Thách thức của nền kinh tế 2017 và những việc cần làm ngay

06/02/2017 09:06
06-02-2017 09:06:31+07:00

Thách thức của nền kinh tế 2017 và những việc cần làm ngay 

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong năm 2017 sẽ vô cùng to lớn, nếu không muốn nói là sẽ khó khăn hơn năm 2016 vừa qua.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhận định tình hình kinh tế năm 2017 sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức, do đó bên cạnh sự quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong đầu tư kinh doanh, cần phải chú trọng tăng trưởng đi vào thực chất.

Ông Thiên nhận định những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong năm 2017 sẽ vô cùng to lớn, nếu không muốn nói là sẽ khó khăn hơn năm 2016 vừa qua.

TS Trần Đình Thiên - Ảnh: Việt Dũng

Phải thay đổi chất lượng tăng trưởng

* Với mức tăng trưởng khá thấp của năm 2016 thì mục tiêu 6,7% đặt ra cho năm 2017 có quá cao không, thưa ông?

- Việc đặt mục tiêu như vậy thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ. Nó gắn liền với những nỗ lực và kết quả đạt được gần đây, nhất là việc khơi dậy lòng tin của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với năm 2017, theo tôi, tăng trưởng 6,3% hay 6,7% không quan trọng bằng việc tập trung cao độ hơn cho việc giải quyết những nhiệm vụ “sống còn” khác. Tôi muốn nói đến nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

“Việc tạo môi trường để doanh nghiệp sống được quan trọng hơn là đẻ ra nhiều doanh nghiệp mà không có anh nào khỏe".

TS Trần Đình Thiên 

Trước hết, phải thấy rằng diễn biến thiên tai, hạn mặn, lũ lụt, thời tiết bất thường của năm 2016 không đơn thuần là một “sự cố”. Nghiêm trọng hơn, nó cho thấy những điều kiện cơ bản để phát triển nông nghiệp nông thôn đang và sẽ còn thay đổi ghê gớm, sẽ tiếp tục tác động tiêu cực và khó lường đến sản xuất nông nghiệp, đời sống kinh tế ở khu vực nông thôn.

Thêm vào đó, diễn biến thế giới và tác động hội nhập cũng chưa được dự báo đầy đủ. Một điểm đặc biệt cần lưu ý là tình hình kinh tế Trung Quốc - hiện đang phải điều chỉnh mạnh mô hình tăng trưởng - đang gặp những khó khăn lớn, đối mặt với những nguy cơ, kể cả nguy cơ “hạ cánh cứng”.

Theo tôi, trong năm 2017 Việt Nam cần đặc biệt chú ý diễn biến của kinh tế Trung Quốc để ứng phó kịp thời.

Trong khi đó, mặc dù có nhiều yếu tố để vực dậy tăng trưởng, như việc Chính phủ và Quốc hội thông qua chương trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng mới, nỗ lực “kiến tạo” phát triển của Chính phủ, tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp là rất tích cực, nhưng xu hướng chung là vẫn còn nhiều khó khăn.

Cuộc đua dài hạn

* Thời gian qua Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều thông điệp và chương trình hành động cụ thể, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Theo ông, sự quyết liệt của Chính phủ liệu đã bắt đầu hướng đến chất lượng tăng trưởng hay chưa?

- Những điều Chính phủ, Thủ tướng đưa ra trong thời gian vừa qua đã khơi dậy lòng tin của dân, của doanh nghiệp rất nhiều. Không chỉ nói, Chính phủ đã thực sự làm, gỡ khó cho doanh nghiệp. Đây là một động thái rất tích cực.

Nhưng cũng phải thấy rằng vấn đề mà Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần - con đường dài nhất ở Việt Nam là từ lời nói đến hành động - không thể thay đổi nhanh chóng.

Để thay đổi, phải vượt ra nhiều rào cản, trong đó khó nhất là rào cản thể chế, cơ chế, rào cản thói quen đã biến thành văn hóa. Và còn phải có năng lực hành động đúng nữa.

Thêm nữa, cần nhớ là không chỉ “ta thay đổi ta” là đủ. Liệu việc thay đổi đó có đáp ứng được yêu cầu hội nhập của nền kinh tế, với những gì ta đã cam kết hội nhập hay không? Sức lực của nền kinh tế vẫn yếu.

Những vấn đề cốt lõi như nợ công tăng nhanh, dù năm qua thành lập mới được trên 110.000 doanh nghiệp nhưng vẫn có tới 70.000 - 80.000 doanh nghiệp đóng cửa.

Cần chú ý đến việc tạo môi trường cho doanh nghiệp sống và lớn lên sau khi “sinh” nó ra chứ không phải cố gắng sinh thật nhiều rồi “để đó”.

Hay là với vấn đề khởi nghiệp. Đây là vấn đề mới rất tích cực, nhưng cần phải lưu ý là không dễ dàng. Khó nhất là làm cho công cuộc khởi nghiệp gắn với đổi mới - sáng tạo thành phương thức bình thường của phát triển.

