Nói lời sau cùng, hàng loạt giọt nước mắt đã rơi, Phạm Công Danh xin giảm án cho thuộc cấp

01/02/2018 15:53
01-02-2018 15:53:29+07:00

Đại án Phạm Công Danh – giai đoạn 2

Nói lời sau cùng, hàng loạt giọt nước mắt đã rơi, Phạm Công Danh xin giảm án cho thuộc cấp

Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi khi các bị cáo nói lời sau cùng trong phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 đồng phạm (giai đoạn 2). Có giọt nước mắt rơi vì gia đình, có giọt nước mắt rơi vì các thuộc cấp và vì chính Ngân hàng…

Chiều ngày 01/02/2018, trước khi tòa bước vào phần nghị án, các bị cáo được phát biểu lời nói sau cùng.

Bị cáo Phạm Công Danh: “Xin tạo điều kiện cho tôi được chữa bệnh”

Trình bày trước tòa, ông Phạm Công Danh cho biết, tính đến hôm nay thì đã gần 4 năm kể từ ngày bị cáo bị khởi tố. Trong đó, có 6-7 tháng ông phải nằm trong bệnh viện do mắc bệnh suy thận cấp độ 3. Mong muốn lớn nhất của ông là được tạo điều kiện chữa trị bệnh. Ông cho biết, nếu không còn sức khỏe nữa thì không thể khắc phục được hậu quả.

Bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB và bị cáo Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Sacombank

Bị cáo Danh mong HĐXX xem xét đúng bản chất của sự thật, làm rõ các khoản tiền sai phạm và thu hồi toàn bộ dòng tiền này. Toàn bộ dòng tiền đã rất rõ, ông không sử dụng đồng nào của Thiên Thanh cho cá nhân, và chỉ sử dụng phục vụ cho mục đích của Ngân hàng Xây dựng. Trong dòng tiền sai phạm có một khoản tiền rất lớn dùng để chăm sóc khách hàng xuyên suốt giai đoạn 2013-2014 nhằm huy động tiền cho Ngân hàng. Lãi suất nhiều khi lên tới 15% cho 40,000 tỷ đồng tiền gửi và chi chăm sóc không dưới 6,000 tỷ đồng. Hàng ngàn tỷ đồng này có chứng từ, cơ sở rõ ràng.

Bị cáo Danh nhắc lại tình hình thời điểm đó. Nhóm nợ của Phú Mỹ và Phương Trang chiếm trên 90% dư nợ của Ngân hàng Xây dựng và cho rằng trong lịch sử ngành ngân hàng trong nước cũng như trên thế giới chưa có trường hợp nào mà trong 3-4 năm không trả một khoản nợ nào hết.

Ông đồng thời cũng gửi lời xin lỗi thuộc cấp cũ một lần nữa. Các nhân viên của Tập đoàn Thiên thanh vì tin tưởng ông nên đã giúp đỡ. Nhưng bị cáo Danh cho biết ông không lợi dụng lòng tin đó. "Diễn biến phiên tòa suốt một tháng nay đủ để HĐXX thấy rõ họ không vụ lợi. Cả nhân viên của 3 ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank đều không được hưởng lợi gì hết. Kính mong HĐXX xem xét lại, lượng tình phán quyết để họ được hưởng mức án nhẹ nhất có thể”, ông nói.

Với Tập đoàn Thiên Thanh, theo lời ông Danh, hiện Tập đoàn không còn gì cả, chỉ còn trên đất thuê. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và thương hiệu 60 năm của Tập đoàn, ông nghĩ rằng nếu Nhà nước có cơ chế thì Tập đoàn có thể tiếp tục hoạt động, tạo nên một điều gì đó cho xã hội.

Cuối cùng, ông xin được tạo điều kiện để chữa trị bệnh. Nếu có sức khỏe, ông mới có đủ khả năng cung cấp thêm những tình tiết của vụ án và có điều kiện khắc phục hậu quả.

Bị cáo Danh cho biết mình không còn gì hết: “Nhà cửa cái thì đã bán đi, cái thì đang được giải tỏa kê biên và trả cho ngân hàng. Xe hơi cũng bán, mô tô cũng bán, đồ đạc đã gần như mang đi thế chấp hoàn toàn,…”

Hậu quả cho đến ngày hôm nay, theo bị cáo Phạm Công Danh, không thể nào đong đếm bằng tiền bạc được.

Bị cáo Phan Thành Mai xin giảm án cho Phạm Công Danh và các giám đốc “bù nhìn”

Nói lời cuối cùng trước tòa, bị cáo Phan Thành Mai đã bật khóc và khá mất bình tĩnh.

