Myanmar: Năm tài chính mới sẽ có nhiều chính sách và ưu đãi mới

28/03/2017 09:59
28-03-2017 09:59:07+07:00

Myanmar: Năm tài chính mới sẽ có nhiều chính sách và ưu đãi mới

Năm tài chính 2017 - 2018 của Myanmar được tính từ ngày 01/04 tới sẽ đánh dấu sự bắt đầu hiệu lực của nhiều luật và chính sách kinh tế mới, trong đó có Luật đầu tư mới - đã được thông qua gần đây - chắc chắn sẽ mang đến những thay đổi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại quốc gia này, the Myanmar Times đưa tin.

 

Là một nền kinh tế đang phát triển phụ thuộc phần lớn vào lĩnh vực đầu tư, thế nên việc điều chỉnh và bổ sung vào các luật và các chính sách đầu tư là hết sức cần thiết để tạo ra một khung pháp lý phù hợp cũng như thúc đẩy cho tiến trình tự do hóa hiệu quả cho nền kinh tế Myanmar.

Căn cứ theo Luật đầu tư mới, gần đây Ủy ban Đầu tư Myanmar (MIC) cho biết họ sẽ tập trung vào việc đưa ra chính sách miễn thuế thu nhập và phân loại các nhóm hay loại hình đầu tư khác nhau để thực hiện chính sách miễn giảm thuế vào năm tài chính sắp tới.

Các quy định về cấp phép cho các doanh nghiệp và miễn thuế thu nhập trong năm tài chính tới sẽ khác với các quy định áp dụng hiện hành và điều này sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Tất cả các hoạt động đầu tư sẽ được quy định theo các luật mới nên nhà đầu tư cần phải lưu ý đến những sửa đổi và thay đổi trong đó.

Bí thư MIC kiêm Tổng giám đốc Tổng cục Quản lý Đầu tư và Doanh nghiệp Myanmar (DICA), ông U Aung Naing Oo cho biết: “Chúng tôi hiện đang cố gắng để thực hiện theo đúng các quy định của Luật đầu tư mới trong năm tài chính sắp tới. Việc đưa ra các chính sách miễn thuế thu nhập sẽ được phân tích một cách có hệ thống chứ không giống như trước đây và chỉ có các doanh nghiệp đáp ứng đủ kiều kiện miễn thuế mới được miễn thuế theo chính sách mới”.

Luật đầu tư mới của Myanmar thay thế 2 luật cũ

Trong năm tài chính hiện tại, việc cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư được căn cứ theo các quy định của cả Luật đầu tư công dân Myanmar 2013 (Luật đầu tư trong nước) và Luật đầu tư nước ngoài 2012. Bên cạnh đó, việc cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Myanmar chỉ thuộc thẩm quyền của MIC.

Sang năm tài chính 2017 – 2018, ngoài MIC, Myanmar sẽ có thêm cơ quan có thẩm quyền trực tiếp cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài đó là các ủy ban đầu tư vùng, bang. Điều này sẽ thúc đẩy cho quá trình xin phép diễn ra nhanh hơn đồng thời cho phép các cơ nhà nước thực hiện vai trò của mình hiệu quả hơn trước.

Theo đó, để xác định việc cấp phép do MIC hay các ủy ban đầu tư vùng, bang thực hiện, các dự án đầu tư có thể được chia thành 2 loại, gồm những dự án chỉ do MIC cấp phép và những dự án cần phải trình lên MIC để phê duyệt. Khoản đầu tư tối đa được phê duyệt bởi các ủy ban đầu tư vùng, bang là 5 triệu USD (tương đương 6 tỷ kyat). Đối với những dự án có tổng vốn đầu tư thấp hơn, sắp tới các ủy ban đầu tư vùng, bang sẽ được tự mình phê duyệt mà không cần phải xin phép MIC nữa.

Luật đầu tư mới của Myanmar chính là sự kết hợp của Luật đầu tư trong nước và Luật đầu tư nước ngoài.

Theo Luật mới này, không phải tất cả các loại hồ sơ doanh nghiệp đều phải xin phép MIC. Theo đó, những dự án thuộc diện phải xin phép hoàn toàn từ MIC là những dự án đầu tư mang tính chiến lược, những dự án đầu tư đòi hỏi nhiều vốn, những dự án đầu tư có khả năng tác động đến môi trường và những dự án đầu tư do Chính phủ Myanmar lựa chọn. Đối với vấn đề giảm thuế và quyền sử dụng đất dài hạn, cần phải có sự phê duyệt của MIC, tuy nhiên các quy định cụ thể vẫn chưa được công bố.

Ông U Aung Naing Oo chia sẻ: “Theo chính sách đầu tư mới, các doanh nghiệp được liệt kê cụ thể sẽ phải nộp đơn xin phép lên MIC, bất kể tổng số vốn đầu tư của họ là bao nhiêu. Việc xin giấy phép kinh doanh rất cần thiết để được hưởng chính sách giảm thuế cũng như những ưu đãi khác do Chính phủ quy định”.

