"Hậu" sốt giá gạo: Dịch vụ ăn uống tăng giá mạnh

07/05/2008 15:38
07-05-2008 15:38:03+07:00

"Hậu" sốt giá gạo: Dịch vụ ăn uống tăng giá mạnh

Dù giá gạo đã qua cơn sốt, nhưng hàng loạt sản phẩm, dịch vụ ăn uống vẫn không hạ giá mà có xu hướng hình thành mặt bằng giá mới.

Hiện đã gần 10 ngày trôi qua kể từ cơn sốt giá gạo bùng phát ngày 27.4. Thế nhưng, dù nguồn hàng cung ứng trên thị trường phong phú, giá gạo đã giảm nhiều, nhưng tại hầu hết các điểm bán lẻ gạo, mức giá vẫn chưa trở về như cũ.

Đồng loạt tăng giá 15-20%

Tại TPHCM, ngay sau đợt bùng phát giá gạo ngày 27.4, lập tức các quán cơm, bún, phở, những món ăn liên quan đến nguyên liệu gạo đều điều chỉnh giá bán tăng thêm 1.000 - 5.000 đồng/phần. Việc điều chỉnh giá này diễn ra trên diện rộng, từ các hàng quán bình dân đến các quán ăn lớn, nhà hàng. Biểu giá trên thực đơn của các quán ăn lớn, nhà hàng tăng lên thêm từ 15-20%/món ăn.

Lý do được các điểm kinh doanh ăn uống đưa ra đều chỉ xoay quanh việc giá gạo và các mặt hàng lương thực - thực phẩm để chế biến leo thang. Thế nhưng, sau gần 10 ngày lên cơn sốt giá, hiện nay giá gạo đã giảm 8.000 - 10.000 đồng/kg. Ngày 5.5, ông Nguyễn Chí Trung - Phó ban quản lý chợ đầu mối nông sản Trần Chánh Chiếu - cho biết: "Lượng gạo về chợ đầu mối trong vài ngày gần đây giảm mạnh do sức mua của các tiểu thương giảm đáng kể.

Khoảng 10 ngày trước, lượng gạo về chợ trung bình trong khoảng 200 tấn/ngày, nhưng hiện giảm dần xuống 180 - 150 - 100 - 50 tấn/ngày". Giá nhiều loại gạo tiếp tục giảm, còn khoảng 13.000 - 15.000 đồng/kg đối với các loại đặc sản như thơm Đài Loan, Tài Nguyên chợ Đào, Thơm Thái, Hương Lài... Các loại gạo thường gần trở lại mức giá trước khi sốt, hiện từ 8.000 - 10.000 đồng. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình giá gạo trên thị trường sỉ và lẻ tại TPHCM vẫn chưa trở về bằng mức giá trước khi lên cơn sốt ảo, vẫn còn cao hơn khoảng 2.000 - 5.000 đồng/kg.

Riêng chỉ có các loại gạo bán tại hệ thống các siêu thị vẫn được đảm bảo ổn định giá. Tuy nhiên, phần lớn lọai gạo bán tại các siêu thị là loại gạo ngon - giá đứng ở mức cao nên một số người lao động, quán cơm bình dân ngại chọn mua. Thế nhưng, điều đáng nói hơn là dù giá gạo đã giảm và dần dần ổn định trở lại, nhưng giá nhiều sản phẩm, dịch vụ liên quan với gạo vẫn không có chiều hướng giảm trở lại.

Đang hình thành mặt bằng giá mới

Trong khoảng 1 tuần nay, lần lượt các điểm kinh doanh ăn uống từ những quán cơm bình dân đến các quán bún, phở đều tăng giá, dù từ dịp Tết nguyên đán đến nay đã điều chỉnh giá 1-2 lần tuỳ nơi. Tại các chợ, giá các loại nguyên liệu chế biến từ gạo như bún, bánh cuốn, bánh phở... hiện đều tăng thêm 1.000 đồng/kg. Các quán phở, bún cũng lên giá theo 1.000 - 3.000 đồng/phần, thậm chí có những quán khu vực trung tâm TP tăng lên 5.000 đồng/phần, nhất là các quán cơm.

Sinh viên Nguyễn Ngọc Hiền -Trường ĐH KHXH & NV TPHCM - tâm sự: "Trong mấy ngày nay, đồng loạt các quán cơm bình dân, cơm sinh viên đều đã tăng giá bán thêm, ít nhất là 1.000 đồng/phần, nâng giá cơm bình dân lên dao động từ 9.000 - 13.000 đồng/phần, có nơi lên đến 15.000 đồng/phần. Một số quán còn tăng giá cả phần cơm gọi thêm hoặc tuy không tăng giá phần cơm thêm, nhưng lượng cơm bị bớt lại hơn trước đây". Có thể thấy, mức tăng của dịch vụ ăn uống hiện nay cao hơn so với mức tăng 2.000 - 3.000 đồng của giá gạo.

Thậm chí, một số mặt hàng không liên quan đến gạo cũng tăng giá theo như bánh mì thịt bình dân tại TPHCM hiện nay cũng được nâng giá lên 7.000 - 8.000 đồng/ổ. Nhận định về tình trạng mặt bằng giá mới có dấu hiệu hình thành, ông Đinh Sơn Hùng - Phó Viện trưởng Viện kinh tế - cho rằng: "Biến động giá gạo vừa qua đã tác động mạnh đến đời sống người dân và khiến các sản phẩm liên quan cũng như giá ở các hàng quán nhanh chóng tăng vọt, nhưng không có cách gì kéo xuống được.

Trong thời gian ngắn, khung giá này khó trở về bằng với mức cũ". Việc hình thành mặt bằng giá mới này sẽ khiến đời sống người dân, nhất là CB - CNV, người lao động, sinh viên... thêm chật vật, bởi không có giải pháp nào khác hơn là cố gắng chịu và tiết kiệm chi phí. Điều này lại tác động dây chuyền đến các ngành hàng khác, ảnh hưởng đến tình trạng lạm phát.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: "Chúng ta vẫn dư gạo để XK với số lượng lớn"

Ngày 6.5, bên hành lang kỳ họp thứ III, QH khoá XII, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về những biến động của tình hình giá gạo tăng trong thời gian qua:

- Giá gạo tăng trong thời gian qua là do tác động của thị trường giá gạo thế giới, tác động tâm lý người tiêu dùng lo lắng sẽ thiếu lương thực và đó là nguyên nhân của yếu tố đầu cơ, tạo cơn sốt giá gạo trong thời gian qua. Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để kéo giá gạo xuống thấp và các giải pháp này đã có tác dụng. Tuy nhiên, giá gạo hiện nay ở nhiều nơi vẫn còn cao hơn trước khi có cơn sốt từ 1-3 ngàn đồng/kg, tuỳ theo chất lượng gạo.

Trước những diễn biến này, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi những tác động của nó để có những biện pháp kiểm soát không để tái phát sốt, điều hoà lượng cung gạo tại các khu vực, đồng thời sẽ theo dõi thêm tình hình thế giới...

Với cương vị là người đứng đầu ngành nông nghiệp, tôi xin khẳng định là chúng ta có đủ gạo để cung cấp thoải mái cho tiêu dùng của người dân và vẫn có dư để xuất khẩu với số lượng lớn.



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98