“Ba tháng đứng ở đây, bị cáo phải chứng kiến quá nhiều cảnh, nhiều giọt nước mắt khác nhau. Giọt nước mắt của những người cựu chiến binh, của những bậc cha mẹ, của những đứa con, rất nhiều giọt nước mắt. Bị cáo cũng luôn tự hỏi rằng, bị cáo cùng đồng nghiệp mình phải làm được điều gì khác để giúp anh Danh khắc phục hậu quả” - Bị cáo nói.

Bị can Phan Thành Mai - nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng VNCB

Bị cáo Phan Thành Mai cho biết, qua giai đoạn 1 rồi tới giai đoạn 2, nhiều nút thắt của vụ án đã được mở và bị cáo nhận ra rằng đã làm rất nhiều điều sai. Bị cáo luôn mong muốn được làm trong một ngân hàng chuyên nghiệp, đúng chức năng huy động và cho vay… Nhưng để có thể làm được điều đó thì Ngân hàng Xây dựng đã phải đối mặt với rất nhiều cấp bách, khó khăn. Trong số đó, có nhiều điều bị cáo Mai chưa làm được như: xử lý nợ xấu, tăng vốn điều lệ, giảm tốc độ lỗ của ngân hàng (tốc độ lỗ của Ngân hàng quá lớn và bị cáo không thể hãm được),… Điều duy nhất bị cáo làm được là thị trường 2 liên thông.

“Có quá nhiều khó khăn không xuất hiện trong phương án tái cơ cấu. Bị cáo cùng các đồng nghiệp sức cùng lực tận và không thể thay đổi được tình hình trước áp lực từ nhiều phía, thực hiện 6 nhiệm vụ cùng một lúc. Ngày hôm nay tất cả mọi thứ mới được công khai, còn ngày ấy anh Danh, bị cáo và các đồng nghiệp chỉ nhìn được 1 góc, không thể xâu chuỗi được mọi vấn đề. Anh Danh, bị cáo cũng như các đồng nghiệp chắc chắn không muốn đánh đổi điều gì để phải có ngày hôm nay”, Phan Thành Mai hạ giọng.

Bị cáo Mai đề nghị HĐXX xem xét truy thu những khoản tiền sai phạm, không ngay tình và tạo điều kiện cho bị cáo Phạm Công Danh có thể khai thác các tài sản trong giai đoạn này để khắc phục hậu quả, cũng như xem xét cho ông Danh vì đã bỏ ra rất nhiều tài sản cá nhân. Đồng thời, xem xét giảm nhẹ án cho tất cả giám đốc doanh nghiệp, lãnh đạo các ngân hàng vì họ không may mắn đã dính vào vụ án này.

Lời cuối cùng, ông Phan Thành Mai mong “Ngân hàng Xây dựng sẽ sớm hồi phục và phát triển bền vững. Quá khứ không thể thay đổi được nhưng tương lai thì có”.

Bị cáo Mai Hữu Khương: “Đây không phải là một đại án, các bị cáo sai nhưng trong bối cảnh cứu ngân hàng"

Theo suy nghĩ của Mai Hữu Khương, đây không phải là một đại án, các bị cáo sai nhưng trong bối cảnh cứu ngân hàng và không tư lợi. Bị cáo Khương mong HĐXX tạo điều kiện cho ông Phạm Công Danh và ông Phan Thành Mai thu hồi các khoản tiền do sai phạm mà có để khắc phục hậu quả.

Bị cáo Mai Hữu Khương, nguyên Thành viên HĐQT, Giám đốc khối kinh doanh VNCB, Phụ trách Bộ phận Tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh

Về phía mình, ông Mai Hữu Khương cho biết, suốt hai giai đoạn của vụ án, bị cáo nhận thức được hành vi sai phạm của mình. Nhưng bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo, không đề xuất được chủ trương.

“Mức án tổng hợp 30 năm thực sự là rất cao cho bị cáo, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ để bị cáo sớm trở về với gia đình, với người thân để có thể giúp một phần nào đó cho gia đình”, Mai Hữu Khương nói.

Bị cáo Trầm Bê xin lỗi lãnh đạo, nhân viên Sacombank

Trước HĐXX, bị cáo Trầm Bê luôn phân trần rằng mình làm sai nhưng không cố ý làm trái, không đến nỗi phải xử lý hình sự. Ông Bê sụt sùi, ông đã nhiều năm làm trong ngân hàng và chưa từng làm sai. Bên cạnh đó cho biết sức khỏe đã yếu, bệnh tình hiểm nghèo, tuổi đã cao nên mong HĐXX lượng hình cho ông hưởng mức án nhẹ, để ông không phải kháng cáo. Nếu xử 5-6 năm tù thì ông cho rằng quá nặng, ông không phục.

