Giá 55,000 đồng/cp, Lộc Trời sẽ mang “lộc” đến cho nhà đầu tư?

13/07/2017 08:49
13-07-2017 08:49:25+07:00

Giá 55,000 đồng/cp, Lộc Trời sẽ mang “lộc” đến cho nhà đầu tư?

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư chiều ngày 12/07, Tập đoàn LộcTrời (LTG) cho biết hơn 67 triệu cổ phiếu LTG sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 55,000 đồng/cp vào ngày 24/07 tới.

Liệu một công ty từng ghi dấu với thương hiệu Bảo vệ Thực vật An Giang có khiến nhà đầu tư rót vốn vào?

Lộc Trời kinh doanh 3 lĩnh vực chính là thuốc bảo vệ thực vật và dinh dưỡng cây trồng; giống cây trồng; và chế biến lương thực.

Vì đâu đổi thương hiệu thành Lộc Trời?

Tập đoàn Lộc Trời được thành lập năm 1993 với tên gọi Công ty Dịch vụ Bảo vệ Thực vật An Giang, với vốn điều lệ 750 triệu đồng và 23 nhân sự. Đến năm 2004 Công ty được cổ phần hóa với vốn 160 tỷ đồng. Năm 2015, CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang chính thức đổi tên thành Tập đoàn Lộc Trời nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm hữu cơ sinh học, chế biến lương thực, thực phẩm và các sản phẩm giá trị gia tăng sau lúa gạo.  

Tính tới hết năm 2016, Lộc Trời có vốn điều lệ 671 tỷ đồng, gấp 90 lần khi thành lập với 14 công ty con và 3,200 nhân sự. Trong đó Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang sở hữu 24.15% vốn, cổ đông nước ngoài nắm 44.04%, cán bộ công nhân viên 15.31%, còn lại là các tổ chức và cá nhân khác. Theo chia sẻ của Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn, UBND tỉnh An Giang sẽ không thoái vốn tại Lộc Trời mà còn muốn tăng thêm sở hữu.

Trước đó, cổ đông lớn của Lộc Trời còn có Ngân hàng Standard Chartered (SCPE) nắm 34.39% vốn, bên cạnh đó còn có Penn Partners và Mekong Capital. Tuy nhiên năm 2016 SCPE đã bán hơn 25% vốn Lộc Trời cho Marina Viet.

Lộc Trời kinh doanh 3 lĩnh vực chính là thuốc bảo vệ thực vật và dinh dưỡng cây trồng; giống cây trồng; và chế biến lương thực. Trong đó, Tập đoàn dẫn đầu thị trường trong ngành thuốc bảo vệ thực vật với 20% thị phần. Lộc Trời hợp tác chiến lược với công ty sản xuất nông dược lớn nhất thế giới là Syngenta. Trong năm qua, doanh thu của Lộc Trời bán sản phẩm Syngenta đạt mức 134 triệu USD.

Lĩnh vực giống cây trồng chiếm 4.8% thị phần, lớn thứ 2 tại Việt Nam, và hơn 20% thị phần lúa giống tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Lộc Trời có 3 trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, 3 nông trường sản xuất giống với 800ha, 6 nhà máy sản xuất giống lúa đạt 57,000 tấn/năm, 2 nhà mát sản xuất bắp giống 4,000 tấn/năm…

Về hệ thống phân phối, Lộc Trời có 5,008 đại lý, trong đó Đồng bằng Sông Cửu Long chiếm chủ yếu với 2,327 đại lý. Mục tiêu năm 2021 Lộc Trời sẽ đạt 6,000 đại lý.

Thị phần từng lĩnh vực của Lộc Trời.

Mục tiêu vốn hóa 1 tỷ USD vào 2021

Về hoạt động kinh doanh, lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật và dinh dưỡng cây trồng đóng góp chính yếu vào doanh số của Lộc Trời với gần 61%, chế biến lương thực 28.8% và giống cây trồng chiếm 7.3%.

Năm 2016, Lộc Trời đạt 7,783 tỷ đồng doanh thu và 349 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng EPS 4,382 đồng. Trong một thập kỷ qua, Lộc Trời đạt mức tăng trưởng hàng năm với doanh thu thuần là 13.66% và lợi nhuận sau thuế 18.14%.

Năm 2017, Lộc Trời đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 8,287 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 460 tỷ đồng, tăng trưởng 28.7% và cổ tức 30% bằng tiền mặt. Trong đó, 6 tháng đầu năm, Lộc Trời thực hiện được 4,052 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 14% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 173 tỷ đồng, tăng gần 4%. Ban lãnh đạo Lộc Trời cho biết, Tập đoàn sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2017 bởi mùa vụ chính rơi vào hai quý cuối năm nên kết quả kinh doanh sẽ khả quan hơn.

Theo đó, định hướng trong 5 năm tới, Lộc Trời đặt mục tiêu đạt 120,000 tấn lúa giống. Dành 100 tỷ đồng/năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra, Lộc Trời còn đặt mục tiêu vốn hóa đạt mức 1 tỷ USD năm 2021, lợi nhuận sau thuế khoảng 65 triệu USD, nâng thị phần ngành thuốc bảo vệ thực vật từ 20% lên 30% và số 1 về thương hiệu gạo.

