Sẽ sớm có “siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước?

23/04/2017 21:00
23-04-2017 21:00:00+07:00

Sẽ sớm có “siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước?

Trong năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có tờ trình Chính phủ về dự thảo nghị định thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước.

Nhiều khả năng một nghị định chính thức về thành lập cơ quan chuyên trách đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới. Ảnh: TL

Sự cần thiết có nghị định mới

Dự thảo nghị định này được đánh giá là rất cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn nhà nước với chức năng quản lý của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN); sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND và thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN.

Trước đây, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp là Nghị định số 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, nghị định này đã không còn phù hợp với quy định của một số luật mới ban hành trong thời gian qua. Điển hình như điều 39 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 nêu rõ: các bộ, cơ quan ngang bộ không còn chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp như quy định tại điều 22 của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001. Hay như Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có một số quy định mới khác hẳn so với trước đây về thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước, trong đó không còn quy định về sự tham gia của các bộ quản lý tổng hợp vào thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp.

Thêm vào đó, việc ban hành một nghị định mới có mục tiêu rất quan trọng là nhằm nâng cao hiệu quả vốn và tài sản của Nhà nước khi đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp. Theo đó, chuyên trách và chuyên nghiệp hóa bộ máy quản lý, giám sát vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp là một trong những giải pháp cơ bản đầu tiên và được xem là thông lệ quốc tế tốt. Điều này giúp đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp - một yếu tố không thể thiếu của kinh tế thị trường đầy đủ; đồng thời tập trung nguồn lực, vốn và tài sản của Nhà nước vào thực hiện các nhiệm vụ quan trọng chiến lược có giá trị gia tăng cao nhất về dài hạn mà khu vực tư nhân không làm hoặc không thể làm được.

Ở nước ta, giá trị vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh còn rất lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, tổng giá trị tài sản của các DNNN và doanh nghiệp có trên 50% sở hữu nhà nước là 5,4 triệu tỉ đồng, bao gồm nhiều lĩnh vực như điện lực, dầu khí, hàng không, khoáng sản, dệt may, viễn thông, cà phê, đường sắt, hàng hải… Tuy vậy, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước lại chưa đáp ứng được yêu cầu, trong đó có nguyên nhân quan trọng là cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước còn nhiều sơ hở, yếu kém.

Sẽ có “siêu ủy ban” quản lý

Dựa trên tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu trên, ngày 6-4-2017, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thông báo kết luận nêu rõ: Đề án sẽ theo hai mô hình cơ quan chuyên trách.

Mô hình 1: cơ quan chuyên trách sẽ là một ủy ban thuộc Chính phủ với hai phương án. Phương án 1 là thành lập một cơ quan chuyên trách hoàn toàn mới trên cơ sở điều chuyển cán bộ tại các bộ, ngành liên quan, bổ sung một số nhân sự đủ điều kiện từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Cơ quan chuyên trách này sẽ quản lý danh mục khoảng 30 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước quy mô lớn, trong đó bao gồm SCIC là đầu mối độc lập để quản lý và thoái vốn tại các công ty cổ phần mà Nhà nước không cần nắm giữ. Phương án 2 là nâng cấp SCIC thành ủy ban quản lý doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Mô hình 2: cơ quan chuyên trách là một doanh nghiệp. Theo đó sẽ tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC là doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ làm chức năng đại diện chủ sở hữu (tăng địa vị pháp lý, nhân lực); trong đó làm rõ đầu mối quản lý danh mục các công ty cổ phần do SCIC đang quản lý và các công ty cổ phần mà các bộ, ngành, địa phương sẽ bàn giao trong thời gian tới.

Theo tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước đây thì có vẻ như bộ này nghiêng về mô hình 1, tức “siêu ủy ban” sẽ là cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ chứ không phải là một doanh nghiệp. Có ba lý do được đưa ra. Thứ nhất, mục tiêu của việc hình thành cơ quan chuyên trách là nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước, vì vậy, cơ quan chuyên trách phải là một bộ máy quản lý vốn nhà nước chuyên nghiệp. Thứ hai, theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 thì việc thành lập cơ quan chuyên trách dưới hình thức cơ quan thuộc Chính phủ là thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nhằm phục vụ nhiệm vụ của Chính phủ trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và chức năng chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. Thứ ba, hình thức cơ quan thuộc Chính phủ cũng đáp ứng được mục tiêu tách bạch giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước bởi vì theo pháp luật hiện hành, cơ quan thuộc Chính phủ không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, hiện Chính phủ vẫn chưa quyết định phương án cuối cùng. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với các bộ tập trung phân tích ưu, nhược điểm của từng mô hình, phương án một cách toàn diện, khách quan, trung thực với tinh thần không chờ đến năm 2020 mới kết thúc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ, địa phương về cơ quan chuyên trách. Với tiến độ này, nhiều khả năng một nghị định chính thức về thành lập cơ quan chuyên trách đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới.

http://www.thesaigontimes.vn/159185/Se-som-co-sieu-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc.html





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Ngân hàng Standard Chartered: GDP quý 1 duy trì mức vừa phải trước lạm phát gia tăng

Ngân hàng Standard Chartered giữ nguyên dự báo tăng trường GDP năm 2024 ở mức 6.7%, trong đó GDP sẽ tăng tốc từ 6.2% trong nửa đầu năm lên 6.9% trong nửa cuối năm.

Vĩnh Long phát triển kinh tế với trọng tâm là các ngành sử dụng đầu vào là sản phẩm nông nghiệp

Sáng 23/3, tại thành phố Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông...

Thấy gì sau những chỉ số cải cách, sáng tạo của TP.HCM?

Bộ Khoa học -Công nghệ vừa công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index: hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa...

Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước

Sau khi Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch...

Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Võ Văn Thưởng.

Trung ương đồng ý ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng...

Chủ tịch Quốc hội: Nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì đưa vào kỳ họp thứ 7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát kỹ lưỡng các nội dung, phân định nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì bổ sung vào chương trình nghị sự của kỳ...

Thủ tướng: Việt Nam cam kết '3 bảo đảm', đẩy mạnh '3 đột phá' và thực hiện '3 tăng cường' với nhà đầu tư

Kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần "ba tiên phong", Thủ tướng...

Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh tăng trưởng xanh, bền vững là lựa chọn tất yếu của Việt Nam và thế giới

Sáng 19/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF)...

Nền kinh tế nghiện nợ và hệ lụy

Trong nhiều thập niên, tăng trưởng tín dụng đã trở thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế ở các quốc gia châu Á, đặc biệt tại Việt Nam, nơi tỷ lệ nợ so với...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98