiến lược gia của Morgan Stanley cho hay. Bên cạnh đó, ông cũng dự báo chỉ số Sensex sẽ đạt mức 30,000 vào tháng 12/2017.

Hiện chỉ số Sensex đã tăng 2.2% trong năm nay, lên mức 26,700.

Morgan Stanley tỏ ra lạc quan đối với lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu, tài chính, công nghệ; nhưng lại bi quan về lĩnh vực hàng tiêu dùng, năng lượng, công nghiệp, viễn thông và tiện ích.

Giá cổ phiếu đã phản ánh mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận, điều này gợi mở việc tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu Ấn Độ, theo công ty BNP Paribas.

BNP Paribas cũng cho rằng việc thi hành thuế kinh doanh quốc gia, các động thái hướng tới xã hội không dùng tiền mặt sẽ tạo ra lợi ích trong dài hạn vì điều đó sẽ dẫn tới đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế.

Mục tiêu của chỉ số Sensex là 30,798.11, tăng 15% so với mức hiện tại, theo tính toán của Bloomberg.

Hàn Quốc

Mục tiêu trung bình cho Kospi khi kết thúc năm 2017 là 2,220, trong khi theo tính toán của Bloomberg là 2,472.14, tăng 21% so với mức đóng cửa hôm thứ Ba (13/12).

Việc gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Hàn Quốc là một nguy cơ lớn có thể tác động đến cổ phiếu Hàn Quốc, Standard Chartered cho biết.

Đông Nam Á

Các chiến lược gia nhận thấy rủi ro địa chính trị và một "môi trường khó khăn hơn" trong năm 2017, sau một năm các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á bị vùi dập bởi những lo ngại về lãi suất.

Citi dự báo mục tiêu giá cho chỉ số MSCI Southeast Asia tại mức 710, cao hơn mức đóng cửa hôm thứ Ba (13/12) là 690.

Indonesia có thể chứng kiến sự phục hồi của tốc độ tăng trưởng nhờ các hàng hóa, chiến lược gia của BNP Paribas, Manishi Raychaudhuri cho hay. Bên cạnh đó, các vấn đề bao gồm chi tiêu Chính phủ ảm đạm và tăng trưởng đầu tư thấp vẫn là các mối lo ngại trong ngắn hạn.

Nền kinh tế Malaysia có thể bị tác động bởi các chính sách bảo hộ thương mại tiềm năng của chính quyền Donald Trump do thị trường nội địa nhỏ bé, Macquarie nhận xét.

Bất ổn địa chính trị có khả năng hạn chế dòng vốn đầu tư nước ngoài ở Philippines, Morgan Stanley cho hay. Tiêu dùng trong nước và đầu tư tư nhân vẫn có khả năng thúc đẩy tăng trưởng, tập đoàn Macquarie và công ty Nomura cho biết.

Kinh tế Singapore có khả năng tiếp tục tăng trưởng chậm chạp trong năm 2017. Lợi nhuận trong trung hạn được dự báo ​​dao động ở mức thấp nhất trong khu vực, theo Nomura.

Khu vực tư nhân của Thái Lan có thể sẽ đối mặt với các khoản nợ hộ gia đình ngày càng leo thang và hiệu suất sử dụng thấp. Đó là lưu ý của chiến lược gia Alastair Macdonald tại Macquarie. Trong khi đó, Morgan Stanley nhận thấy mặt tích cực trong những cuộc cải tổ hiến pháp, cụ thể là có thể đem lại sự ổn định chính trị.

Australia

Mục tiêu trung bình của chỉ số ASX 200 cuối năm 2017 là 5,737.5, theo phân tích của 4 đơn vị nghiên cứu tại các ngân hàng bao gồm cả Credit Suisse và Morgan Stanley.

Trong khi Credit Suisse dự báo lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng lần đầu tiên trong 3 năm nhờ lạm phát toàn cầu, cải cách ở Trung Quốc và sự ưa thích cổ tức hơn là lợi suất, thì Morgan Stanley dự đoán chỉ số thị trường không có nhiều tiến triển.

Sự đóng góp của thị trường nhà ở vào đà tăng trưởng của nền kinh tế Australia đã chạm đỉnh và được dự kiến ​​sẽ duy trì trong năm 2017 trước khi sụt giảm vào năm 2018, các chiến lược gia của Morgan Stanley dẫn đầu bởi Chris Nicol dự báo.

Mức mục tiêu cho chỉ số ASX 200 dựa trên tính toán của Bloomberg là 5,690.97, tăng 2,6% so với mức đóng cửa hôm thứ Ba (13/12)./.







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Hàn Quốc triển khai hệ thống giám sát bán khống cổ phiếu bất hợp pháp

Sàn giao dịch Hàn Quốc sẽ thiết lập một hệ thống giám sát để phát hiện các giao dịch bất hợp pháp nhằm bán khống cổ phiếu mà không vay trước, được gọi là bán khống...

Phố Wall gần như đi ngang do lo ngại về lãi suất

Chỉ số S&P 500 gần như đi ngang vào ngày thứ Tư (24/04), khi lo ngại về lãi suất làm giảm sự nhiệt tình đến từ các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp tích cực.

Phố Wall tăng phiên thứ 2 liên tiếp, Dow Jones tăng hơn 250 điểm

Chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp vào ngày thứ Ba (23/04), khi một loạt báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ giúp xoa dịu đi mối lo ngại về lãi suất...

Sở giao dịch chứng khoán New York lấy ý kiến về phương án giao dịch xuyên ngày đêm

Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đang thăm dò ý kiến của những người tham gia thị trường về phương án cho phép giao dịch cổ phiếu suốt ngày đêm khi các cơ...

Phố Wall khởi sắc, S&P 500 đứt mạch 6 phiên giảm liên tiếp

Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Hai (22/04), phục hồi vị thế sau một tuần khó khăn, khi các cổ phiếu công nghệ phục hồi và căng thẳng ở Trung Đông giảm bớt...

Tata muốn mua lại hoạt động sản xuất iPhone của Pegatron

Tata đang mở rộng nhanh chóng với tư cách là đối tác lắp ráp của Apple tại Ấn Độ, giúp công ty công nghệ hàng đầu này giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nasdaq Composite mất hơn 2%, giảm 6 phiên liên tiếp

Chỉ số Nasdaq Composite giảm phiên thứ 6 liên tiếp vào ngày thứ Sáu (19/04), ghi nhận chuỗi lao dốc dài nhất trong hơn 1 năm. Xu hướng giảm đến khi cổ phiếu Nvidia...

Chứng khoán toàn cầu bị bán tháo, Dow Jones tương lai giảm hơn 1%, Nikkei 225 sụt hơn 1,200 điểm

Thị trường chứng khoán toàn cầu bị bán tháo sau thông tin xảy ra một vụ nổ ở Iran, nhưng chưa biết nguyên nhân.

Giảm 5 phiên liên tiếp, S&P 500 ghi nhận chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 10/2023

Chỉ số S&P 500 giảm phiên thứ 5 liên tiếp vào ngày thứ Năm (18/04), ghi nhận chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 10/2023.

Các chỉ số chứng khoán châu Á phục hồi sau chuỗi ngày liên tiếp mất điểm

Phiên 18/4, các nhà đầu tư đã “phớt lờ” đợt bán tháo trong phiên trước ở Phố Wall, nơi các cổ phiếu công nghệ chìm trong sắc đỏ do lo ngại rằng Fed sẽ duy trì lãi...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98