Theo chính sách hiện hành, mỗi dự án đầu tư hoạt động theo giấy phép do MIC cấp sẽ được miễn thuế trong 5 năm. Những chính sách sắp có hiệu lực trong năm tài chính mới sẽ áp dụng miễn thuế nhưng chỉ áp dụng cho các lĩnh vực được Chính phủ xúc tiến đầu tư (còn được gọi là các lĩnh vực ưu tiên).

Ông U Aung Naing Oo cũng cho biết thông báo cụ thể về các loại doanh nghiệp thuộc diện miễn thuế sẽ được công bố trong tháng này.

Các lĩnh vực ưu tiên

Theo chính sách đầu tư được công bố hồi tháng 11/2016, lĩnh vực nông nghiệp Myanmar được Chính phủ xác định là lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt đối với những doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất nông nghiệp chất lượng cao và những doanh nghiệp có liên kết dây truyền sản xuất trong nước và quốc tế.

Các lĩnh vực ưu tiên khác bao gồm những ngành công nghiệp tạo thuận lợi cho phát triển cơ sở hạ tầng và những ngành nghề cần nhiều nguồn nhân lực nhằm mục đích tạo ra nhiều cơ hội việc làm và đào tạo nghề để nâng cao tay nghề của lao động trong nước. Một số ngành công nghiệp thực hiện đầu tư tại các vùng có tình hình kinh tế vẫn còn yếu và kém phát triển cũng thuộc vào danh sách lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, đầu tư vào các khu công nghiệp và các đặc khu kinh tế (SEZ), đầu tư liên quan đến ngành du lịch cũng thuộc diện lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Ngoài ra, theo chính sách này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được phép tham gia vận hành các doanh nghiệp liên quan đến an ninh và các doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Ông U Aung Naing Oo cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã lựa chọn được tất cả các doanh nghiệp và sẽ cố gắng công bố thông báo nêu cụ thể mỗi doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên trong tháng này”.

Được biết, việc lựa chọn này khớp với những đề xuất mà Bí thư MIC đã nêu ra trong suốt buổi phỏng vấn với the Myanmar Times hồi tháng 10. Khi đó, ông U Aung Naing Oo cho rằng: “Các lĩnh vực được xúc tiến cụ thể: Đầu tiên là sản xuất, đặc biệt là ngành sản xuất cần nhiều nhân lực; kế đến là phát triển cơ sở hạ tầng, gồm có đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, nông nghiệp và chế biến thực phẩm cũng thuộc vào danh sách lĩnh vực ưu tiên. Khoảng 70% dân số Myanmar trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến nông nghiệp nên chúng tôi phải xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Chúng tôi cũng đã công khai thông báo kế hoạch của MIC về xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp trong cả nước”.

Các chính sách miễn giảm thuế và các khu vực đầu tư

Theo chính sách đầu tư mới, nhiều ưu đãi về miễn giảm thuế sẽ được thực hiện trong năm tài chính 2017 – 2018. Việc miễn giảm thuế thu nhập áp dụng cho các dự án đầu tư được xác định trên cơ sở “phân vùng” đối với những khu vực được nhà nước công nhận là kém phát triển.

Theo đó, dự án đầu tư thực hiện tại các quận huyện thuộc Vùng 1 (gồm những khu vực ít phát triển) sẽ được miễn giảm thuế trong 7 năm. Miễn giảm thuế trong 5 năm được áp dụng đối với Vùng 2 (gồm các khu vực phát triển tương đối) và miễn giảm thuế trong 3 năm được áp dụng đối với Vùng 3 (gồm những khu vực phát triển).

Tuy nhiên, ông U Aung Naing Oo cũng cho biết thêm, nếu như một doanh nghiệp không thuộc vào diện được nhà nước lựa chọn để hỗ trợ thì sẽ không được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập, bất kể doanh nghiệp đó hoạt động ở khu vực nào.

Những doanh nghiệp bị hạn chế và những ngành nghề chịu sự quản lý

Giải thích về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp bị hạn chế, ông U Aung Naing Oo cho biết, do các chính sách mới đã được ban hành nên Chính phủ sẽ công bố lại danh sách những doanh nghiệp bị hạn chế theo quy định tại Điều 42 của Luật đầu tư Myanmar trong tháng này. Những doanh nghiệp bị hạn chế này được chia vào 4 nhóm như sau: Nhóm 1 là các doanh nghiệp quốc doanh; Nhóm 2 là những doanh nghiệp trong nước chỉ do công dân Myanmar điều hành; Nhóm 3 là các liên doanh giữa công ty trong nước và công ty nước ngoài; Nhóm 4 là các doanh nghiệp nước ngoài.

