Chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong quản lý thị trường xăng, dầu

12/05/2008 08:54
12-05-2008 08:54:07+07:00

Chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong quản lý thị trường xăng, dầu

Ðể bình ổn thị trường xăng, dầu trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cùng với các giải pháp đồng bộ, kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các đầu mối nhập khẩu xăng, dầu huy động mọi nguồn lực tài chính bảo đảm nguồn xăng, dầu nhập khẩu, ổn định giá bán các loại xăng, dầu. Tuy nhiên, công tác quản lý thị trường xăng, dầu hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém, chính sách quản lý mặt hàng này vẫn chưa được thực hiện nghiêm, nhiều kẽ hở trong quá trình lưu thông bị lợi dụng, nhất là vào các thời điểm tăng giá, làm thất thoát tiền của Nhà nước và khó khăn cho doanh nghiệp đầu mối.

Kỳ I: Thực trạng hệ thống đại lý xăng, dầu

Từ đầu năm đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng ở mức cao, vượt ra ngoài dự đoán của những người hoạch định chính sách và cả doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu. Giá dầu thô tăng chóng mặt, đến đầu tháng 5 đã vượt ngưỡng 120 USD/thùng, kéo theo các sản phẩm hóa dầu nhập khẩu tăng cao chưa từng có. Ðể bình ổn thị trường xăng, dầu trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cùng với các giải pháp đồng bộ, kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các đầu mối nhập khẩu xăng, dầu huy động mọi nguồn lực tài chính bảo đảm nguồn xăng, dầu nhập khẩu, ổn định giá bán các loại xăng, dầu. Với những nỗ lực của Nhà nước và doanh nghiệp, thị trường xăng, dầu trong nước vẫn bình ổn, tạo điều kiện bảo đảm nhiên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, công tác quản lý thị trường xăng, dầu hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém, chính sách quản lý mặt hàng này vẫn chưa được thực hiện nghiêm, nhiều kẽ hở trong quá trình lưu thông bị lợi dụng, nhất là vào các thời điểm tăng giá, làm thất thoát tiền của Nhà nước và khó khăn cho doanh nghiệp đầu mối.

Cách đây vài năm, khu vực Quán Bánh, xã Nghi Kim, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) được người tiêu dùng đặt tên là "phố Cô-oét". Tại đây, xen kẽ giữa nhà dân là một dãy cửa hàng xăng, dầu tư nhân mọc san sát, gây nhức nhối cho người dân vì nguy cơ cháy nổ luôn rình rập. Sau một thời gian, với quyết tâm cao của chính quyền và các cơ quan chức năng cùng với việc đoạn đường tránh qua TP Vinh được đưa vào khai thác, "phố Cô-oét" đã cơ bản được giải tỏa.

Rồi như một quy luật tự nhiên "có cung ắt có cầu", phố Cô-oét lại được di chuyển ra khu vực giáp ranh nằm giữa xã Diễn An (Diễn Châu) và Nghi Yên (Nghi Lộc). Khảo sát hệ thống cây xăng ở đoạn đường này, khi đồng hồ đo chiều dài dừng lại ở con số 10,5 km, chúng tôi đếm được tổng cộng 16 điểm bán xăng, trong đó chỉ có hai cây của Công ty xăng, dầu Nghệ Tĩnh, còn lại là các đại lý treo các biển khác nhau.

Dừng lại ở một đại lý có quy mô kinh doanh nhỏ, cửa hàng chỉ có hai cột bơm, khi chúng tôi hỏi việc bán hàng có thuận lợi không, ông chủ cửa hàng yêu cầu giấu tên và số nhà, rồi sau đó lắc đầu kêu "ế ẩm lắm", cạnh tranh không nổi với cửa hàng Nhà nước vì cây xăng to, chất lượng dịch vụ tốt, cho nên họ hút hết khách. Các cây xăng nhỏ giờ chỉ bán cho xe máy mà dân quê cũng không có nhiều tiền, cho nên mỗi lần ghé đổ xăng, chỉ mua khoảng 10 - 20 nghìn đồng. Khác với cảnh cây xăng chen chúc ở đây, trước đó, có dịp đi công tác, xe chúng tôi chạy ngược lên đường Hồ Chí Minh mới mở, phần đi qua Nghệ An dài 135 km, đi cả chục cây số cũng không tìm được một chỗ đổ xăng.

