Ấn tượng cổ phiếu bất động sản tăng trưởng 3 năm

08/02/2017 10:24
08-02-2017 10:24:34+07:00

Ấn tượng cổ phiếu bất động sản tăng trưởng 3 năm

3 năm gần đây (2014-2016), thị trường bất động sản đã ghi nhận sự hồi phục đáng kể so với trạng thái đóng băng từ năm 2008. Đi cùng xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã cải thiện đáng kể hoạt động kinh doanh của mình, qua đó giúp giá cổ phiếu hồi sinh.

Cụ thể, đã có hơn 60% số cổ phiếu trong nhóm ngành bất động sản niêm yết tăng giá, trong đó có mã tăng khủng đến hơn 1,000% theo dữ liệu thống kê của Vietstock. Và đằng sau câu chuyện tăng giá của mỗi cổ phiếu là những vấn đề đáng chú ý.

Những cổ phiếu bất động sản tăng giá trong 3 năm 2014-2016

Cổ phiếu phi mã đậm dấu ấn đổi chủ

DRH của Đầu tư Căn nhà Mơ Ước là cổ phiếu có mức tăng trưởng mạnh nhất sau 3 năm vừa qua, từ 2,200 đồng/cp vào đầu năm 2014 để lên mốc 26,000 đồng/cp vào cuối năm 2016 (giá đã điều chỉnh), tương ứng mức tăng hơn 1,080%. Một tỷ suất sinh lợi khủng khiếp cho nhà đầu tư nào mua và nắm giữ cổ phiếu này từ năm 2014.

Mặc dù tăng trưởng rất cao nhưng mức tăng này của DRH thật ra là đã bị thu hẹp một cách đáng kể sau đợt rớt giá không phanh kéo dài từ giữa tháng 7/2016 cho đến hết năm. Nếu tính tại mức giá cao kỷ lục mà DRH đạt được trong năm là 78,000 đồng/cp (phiên 13/07) thì mức sinh lợi khi đó lên đến 3,445%. Ngược lại, nếu tính từ đỉnh này thì DRH đến nay đã mất đi gần 70%, tương ứng những ai không may mua vào tại vùng đỉnh thì đến nay phải chịu thua lỗ rất nặng.

Việc DRH tăng mạnh như vậy gắn liền với sự “thay máu” cơ cấu cổ đông, theo đó thì hàng loạt cán bộ cao cấp cũng được thay mới cùng chiến lược đưa DRH trở lại với lĩnh vực bất động sản sau nhiều năm sống nhờ kinh doanh phân bón. Khi đó, DRH lên kế hoạch huy động 300 tỷ đồng để đầu tư vào dự án cao ốc Căn hộ - Thương mại dịch vụ 1177 Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM) và dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc An tại Vũng Tàu. Mặc dù cho đến hiện tại thì kết quả các dự án này vẫn chưa được ghi nhận nhưng sự kỳ vọng đủ để đẩy cổ phiếu DRH bay cao nhất trong ngành bất động sản niêm yết.

Top 5 cổ phiếu có giá tăng trưởng mạnh nhất 2014-2016

Xếp sau DRH là cổ phiếu VC3 của CTCP Xây dựng số 3 - vẫn đang trong xu hướng tăng giá mạnh mẽ đến nay. Kết thúc năm 2016, VC3 dừng tại 34,700 đồng/cp (gần mức cao kỷ lục được lập vào ngày 12/12 là 36,800 đồng/cp), tương ứng tăng 998% cho kỳ 3 năm; và khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 65,000 cp/phiên, tăng đáng kể so với 5,300 cp/phiên trong giai đoạn liền trước (2012-2014).

Kinh doanh bất động là hoạt động cốt lõi của VC3 trong những năm qua. Mảng kinh doanh này đang có sự tăng trưởng cao, từ tỷ trọng 0% năm 2004, đến năm 2015 là 65% tổng doanh thu và 6 tháng đầu năm 2016 là 83% tổng doanh thu. Trong 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân của VC3 đạt con số cao ngất ngưởng, trên 110%. Hiện nay, VC3 đã và đang triển khai thực hiện một số dự án kinh doanh phát triển nhà, khai thác và triển khai thực hiện một số quy mô lớn như dự án 310 Minh Khai, Hà Nội, dự án Trung Văn, Hà Nội, dự án Khu dân cư số 5 Phan Đình Phùng, Thái Nguyên, dự án Khu dân cư Phổ Yên - Thái Nguyên, dự án siêu thị văn phòng cho thuê - 389 Đê La Thành, Hà Nội… Quỹ dự án bất động sản đang tập trung phần lớn tại các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình,....

Bên cạnh kết quả kinh doanh thì bộ sậu HĐQT và BKS của VC3 cũng có sự thay đổi lớn sau khi Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG) thoái toàn bộ hơn 51% vốn vào cuối tháng 9/2015. Thế chân VCG là một công ty mới được thành lập chưa đầy 3 năm - CTCP Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát (APRest) dự kiến tăng sở hữu lên 51% vốn mà không phải chào mua công khai.

