GDP của Việt Nam theo cân bằng sức mua giảm đi 30%

24/12/2007 08:07
24-12-2007 08:07:53+07:00

GDP của Việt Nam theo cân bằng sức mua giảm đi 30%

Ngày 17/12/2007, Ngân hàng Thế giới đã công bố lại tính toán về tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên cơ sở cân bằng sức mua (PPP - Purchasing Power Parity) cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo đó, GDP của Việt Nam năm 2005 tính bằng PPP đã được điều chỉnh giảm 30% từ 255,6 tỷ USD xuống còn 178,1 tỷ USD. Tương ứng, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo PPP năm 2005 là 2.142 USD, chứ không phải là 3.076 USD như đã công bố trước đây.

Cân bằng sức mua là gì?

Trên thế giới, có ba cách để nhìn nhận về GDP của mỗi nền kinh tế. Cách thứ nhất là dùng đồng tiền trong nước. Cách này chỉ cho chúng ta biết quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người là bao nhiêu, và tính toán tốc độ tăng trưởng của năm sau so với năm trước. Nhưng các số liệu này không thể dùng để so sánh giữa với các nền kinh tế dùng các loại tiền khác nhau. Trong khi đó, mỗi người, mỗi quốc gia đều có nhu cầu phải biết “vị thế chúng ta đang ở đâu trên thế giới này”.

Cách thứ hai, để có thể so sánh với các nước, người ta quy đổi GDP và GDP bình quân đầu người sang đô-la Mỹ, dựa trên tỷ giá hối đoái thị trường. Cụ thể, tính theo tỷ giá hối đoái thị trường năm 2005, GDP của Việt Nam là 52,9 tỷ USD và GDP bình quân đầu người là 637 USD.

Tuy nhiên, ở mỗi nơi trên thế giới thì đồng đô-la Mỹ lại có sức mua khác nhau. Một lần đi cắt tóc ở Nhật hết ít nhất 10 đô la, nhưng cắt tóc ở Việt Nam thì chỉ hết nửa đô la. Ngược lại, trong khi một chiếc xe Toyota Camry ở Mỹ giá 20-25 ngàn USD, thì cũng chiếc xe đó ở Việt Nam lại có giá trên 60 ngàn USD.

Như thế để so sánh chính xác hơn sự khác nhau về mức sống thì lại phải cần đến cách thứ ba. Đó là quy đổi đồng đô-la sang sức mua tương đương (PPP), sử dụng một “rổ” hàng hóa và dịch vụ làm đại diện. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới tính toán thấy để mua được một rổ hàng hóa điển hình có giá 1 USD ở Việt Nam thì một người dân ở Mỹ phải bỏ ra 3,4 USD. 

Vì vậy, để so sánh trên cơ sở ngang bằng sức mua của đồng đô-la, GDP của Việt Nam phải được điều chỉnh tăng lên 3,4 lần. Kết quả là năm 2005, thu nhập bình quân đầu người của ta tính theo tỷ giá hối đoái là 637 USD, còn tính theo PPP là 2.142 USD.

Lý thuyết về PPP thì đơn giản, nhưng thực tiễn tính toán lại phức tạp hơn nhiều vì đòi hỏi không những việc xác định rổ hàng hóa điển hình cho mỗi nền kinh tế mà còn cả nỗ lực khảo sát giá cả một cách chi tiết.

Trong những năm qua, công tác ước lượng PPP cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, của Ngân hàng Thế giới chỉ được dựa trên những phỏng đoán tương đối.

Chỉ đến gần đây, Chương trình So sánh Quốc tế (ICP) của Ngân hàng Thế giới mới triển khai một cách toàn diện hoạt động thu thập số liệu giá cả tại 146 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dựa trên thông tin mới này với mốc thời gian là năm 2005, ước lượng PPP của rất nhiều quốc gia đã được tính lại với những mức điều chỉnh lớn, trong đó đáng kể nhất là việc GDP của Trung Quốc và Ấn Độ đều giảm đi gần 40%.

Ý nghĩa của việc tính lại PPP

Việc điều chỉnh giảm GDP và GDP bình quân đầu người của Việt Nam, Trung Quốc, và Ấn Độ có thể có ý nghĩa gì?

Việc điều chỉnh này chẳng làm cho chúng ta mất đi chút thu nhập nào. Nhưng việc điều chỉnh cho phép nhìn nhận so sánh chính xác hơn vị thế của chúng ta trên thế giới.

Thứ nhất, việc điều chỉnh của Ngân hàng Thế giới cho thấy mặt bằng giá cả của Việt Nam không phải là quá rẻ như ước tính trước đây. Có nghĩa là mức sống của người Việt Nam không cao như Ngân hàng Thế giới trước đây đã ước tính.

Thứ hai, điều không vui là khoảng cách của chúng ta với các nước giàu đã giãn xa hơn.

Mặt khác, do thước đo PPP được sử dụng phổ biến trên thế giới để so sánh và xếp hạng thu nhập bình quân đầu người, nên việc một quốc gia được xếp là nước nghèo càng lâu thì quốc gia đó càng có nhiều khả năng tiếp tục nhận được vốn vay ưu đãi từ các tổ chức phát triển, cũng như được “ưu tiên” hơn trong việc tiếp cận với thị trường thế giới.

VNN



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98