Góp vốn ngân hàng: Vào dễ ra khó

02/04/2018 08:18
02-04-2018 08:18:52+07:00

Góp vốn ngân hàng: Vào dễ ra khó

Hồi giữa năm ngoái, cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB-HNX) bỗng dưng “nổi sóng”, biến động từ quanh 4.500 đồng lên hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu các ngân hàng khác vẫn còn đang “lặng như tờ”. Rồi cũng nhanh như khi lên, NVB rơi về vùng 7.000 đồng/cổ phiếu và dừng chân ở đó cho tới tận đầu tháng 3-2018 mới quay về mức sát 10.000 đồng lần nữa. Với lợi nhuận sau thuế năm ngoái chưa đầy 22 tỉ đồng, NVB dường như đang là cổ phiếu ngân hàng niêm yết đắt nhất sàn với P/E hơn 130 lần.

Đầu tư vào ngân hàng đã hút của các tập đoàn, tổng công ty lượng vốn không hề nhỏ. Ảnh: THÀNH HOA

Trong số cổ đông mừng khấp khởi với sự lên giá của NVB, có Tập đoàn Dệt - May (Vinatex) hiện đang còn nắm giữ 6,9 triệu cổ phiếu ngân hàng này. Cả thập niên qua, Vinatex đã nhiều lần tìm cách thoái vốn tại NVB mà chưa được vì giá cổ phiếu chưa đến điểm hòa vốn. Nhà nước vẫn còn đang sở hữu 53,49% cổ phần Vinatex, nên việc thoái vốn của tập đoàn phải đảm bảo được nguyên tắc bảo toàn vốn đầu tư, không được để thua lỗ.

Không được phép lỗ

Trong trào lưu đầu tư ngoài ngành phát sinh từ những năm 2006-2008 của doanh nghiệp nhà nước, mà chủ yếu là góp vốn vào ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, nhiều khoản đầu tư để lại hệ lụy cho đến tận bây giờ. Vụ xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng và một số quan chức Tập đoàn Dầu khí (PVN) liên quan đến việc đầu tư 800 tỉ đồng, tương đương 20% vốn của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đã chỉ ra điều đó.

Khi góp vốn vào ngân hàng, chắc chắn ông Thăng cùng lãnh đạo PVN những năm tháng trước và một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không thể hình dung việc thoái vốn lại phức tạp đến vậy.

Tính đến hết năm 2015, vốn góp vào ngân hàng không những không giảm, mà còn tăng lên về số tuyệt đối, nhưng không có trường hợp người đứng đầu tập đoàn, tổng công ty nhà nước nào bị cách chức hay cho nghỉ việc cả.

Ngày 22-3-2018, ông Thăng tự bào chữa tại tòa rằng từ năm 2012 PVN đã xây dựng lộ trình thoái vốn khỏi OceanBank, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thoái trong giai đoạn 2013-2014. OceanBank cũng đồng ý và bấy giờ có hai đối tác muốn mua lại phần góp vốn của PVN. Một đối tác Singapore muốn mua 15% vốn góp, đối tác Việt Nam muốn mua 5%. Tuy nhiên việc thoái vốn đã không thành vì sau đấy Chính phủ không chấp thuận cho thoái nữa.

Đầu tư vào ngân hàng đã hút của các tập đoàn, tổng công ty lượng vốn không hề nhỏ và khi chứng khoán lao dốc thảm hại, ai ai cũng nhìn ra mức lỗ của các khoản góp vốn (nếu thanh lý), nhưng thoái vốn không phải cứ muốn là thực hiện được. Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2010 tổng vốn đầu tư vào riêng ngân hàng của các tập đoàn, tổng công ty là 10.128 tỉ đồng. Đến cuối năm 2015, tức 5 năm sau, con số trên lên 11.000 tỉ đồng, nghĩa là có một số cổ đông Nhà nước đã góp thêm tiền trong các đợt ngân hàng tăng vốn.