Theo báo cáo của Sở Công thương Nghệ An, đến thời điểm hiện nay, mạng lưới bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn Nghệ An có 377 cửa hàng, trong đó Công ty xăng, dầu Nghệ Tĩnh thuộc Tổng công ty xăng, dầu Việt Nam (Petrolimex) là lực lượng chủ lực, có 49 cửa hàng bán trực tiếp và 110 đại lý. Với hệ thống bán hàng trực tiếp và thông qua đại lý, Công ty xăng, dầu Nghệ Tĩnh luôn là lực lượng chủ lực, đứng thứ tư toàn ngành, chiếm 70% thị phần, trong đó thị phần bán lẻ trực tiếp chiếm tới 55%. Hiện nay trên địa bàn Nghệ An còn có các đầu mối nhập khẩu là Petec, Công ty xăng dầu Quân đội, Công ty Chế biến, kinh doanh các sản phẩm dầu mỏ tham gia thị trường, nhưng hệ thống cửa hàng bán lẻ ít, chủ yếu thông qua đại lý, thị phần bán lẻ chiếm tỷ trọng nhỏ so với Petrolimex.

Với một mạng lưới phân phối rộng lớn, chủ yếu dựa vào các đại lý như vậy thì công tác quản lý đại lý và tổng đại lý là một vấn đề hết sức phức tạp, bởi hệ thống đại lý hiện nay kinh doanh nặng về mục tiêu lợi nhuận, không mấy quan tâm vấn đề ổn định thị trường và quyền lợi của khách hàng.

Khi được hỏi về tình hình quản lý Nhà nước về xăng, dầu ở những thời điểm nhạy cảm, những dịp "sốt" hàng và chuẩn bị tăng giá, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An Nguyễn Trí Dũng, cho biết: Hiện tượng dừng bán hàng của các đại lý tại các thời điểm "sốt" xăng, dầu trên địa bàn không xảy ra vì nếu ngừng bán, khách hàng phản ánh thì các cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm. Hơn nữa, với nhu cầu tiêu thụ ở đây, khách hàng không nhiều, cho nên áp lực khi "sốt" xăng, dầu cũng không cao như ở thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Riêng đối với các đợt tăng giá, hiện tượng gom hàng, hạn chế bán, chờ tăng giá là khá phổ biến. Hiện nay, các đại lý xăng, dầu đều có thông tin cho nhau, đặc biệt họ rất  chú trọng khai thác thông tin qua mạng để tính việc đầu cơ, găm hàng, coi đây là cơ hội làm ăn. Có thể nói, mức hoa hồng cho đại lý hiện nay là thấp, nếu muốn có lợi nhuận cao, phải tăng sản lượng bán ra, nhưng không phải đại lý nào cũng có điều kiện tăng sản lượng. Vì vậy, vào những đợt tăng giá, nếu nắm được thông tin sớm, trữ hàng nhiều, để thủ lợi.

Ðược lợi nhiều nhất trong các kỳ tăng giá là các tổng đại lý, các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng, dầu có vốn lớn. Ở những thời điểm này, họ theo dõi sát thông tin, vay vốn ngân hàng, đồng thời có sẵn phương tiện vận tải chạy thẳng ra các kho đầu mối nhập khẩu mua xăng, dầu đổ đầy kho, bể và các xe bồn, chờ đến khi quyết định điều chỉnh giá có hiệu lực là bán ra thu lãi. Theo phản ánh của dư luận, có trường hợp mua hàng sau thời điểm tăng giá, họ còn móc ngoặc với bên xuất hàng làm thủ tục hóa đơn lùi ngày giao hàng, nhất là các nguồn khai thác trôi nổi, để kiếm lời và cùng chia lợi nhuận.

Theo Giám đốc Chi nhánh Xăng, dầu Ninh Bình (Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh) Lưu Ðào Nguyên, cứ mỗi đợt tăng giá, công ty phải ứng xử hết sức khó khăn với các đại lý. Vì trước thời điểm này, nhiều tổng đại lý, đại lý mang các bịch tiền đến đòi mua hàng. Ở các thời điểm nhạy cảm này, các doanh nghiệp đầu mối chỉ còn cách ứng xử với đại lý là xuất hàng theo tiến độ và sản lượng đã đăng ký theo hợp đồng kinh tế, trên cơ sở tiến độ giao hàng đã cam kết.

