Lợi nhuận tự doanh chứng khoán như 'lâu đài trên cát'

30/07/2020 13:04
30-07-2020 13:04:41+07:00

Lợi nhuận tự doanh chứng khoán như 'lâu đài trên cát'

Ngành chứng khoán kiếm được khoản lợi lớn nhờ lãi tự doanh bùng nổ giữa lúc kỳ vọng của thị trường dâng cao, tuy nhiên, việc làm ăn của khối doanh nghiệp niêm yết dường như không thỏa mãn cho sự lạc quan đó. 

Các mức tăng giá của cổ phiếu đẹp đẽ như một lâu đài, tuy nhiên, nó được xây trên cát hay trên một nền móng vững chắc vẫn là một dấu chấm hỏi.

Ảnh: Bloomberg

Trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2020, một sự tương phản khắc họa sâu hơn bức tranh của thị trường chứng khoán: Kỳ vọng mạnh mẽ về sự phục hồi mẫu hình chữ “V” của nền kinh tế và một thực tế bất định hơn nhiều so với sự lạc quan đơn giản của “ngài thị trường”.

Cổ phiếu đồng loạt bật tăng từ đầu quý 2. Một đợt hồi phục vô tiền khoáng hậu khi VN-Index tăng hơn 24.5% chỉ trong 3 tháng ngắn ngủi. Giữa bối cảnh đó, các công ty chứng khoán (CTCK) nghiễm nhiên được hoạt động trong một môi trường thuận lợi mà chỉ mới vài tháng trước đó họ chẳng thể mơ nghĩ đến.

Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, 75 CTCK đạt tổng doanh thu hoạt động trên 8.8 ngàn tỷ đồng trong quý 2/2020, tăng đến 47% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận quý 2 vừa qua của các CTCK cũng tăng đến 118% lên mức gần 3.43 ngàn tỷ đồng.

Động lực trọng yếu của những con số ấn tượng kể trên là mảng tự doanh và môi giới. Theo đó, doanh thu môi giới quý 2 của nhóm CTCK đạt trên 1.48 ngàn tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, trong khi lãi từ hoạt động tự doanh chứng khoán lên đến gần 2.3 ngàn tỷ đồng, tức gấp đến gần 5 lần kết quả cùng kỳ.

Sau khi đối mặt làn sóng bán tháo vì nỗi sợ bùng phát Covid-19, dòng tiền từ giới đầu tư trong nước ồ ạt tham gia cuộc chơi và đẩy cổ phiếu tăng chóng mặt trong quý 2 năm nay. Lượng mở mới tài khoản chứng khoán tăng đột biến trong các tháng 3-6/2020.

Kỳ vọng của giới đầu tư về sự phục hồi kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết và tiếng gọi truy tìm lợi nhuận tại một thị trường chứng khoán giảm sâu đã thúc đẩy việc làm ăn của các CTCK.

Tuy nhiên, trái với những khoản lãi ấn tượng của ngành chứng khoán nhờ khai thác sự lạc quan của giới đầu tư về tương lai, thì lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết - vốn là một cơ sở cho các mức tăng giảm của cổ phiếu - lại cho thấy sự sụt giảm đáng kể.

Theo dữ liệu VietstockFinance vào ngày 28/07 đối với nhóm 438 doanh nghiệp niêm yết đã công bố BCTC, tổng doanh thu thuần và tổng lãi ròng của nhóm này trong quý 2/2020 giảm lần lượt 9% và 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có đến 125 doanh nghiệp sụt giảm doanh thu từ 30% trở lên, 166 doanh nghiệp có mức sụt giảm lợi nhuận ròng từ 30% trở lên hoặc từ lãi sang lỗ trong quý 2.

Khi các con số ảm đạm về lợi nhuận trước mắt của doanh nghiệp được bỏ qua, cùng với đó là những thông tin hỗ trợ như Việt Nam đã làm rất tốt trong việc kiểm soát dịch bệnh, những kỳ vọng rằng đất nước đang trở thành một điểm đến của dòng vốn dịch chuyển sản xuất toàn cầu, hay những hiệp định thương mại mới,… đã đưa thị trường chứng khoán lên mây xanh. Cổ phiếu Việt Nam trở thành một hiện tượng tại châu Á và được trang tài chính Bloomberg ca ngợi là thị trường tăng mạnh nhất trong tháng 5.

Tuy nhiên, tiếp tục đặt cược vào cổ phiếu khi VN-Index đã tăng phi mã là cuộc chơi đầy rủi ro. Nếu mọi thứ tiếp tục tốt đẹp thì phần thưởng thậm chí có thể chẳng còn cho những người đến sau, nhưng nếu tình hình tồi tệ hơn kỳ vọng thì hậu quả sẽ là ác mộng.

Thị trường chứng khoán được vận hành dựa trên niềm tin, những dự phóng về khả năng sinh lời tương lai của doanh nghiệp. Và những dự báo trở nên quá mong manh khi yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp là Covid-19.

Trong ngày 28/07, Chứng khoán FPT (FPTS) bất ngờ tuyên bố hủy bỏ khuyến nghị trong những báo cáo phân tích doanh nghiệp phát hành từ 20/04-27/07/2020. “Khi ca bệnh mới xuất hiện trong cộng đồng, diễn biến dịch bệnh trở nên phức tạp hơn, cơ sở đưa ra dự phóng trong báo cáo bị phá bỏ”, FPTS cho biết.