Liên quan đến những ngành nghề chịu sự quản lý, trong một thông báo được công bố hồi tháng 2 đã nêu rõ 15 lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài không được phép tham gia tại Myanmar như xuất bản báo định kỳ; đánh bắt cá nước ngọt và các dịch vụ liên quan; chăn nuôi; các ngành sản xuất và phân phối thực phẩm; trung tâm chăm sóc động vật; trung tâm chăm sóc thú cưng; ngành công nghiệp gỗ tại các khu vực rừng do nhà nước quản lý; khai thác mỏ quy mô vừa; kiểm nghiệm và sản xuất tại các mỏ; khoan dầu; dịch vụ thẻ visa; các doanh nghiệp phân phối và in thẻ cư trú, thẻ tạm trú cho người nước ngoài; các cửa hàng tiện ích và siêu thị mini và một số ngành nghề khác.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp liên quan đến các dịch vụ trang trại nuôi tôm và đánh bắt cá, dịch vụ thú y, sản xuất lưới đánh cá, họ phải được thực hiện dưới hình thức liên doanh giữa công ty trong nước và công ty nước ngoài và đồng thời phải tuân theo các thủ tục cũng như những hạn chế do Bộ Thủy sản quy định.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng không được phép tham gia vào các dịch vụ liên quan đến bán lẻ và các cửa hàng tiện ích theo luật mới nữa. Tuy nhiên, họ có thể thực hiện các dịch vụ này theo hình thức liên doanh với công dân Myanmar hay với các công ty trong nước.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt mục tiêu

Bí thư U Aung Naing Oo của MIC mới đây cho biết Myanmar sẽ nhận được gần 7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi kết thúc năm tài chính hiện tại vào ngày 31/03 tới, vượt 872 triệu USD so với mức mục tiêu 6 tỷ USD. Trong đó, 262.59 triệu USD vốn nước ngoài đã được đầu tư vào Đặc khu Kinh tế Thilawa theo Luật về đặc khu kinh tế (SEZ Law) của Myanmar. 

Theo ông U Aung Naing Oo, lĩnh vực viễn thông dẫn đầu danh sách nhận được FDI tại Myanmar với 46.6% tổng vốn FDI. Kế đến là lĩnh vực công nghiệp, đạt 17.27%, sản xuất và phân phối điện đạt 13.76%. Các lĩnh vực khác gồm bất động sản (11.31%), khách sạn và du lịch (6.1%), các dịch vụ khác (3.5%), chăn nuôi và thủy sản (1.46%)./.





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Campuchia kỳ vọng tăng trưởng kinh tế đạt 6.4% trong năm 2024

Nền kinh tế Campuchia được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6.4% trong năm 2024, tăng so với mức 5.5% ghi nhận trong năm 2023, chủ yếu được thúc đẩy bởi ngành du lịch và...

Campuchia xác định năm 2024 là năm phục hồi kinh tế

Thủ tướng Hun Manet khẳng định Preah Sihanouk là trục kinh tế quan trọng, việc khôi phục và vận hành trở lại công trình tòa nhà cũ, xây dựng dở dang ở đây sẽ thúc...

Dự trữ ngoại hối của Campuchia tăng lên 20 tỷ USD trong năm 2023

Ngân hàng Trung ương Campchia (NBC) gần đây cho biết, dự trữ ngoại hối của nước này trong năm 2023 đạt 20 tỷ USD, tăng 12.3% so với năm 2022, Khmer Times đưa tin.

Du khách quốc tế đến Campuchia tăng 140% trong năm 2023

Cambodia thu hút khoảng 5.43 triệu du khách quốc tế trong năm 2023, tăng mạnh 139.5% so với mức 2.27 triệu du khách vào năm 2022, theo báo cáo của Bộ Du lịch hôm...

Xuất khẩu hàng hóa ngoài ngành may mặc của Campuchia tăng 56% trong năm 2023

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan và Thuế quan Campuchia (GDCE), trong năm 2023, Vương quốc đã xuất khẩu 3,129 triệu USD hàng sản xuất ngoài ngành may mặc, tăng...

Campuchia: Xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và sản phẩm du lịch giảm 12%

Nhu cầu toàn cầu yếu đã khiến xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và sản phẩm du lịch (GFT) của Campuchia ghi nhận xu hướng giảm trong năm vừa qua, Khmer Times đưa tin.

Thương mại Campuchia-Trung Quốc tiếp tục tăng trong năm 2023 dù nhu cầu thế giới giảm tốc

Trong năm 2023 vừa qua, mặc dù nhu cầu toàn cầu sụt giảm nhưng thương mại giữa Campuchia và Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng.

Campuchia xuất khẩu lô gạo đầu tiên sang UAE

Campuchia vừa xuất khẩu lô gạo đầu tiên 60,000 tấn sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), mở ra một thị trường mới cho ngành lúa gạo Campuchia, Khmer...

Thương mại quốc tế của Campuchia giảm 1.9% trong năm 2023

Theo dữ liệu thương mại được Tổng cục Hải quan và Thuế quan Campuchia (GDCE) công bố hôm 11/01, tổng kim ngạch thương mại quốc tế của nước này đạt 46.82 tỷ USD...

Yếu tố nào sẽ giúp Campuchia thu hút thêm FDI?

Luật đầu tư mới, các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và tình hình hòa bình trong...

Chứng khoán thế giới


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98