Bị cáo Trầm Bê cũng gửi lời xin lỗi lãnh đạo, nhân viên của Sacombank vì hành vi sai sót của bị cáo đã ảnh hưởng đến Ngân hàng.

Không chỉ Phan Thành Mai, Trầm Bê, rất nhiều người trong số 46 bị cáo đã bật khóc trước tòa. Hầu hết trong số họ đều mong được giảm án, có cơ hội quay về với gia đình và không bị cách ly với xã hội. Khóc vì hối hận, khóc vì đau lòng,... phiên tòa chiều 01/02 khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc.

Theo dự kiến, HĐXX sẽ có quyết định nghị án vào sáng ngày 07/02/2018.

Trước đó, trong phần luận tội vào sáng 22/01, Viện kiểm sát đã đề nghị xử phạt các bị cáo Phạm Công Danh 20 năm tù (tổng hợp với bản án trước là 30 năm tù), Phan Thành Mai 11-13 năm tù, Mai Hữu Khương 11-13 năm tù, Nguyễn Quốc Viễn 6-7 năm tù về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo khác như Trầm Bê được đề xuất mức án 5-6 năm tù, Nguyễn Việt Hà 6-7 năm tù, Hoàng Đình Quyết 4-5 năm tù, Phan Huy Khang 4-5 năm tù, Đinh Việt Cường 6-7 năm tù, Đặng Thị Bích Thủy 6-7 năm tù,…

Viện kiểm sát cũng giữ nguyên quan điểm yêu cầu thu hồi hơn 6,100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng (Sacombank, TPBank, BIDV) trả cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CB), đề nghị HĐXX và Cơ quan cảnh sát tiếp tục điều tra. Đồng thời tuyên bố bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn lại 6,100 tỷ đồng cho 3 ngân hàng trên. 

Thu Phong

Fili







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Phó Thống đốc nói về khoản cho vay để hỗ trợ ngân hàng SCB

Đến nay, SCB vẫn đang hoạt động ổn định và NHNN sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình để từng bước tái cơ cấu ngân hàng này.

NHNN cho phép ngân hàng thương mại giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 1/2024, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN sẽ cho phép các ngân...

ĐHĐCĐ SeABank: Đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 28%, tăng vốn điều lệ lên 30,000 tỷ đồng

Ngày 17/04/2024, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Nhiều mục tiêu quan trọng đã được thông qua tại...

Công cụ hiệu quả đánh giá chất lượng danh mục cho vay

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đầy biến động của năm qua, việc đánh giá mức độ rủi ro trong danh mục cho vay của ngân hàng trở nên cực kỳ quan trọng. Các chính sách...

Tỷ giá tiếp tục tăng, giá bán USD vẫn trên 25,000 đồng

Sáng ngày 19/04/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm. Giá bán USD tại các ngân hàng thương mại tăng liên tục.

Ngân hàng Nhà nước nói sẵn sàng can thiệp tỷ giá trong hôm nay

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết các quan chức đã sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại hối khi tiền đồng rơi xuống mức thấp kỷ lục so với USD.

Vụ mất 11,9 tỷ trong tài khoản Vietcombank: App lạ từ Nhật, nguyên đơn kháng cáo

Bà Trần Thị Chúc, nguyên đơn trong vụ tài khoản 11,9 tỷ đồng tại Vietcombank “bốc hơi” đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm do TAND TP. Từ Sơn (Bắc...

OCB mở mới 17 chi nhánh, phòng giao dịch trong năm 2024

Mới đây, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã nhận được công văn chấp thuận mở mới thêm 17 chi nhánh, phòng giao dịch trong năm 2024.

Cảnh báo việc tiếp tay cho tội phạm khi bán, cho thuê tài khoản ngân hàng

Công an TP Hà Nội cho biết, hiện nay trên các hội nhóm, diễn đàn xuất hiện tình trạng các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng với giá từ 500 nghìn đến 1 triệu...

Lên kịch bản ‘sống chung’ với áp lực tỷ giá

Tỷ giá đã tăng hơn 3% kể từ đầu năm, chạm ngưỡng mục tiêu điều hành chính sách ngoại hối. Các chuyên gia cho rằng áp lực tỷ giá sẽ còn dai dẳng theo diễn biến giảm...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98