Hoặc câu chuyện nhập siêu với Trung Quốc, vì mô hình tăng trưởng của Việt Nam là không sản xuất nội địa, chỉ thích nhập khẩu để tiêu dùng, lắp ráp và gia công.

Một cơ cấu kinh tế chỉ dựa vào gia công lắp ráp, sản xuất thô mang về giá trị gia tăng thấp thì việc thay đổi khó vô cùng.

Trải qua sóng gió, Chính phủ đã nhìn rõ những căn bệnh cố hữu của nền kinh tế. Nhưng nền kinh tế của ta có bệnh quá lâu, không thể ngày một ngày hai mà phục hồi để chạy đua tốc độ được. Cần phải nhìn nhận đây là cuộc đua dài hạn.

Những việc cần làm ngay

* Vậy theo ông, những vấn đề mà Chính phủ cần phải đặt trọng tâm trong năm 2017 sẽ là gì để vừa đạt được mục tiêu và tăng trưởng đi vào thực chất?

- Những việc cần làm ngay trước hết là phải rà soát hệ thống chi tiêu ngân sách. Trước nay chúng ta huy động rất nhiều nhưng chi tiêu “dễ dãi”, lãng phí, hàng chục dự án đầu tư nghìn tỉ rồi đắp chiếu.

Do đó, phải tập trung “siết” vấn đề này. Cần tập trung sửa cơ chế chi tiêu thay vì lo “huy động”. Cần thay đổi tư duy cứ thiếu tiền là huy động, vì tư duy đó không ổn.

Thứ hai là nợ xấu ngân hàng phải bắt đầu gỡ thật. Với tuyên ngôn doanh nghiệp là động lực quan trọng thì việc gỡ nợ xấu sẽ giúp cho doanh nghiệp giải quyết được khó khăn lớn.

Thứ ba là tư duy về phát triển doanh nghiệp cần phải thay đổi. Tôi không đặt nặng yêu cầu phải có được 1 triệu doanh nghiệp bởi số lượng không quan trọng bằng chất lượng.

Doanh nghiệp thành lập phải mạnh, chứ không phải cứ “li ti”, sinh ra nhưng thiếu sức sống, thành lập ra lại không sống được.

Việc tạo môi trường để doanh nghiệp sống được quan trọng hơn là đẻ ra nhiều doanh nghiệp mà không có anh nào khỏe. Thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp doanh nghiệp dừng hoạt động giảm đi thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều.

Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ cho tập đoàn tư nhân lớn, phát triển mạnh. Không phải ưu đãi kiểu thiên vị hay cho “miếng bánh” vô điều kiện, mà là hỗ trợ tập đoàn lớn làm trụ cột cho doanh nghiệp nhỏ bám vào cùng phát triển. Một nền kinh tế cạnh tranh không thể không có doanh nghiệp lớn.

Ngoài ra cũng cần có tầm nhìn vượt trội, gắn với cơ chế chính sách đồng bộ để ưu tiên, tập trung cho một vài trung tâm tăng trưởng như TP.HCM, Quảng Ninh - Hải Phòng... Khi có những trung tâm này phát triển mạnh, bùng lên thì sẽ có vai trò làm đầu tàu kéo cho cả khu vực.

Về dài hạn, trọng tâm thực hiện vẫn là phải thúc đẩy tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng để chuyển sang cơ cấu khác. Quanh đi quẩn lại nếu vẫn là ximăng, sắt thép, khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp... thì tăng trưởng không nghĩa lý gì và không thể tăng năng suất lao động.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170206/thach-thuc-cua-nen-kinh-te-2017-va-nhung-viec-can-lam-ngay/1260265.html





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thủ tướng: Mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Theo Thủ tướng, nhân lực cũng một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của...

“Nghịch lý” trong chỉ số Par Index của TP.HCM

Bộ chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2023 (Par Index 2023) vừa được công bố. Ở cấp độ chỉ số tổng hợp, TP.HCM tăng 3 bậc, đạt 86.97%, thuộc nhóm B – nhóm gồm...

HSBC: Thiên thời cho nền kinh tế số ASEAN

Nền kinh tế số ASEAN đang bước vào giai đoạn tươi sáng mới. Tuy vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần áp dụng chiến lược thông minh để có thể gặt hái quả...

Ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP 2024 của Việt Nam xuống còn 6%

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam vừa được công bố, Ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống mức 6% năm 2024, so với mức dự báo...

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi

Chuyên gia WB cho biết kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau và dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6% vào...

Chuyên gia IMF: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài

Ông Paulo Medas, Trưởng đoàn tham vấn, giám sát kinh tế Vĩ mô Việt Nam của IMF, nhận định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho FDI trong khi kinh tế toàn cầu biến...

Thủ tướng chỉ thị các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dành 5,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho các dự...

ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững vàng dù toàn cầu bất ổn

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4 năm 2024 được công bố ngày 11/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng...

Chính phủ yêu cầu nỗ lực hơn nữa để đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024

Chính phủ vừa ban hảnh Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong đó yêu cầu các...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98