Bị cáo Phạm Công Danh yêu cầu chứng minh giao dịch của ông Trần Quý Thanh là “ngay tình”

01/02/2018 08:33
01-02-2018 08:33:30+07:00

Đại án Phạm Công Danh - giai đoạn 2

Bị cáo Phạm Công Danh yêu cầu chứng minh giao dịch của ông Trần Quý Thanh là “ngay tình”

Khi nói những lời cuối cùng để bào chữa cho mình, một lần nữa ông Phạm Công Danh đề nghị Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát làm rõ nhiều vấn đề, nhất là khoản tiền mà ông Trần Quý Thanh cho rằng tiền đó là tiền ngay tình. Vậy thì ngay tình là cái gì để chứng minh là ngay tình?

Phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 đồng phạm bước vào những ngày cuối cùng của phần tranh tụng. Trước khi chuyển sang phần nghị án, các bị cáo được quyền nói những lời bào chữa bổ sung cuối cùng với Hội đồng xét xử (HĐXX) và đối đáp lại với đại diện Viện kiểm sát (VKS).

Bị cáo Phạm Công Danh cho biết, có những nội dung ông cho rằng rất chính đáng, rất có cơ sở và có đủ căn cứ để khẳng định nhưng chưa được HĐXX làm rõ.

Cụ thể, sau khi nghe bà Kiều Vũ Thụy Uyên - Luật sư bào chữa cho nhóm ông Trần Quý Thanh (Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Trần Ngọc Bích - nói rằng các giao dịch của ông Trần Quý Thanh là quan hệ hợp pháp, ngay tình, bị cáo Danh yêu cầu HĐXX và hai vị đại diện Viện kiểm sát làm rõ ngay tình thì có chứng cớ gì ngay tình hay không.

Ông nói: “Không thể viện cớ để tự vắng mặt, trong lúc tiền của tôi giao thì có chứng từ trực tiếp, ủy nhiệm chi từ tổ chức của tôi chuyển cho ông Trần Quý Thanh. Tiền của tôi, người của tôi giao trực tiếp cho ông Trần Quý Thanh, và bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh) là người đã công nhận. Tiền đã nhận rồi, đủ căn cứ, đủ cơ sở, đủ chứng từ. Tôi kính mong HĐXX và hai vị đại diện Viện kiểm sát nếu cho là ngay tình thì phải chứng minh được rằng tiền này là tiền gì, có chứng cớ gì không, vì xuyên suốt một thời gian dài đây là một cái vỏ. Nếu không có chứng cớ gì thì không thể phủ nhận được đây là sự thật”.

Bị cáo Danh cũng gửi lời cảm ơn luật sư của bà Phấn vì đã nói rằng tất cả các khoản tiền sai phạm thì phải được thu một cách bình đẳng, đã sai phạm là phải thu.

Bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh.

Phạm Công Danh từng cho biết ông phải chịu áp lực rất lớn trong việc trả 3,600 tỷ đồng cho bà Sáu Phấn (Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín) để lấy những tài sản mà bà đã thế chấp ngân hàng vay VNCB và trả 2,700 tỷ đồng lãi suất ngoài cho ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát). Trong giai đoạn 2 của vụ án, theo cáo trạng, hơn 6,100 tỷ đồng được cho là thiệt hại của vụ án, ông Danh đã sử dụng tiền rút ra từ VNCB trả cho bà Hứa Thị Phấn 600 tỷ đồng, ông Trần Quý Thanh 195 tỷ đồng (trả lãi ngoài). Tuy nhiên, ông Thanh không thừa nhận việc này. Trước đó, làm việc với cơ quan điều tra, ông Trần Quý Thanh khẳng định không có lãi ngoài mà chỉ là tiền vay trả giữa con gái ông là Trần Ngọc Bích và bà Phạm Thị Trang (tức Trang "phố núi", hiện bà Trang đã xuất cảnh đi Mỹ).

Tại phiên tòa này, ông Thanh và bà Trần Ngọc Bích được triệu tập đến tham dự với hai tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người làm chứng. Tuy nhiên, ông Thanh đã không trực tiếp đến tòa mà ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng.

Xuyên suốt cả phần thẩm vấn và phần tranh luận, các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương,… cùng nhiều luật sư bào chữa đã đề xuất thu hồi khoản tiền đã chuyển cho nhóm ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích để khắc phục hậu quả của vụ án. Tuy nhiên trong phần đối đáp mới đây, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên bảo vệ cho nhóm ông Thanh, bà Bích khẳng định thân chủ của bà không nhận lãi ngoài, lãi vượt trần; không có căn cứ pháp luật nào để thu hồi khoản tiền này và cũng không có cơ sở nào cho rằng đây là tiền có nguồn gốc phạm tội. Luật sư cho rằng, nếu ông Thanh có nhận các khoản tiền từ đâu đi nữa thì đó cũng là các giao dịch hợp pháp, ngay tình.

