Chuyện tăng vốn tại TSC và những nhà đầu tư bị “mắc cạn” sau “con sóng”

18/05/2017 09:28
18-05-2017 09:28:13+07:00

Chuyện tăng vốn tại TSC và những nhà đầu tư bị “mắc cạn” sau “con sóng”

Không lâu sau khi tăng vốn điều lệ thành công lên ngàn tỷ đồng, thị giá cổ phiếu TSC của CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (HOSE: TSC) đã nhanh chóng trở về mức cốc trà đá, khiến không ít nhà đầu tư chua xót. Bên cạnh đó, những thương vụ dùng tiền tăng vốn đầu tư của Công ty lại cho thấy kết quả không mấy khả quan.

Từ những lần tăng vốn gặp “thiên thời địa lợi”…

Quay trở lại khoảng thời gian cuối năm 2014, TSC đã lên kế hoạch tăng vốn ồ ạt, nâng vốn điều lệ lên cả ngàn tỷ đồng ngay sau khi có sự xuất hiện của cổ đông lớn CTCP Tập đoàn F.I.T (HOSE: FIT) - hiện nắm 51% vốn.

Cụ thể, TSC đặt ra phương án tăng vốn từ 158 tỷ lên hơn 1,476 tỷ đồng theo 2 đợt. Trong đợt đầu, TSC phát hành 58 triệu cp thông qua các hình thức: chi trả cổ tức năm 2011 bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông; chào bán cho cổ đông hiện hữu hơn 31 triệu cp với giá bán bằng mệnh giá 10,000 đồng/cp; chào bán 790,645 cổ phần ESOP với giá 10,000 đồng/cp và chào bán cho cổ đông chiến lược 15 triệu cp với mức giá không thấp hơn 10,000 đồng/cp.

Đợt thứ hai, TSC phát hành hơn 73.8 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 10,000 đồng/cp để tăng vốn từ 738 lên hơn 1,476 tỷ đồng.

Mặc dù, lượng lớn cổ phiếu được TSC “tung ra” thị trường là vậy, nhưng cả hai đợt tăng vốn đều diễn ra “trót lọt”, biến TSC từ quy mô vốn chục tỷ thành doanh nghiệp trên ngàn tỷ đồng.

Lần tìm những nhân tố tạo nên thành công của đợt chào bán, bên cạnh sự “đóng góp” của cổ đông lớn FIT, yếu tố thị giá cổ phiếu TSC trên thị trường đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tăng vốn của Công ty.

Theo đó, từ đầu năm 2014, thời điểm xuất hiện thông tin FIT trở thành NĐT chiến lược của TSC, cũng là lúc thị giá TSC tăng chóng mặt. Bắt đầu chỉ quanh mức giá 6,000 đồng/cp vào cuối năm 2013, cơn sóng tăng giá trỗi dậy mãnh liệt trong suốt hơn 1 năm dài, đẩy thị giá TSC có thời điểm đạt mức 54,500 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh tại phiên 20/01/2015), tương ứng tăng trưởng hơn 800%.

Sau đó, trong thời gian diễn ra tăng vốn (từ nửa cuối năm 2014 cho tới cuối tháng 9/2015) của TSC, mặc dù thị giá cổ phiếu có điều chỉnh tăng giảm nhưng vẫn chưa từng rơi xuống dưới 10,000 đồng/cp – cũng là mức giá chào bán cổ phiếu của TSC.

Diễn biến cổ phiếu của TSC (giá đã điều chỉnh)

Cũng cần đề cập rằng, trong năm 2014, 2015, kết quả kinh doanh của TSC có sự tăng trưởng đột biến. Năm 2014, TSC đạt lãi ròng 62 tỷ đồng, nhảy vọt so với năm 2013 (chỉ hơn 3 tỷ đồng) và xóa được khoản lỗ lũy kế hơn 52 tỷ đồng.

Năm 2015, TSC tiếp tục đà tăng trưởng với doanh thu 1,171 tỷ đồng và lãi ròng gần 109 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi niêm yết.

KQKD của TSC trong 4 năm gần đây (Đvt: Triệu đồng)

… đến những nhà đầu tư bị “mắc cạn”

Sau khi hoàn tất niêm yết lượng cổ phiếu phát hành ra thị trường vào cuối tháng 9/2015, thị giá cổ phiếu TSC (quanh mức 12,700 đồng/cp) có chiều hướng tăng cùng với thông tin FIT chi 313 tỷ đồng đầu tư vào TSC.

