Cần tư vấn chuyên nghiệp cho thị trường M&A

02/07/2008 15:30
02-07-2008 15:30:29+07:00

Cần tư vấn chuyên nghiệp cho thị trường M&A

Đầu tháng 7 này, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ phối hợp với Công ty Chứng khoán An Bình tổ chức cuộc toạ đàm về hình thức đầu tư M&A (mua bán và sáp nhập) tại Việt Nam. Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, để M&A phát triển mạnh, Việt Nam cần có các nhà tư vấn chuyên sâu làm trung gian cho các giao dịch M&A.

Ông đánh giá như thế nào về viễn cảnh thị trường M&A doanh nghiệp tại Việt Nam thời gian tới?

Trong kế hoạch phát triển 500.000 doanh nghiệp tới năm 2010, có một số nhận định cho rằng, có tới 35-50% số doanh nghiệp của Việt Nam trong vòng 6-10 năm tới có thể sáp nhập với các đối tác khác. Nguyên nhân là do sự cạnh tranh trên thị trường, do xuất hiện các cơ hội kinh doanh mới, nhu cầu mở rộng kinh doanh hoặc cần thiết phải thay đổi hướng đầu tư mới hay chỉ đơn giản là do đề nghị hấp dẫn từ phía người mua và rất nhiều lý do khác…

Chính vì thế, trong những năm tới, hoạt động M&A sẽ phát triển mạnh mẽ và tác động sâu sắc tới cách thức kinh doanh, góp phần quan trọng trong việc tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam.

Trên thực tế, hành lang pháp lý cho loại hình đầu tư M&A tại Việt Nam  đang có nhiều cản trở, ngay cả cách hiểu về M&A cũng chưa thống nhất. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Do hình thức đầu tư này mới được thừa nhận trong Luật Đầu tư 2005 nên nhận thức về M&A chưa được thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Để khắc phục, các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ trong việc soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2005 trong từng lĩnh vực. Trước hết, cần có một Nghị định của Chính phủ hướng dẫn đầu tư theo hình thức mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài để chi tiết hoá và kết nối các quy định của luật trên , tạo thuận lợi hơn cho việc thực hiện các giao dịch M&A có yếu tố nước ngoài.

Ông đánh giá như thế nào về các đối tác nước ngoài khi tham gia vào đầu tư M&A tại Việt Nam?

Đa số các các vụ M&A lớn ở Việt Nam vừa qua đều có yếu tố nước ngoài. Doanh nghiệp nước ngoài tạo ra nguồn hàng hoá tốt cho cả cung và cầu M&A. Với tiềm lực tài chính mạnh, họ là khách hàng của các thương vụ M&A có giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD và cao hơn nữa. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều bỡ ngỡ nên không nắm được thế chủ động trong hoạt động này.

M&A cũng là một hình thức đầu tư nước ngoài có hiệu quả và phổ biến giúp doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường dịch vụ được bảo hộ theo lộ trình cam kết thì M&A là con đường ngắn nhất để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận mạng lưới bán lẻ của Việt Nam.

Hiện nay, thị trường M&A tại Việt Nam chưa chuyên nghiệp, theo ông cần phải có những điều kiện thiết yếu nào cho thị trường này phát triển mạnh hơn?

Thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp của Việt Nam mới hình thành và còn trong giai đoạn sơ khai. Để phát triển thị trường này, ngoài việc xây dựng một hành lang pháp lý minh bạch rõ ràng, cần chuẩn bị tốt về tâm lý, kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ điều hành doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam chưa được chuẩn bị tốt về tâm lý, kỹ năng đàm phán, thủ tục tiến hành giao dịch để sẵn sàng thực hiện các giao dịch mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, nhất là khi giao dịch với các đối tác nước ngoài. Do đó, điều mà Việt Nam còn rất thiếu là đội ngũ các nhà tư vấn, môi giới chuyên sâu, đóng vai trò trung gian trong các giao dịch M&A.

đtck



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98