Theo Giám đốc Công ty Xăng, dầu khu vực III Ðỗ Ðông Ngọc, việc duy trì giá dầu như hiện nay cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì nếu chúng ta bù lỗ giá xăng, dầu kéo dài để giữ giá như hiện nay thì ngân sách Nhà nước sẽ ngày càng khó khăn và việc quản lý sẽ ngày càng phức tạp.

Thí dụ: Hải Phòng có cảng biển, có đất để xây dựng cơ sở hậu cần kho tàng, bồn bể, phục vụ kinh doanh xăng, dầu. Theo quy định tại Nghị định 55/2007/NÐ-CP, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, các tổng đại lý, nếu hợp đồng lấy hàng bán ở khu vực vùng 2 (xa cảng đầu mối nhập khẩu) được bù cước vận tải, giá bán được cộng thêm 2%. Nhưng thực tế, khi lấy hàng xong, họ không đưa về tiêu thụ ở vùng 2 mà bán luôn trên đường đi hoặc bán luôn tại cảng, số tiền Nhà nước bù cước vận tải chạy vào túi đại lý. Một số phi vụ làm ăn bị phát hiện đã chứng minh hiện tượng này là khá phổ biến, nhưng việc kiểm tra, kiểm soát chưa chặt chẽ, nên ngăn chặn chưa hiệu quả.

Hơn nữa, theo các quy định hiện hành tại nhiều văn bản quản lý kinh doanh xăng, dầu, đại lý chỉ được ký hợp đồng đại lý với một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng, dầu nhưng hiện nay, hầu hết các đại lý chỉ ký hợp đồng với một doanh nghiệp để hợp thức hóa, sau đó lấy hàng của nhiều doanh nghiệp đầu mối khác, thu gom hàng trôi nổi bán hàng không xuất hóa đơn nhưng cũng chẳng có cơ quan quản lý nào quan tâm xử lý. Thí dụ như Công ty cổ phần thương mại Gia Trang ký hợp đồng với Công ty Xăng dầu khu vực III với sản lượng tiêu thụ 2.000 m3/tháng, nhưng chỉ lấy từ 700-800 m3, lượng hàng còn lại lấy ở bao nhiêu doanh nghiệp cũng không được làm rõ.

Mặt khác, giữa các doanh nghiệp đầu mối cũng có sự cạnh tranh ráo riết, tỷ lệ chiết khấu cho tổng đại lý, đại lý không thống nhất. Nhiều doanh nghiệp đầu mối tìm cách nâng tỷ lệ chiết khấu lên cao để thu hút khách hàng, trong khi đó doanh nghiệp chủ lực chiếm thị phần lớn nhất là Tổng công ty Xăng, dầu Việt Nam vẫn phải thực hiện nghiêm quy định tổng đại lý được chiết khấu 185 đồng/lít và đại lý là 170 đồng/lít cho nên khách hàng lớn của Công ty Xăng dầu khu vực III ngày càng mất dần, từ tháng 3 đến nay, sản lượng bán cho tổng đại lý, đại lý giảm đến 50%.

Ðể duy trì bình ổn hoạt động thị trường xăng, dầu hiện nay, các văn bản quản lý nhà nước, trong đó Nghị định 55 là văn bản quan trọng nhất đã xác lập những quy định chặt chẽ về quản lý vĩ mô nhưng trong thực tế việc triển khai thực hiện còn nhiều bất cập. Lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu là hết sức nhạy cảm, liên quan chặt chẽ an ninh năng lượng cũng như đầu vào cho sản xuất và đời sống nhân dân. Ðặc biệt trong bối cảnh giá nhập khẩu tăng cao, ngân sách Nhà nước vẫn đang bao cấp để ổn định giá, còn doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu "toát mồ hôi" lo ngoại tệ để duy trì nguồn hàng, nhưng ở các địa phương, việc tổ chức quản lý thị trường xăng, dầu còn lỏng lẻo, đội ngũ cán bộ quản lý còn nhiều yếu kém, thị trường xăng, dầu từng ngày diễn ra sôi động nhưng công tác quản lý chưa theo kịp. Việc kiểm soát thị trường, quản lý chất lượng xăng, dầu, chống gian lận thương mại, quản lý các đầu mối nhập khẩu và các tổng đại lý, đại lý còn nhiều sơ hở, dẫn tới nguồn lực huy động cho bình ổn thị trường xăng, dầu còn thất thoát, lãng phí, quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm hại.

(Còn nữa)

nhân dân





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98