Môi trường đầu tư

09/09/2002 00:00
09-09-2002 00:00:00+07:00

Môi trường đầu tư

Định nghĩa: môi trường đầu tư là các điều kiện, các yếu tố về kinh tế, xã hội, pháp lý, tài chính, hạ tầng cơ sở và các yếu tố liên quan khác mà trong đó các quá trình hoạt động đầu tư được tiến hành.

Vì sao lại phải tìm hiểu, xem xét đánh giá môi trường đầu tư?

Trong cuốn "Những nguyên tắc vàng trong kinh doanh chứng khoán - Những bí quyết để thành công" Golden rules on Securities Business- Secret for Success André Kastolauy đã nói: Để có giá cổ phiếu tăng cần có các yếu tố tích cực sau:

  • Mức lạm phát duy trì thấp
  • Mức lãi suất tiền gửi giảm
  • Nền kinh tế tăng trưởng một cách ổn định
  • Tỷ giá hối đoái USD ổn định

Cũng trong sách đã dẫn có viết: Thị giá cổ phiếu sẽ tăng trong giai đoạn thịnh vượng của chu kỳ thăng trầm kinh tế, cụ thể lúc đó:

  • Các yếu tố sản xuất được tận dụng triệt để
  • Đầu tư tư nhân gia tăng
  • Gia tăng thu nhập của toàn nền kinh tế
  • Thu nhập quốc dân tăng
  • Mức tăng tiêu dùng bị khống chế, mức tích luỹ vốn được khuyến khích.

Thị giá cổ phiếu sẽ giảm trong giai đoạn suy thoái của chu kỳ thăng trầm kinh tế, khi đó:

  • Đầu tư tư nhân chững lại và bị giảm mạnh
  • Doanh lợi của doanh nghiệp bị suy giảm kéo theo
  • Số lượng doanh nghiệp phá sản ngày càng tăng
  • Lượng thất nghiệp cao, tiền tích luỹ giảm mạnh
  • Đòi hỏi các ngân hàng phải tăng cường cấp vốn, do đó
  • Mức lãi suất tiền gửi tăng, gây luồng vốn chuyển từTTCK sang TT tiền tệ.

Và cũng trong sách đã dẫn Henry Wallich đã chỉ rõ: Tiền đề và điều kiện thành công trong đầu tư chứng khoán là "nhà đầu tư phải có tầm bao quát rộng diễn biến kinh tế, có khả năng phán đoán trường hạn, am hiểu tường tận các quan hệ chính sách và chí ít ra phải có bản năng giao dịch CK"

Đó là một số trong những yếu tố thuộc môi trường vĩ mô, những yếu tố này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến TTCK, đến giá cả chứng khoán một cách trực hoặc gián tiếp mà mỗi người tham gia vào thị trường nên hiểu, nên phân tích trước và trong cả quá trình thực hiện quản lý đầu tư, hoặc kinh doanh của mình và nó là tiền đề quan trọng để tạo điều kiện cho quyết định đầu tư, kinh doanh, quản lý của bạn mang lại hiệu quả cao.

Đối với người đầu tư: Qua các xem xét các yếu tố của môi trường đầu tư người đầu tư có thể dự báo được khả năng hình thành của giá cả, mức sinh lời dự kiến, khả năng bảo toàn vốn và khả năng sản sinh rủi ro. Đây là những yếu tố mà tất cả mọi người đầu tư đều rất quan tâm.

Đối với người kinh doanh: Xem xét tổng quan các nhân tố của môi trường đầu tư các nhà kinh doanh chứng khoán có thể đánh giá thị trường, dự báo sự phát triển của thị trường, dự báo các đối thủ cạnh tranh, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình kinh doanh và từ đó có quyết sách thích hợp.

Đối với người quản lý: Người quản lý có nghĩa vụ vừa quản lý vừa xây dựng, cụ thể là:

- Giữ vững kỷ luật, kỷ cương của thị trường, đảm bảo cho thị trường hoạt động theo quy chế và pháp luật.

- Tạo điều kiện để phát triển thị trường.

- Tạo động lực để các thành viên tham gia thị trường với thái độ xây dựng.

- Ngăn ngừa những hành vi phá hoại, thao túng thị trường.

- Đạt mục tiêu cuối cùng là làm cho thị trường hoạt động trung thực, công bằng và hiệu quả.