Sau khi Phạm Công Danh trình bày đối đáp với luật sư, bị cáo Mai Hữu Khương cũng đã lên tiếng với lời bào chữa trên.

“Các luật sư nói đây là giao dịch ngay tình hợp lệ, bị cáo xin chứng minh như thế này. Giao dịch ngay tình là như thế nào? Giao dịch ngay tình phải là một giao dịch dân sự, mà giao dịch dân sự phải qua ký kết các hợp đồng bằng miệng hoặc bằng văn bản. Trong cả 2 giai đoạn của vụ án, bà Trần Ngọc Bích không có một chứng cứ, một văn bản nào để thể hiện giao dịch giữa bà Phạm Thị Trang và bà Trần Ngọc Bích. Bà Bích khẳng định là tiền bà Trang trả nhưng bà Trang không có lời khai tại tòa. Trong một văn bản qua Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, bà Trang lại khai không có mối quan hệ vay mượn nào với bà Bích. Như vậy, không đủ căn cứ nói đây là một giao dịch dân sự, thì làm sao nói đây là giao dịch ngay tình. Chỉ hiểu đơn giản như thế này, tiền đi vay chuyển qua các tài khoản của ông Danh rồi vào tài khoản của ông Thanh, bà Bích; người sử dụng cuối cùng là tài khoản cuối cùng. Đề nghị HĐXX xem xét lại”, ông Mai Hữu Khương nói lời cuối trước tòa.

Còn đối với khoản tiền 600 tỷ đồng của bà Phấn, theo bị cáo Khương, các luật sư đã bào chữa và nói đây là một giao dịch dân sự. Tuy nhiên, được biết, hiện bà Phấn đã bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố với khoản tín dụng này. Bị cáo Mai Hữu Khương đặt câu hỏi: Các giao dịch liên quan đến khoản tín dụng bị khởi tố hình sự thì có đảm bảo nghĩa vụ về dân sự hay không? Ông Khương phân trần: “Bị cáo không biết về giới hạn dân sự nhưng người thừa hưởng cuối cùng là bà Phấn, đề nghị HĐXX xem xét thu hồi”.

Bị cáo Mai Hữu Khương, nguyên Thành viên HĐQT, Giám đốc khối kinh doanh VNCB, Phụ trách Bộ phận Tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh.

4,500 tỷ đồng là vật chứng của vụ án

Số tiền 4,500 tỷ đồng tăng vốn VNCB được cho là nút thắt lớn của vụ án, nhưng đến nay vẫn chưa gỡ bỏ được. Bị cáo Phạm Công Danh cho rằng 4,500 tỷ đồng là vật chứng theo suy nghĩ của ông và có cơ sở để khẳng định suy nghĩ của ông là không chủ quan. Ông khẳng định khoản tiền vay 4,500 tỷ đồng là hoàn toàn sai phạm: 4,000 tỷ đồng từ BIDV, 200 tỷ từ TPBank, còn 300 tỷ từ các nguồn khác ông không nhớ rõ.

Bị cáo Danh chỉ rõ, tính đến thời điểm 31/05/2017 trước khi bị khởi tố, tiền mặt trên bảng cân đối kế toán của VNCB còn trên 7,900 tỷ đồng thì không thể nói rằng đã sử dụng hết số tiền 4,500 tỷ đồng. Mặc dù có sử dụng đi chăng nữa thì cũng là sử dụng cho Ngân hàng, chứ không sử dụng cho cá nhân ông Danh.

Bị cáo Phan Thành Mai cũng đề nghị HĐXX xem xét mốc thời điểm khoản tiền 4,500 tỷ đã dùng hết hay chưa vào ngày 31/05/2014 chứ không phải thời điểm bị cáo bị khởi tố. Lý do là từ 31/05/2014, mọi khoản tiền chi ra khỏi Ngân hàng đều được tổ giám sát của NHNN phê duyệt, kể từ đó không xảy ra các sai phạm nào và khoản tiền vẫn nằm trong con số hơn 7,900 tỷ đồng trên các tài khoản của VNCB. Theo bị cáo Phan Thành Mai, 4,500 tỷ đã được chi cho 3 mục đích: Trả lãi tiền gửi của khách hàng nhằm duy trì thanh khoản cho ngân hàng; trả cho thị trường 2 nhằm duy trì thị trường 2 (thời điểm bị cáo Mai nhận ngân hàng thì thị trường 2 bế tắc, sau đó đã thông trở lại); và nhờ khoản tiền 4,500 tỷ này thì vốn điều lệ được ghi nhận 7,500 tỷ đồng, VNCB mới đáp ứng đủ các tỷ lệ an toàn để được cho vay.