Chính bản thân CTCK này cũng vừa gánh chịu hậu quả gây nên bởi Covid-19. Theo đó, cổ phiếu của May Sông Hồng (HOSE: MSH) - một khoản đầu tư lớn của FPTS - đã chịu cảnh bán tháo sau khi một khách hàng lớn của May Sông Hồng tại Mỹ lâm vào cảnh phá sản khi đại dịch nhấn chìm doanh số bán hàng. Khách hàng này vẫn còn nợ phải thu tại May Sông Hồng gần 170 tỷ đồng. Từ giữa tháng 7 đến nay, cổ phiếu MSH đã mất gần 23% giá trị.

Giờ đây, FPTS cũng như nhiều CTCK khác tiếp tục đối diện một đợt lao dốc của thị trường, thứ vốn đã gây ra những khoản thua lỗ tự doanh trong quý đầu tiên của năm 2020.

Nhân loại vẫn đang quay cuồng trong đại dịch Covid-19 với 16.7 triệu ca nhiễm đã được xác định trên toàn cầu tính đến 29/07. Còn tại Việt Nam, một đất nước kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng vẫn không tránh khỏi sự bùng phát ca nhiễm mới tại Đà Nẵng.

Những rủi ro bị ngó lơ giờ đây giáng đòn mạnh vào sự lạc quan của giới đầu tư. Ký ức về tháng 3 đen tối chợt hiện về trong 4 phiên giao dịch từ 24-29/07, theo đó, VN-Index rớt 65.91 điểm (-7.59%) trong khi HNX-Index đánh rơi 7.02 điểm (-6.16%). Một phiên tăng điểm 28/07 chỉ cho thấy rõ hơn về sự bất ổn của thị trường chứng khoán, với đặc sản là những phiên tăng sốc giảm sâu nối tiếp.

Diễn biến chỉ số VN-Index trong một tháng trở lại
Nguồn: VietstockFinance

Sự mong manh của các mức giá cổ phiếu vào cuối tháng 7 một lần nữa đặt ra thử thách cho bộ phận tự doanh của các CTCK. Liệu họ có thể tiếp tục là đầu máy kéo con tàu lợi nhuận của ngành chứng khoán?

Các CTCK đã kiếm được những khoản lời béo bở trong quý 2 nhờ kỳ vọng tích cực của thị trường, nhưng thực tế là lợi nhuận ngắn hạn từ mua bán cổ phiếu khó có thể là thước đo bền vững để đánh giá sự thành công của các nhà môi giới.

Trong khi đó, những ca nhiễm Covid-19 mới tại Việt Nam cho thấy sự phức tạp của đại dịch, cũng là minh chứng về một môi trường kinh doanh đầy rủi ro phía trước đối với các doanh nghiệp niêm yết. Tương lai sẽ không dễ dàng như vẽ một đồ thị chữ “V”.

Trong những ngày mà cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết lao dốc, cổ phiếu của các CTCK là một trong những đầu tàu.

Thừa Vân

FILI







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Hội quán Chứng khoán sinh hoạt định kỳ tháng 3/2024 với chủ đề “Cơ hội đầu tư quý 2 qua góc nhìn FA và Fn”

Sau giai đoạn tăng tốt về cả thanh khoản lẫn điểm số, thị trường chứng khoán trong tháng 3 đã có những tuần rung lắc, đặc biệt  phiên 19/03, chỉ số VN-Index giảm 42...

Trăn trở của nhà đầu tư nhỏ lẻ mỗi khi mùa báo cáo tài chính đến

Kết thúc năm 2023 cũng là lúc hàng ngàn báo cáo tài chính của các công ty niêm yết công bố với nhiều thông tin tích cực lẫn tiêu cực. Là một nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc...

Từ vụ 'đánh bạc' cổ phiếu họ FLC, rút bài học về nguyên tắc đầu tư

Qua vụ việc thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch tập đoàn FLC, một bài học lần nữa được nhắc lại, đó là nguyên tắc đầu tư và...

Warren Buffett: Kỷ nguyên tăng trưởng ấn tượng của Berkshire Hathaway đã qua

Huyền thoại Warren Buffett cảnh báo rằng đế chế đa ngành 905 tỷ USD của ông “gần như không có khả năng tăng trưởng ấn tượng” trong vài năm tới. Điều này đặt ra...

Warren Buffett ca ngợi Charlie Munger là kiến trúc sư của Berkshire Hathaway

Warren Buffett vừa chia sẻ sự kính trọng với huyền thoại Charlie Munger quá cố trong lá thư gửi cổ đông, ca ngợi Charlie Munger là kiến trúc sư của Berkshire...

Luận Cổ Nhơn, đàm chứng khoán

Đầu xuân Giáp Thìn 2024, tôi được một người đồng nghiệp giới thiệu trò chơi dân gian ở quê anh - Cổ Nhơn.

Bài học đắt giá nhất từ những nhà đầu tư hàng đầu thế giới

Không ai có thể đưa ra được những quyết định đầu tư đúng đắn mà không trả qua những sai lầm. Từ đó, họ rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc và tự điều chỉnh lại chiến...

Đầu tư hệ… ‘tâm linh’

Các thuật ngữ như “phong thủy”, “ngũ hành” hay “bát quái”… không còn xa lạ với cộng đồng nhà đầu tư chứng khoán…

Quyết định của một trader: Chọn con tim hay nghe lý trí?

Thị trường chứng khoán không chỉ là nơi các nhà đầu tư, trader muốn kiếm tiền mà cũng là nơi chứa nhiều cảm xúc thăng trầm, có cả hỉ nộ ái ố. Tuy nhiên, để có thể...

“Cửa sáng” cho chứng khoán năm mới?

Sau năm 2023 nhiều biến động, giới đầu tư đang hướng tới một năm mới với tâm thế lạc quan.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98