Để đạt được các mục tiêu đó, một trong những lĩnh vực mà người quản lý cần quan tâm là môi trường vĩ mô của thị trường. Hiểu rõ môi trường này người quản lý có thể:

+ Có biện pháp quản lý thích hợp hơn

+ Có các chính sách khuyến khích phát triển thích hợp hơn

+ Điều chỉnh kịp thời các quy chế, biện pháp phù hợp với môi trường và sự biến đổi của môi trường.

Đối với nhà phân tích, bình luận:

Nếu hiểu rõ môi trường vĩ mô của thị trường thì nhà phân tích, bình luận sẽ có căn cứ để đánh giá, phân tích thị trường chính xác, sâu sắc hơn.

Chúng ta có thể phân tổ môi trường đầu tư theo các nhóm như sau: Môi trường kinh tế, môi trường xã hội, môi trường pháp lý, môi trường tài chính, môi trường quốc tế và hạ tầng cơ sở của thị trường chứng khoán. Sau đây chúng ta sẽ lần lượt xem xét chúng.

MÔI TRƯỜNG KINH TẾ

Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của môi trường đầu tư liên quan đến thị trường chứng khoán là môi trường kinh tế. Chúng ta xem xét môi trường kinh tế qua các mặt: Các chỉ tiêu tổng hợp của nền kinh tế quốc dân GDP, GNP,. ., lạm phát, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại tệ, cân đối ngân sách nhà nước, nợ nước ngoài, tỷ giá hối đoái và một số phân tích kinh tế vĩ mô khác.

MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI.

Môi trường xã hội cũng ảnh hưởng rất sâu rộng đến hiệu quả hoạt động của TTCK. Ngày 5/3/1953 chỉ số TOPIX của Nhật bản giảm đến 8.75% và nguyên nhân là do Stalin ốm nặng. Khi Bill Clinton thú nhận trong việc bê bối với người tình Lewisky, thì chỉ số Dow Jones đã giảm 200 điểm. Điều đó có nghĩa là TTCK rất nhạy cảm đối với các sự kiện chính trị. Để xem xét môi trường xã hội ta nên xem xét ở các mặt sau: 

  • Chế độ chính trị thế nào? có ổn định hay không? khả năng diễn biến của nó.
  • Năng lực quản lý của đội ngũ lãnh đạo ra sao? Phẩm chất của đội ngũ này thế nào? tình trạng tham ô, hối lộ ra sao? Và hiệu quả của các biện pháp khắc phục.
  • Khả năng thích nghi của hệ thống điều hành chính sách đối với sự biến đổi của thời cuộc & các cam kết của chính phủ đối với các chính sách kinh tế ra sao?
  • Sự ủng hộ của nhân dân vào chế độ như thế nào? vào Đảng lãnh đạo ra sao?
  • Sự ủng hộ quốc tế đối với đảng, với chính phủ cầm quyền ra sao?
  • Tâm lý dân tộc, ý thức của nhân dân trong tiết kiệm và đầu tư thế nào?
  • Các "đối thủ" tham gia thị trường là ai? thủ đoạn, tâm lý của họ ra sao?
  • ….vv.

MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ

Môi trường pháp lý cũng là điều kiện rất cơ bản để TTCK hoạt động an toàn, hiệu quả. Xu hướng phát triển chung, truyền thống từ trước đến nay là cứ cho thị trường hoạt động và phát triển trước và từ đó đúc rút ra kinh nghiệm và xây dựng hệ thống pháp lý phù hợp sau ở các nước có thị trường chứng khoán truyền thống. Xu hướng thứ hai là thiết lập khung pháp lý cho thị trường chứng khoán trước. Việt nam ta đang theo xu thế sau, vì chúng ta đi sau nên có thể tận hưởng được kinh nghiệm của các nước đi trước và rút ngắn được bước đi. Môi trường pháp lý cũng là yếu tố rất quan trọng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 

Chúng ta nên xem xét môi trường pháp lý theo các góc độ như sau:

- Hệ thống hành lang pháp lý của thị trường chứng khoán được xây dựng như thế nào? có đủ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người đầu tư không?

- Các luật pháp khác liên quan có trùng chéo, mâu thuẫn không?

- Khả năng thực thi luật pháp thế nào?

- Những mặt khuyến khích, ưu đãi và hạn chế được quy định trong hệ thống pháp luật

- Sự ổn định của hệ thống luật pháp, khả năng sửa đổi và ảnh hưởng của chúng đến TTCK. 

