Vì sao hàng hóa sẽ tiếp tục “tăng nóng” trong năm 2017 sau đà bứt phá 2016?

02/01/2017 21:00
02-01-2017 21:00:00+07:00

Vì sao hàng hóa sẽ tiếp tục “tăng nóng” trong năm 2017 sau đà bứt phá 2016?

Quặng sắt dẫn đầu đà tăng của các hàng hóa trong năm 2016, vàng và dầu cũng hồi sinh

Các kênh hàng hóa đã ghi nhận năm leo dốc mạnh nhất kể từ năm 2010, khi các ngành công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này hoàn toàn trái ngược so với thành quả năm ngoái.

Quặng sắt, kẽm và khí thiên nhiên là những hàng hóa có thành quả tốt nhất trong năm nay, dù đây là những hàng hóa sụt giảm mạnh nhất trong năm 2015.

Christopher Wyke, Giám đốc sản phẩm tại Schroder Commodity Strategy, cho hay: “Trong năm 2016, các hàng hóa bắt đầu phục hồi và rút ra khỏi thị trường con gấu kéo dài 5 năm qua”.

Chỉ số Hàng hóa của Bloomberg cũng ghi nhận năm leo dốc đầu tiên về phương diện phần trăm trong 6 năm vừa qua, trái ngược hoàn toàn so với thời điểm cuối năm 2015 khi chỉ số này ghi nhận năm có kết quả tồi tệ nhất về phương diện phần trăm kể từ năm 2008. Tính tới giữa tháng 12/2016, chỉ số Hàng hóa của Bloomberg vọt 11.5% trong năm 2016, sau khi sụt giảm gần 25% trong năm trước.

Ông Wyke cho hay: “Chúng tôi tin rằng đà hồi phục sẽ tiếp tục kéo dài trong vài năm tới”.

Tổng quan diễn biến thị trường hàng hóa 2016

 

Đà nhảy vọt của một số hàng hóa có thành quả tốt nhất cũng đủ để bù đắp cho sự sụt giảm trong năm 2015.

Ben Ross, nhà quản lý danh mục tại Cohen & Steers, nhận định: “Khi các nhà sản xuất hàng hóa cắt giảm nguồn cung, thì thị trường sẽ sớm trở lại vị thế cân bằng. Chúng tôi tin rằng đây chỉ là một phần của đà phục hồi cơ bản và rất có khả năng là đa số các hàng hóa sẽ trở về vị trí cân bằng vào thời điểm cuối năm 2017”.

Tính tới ngày 14/12/2016, giá quặng sắt đã tăng gấp đôi trong năm nay sau khi lao dốc gần 46% trong cùng kỳ 2015. Hiện giá đồng đã vọt 22% trong năm 2016, sau khi sụt giảm 24% trong năm liền trước. Bên cạnh đó, giá paladi tiến hơn 29% trong năm nay, qua đó gần như xóa sạch đà lao dốc trong năm 2015.

Tính tới thứ Tư tuần trước, dầu Brent nhảy vọt 46%, cao hơn so với mức leo dốc gần 38% của dầu thô ngọt nhẹ WTI.

Giá vàng cũng khép lại năm 2016 với mức tăng 8%, qua đó xóa sạch phần lớn đà sụt giảm 10.5% trong năm ngoái. Trong khi đó, giá bạc vọt hơn 22% trong năm 2016, sau khi mất gần 12% trong năm trước.

Kim loại công nghiệp lên ngôi

Các kim loại công nghiệp dẫn đầu đà hồi phục trên thị trường hàng hóa trong năm qua.

Adam Koos, Chủ tịch Libertas Wealth Management, đã đưa ra một biểu đồ so sánh thành quả năm 2016 của quặng sắt, bạc, đồng và các hàng hóa khác với thành quả trong năm 2015, qua đó cho thấy rõ hơn về sự đảo chiều của giá hàng hóa.

Quặng sắt

Các hàng hóa trỗi dậy mạnh mẽ sau đà trượt dốc nặng nề hồi năm ngoái, trong đó quặng sát tăng mạnh nhất tính tới thời điểm này.

Giá đồng

Đồng cũng là một trong những hàng hóa có thành quả tồi tệ nhất trong năm 2015 nhưng đã trở lại mạnh mẽ trong năm nay.

Kỳ vọng về chính sách gia tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhấc bổng nhu cầu hàng hóa công nghiệp trong tương lai. Chính sách này cũng là một trong những động lực chính đã đẩy giá các hàng hóa công nghiệp lên cao vào cuối năm nay.

Các hợp đồng đồng tương lai khép phiên ngày thứ Tư tại mức 2.605 USD/lb và hợp đồng này nhảy vọt gần 20% trong năm 2016.

Christopher Ecclestone, Chiến lược gia khai khoáng tại Hallgarten & Co., dự báo giá đồng sẽ dao động quanh mức 3.10 USD/lb trong năm 2017.

Kẽm

Tính tới thời điểm này, giá kẽm đã nhảy vọt 72% trong năm 2016.

 

Vốn được sử dụng để phủ bề ngoài của thép và sắt nhằm chống gỉ sét, giá kẽm đã tăng cao nhờ tình trạng đầu tư dưới mức kéo dài, quyết định của Glencore, cùng với việc đóng cửa vĩnh viễn hoạt động khai khoáng của các công ty khác, ông Ecclestone nhận định. 

Chris Gaffney, Chủ tịch của các thị trường thế giới tại EverBank, cho hay cũng như đa số các kim loại công nghiệp khác, tương lai của kẽm gắn chặt với tình hình kinh tế của Trung Quốc, vốn là nhà sản xuất, tiêu dùng và tinh chế kẽm lớn nhất thế giới.

