Thu hút FDI trước kỳ vọng mới

08/02/2017 10:57
08-02-2017 10:57:20+07:00

Thu hút FDI trước kỳ vọng mới

NĐT nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và chắc chắn họ sẽ ra quyết định nhanh hơn để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh hội nhập thay đổi nhanh chóng.

Nền kinh tế đã đi qua tháng đầu năm 2017 với không ít điểm sáng nổi bật. Trong số các lĩnh vực có đóng góp tích cực vào tình hình tăng trưởng chung, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã “mở hàng” khá suôn sẻ. Theo số liệu mới cập nhật từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 1/2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 1,58 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Mở hàng suôn sẻ

Cụ thể, tính đến ngày 20/1/2017, cả nước có 175 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,24 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016; có 76 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 179,1 triệu USD, bằng 55,4% so với cùng kỳ năm 2016; và 194 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 165 triệu USD. Một điểm sáng khác là số vốn giải ngân tiếp tục tăng lên, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 850 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016.

NĐT nước ngoài sẽ ra quyết định nhanh hơn trong bối cảnh hội nhập thay đổi

Trong tháng 1/2017, NĐT nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm nhất, với tổng số vốn 1,04 tỷ USD, chiếm đến 65,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 314,8 triệu USD, chiếm 19,8% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với 88,75 triệu USD, chiếm 5,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Chỉ trong 1 tháng đầu năm, đã có 50 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 477,8 triệu USD, chiếm 30,1% tổng vốn đầu tư; theo sát là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký 471,2 triệu USD, chiếm 29,7%; Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với 338,3 triệu USD, chiếm 21,3%.

Với dự án có quy mô lớn nhất trong tháng 1 rót vào Bình Dương, NĐT Singapore đã đưa tỉnh này trở thành địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất. Đó là Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) III, tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD với mục tiêu đầu tư, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Dự án này đã nâng tổng số vốn FDI đăng ký vào Bình Dương lên 696,3 triệu USD, chiếm 43,8% tổng vốn đầu tư. Theo sau là TP. Hồ Chí Minh với 201,2 triệu USD và Bắc Giang với 159,4 triệu USD.

Thêm lực hút vốn mới

Những diễn biến mới nhất cho thấy dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn còn nhiều triển vọng tăng trưởng. Biểu hiện rõ nhất là ngay trong tuần đầu tiên của tháng 1, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam bày tỏ nguyện vọng đầu tư thêm 2,5 tỷ USD, giải ngân trong 5 năm kể từ năm 2018, qua đó nâng mức tổng đầu tư của DN này tại Bắc Ninh lên 6,5 tỷ USD.

Trước đó, GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài đã dự đoán, những NĐT như Samsung, Lotte hay LG là đặc biệt quan trọng đối với kết quả thu hút vốn FDI của Việt Nam. Vì vậy, việc Samsung tuyên bố đầu tư thêm tới 2,5 tỷ USD vào Việt Nam đã cho thấy NĐT nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và chắc chắn họ sẽ ra quyết định nhanh hơn để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh hội nhập thay đổi nhanh chóng.

Ông Mại nhấn mạnh, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn là những đối tác chiến lược trong thu hút FDI vì họ hoàn toàn không có mâu thuẫn gì về lợi ích kinh tế và chính trị với Việt Nam. “Họ muốn hợp tác với các nước như Việt Nam, có tiềm lực về kinh tế, về nhân lực chất lượng cao, để thúc đẩy Việt Nam mạnh lên, và rất nhiều nước phát triển mạnh lên thì sẽ giảm chênh lệch, tạo thế cân bằng trong khu vực để kinh tế - chính trị trở nên ổn định hơn”, ông Mại phân tích.

Còn theo một chuyên gia theo dõi về FDI, trong tháng đầu năm, dự án có quy mô lớn nhất là đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp của NĐT Singapore. Cần lưu ý rằng đây là NĐT đã có hơn 20 năm kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam, và đây đã là dự án khu công nghiệp thứ 3 được mở ra. Việc NĐT này chuẩn bị thêm mặt bằng để đón các NĐT thứ cấp cho thấy NĐT nước ngoài vẫn rất tin tưởng vào triển vọng thu hút thêm vốn ngoại trong giai đoạn tới.

Cũng theo vị này, trong tháng 1 vừa qua, nghị định về kinh doanh casino, nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế đã được Chính phủ chính thức ban hành, cũng sẽ tạo lực hút mạnh đối với vốn FDI trong giai đoạn tới. Riêng với nghị định về kinh doanh casino được NĐT nước ngoài chờ đợi bấy lâu nay, đã có rất nhiều nội dung được nới lỏng hơn.

Theo đó, Chính phủ thí điểm cho phép người Việt Nam chơi casino trong vòng 3 năm, bắt đầu từ đầu tháng 3 tới; các dự án đầu tư trong lĩnh vực này cũng không cần có quy mô 4 tỷ USD như quy định trước đây, mà chỉ cần 2 tỷ USD. Đây là tín hiệu vui đối với nhiều NĐT nước ngoài và cả trong nước đã nhiều năm theo đuổi các dự án casino tại Việt Nam.

Dòng vốn FDI còn nhiều hứa hẹn ở các dự án BOT trong lĩnh vực điện. Trong năm 2016, tâm điểm dự án quy mô tỷ USD đã không rơi vào các dự án này như dự đoán do còn nhiều trục trặc trong quá trình đàm phán, vì vậy trong năm nay nhiều khả năng sẽ có 2 dự án nhiệt điện BOT được chính thức thực hiện, với vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Với nhiều lực hút vốn như vậy, năm 2017 thu hút FDI chắc chắn vẫn sẽ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế

http://thoibaonganhang.vn/thu-hut-fdi-truoc-ky-vong-moi-59073.html





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững vàng dù toàn cầu bất ổn

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4 năm 2024 được công bố ngày 11/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng...

Chính phủ yêu cầu nỗ lực hơn nữa để đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024

Chính phủ vừa ban hảnh Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong đó yêu cầu các...

Miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Sáng 8/4, tại kỳ họp thứ 21 (khóa X) nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Quảng Nam đã biểu quyết miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh đối với ông Phan Việt Cường và...

Thủ tướng yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Việt Nam lọt tốp 20 nền kinh tế được dự báo tăng trưởng nhanh nhất châu Á

Trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, Việt Nam xếp thứ 6 với tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong năm 2024 dự kiến ở mức 7,41%.

HSBC duy trì dự báo GDP Việt Nam tăng 6%, kỳ vọng NHNN giữ nguyên chính sách tiền tệ đến 2025

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo "Vietnam at a glance: Bình tĩnh tiến bước" giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024...

Điều gì giúp xuất siêu liên tục lập kỷ lục?

Hoạt động thương mại của Việt Nam đạt kết quả tích cực trong 3 tháng đầu năm 2024, với xuất siêu của kỳ quý 1 đã lập mốc kỷ lục mới. Phía sau xu hướng này là gì và...

UBKT Trung ương đề nghị kỷ luật Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung và nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng cho năm nay

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, GDP quý 1 tăng 5.66% so với cùng kỳ năm trước...

UOB: Triển vọng vẫn tích cực trong năm 2024

Kết quả khả quan vào đầu 2024 tạo ra tín hiệu tích cực cho thời gian còn lại của năm nay, sau năm 2023 đầy thử thách - theo nhận định trong Báo cáo tăng trưởng kinh...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98