MÔI TRƯỜNG TÀI CHÍNH

Thực ra chúng ta có thể phân tổ môi trưởng tài chính là một bộ phận của môi trường kinh tế nhưng do tầm quan trọng của nó đối với TTCK nên để nó thành một mục riêng. Hệ thống tài chính được coi là cơ sở hạ tầng, hệ thống huyết mạch của nền kinh tế. Nếu hệ thống này trục trặc sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp các nguồn năng lượng cho toàn bộ cơ thể kinh tế. Xem xét môi trường tài chính chúng ta nên chú trọng đến các mặt sau: 

- Nền tài chính quốc gia ra sao? Qua các chỉ tiêu đánh giá đã phân tích ở phần môi trường kinh tế như bội chi ngân sách, dự trữ ngoại tệ, xuất - nhập khẩu, cán cân thanh toán quốc tế, nợ quốc gia, nợ tư nhân và doanh nghiệp.

- Hoạt động của hệ thống ngân hàng ra sao? có hiệu quả không? Tình hình nợ khó đòi thế nào?

- Chính sách về thuế, phí đối với giao dịch, kinh doanh CK thế nào có khuyến khích đầu tư không? hoặc khuyến khích ở lĩnh vực nào, hạn chế ở lĩnh vực nào. Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành giao dịch.

- Các thị trường vốn khác, như thị trường Leasing, Morgage, bất động sản hoạt động ra sao. Kinh nghiệm Thái Lan cho thấy, do sự phát triển quá mức thành bong bóng của thị trường bất động sản nên đã gây đổ vớ cho nhiều ngân hàng và công ty tài chính và dẫn đến sự suy sụp của TTCK.

- Giá trị đồng nội tệ thế nào? chính sách đối với thị trường hối đoái ra sao?

- Các quỹ: Bảo hiểm, đầu tư, hưu trí hoạt động thế nào? đây là các nhà đầu tư tiềm năng mà mọi đối tượng đầu tư cần chú ý đến họ.

- Lãi suất ngân hàng, lãi suất trái phiếu chính phủ quy định như thế nào

- Cân đối tài chính chính phủ, ngân sách..

- Các chính sách tài chính quốc gia khác.

- Một số phân tích tình hình tài chính quốc gia khác mà nhà đầu tư có thêm thông tin. 

MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ

Hiện nay, kinh tế của bất cứ nước nào cũng không thể tách rời nền kinh tế thế giới. Xu hướng phân công lao động quốc tế, hợp tác quốc tế ngày càng phát triển. Bởi vậy, điều kiện phát triển nói chung của một quốc gia không thể thoát hẳn môi trường quốc tế. Chúng ta nên xem xét môi trường quốc tế trên các mặt sau: 

- Tình hình tài chính quốc tế, khu vực ra sao? Đang khủng hoảng? và khả năng ảnh hưởng đến quốc gia mình đang quan tâm.

- Quan hệ ngoại giao của chính phủ như thế nào? có được cộng đồng quốc tế ủng hộ không?

- Sự ủng hộ của các tổ chức tài chính lớn như IMF, WB, ADB… đối với chính phủ ra sao?

- Hợp tác kinh tế quốc tế thế nào? Quan hệ bạn hàng quốc tế trong xuất, nhập khẩu ra sao? có biến đổi gì lớn không?

- Những đối thủ cạnh tranh trên thương trường quốc tế và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, quốc gia mình quan tâm.

- Quan hệ nợ nần, giải quyết nợ, khả năng trả nợ của quốc gia, doanh nghiệp. Khả năng quản lý nợ nước ngoài của Chính phủ ra sao?

- Cán cân BoP, cán cân thương mại

- Tình hình tham gia của bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán nội địa và ngược lại.

- Định mức tín nhiệm của quốc gia trên thị trường quốc tế.

- Diễn biến của các thị trường chứng khoán trên thế giới, nhất là các thị trường lớn như New York, Tokyo, London, Hồng Kông, … 

CƠ SỞ HẠ TẦNG CỦA TTCK

Chúng ta xem xét cơ sở hạ tầng của TTCK trong quá trình đầu tư theo các góc độ sau:

- Khối lượng hàng hoá của thị trường. Các chính sách phát triển và khả năng phát triển của nó.

- Cơ sở vật chất của thị trường: Địa điểm, mức độ cơ giới hoá, cơ sở thông tin, phương pháp, quy trình giao dịch.

- Cơ sở nguồn nhân lực của TTCK: Nhân lực quản lý, nhân lực tư vấn, nhân lực môi giới các công ty chứng khoán.

- Hiểu biết và điều hành hệ thống tài chính, khả năng quản lý của chính phủ

- Các chi phí trong quá trình giao dịch.

- Khả năng thanh toán, thời gian thanh toán.

- Hệ thống kiểm toán.

- Đánh giá, định mức tín nhiệm.

ST



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98