Với kết quả kinh doanh từ năm 2014 đến nay tăng trưởng ổn định, cổ phiếu IDV của CTCP Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc đã ghi nhận mức tăng trưởng hơn 610%, từ mức 6,320 đồng/cp lên mức 45,000 đồng/cp. Mặc dù khối lượng giao dịch bình quân trong 3 năm qua có tăng so với giai đoạn trước đó nhưng về giá trị tuyệt đối thì chỉ đạt hơn 4,200 cp/phiên. Ngoài việc hưởng lợi lớn từ giá cổ phiếu tăng trưởng mạnh, các cổ đông nào nắm giữ IDV trong 3 năm qua cũng nhận được khoảng cổ tức và cổ phiếu thưởng lớn, tổng cộng 35% cho năm 2014 và 90% cho hai năm 2015 và 2016.

Nếu IDV tăng giá là nhờ về kết quả kinh doanh và cổ tức khủng thì VRC là một cổ phiếu hoàn toàn trái ngược bởi cả ba năm kinh doanh đều bết bát. Theo đó, nếu năm 2014 may mắn thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác thì đến năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016, CTCP Xây lắp & Địa ốc Vũng Tàu (HOSE: VRC) chính thức thua lỗ. Cổ tức cho cổ đông của VRC từ năm 2012 đến nay vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Thế nhưng trên phương diện giá cổ phiếu thì VRC đã tăng 253% trong 3 năm qua và khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 80,000 cp/phiên, tăng 33%.

Thực tế thì giá cổ phiếu VRC chỉ mới bắt đầu tăng từ giữa năm 2016 trở lại đây trước thông tin thay đổi dàn lãnh đạo HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ mới 2015-2019. Ở điểm này thì có vẻ VRC đang giống như trường hợp của DRH.

Nhà phố đã có KDH

Ngoài ra, những cổ phiếu bất động sản có mức tăng trưởng trên 100% trong 3 năm qua còn có sự góp mặt của KHA, LGL, TIX, SZL, KDH, FDC và HDG. Trong số này, biến động về hoạt động kinh doanh cũng như giá cổ phiếu thì Khang Điền (KDH) đã phản ánh rõ nhất sự hồi phục của thị trường bất động sản.

Trong năm 2011, kết quả kinh doanh của KDH bắt đầu suy giảm mạnh trước khi chính thức lỗ nặng vào năm 2012 và 2013 (ở mức âm 55 tỷ và âm 125 tỷ đồng). Giá cổ phiếu KDH khi đó lao dốc không phanh và chạm mức thấp kỷ lục 4,900 đồng vào 15/04/2013. Nguyên nhân của sự thụt lùi trong kết quả kinh doanh những năm này xuất phát từ khó khăn của thị trường bất động sản, KDH đã chủ động tái cơ cấu, chấp nhận bán các dự án để trả nợ và chuyển sang chiến lược phân khúc nhà phố. Trong suốt giai đoạn này công ty không bán hàng vì thế dẫn đến lỗ nặng.

Trong quá trình hồi phục của thị trường bất động sản, từ năm 2014 trở lại đây thì phân khúc nhà phố có tỷ lệ hấp thụ rất tích cực. Nhờ vậy mà khi KDH chuyển sang phân khúc này thì kết quả kinh doanh cũng đảo chiều từ năm 2014 với lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng (kết quả này ghi đậm dấu ấn từ dự án Mega Residence – dự án nhà phố đầu tiên trong chuỗi nhà phố Mega cho phân khúc trung bình). Con số này đạt 250 tỷ đồng năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016 đạt 270 tỷ đồng. Nhờ đó mà giá cổ phiếu KDH đã tăng mạnh từ 8,800 đồng/cp đầu năm 2014 để lên 20,000 đồng/cp vào cuối năm 2016, tương ứng tăng 127%.

Kết quả kinh doanh và biến động giá KDH từ 2011 đến nay

Một trong những bước đi quan trọng mà KDH đã thực hiện từ cuối năm 2015 đến nay đó là việc tiến hành thâu tóm CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (HOSE: BCI). Động thái này được đánh giá sẽ giúp KDH gia tăng quỹ đất và có cơ hội phát triển trong dài hạn, dự kiến sẽ triển khai các dự án mới của BCI trong năm 2018 sau khi hoàn thành quá trình tái cơ cấu.

Cao cấp có VIC, nhà vừa túi tiền chọn NLG

Một ông lớn trong ngành với tỷ trọng lợi nhuận luôn chiếm trên 50% toàn ngành bất động sản niêm yết trong 3 năm gần đây đó là Vingroup (VIC). Với vị trí là một doanh nghiệp đầu ngành trong phân khúc cao cấp, VIC luôn duy trì mức lợi nhuận trên ngàn tỷ đồng hằng năm kể từ 2012 trở lại đây. Với mức giá cổ phiếu kết thúc năm 2016 tại 42,000 đồng/cp, những ai mua mã VIC từ đầu năm 2014 sẽ nhận được khoản lợi nhuận tương ứng 57% (chưa bao gồm cổ tức nhận được).