Năm 2012 cũng là năm Chính phủ chỉ đạo việc thoái vốn ngoài ngành với mục tiêu tiến hành trong 3 năm, đến năm 2015 phải xong, và không có ngoại lệ. Các tập đoàn, tổng công ty phải xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó nêu rõ việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Đề án tái cơ cấu được Chính phủ và các cơ quan chủ quản phê duyệt, sau đó các tập đoàn, tổng công ty thực hiện theo đề án.

Nguyên tắc là vậy, nhưng các lần thoái vốn cụ thể khỏi ngân hàng đều phải có sự đồng thuận của cơ quan chủ quản, của Ngân hàng Nhà nước. Việc thoái vốn có thể tiến hành qua đấu giá công khai hoặc qua thỏa thuận với điều kiện tiên quyết giá thoái không được thấp hơn giá vốn đầu tư.

Ai chịu trách nhiệm cho sự “cầm lòng không đặng”?

Suốt 6 năm từ 2010-2016, việc thoái vốn ngân hàng diễn ra rất chậm chạp và hầu như các lần bán đấu giá của cổ đông Nhà nước đều không thành công do không tìm được người mua bằng với giá vốn đầu tư. Giá cổ phiếu ngân hàng cổ phần cả niêm yết và trên thị trường OTC thời gian đó thấp, thoái giá cao không ai mua, thoái theo giá thị trường lỗ ai chịu trách nhiệm? Thoái vốn vì thế ách tắc.

Câu chuyện trách nhiệm mang tính bản lề của thoái vốn. Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26-11-2014 và Nghị định 91/2015 hướng dẫn thực hiện luật đã cấm doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ngoài ngành. Đấy là về sau này, còn những năm ngay trước và sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã cầm lòng không đặng trước “cơn sốt” hừng hực của chứng khoán mà cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm.

Sự “cầm lòng không đặng” ấy đáng ra phải được trả giá bằng trách nhiệm cá nhân đi kèm các hình thức chế tài. Thực ra đến hết năm 2015, vốn góp vào ngân hàng không những không giảm, mà còn tăng lên về số tuyệt đối, nhưng không có trường hợp người đứng đầu tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nào bị cách chức hay cho nghỉ việc cả. Hầu hết các đơn vị góp vốn ngân hàng đều lập luận như nhau: Không thể thoái vì không có người mua bằng giá vốn đầu tư. Cho đến nay, thị trường cũng không ghi nhận lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nào tự đứng ra nhận trách nhiệm vì khoản đầu tư thua lỗ.

Nói thua lỗ là đã thanh lý khoản đầu tư, chứ còn trên báo cáo tài chính của các tập đoàn, tổng công ty, vốn góp vào ngân hàng vẫn được ghi nhận trong mục đầu tư dài hạn với giá trị sổ sách là giá vốn đầu tư ban đầu. Một số đơn vị đã trích lập dự phòng rủi ro với một tỷ lệ nhất định, nhưng nhiều đơn vị không trích.

Ai nói được gì?

Từ giữa năm ngoái chứng khoán khởi sắc, thoái vốn ngân hàng bắt đầu nhúc nhích thực hiện được. Eximbank bán xong gần 9% vốn của Sacombank qua sàn (Eximbank không phải quốc doanh). Ngân hàng nửa quốc doanh Vietcombank thoái thành công vốn khỏi SaigonBank và một phần lớn vốn góp vào Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Vietcombank chuẩn bị bán tiếp phần góp vốn còn lại tại OCB vào ngày 17-4-2018 qua đấu giá. Chưa thấy Vietcombank đề cập khi nào thoái vốn khỏi Eximbank và Ngân hàng TMCP Quân đội.

Mới đây MobiFone bán xong 33,4 triệu cổ phần của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) thu về 333 tỉ đồng. Vẫn có những ngân hàng mà cổ đông Nhà nước thoái vốn mãi chẳng được như Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank). VNPT đã đăng ký đấu giá mấy lần 71 triệu cổ phần của Maritime Bank, song không ai tham gia.