Thị trường nhận thấy các mối lo ngại về tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay, qua đó khiến nhu cầu kim loại sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, bước qua 6 tháng cuối năm, thị trường kim loại lại tăng cao nhờ kỳ vọng về chính sách gia tăng chi tiêu cũng như dự báo thâm hụt nguồn cung.

Ông dự báo các dự án cơ sở hạ tầng ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục gia tăng nhu cầu kẽm và hoạt động sản xuất sẽ dần khôi phục trở lại.

Ông nói thêm: “Có thể chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến đà tăng của giá kẽm nhưng với tốc độ chậm hơn trong năm 2017”.

Dầu và khí thiên nhiên

Các hợp đồng dầu và khí thiên nhiên tương lai hồi phục sau 2 năm sụt giảm liên tiếp.

Trong năm 2016, dầu Brent nhảy vọt gần 45% và dầu WTI leo dốc gần 38%. Đây là những con số khá ấn tượng, nhưng vẫn chưa ấn tượng bằng đà bứt phá hơn 52% của các hợp đồng khí thiên nhiên tương lai.

Trong một cuộc phỏng vấn với MarketWatch, Brian Youngberg, Chuyên gia phân tích năng lượng cấp cao tại Edward Jones, cho biết: “Thị trường năng lượng dần tiến về vị trí cân bằng và chúng ta sẽ thấy dự trữ bắt đầu sụt giảm trong năm 2017. Khi đó, có thể nhu cầu sẽ vượt qua cả nguồn cung”.

Trong suốt năm 2016, hoạt động đầu tư vào ngành năng lượng liên tục sụt giảm. Điều này được thể hiện rất rõ qua hoạt động sản xuất tại Mỹ và những nơi khác, ông cho biết. “Nhu cầu đang tăng trưởng mạnh hơn dự báo, dẫn đầu là Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển”.

Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, thỏa thuận sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã đẩy giá dầu tăng cao với kỳ vọng thị trường dầu sẽ tái cân bằng sớm hơn dự báo trước đó, ông Youngberg cho hay.

Nhiều nhà sản xuất ngoài OPEC cũng chung tay cắt giảm sản lượng bớt 558,000 thùng/ngày và nhà sản xuất dầu đứng đầu OPEC, Ả-rập Xê-út, cho biết có thể giảm nhiều hơn cam kết trong thỏa thuận.

Trong tương lai, giá dầu WTI có khả năng dao động trên mốc 50 USD/thùng trong năm tới và khép lại năm 2017 ở mức gần 60 USD/thùng, ông Youngberg nói thêm.

Thị trường đang lo ngại về đà gia tăng của sản lượng dầu từ nguồn đá phiến, nhưng đa số nhà sản xuất sẽ vẫn giữ kỷ luật và hoạt động đầu tư vào ngành năng lượng sẽ không tăng cao cho đến khi giá vượt mốc 55 USD/thùng và trông có vẻ ổn định, ông Youngberg cho biết.

Trong khi đó, giá khí thiên nhiên có thể tăng cao nếu thị trường nhận thấy thời tiết đang dần trở nên khắc nghiệt.

Vàng và bạc

Vàng đã ghi nhận năm tăng giá đầu tiên kể từ năm 2012, dù chỉ là tiến nhẹ. Bên cạnh đó, bạc cũng chứng kiến năm leo dốc mạnh nhất về phương diện phần trăm trong 6 năm.

Cụ thể, kim loại quý đã leo dốc 8% trong năm 2016, qua đó xóa bớt một phần đà sụt giảm 11% trong năm 2015. Giá bạc vọt 17% trong năm nay sau 3 năm sụt giảm liên tiếp.

Ông Gaffney cho hay: “Vàng đã có một khởi đầu năm 2016 tuyệt vời khi các mối lo ngại về tốc độ tăng trưởng toàn cầu, sự bất ổn xoay quanh chiến dịch Brexit cũng như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, và sự sụt giảm về kỳ vọng nâng lãi suất tại Mỹ đã giúp kim loại quý trở thành hàng hóa có thành quả tốt nhất trong tất cả các loại tài sản”.

Tuy nhiên, vàng đã chạm đỉnh sau chiến dịch Brexit, rồi lại trồi sụt trong suốt quý 3/2016 khi sự bất ổn về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được bù đắp bởi kỳ vọng nâng lãi suất, ông Gaffney chia sẻ. Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, giá vàng đã trượt dốc nặng nề khi niềm tin của nhà đầu tư về tốc độ tăng trưởng toàn cầu cùng với kỳ vọng nâng lãi suất cao hơn đã tác động tiêu cực đến kim loại quý.

Được biết, vào ngày 14/12/2016, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2016.

Theo ông Gaffney, giá vàng có khả năng tăng cao hơn trong năm 2017./.







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Giá hàng hóa tụt dốc: Tin tốt cho các NHTW, nhưng là tín hiệu chẳng lành về nền kinh tế

Giá hàng hóa đang trên đà giảm, báo hiệu sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, nhưng lại hỗ trợ các NHTW trong cuộc chiến chống lạm phát.

Vàng thế giới rớt mốc 2,000 USD/oz khi đồng USD mạnh hơn

Giá vàng giảm xuống dưới mốc quan trọng 2,000 USD/oz vào ngày thứ Hai (17/4), chịu áp lực bởi đồng USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu Mỹ cao hơn, trong khi nhà đầu...

Vàng thế giới tăng chờ dữ liệu lạm phát tuần tới của Mỹ

Giá vàng tăng vào ngày thứ Sáu (10/02), trong khi thị trường chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ công bố vào tuần tới có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo chính sách tiền tệ...

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98