Về phần thu hồi, bị cáo xin HĐXX xem xét vẫn giữ nguyên nguyên tắc thu hồi của giai đoạn 1, thu hồi các khoản là vật chứng. Đồng thời tạo điều kiện và khuôn khổ cho phép để Phạm Công Danh khắc phục toàn bộ hậu quả cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2, vì đó là mong muốn của ông Danh.

Bị can Phan Thành Mai - nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng VNCB.

Số liệu Ngân hàng Xây dựng (CB) cung cấp là hoàn toàn sai?

Trong phiên thẩm vấn ngày 16/01, theo yêu cầu của HĐXX và các luật sư bào chữa, đại diện Ngân hàng Xây dựng (CB, trước là VNCB) đã cung cấp các số liệu tài chính liên quan đến khoản tiền tăng vốn 4,500 tỷ đồng trước tòa. Đại diện Ngân hàng Xây dựng cho biết, khoản tiền 4,500 tỷ đồng đi vào Ngân hàng từ 14/02 đến 29/04/2014. Trong thời gian này, có 80,000 tỷ đồng tiền mặt được chuyển vào, đồng thời 81,000 tỷ đồng được chuyển ra khỏi Ngân hàng và 4,500 tỷ đồng đã hòa vào đấy.

Tuy nhiên, bị cáo Mai Hữu Khương cho rằng báo cáo này của Ngân hàng Xây dựng là hoàn toàn sai, không đúng bản chất mà HĐXX yêu cầu. Đây là báo cáo số liệu tổng hợp của tất cả tài khoản của VNCB tại NHNN.

Theo bị cáo Khương, thời điểm đó VNCB gồm có 22 chi nhánh tại các tỉnh thành và mỗi chi nhánh như vậy sẽ có 1 tài khoản tại NHNN, ngoài ra tại hội sở sẽ có một tài khoản là tài khoản Sở giao dịch 2 NHNN. Như vậy, VNCB có khoảng 23 tài khoản tại NHNN. Việc báo cáo của đại diện Ngân hàng Xây dựng như vậy là tổng hợp 23 tài khoản tại NHNN, chứ không phải là tài khoản Sở giao dịch 2 NHNN. Các con số phát sinh khoảng 80,000 tỷ đồng từ 14/02-29/04/2014 (khoảng hơn 75 ngày) thì vị chi một ngày có hơn 1,000 tỷ đi vào và đi ra Ngân hàng, điều này là không thể với quy mô của VNCB. Đây là một bài toán hoàn toàn sai.

Muốn xác định 4,500 tỷ chi như thế nào thì chỉ sử dụng tài khoản Sở giao dịch 2 NHNN chứ không phải toàn bộ 23 tài khoản NHNN. Đại diện CB trình bày, dòng tiền 4,500 tỷ đồng đi vào tài khoản Sở giao dịch NHNN từ ngày 14/02 đến ngày 29/04 qua 3 đợt (ngày 14/02 chuyển 1,500 tỷ đồng, ngày 17/02 chuyển 1,000 tỷ đồng, ngày 29/04 chuyển 2,000 tỷ đồng). Tuy nhiên, khi bị cáo Khương kiểm tra lại tài liệu giao dịch cũ hơn 110 trang thì không có một nội dung nào ghi tăng vốn điều lệ thông qua các lệnh điều chuyển vốn 290, 293, 294 mà tất cả các số lệnh điều chuyển này nằm ngoài hết. Số tiền tăng là 1,000 tỷ - 1,500 tỷ - 2,000 tỷ đồng qua kiểm tra cũng không có một số tiền nào giống như thế và tài khoản chuyển qua là tài khoản điều chuyển vốn nội bộ trong ngân hàng.

“Trong dẫn chứng của Ngân hàng CB, 4,500 tỷ sau khi chuyển từ LienVietPostBank sang sở giao dịch 2 NHNN thì có hơn 7,610 tỷ đã được sử dụng. Nhưng nếu xét trong 7 mục Ngân hàng CB đã sử dụng, có mục tăng các khoản phải thu 2,990 tỷ đồng, thì trong đó 2,550 tỷ đồng là của BIDV. Tài khoản là tài khoản BIDV chứ không phải tài khoản Sở giao dịch 2, việc nhập nhằng giữa chỗ này dẫn đến việc cho rằng 4,500 tỷ đã dùng hết. Nếu CB muốn báo cáo HĐXX thì chỉ cần báo cáo số liệu tại tài khoản Sở giao dịch 2 (lấy 7,610 tỷ đồng trừ 2,550 tỷ đồng thì còn 5,100 tỷ đồng, và 5,100 tỷ đồng này được sử dụng cho mục đích của Ngân hàng Xây dựng chứ không phải mục đích của ông Phạm Công Danh)”, bị cáo Mai Hữu Khương khẳng định.