Thực tế, VIC là một đơn vị vẫn có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh ngay cả giai đoạn khó khăn 2011-2013. Và trong suốt 3 năm đó thì giá cổ phiếu VIC cũng tăng xấp xỉ 30%.

Biến động cổ phiếu VIC từ năm 2011

Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/

Mới đây, VIC đã chính thức công bố kế hoạch xây và mở bán hàng trăm ngàn căn chung cư mang thương hiệu VinCity với giá bình quân 700 triệu đồng/căn trong 5 năm tới. Chiến lược này được kỳ vọng sẽ đóng góp doanh thu lợi nhuận từ 2019 trở đi và giúp VIC có thể giảm được tính chu kỳ đối với lợi nhuận như trước đây. Ngoài ra, bằng việc tham gia vào phân khúc BĐS đại chúng, vốn là phân khúc có nhu cầu lớn nhất hiện nay, thì VIC có thể đảm bảo được tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

Còn hiện ở phân khúc bình dân, Tập đoàn Nam Long (HOSE: NLG) chính là cái tên sáng giá nhất được nhiều người biết đến. Sau 3 năm (2011-2013) có kết quả kinh doanh giảm dần thì kể từ năm 2014, NLG đã thể hiện một bộ mặt khác nhờ chiến lược đẩy mạnh đầu tư và kinh doanh nhà ở vừa túi tiền. Nếu như phân khúc cao cấp ở giai đoạn từ quý 3/2016 đã phát tín hiệu chững lại thì các sản phẩm của NLG vẫn tiêu thụ mạnh. Trong 10 tháng đầu năm 2016, NLG đã đạt doanh số bán hàng (100% dự án EHome đã bán hết) với giá trị 2 ngàn tỷ đồng (90 triệu USD), tương ứng với mức tăng 120% từ năm 2015.

Và với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân 3 năm gần đây đạt trên 100% thì cổ phiếu NLG cũng ghi nhận mức tăng trưởng gần 35%. Bên cạnh đó, thanh khoản cổ phiếu đã cải thiện đáng kể với khối lượng giao dịch bình quân gần 110,000 cp/phiên, tăng 180% so với giai đoạn mới lên sàn.

Ngoài những cổ phiếu ấn tượng đã kể trên, nhiều mã khác cũng đã góp mặt vào nhóm tăng giá sau 3 năm dù mức tăng không quá ấn tượng như VPH, TDH, SCR, CEO, HDC… Mặc dù vậy đây cũng là điều đáng khích lệ bởi cũng còn có đến 21 cổ phiếu bất động sản phải chịu cảnh suy giảm dù thị trường bất động sản đã có năm thứ 3 liên tiếp hồi phục./.







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (18)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Một công ty lên kế hoạch xóa âm vốn chủ gần ngàn tỷ trong 2 năm

Ngày 26/03, CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (UPCoM: VST) đã giải trình nguyên nhân âm vốn chủ và ý kiến ngoại trừ của kiểm toán. VST cũng đưa ra phương án...

Cổ phiếu PIV tăng trần 7 phiên liên tiếp nhờ đâu?

Phiên sáng 28/03, giá cổ phiếu của CTCP PIV (UPCoM: PIV) tiếp tục tăng hết biên độ, đánh dấu chuỗi tăng trần 7 phiên liên tiếp từ 20/03/2024.

Xong vụ VNPT EPAY, cổ phiếu ABC thoát án cảnh báo

Trong thông báo mới đây, HNX quyết định đưa cổ phiếu ABC ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 28/03/2024 do tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với...

VNDIRECT kiểm tra thông luồng với các sở giao dịch trong ngày 28/03

Theo thông báo mới nhất cập nhật về quá trình xử lý sự cố của CTCP Chứng khoán VNDIRECT (HOSE: VND), Công ty dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra thông luồng với các sở...

Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 28/03

Danh sách các mã cổ phiếu tăng và giảm mạnh nhất những phiên gần đây theo số liệu thống kê của Vietstock.

28/03: Đọc gì trước giờ giao dịch chứng khoán?

Cùng điểm lại những tin tức tài chính kinh tế trong nước và quốc tế đáng chú ý diễn ra trong 24h qua trước giờ giao dịch hôm nay.

Khi nào công ty chứng khoán được triển khai dịch vụ nhận lệnh nhà đầu tư nước ngoài không ký quỹ 100%?

Cơ quan quản lý đề xuất cho phép các công ty chứng khoán có đủ năng lực được cung cấp dịch vụ không yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ 100% tiền trước...

Theo dấu dòng tiền cá mập 27/03: Khối ngoại xả mạnh MSN gần 1,071 tỷ đồng

Trong phiên giao dịch 27/03, tự doanh công ty chứng khoán và khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị lần lượt gần 187 tỷ đồng và hơn 1,904 tỷ đồng. Đáng chú ý...

Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 27/03

Danh sách các mã cổ phiếu tăng và giảm mạnh nhất những phiên gần đây theo số liệu thống kê của Vietstock.

27/03: Đọc gì trước giờ giao dịch chứng khoán?

Cùng điểm lại những tin tức tài chính kinh tế trong nước và quốc tế đáng chú ý diễn ra trong 24h qua trước giờ giao dịch hôm nay.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98