Tuy nhiên, điều bất ngờ thường xảy đến những lúc khó lường nhất. Cuối tháng 1/2016, FIT bất ngờ bán hơn 11.5 triệu cp của TSC, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 51%. Hơn nửa tháng sau đó, ngay trong “những ngày vui” về kết quả kinh doanh 2015 thì cổ đông TSC đón nhận cú sốc. Sau khi đạt đỉnh cao nhất từ năm 2013 trở lại, ở mức 18,800 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) trong phiên ngày 26/02/2016, thị giá TSC bất ngờ lao dốc và liên tục giảm điểm. Sau 6 tháng, cổ phiếu rơi về quanh mức 4,000 đồng/cp và tính đến phiên ngày 15/05/2017, thị giá TSC chỉ còn 3,520 đồng/cp.

Theo đó, những nhà đầu tư tham gia vào đợt tăng vốn của TSC mà không kịp nhanh chân thoát khỏi con sóng trên thị trường đã bị “mắc cạn” với lượng cổ phiếu có giá trị hiện tại, chỉ bằng “cốc trà đá”.

Một điểm thiệt thòi khác mà những nhà đầu tư của TSC phải chịu chính là cổ tức. Được biết trong 5 năm trở lại đây, Công ty không hề chi cổ tức bằng tiền cho cổ đông (ngoài đợt chia cổ tức 2011 bằng cổ phiếu, trong đợt tăng vốn năm 2014). Và năm 2017, TSC cũng vẫn sẽ tiếp tục không thực hiện chia cổ tức.

* ĐHĐCĐ TSC: Bán hòa vốn Nông dược TSC, đang tìm đối tác bán Giống cây trồng Nông Tín

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của TSC diễn ra mới đây, nhiều cổ đông đã rất bức xúc về việc Công ty không chi trả cổ tức, trong khi thị giá trên thị trường của cổ phiếu lại quá thấp. Cổ đông đã đề xuất Công ty mua cổ phiếu quỹ và chia cổ tức nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông. Tuy nhiên, vấn đề này lại được ban lãnh đạo bỏ ngỏ.

Và dấu hỏi về hiệu quả đồng vốn đầu tư

Quay trở lại với lần tăng vốn khủng của TSC, sau khi kết thúc 2 đợt phát hành, Công ty thu về khoản tiền hơn 1,300 tỷ đồng. Theo kế hoạch, TSC chi 250 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Nông dược TSC, chi gần 168 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (Westfood), chi 140 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Giống Cây trồng TSC, chi 402.5 tỷ đồng đầu tư và vào CTCP Thương mại Sản xuất và dịch vụ Sao Nam và phần còn lại bổ sung vào vốn lưu động của Công ty.

CTCP Nông Dược TSC là doanh nghiệp thành lập năm 2009 với hoạt động chính là sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Giống Cây trồng TSC là doanh nghiệp thành lập vào cuối năm 2014 và đi vào hoạt động đầu năm 2015 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Công ty chủ yếu là kinh doanh, xuất nhập khẩu các loại giống cây trồng, nhân và chăm sóc cây giống nông nghiệp, xử lý hạt giống để nhân giống.

Sao Nam được thành lập vào năm 2009, là công ty phân phối các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân, tập trung vào 3 dòng sản phẩm chính là nước rửa tay, nước xịt phòng, các dòng sản phẩm chăm sóc răng miệng.

Westfood là doanh nghiệp được thành lập từ tháng 6/2003, hoạt động trong lĩnh vực thu mua và chế biến nông sản, thực phẩm; xuất khẩu nhập khẩu bao bì phục vụ cho đóng gói thành phẩm và kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Mặc dù rót lượng lớn tiền vào các Công ty con, tuy nhiên những thông tin về hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính của các đơn vị này và tiến trình đầu tư cụ thể lại không được TSC nêu rõ. Trong suốt thời gian sau khi hoàn thành tăng vốn, TSC cũng không công bố báo cáo tình hình sử dụng vốn thu về từ đợt chào bán, ngoài một số thông tin từ nghị quyết của TSC về việc góp vốn vào các doanh nghiệp. Chính điều này đã dẫn đến việc cổ đông chất vấn Ban lãnh đạo về tính minh bạch thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của TSC.

Ngoài ra, sau khi tăng vốn hoàn tất, đến cuối năm 2015, TSC cũng có nghị quyết chi 560 tỷ đồng thành lập FIT Consumer và đơn vị này sau đó đã đầu tư nắm 49% vốn của CTCP Nước khoáng Khánh Hòa (UPCoM: VKD).

Theo đó, đến cuối năm 2015, TSC đã sở hữu 5 công ty con và 2 công ty liên kết.

Sở hữu của TSC tại công ty con, liên kết đến cuối năm 2015

Cùng với việc đầu tư lớn, TSC đặt ra mục tiêu như xây dựng mô hình chuỗi giá trị tổng hợp nông nghiệp, trong đó TSC sẽ cung cấp ra thị trường từ hạt giống, nông dược, nông sản đến thực phẩm, chế biến – xuất khẩu rau quả và thu mua – sản xuất và xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, TSC cũng đặt chỉ tiêu, CTCP Nông Dược TSC và Giống Cây trồng TSC sẽ ghi nhận lãi bắt đầu từ năm 2015, đóng góp vào kết quả kinh doanh của TSC.