Gần nhất phiên đấu giá ngày 28-3-2018, hơn 2,4 triệu cổ phần của Maritime Bank của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng bị hủy với lý do tương tự. Những lần trước, giá khởi điểm đấu giá Maritime Bank của VNPT chưa tới 10.000 đồng/cổ phiếu, lần sau lại tăng lên 11.900 đồng/cổ phiếu. SCIC thậm chí nâng giá khởi điểm Maritime Bank lên 12.400 đồng/cổ phiếu. Có lý do ở đây.

Mặt bằng cổ phiếu ngân hàng hiện đã tăng so với năm ngoái. Để giá khởi điểm thấp, nếu có thoái được, lỡ bị dư luận nhận định là làm thất thoát tài sản Nhà nước thì biết ăn nói làm sao? Cho nên mỗi lần đấu giá là một lần nâng giá khởi điểm. Không thoái được, cổ phần còn đó, ai nói được gì? 

HẢI LÝ

TBKTSG





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Quý 1/2024, kiều hối chuyển về TPHCM tăng 35.4% so với cùng kỳ

Quý 1/2024, kiều hối chuyển về TPHCM đạt 2.869 tỷ USD, tăng 3.5% so với quý trước và tăng 35.4% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần...

SHB thông báo điều chỉnh mức phí SMS Banking

Để đảm bảo quyền lợi công bằng cho tất cả khách hàng, kể từ tháng 5/2024, SHB sẽ thực hiện điều chỉnh cơ chế tính phí và mức thu phí dịch vụ theo dõi biến động số...

Sacombank vượt mốc 1 triệu khách hàng thẻ tín dụng, không ngừng gia tăng giá trị và trải nghiệm khách hàng thẻ 

Với chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm, đầu tư bài bản ở cả mảng phát hành lẫn chấp nhận thanh toán thẻ đã giúp Sacombank tăng trưởng mạnh mẽ số lượng khách...

Định giá cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn, cổ phiếu nào nên "xuống tiền"?

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trải qua đà hồi phục mạnh từ cuối năm 2023 và duy trì đến nay. Tuy nhiên, so với chỉ số P/E toàn ngành, một số cổ phiếu có cơ bản tốt vẫn...

Giá bán USD ngân hàng tiến gần mốc 26,000 đồng

Phiên sáng 17/04, tỷ giá USD/VND tại ngân hàng tiếp tục phá vỡ mọi kỷ lục trước đó với giá bán USD gần chạm mốc 26,000 đồng.

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý trong vay tiêu dùng và thu hồi nợ

Các chuyên gia ngân hàng cũng cho biết, chất lượng tín dụng cho vay tiêu dùng hiện còn diễn biến theo chiều hướng xấu. Hoạt động xử lý, thu hồi nợ xấu của các tổ...

Làm giả giấy tờ để mở thẻ tín dụng, chiếm đoạt tiền của nhiều ngân hàng

Sau khi làm giả chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu…, bị cáo dùng các loại giấy tờ giả này đi mở thẻ tín dụng tại nhiều ngân hàng, rút tiền để tiêu.

Sacombank tung deal "siêu nhiệt" mừng Lễ lớn 

Chào mừng lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 01/5, Sacombank triển khai chương trình “Deal náo nhiệt - Khao lễ lớn”  với hàng ngàn ưu đãi hoàn tiền, giảm giá khi khách...

Giá bán USD ngân hàng vượt lên đỉnh mới

Đồng USD tiếp tục tăng giá trên thị trường quốc tế càng gây sức ép lên tỷ giá USD/VND tại ngân hàng trong phiên 16/04.

Chi tiêu “thả ga”, hoàn tiền “cực đã” lên tới 3 triệu đồng cùng thẻ tín dụng quốc tế SHB

Từ nay đến hết 05/09/2024, những khách hàng mở mới hoặc đang sở hữu một trong những thẻ trong bộ “Gia đình thẻ” tín dụng quốc tế SHB sẽ được hưởng mức ưu đãi hoàn...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98