Cụ thể, Lộc Trời sẽ triển khai hợp tác với Công ty Viên Thị Hồ Nam để xây dựng thị trường Trung Quốc. Phát triển thương hiệu, thị phần gạo đóng túi, dinh dưỡng. Ngoài ra, Lộc Trời cũng có các dự án đầu tư lien doanh hợp tác với các đối tác như Công ty Lion Agrevo, Công ty TNHH MTV Bioseed Việt Nam, Công ty Phân bón Việt Hàn KVF, CTCP Vinacam, Công ty DSM và Công ty Hagihara Farm.

Những sản phẩm của Lộc Trời.

Chia sẻ lý do tham gia vào lĩnh vực xuất khẩu gạo, Ban lãnh đạo Lộc Trời cho biết, ngành vật tư nông nghiệp chịu sự cạnh tranh gay gắt với 200 công ty, còn phân bón có tới hơn 800 doanh nghiệp. Vì thế Lộc Trời xây dựng chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra trong đó lấy nền tảng giá trị là lúa gạo. Thời gian tới Lộc Trời sẽ củng cố chuỗi giá trị để đưa ngành này có hiệu quả hơn.

Còn ngành giống cây trồng năm 2016 không đạt kết quả mong muốn là có lý do. Hiện Lộc Trời có 3 loại giống cây trồng là giống lúa, giống hoa màu, bắp lai. Bắp lai do ảnh hưởng của giá dầu thế giới nên giảm theo. Lúa giống sụt giảm liên quan đến vấn đề chủ quan, nhưng Lộc Trời đã củng cố lại ngành này và hiện lúa giống không đủ bán.

Còn doanh số rau màu thời gian qua chỉ đạt mức dưới 100 tỷ, nhưng gần đây Lộc Trời đã ký hợp tác chiến lược với đối tác nước ngoài, và cuối năm nay sẽ phân phối cho các đối tác mạnh trên thế giới. Vì thế thời gian tới sẽ lấy lại được thị phần ngành này.

Đối với ngành thuốc bảo vệ thực vật, Lộc Trời sẽ hợp tác với các đối tác để có các sản phẩm dồi dào, đa dạng và sẽ tăng thị phần mạnh khoảng 11%/năm. Đồng thời Lộc Trời cũng mở rộng vùng miền. Theo đó, thị phần sẽ tăng lên 30% như kỳ vọng./.





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

ELC muốn tạo "mưa" cổ phiếu, nâng vốn điều lệ vượt ngàn tỷ

CTCP Công Nghệ - Viễn Thông Elcom (HOSE: ELC) sắp phát hành 1 triệu cp ESOP, thời gian nhận tiền mua từ 15-24/04/2024. Chưa dừng lại ở đó, ELC còn có kế hoạch tạo...

Liên tục thua lỗ, một công ty thép cùng lúc rơi vào diện cảnh báo và kiểm soát

Ngày 04/04, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) thông báo đưa cổ phiếu của CTCP Đại Thiên Lộc (HOSE: DTL) vào diện cảnh báo và kiểm soát từ ngày 11/04, sau khoảng...

Cổ phiếu Nước giải khát Chương Dương giảm kịch sàn trước tin bị hủy niêm yết

Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) sẽ hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu SCD của CTCP Nước giải khát Chương Dương do lỗ ba năm liên tục và vốn điều lệ âm...

Cổ phiếu POM sẽ bị hủy niêm yết

Cổ phiếu POM sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm quy định về việc nộp báo cáo tài chính kiểm toán.  

Lỗ vượt vốn điều lệ, một cổ phiếu ngành nhựa có nguy cơ bị hủy niêm yết

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây thông báo về khả năng hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của CTCP Nhựa Đà Nẵng (HNX: DPC), sau 2 năm Công ty...

SPC vào diện cảnh báo, nối dài chuỗi ngày bị cắt margin

Ngày 20/03, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Bảo vệ Thực vật Sài Gòn (HNX: SPC) vào diện cảnh báo, đồng thời bổ sung lý do...

Từ 20/03, gần 15.7 triệu cp TKC giao dịch trở lại trên UPCoM, định giá chưa đến 19 tỷ đồng

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo gần 15.7 triệu cp của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ (TKC) sẽ chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM...

Hơn 304 triệu cổ phiếu HPX thoát diện đình chỉ giao dịch

Ngày 14/03, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Đầu tư Hải Phát (HOSE: HPX) ra khỏi diện đình chỉ giao dịch. Theo đó, hơn 304 triệu cp...

SD2 nối dài chuỗi ngày bị cảnh báo sau nhiều năm vướng ý kiến kiểm toán ngoại trừ

Ngày 13/03, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo duy trì diện cảnh báo với cổ phiếu của CTCP Sông Đà 2 (UPCoM: SD2) do có trên 3 năm vướng ý kiến kiểm...

Kiểm toán chấp thuận toàn phần và lợi nhuận dương trở lại, KDM thoát diện kiểm soát

Ngày 05/03, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa cổ phiếu KDM của CTCP Tập đoàn GCL ra khỏi diện bị kiểm soát, hiệu lực từ ngày 07/03.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98