Tuy nhiên, những viễn cảnh mà TSC “vẽ ra” vẫn mờ mịt. Năm 2016 - năm đầu tiên sau khi hoàn tất tăng vốn, TSC ghi nhận kết quả kinh doanh “thất bát” khi chỉ đạt lãi ròng gần 10.6 tỷ đồng, giảm sâu so với năm 2015.

Bên cạnh đó, 2 trong số các công ty con mà TSC đầu tư là Nông Dược TSC và Giống Cây trồng TSC tiếp tục làm ăn thua lỗ và gặp nhiều khó khăn. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của TSC, Ban lãnh đạo cho biết, Nông Dược TSC hoạt động “chưa ngày nào có lãi” trong khi Giống Cây trồng TSC lỗ lũy kế “chưa tới nửa vốn”.

Theo đó, TSC đã phải đi đến phương án thoái 89% vốn tại Nông Dược TSC với giá 315 tỷ đồng và đang tìm đối tác để thoái vốn tại Giống Cây trồng TSC, chỉ sau chưa đầy 1 năm đầu tư.

Với những khoản đầu tư vào các đơn vị khác, ban lãnh đạo cho biết sẽ cần thời gian để có thể thấy được đóng góp rõ rệt, ghi nhận vào kết quả kinh doanh của Công ty.

* TSC lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng trong quý 1/2017

Mới đây, TSC đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2017 với doanh thu thuần giảm 38% còn 245 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ 3 liên tiếp thua lỗ. Có thể thấy, sau khi hoàn thành tăng vốn thì kết quả kinh doanh của TSC từ giảm dần rồi đến thua lỗ. Điều này thực sự là một dấu hỏi lớn về tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư của TSC./.







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chứng khoán SSI đặt kế hoạch lãi trước thuế 2024 gần 3,400 tỷ 

HĐQT CTCP Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh trình ĐHĐCĐ thường niên 2024.

EVNGENCO3 làm việc với tập đoàn Wartsila Phần Lan về dự án Nhà máy điện linh hoạt

Sáng ngày 14/3/2024, Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (EVNGENCO3) và Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình có buổi làm việc với Tập đoàn Wartsila (Phần Lan) về đề...

Doanh thu tháng 2 của VHC đạt 801 tỷ, tăng 6%

CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 2/2024 với tổng doanh thu đạt 801 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Chủ dự án Cát Bà Amatina kỳ vọng lãi 100 tỷ đồng trong năm 2024

Vinaconex-ITC, chủ dự án Cát Bà Amatina, lên kế hoạch 526 tỷ đồng doanh thu cùng mức lãi sau thuế 96 tỷ đồng trong năm 2024 dù dự báo thị trường bất động sản nghỉ...

Sonadezi Châu Đức đặt kế hoạch lãi 228 tỷ, tỷ lệ cổ tức 10%

CTCP Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, với chỉ tiêu doanh thu hơn 881 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 228 tỷ đồng, lần lượt...

Bị đồn đóng cửa vì doanh số liên tục giảm, nhà sách Fahasa đang kinh doanh ra sao?

Bị tung tin thất thiệt về việc đóng cửa vì doanh số giảm, lãnh đạo nhà sách Fahasa cho rằng hành động này nhằm câu view của một số tài khoản mạng xã hội. Vậy thực...

Chứng khoán KAFI đặt mục tiêu tổng tài sản 10,000 tỷ đồng năm 2024, lãi trước thuế 300 tỷ 

CTCP Chứng khoán KAFI (KAFI) công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 với nhiều nội dung.

CEO đặt kế hoạch lãi sau thuế tăng 24%

Dù kết quả kinh doanh năm 2023 không mấy khả quan, Tập đoàn C.E.O vẫn đặt kế hoạch 2024 lạc quan với lãi sau thuế 150 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2023.

Chính thức khai trương tổ hợp khoáng nóng Nhật Bản giữa lòng Ecopark, cách hồ Hoàn Kiếm 14km

Tổ hợp khoáng nóng Mori Onsen nằm giữa lòng thành phố xanh Ecopark, rộng 2,000m2, gồm 15 bể tắm khoáng, spa, xông hơi, nhà hàng, bể bơi chính thức khai trương giúp...

ICON4 đã sử dụng hết 320 tỷ đồng của đợt chào bán năm 2022

ICON4 cho hay đã sử dụng hết số tiền 320 tỷ đồng huy động được từ đợt chào bán cách đây hơn 1 năm, trong đó dành 170 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động thực hiện các gói...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98