Bị cáo Khương đồng thời cũng nói rõ hơn về bản chất của 4,500 tỷ đồng: “Ngân hàng là một tổ chức tài chính trung gian. Ngân hàng huy động vốn của người dân, của NHNN, của các tổ chức tín dụng (TCTD) để rồi sử dụng hình thành nên tài sản có; tài sản có là dư nợ tín dụng của các khách hàng, là tài sản cố định, là chi phí xây dựng dở dang. Nói cách khác, lúc này ngân hàng được một quyền gọi là quyền đòi nợ các khoản này, đây là tài sản có của ngân hàng. Ngân hàng có nghĩa vụ trả nợ cho dân cư, NHNN, TCTD thì đồng thời được thêm cái quyền là đòi nợ cho các khoản dư nợ tín dụng này. 4,500 tỷ đồng không đi đâu cả, mà chỉ chuyển biến từ quyền đòi nợ của các tổ chức dân cư, các TCTD để rồi được thừa hường quyền đòi nợ của bà Sáu Phấn, của Phương Trang, quyền đòi nợ các tài sản cố định hình thành từ đó. CB sau khi được NHNN mua lại sẽ thừa hưởng quyền đòi nợ và nghĩa vụ trả nợ; nếu như CB được thừa hưởng quyền đòi nợ, các dư nợ tín dụng hiện tại thì cũng phải đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Nghĩa vụ trả nợ ở đây là nghĩa vụ trả nợ của các TCTC, của NHNN nhưng nghĩa vụ này đã được chuyển hóa thành nghĩa vụ trả nợ của các cổ đông là 4,500 tỷ đồng. Bị cáo không chứng minh khoản tiền này còn hay không còn, nhưng quyền đòi nợ 4,500 tỷ đồng là vẫn còn”.

Thu Phong

FiLi







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Xếp hạng tín nhiệm của VPBank duy trì ở mức Ba3, triển vọng ổn định

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Ratings (Moody’s) mới đây đã công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Ba3, triển vọng ổn định, cho Ngân hàng TMCP Việt Nam...

NHNN khẳng định chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất, dù tăng hay giảm

Đó là chia sẻ của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức sáng ngày 25/4.

Năm 2024 – năm bản lề chuyển đổi đưa SHB vươn Tầm

Với chiến lược phát triển bền vững, SHB đang tiếp bước trên con đường đồng hành cùng người dân và đất nước. Ngân hàng đang chuyển đổi mạnh mẽ, vươn tầm trở thành...

Tăng cung ngoại tệ - Kiềm chế lãi suất

Trước tình hình lãi suất đang có dấu hiệu nhấp nhổm tăng trở lại, thể hiện qua việc một số nhà băng tăng lãi suất tiền gửi gần đây, cũng như lãi suất trên thị...

Tổng Giám đốc OCB gửi đơn từ nhiệm 

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa công bố thông tin về việc ông Nguyễn Đình Tùng gửi đơn từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc.

Bank of America: Châu Á bước vào kỷ nguyên tiền tệ hỗn loạn, dự báo tỷ giá VND lên 25,600 vào cuối quý 2

Bank of America (BofA) tỏ ra bi quan về hàng loạt đồng tiền châu Á, cho rằng đây là điểm khởi đầu của “kỷ nguyên hỗn loạn”. Đáng chú ý, họ dự báo tỷ giá USD/VND sẽ...

Giá USD tự do lao dốc, về mốc 25.700 đồng

Giá USD trên thị trường tự do hôm nay tiếp đà giảm. Giá USD bán ra đã giảm về mốc 25.700 đồng/USD. Giá USD trên thị trường chính thức cũng hạ nhiệt.

Thêm doanh nghiệp xăng dầu bị ngân hàng rao bán nợ

Một loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu bị ngân hàng rao bán các khoản nợ xấu hoặc tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu. Vừa có thêm một doanh nghiệp...

NHNN bơm ròng mạnh nhất trong hơn một năm

NHNN đã bơm ròng 25,550 tỷ đồng trong phiên 23/04, mức cao nhất kể từ cuối tháng 2/2023. Trong đó, nhà điều hành đã cho 9 thành viên vay tổng cộng gần 36,000 tỷ...

Tăng cường đảm bảo an toàn trong mua, bán ngoại tệ

Ngày 23/04/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM vừa có văn bản về việc phối hợp tuyên truyền đến người dân quy định về hoạt động mua bán ngoại tệ.

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98