Ngành GTVT: Ưu tiên tối đa cho nhiệm vụ kích cầu đầu tư

30/12/2008 17:48
30-12-2008 17:48:07+07:00

Ngành GTVT: Ưu tiên tối đa cho nhiệm vụ kích cầu đầu tư

Ngành Giao thông vận tải vừa kết thúc một năm có nhiều sự kiện đáng nhớ. Tổng kết công tác của ngành cơ sở hạ tầng then chốt này cho thấy những kết quả thăng trầm khác nhau, phản ánh rõ nét tác động từ những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới và trong nước cũng như kết quả thực hiện những nhóm giải pháp đồng bộ và quyết liệt của Chính phủ.

Đột phá trong giải ngân vốn XDCB

Sự thăng - trầm trong hoạt động của ngành giao thông trong năm qua thể hiện rõ nét nhất trong công tác giải ngân vốn XDCB. Sáu tháng đầu năm, do gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giá vật liệu quá cao nên toàn ngành chỉ giải ngân được hơn 2.405 tỷ đồng, bằng 27,5% kế hoạch nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng chỉ thực hiện được hơn 2.417 tỷ đồng, đạt 30,2% kế hoạch, giải ngân 2.237 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch.

Tuy nhiên, nửa cuối năm đã có bước đột phá mạnh mẽ. Kết quả cả năm 2008, vốn nước ngoài thực hiện 3.247 tỷ, đạt 93,6% kế hoạch, giải ngân 3.851 tỷ, đạt 111% kế hoạch; vốn ứng trước kế hoạch năm 2008 thực hiện 3.125 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch, giải ngân 3.022 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; Vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện 8.600 tỷ, đạt 107,5% kế hoạch, giải ngân 8.300 tỷ, đạt 104% kế hoạch; Nguồn vốn ngoài ngân sách (các dự án BOT và dự án Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương) khối lượng thực hiện 4.345 tỷ, giải ngân đạt 4.218 tỷ.

Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng nêu rõ, khoảng thời gian từ tháng 8/2008 đến cuối năm với những giải pháp đồng bộ và kịp thời của Chính phủ như tháo gỡ vướng mắc trong việc xử lý bù trừ biến động giá, cải cách một số thủ tục đầu tư, đấu thầu,… nhiều công trình giao thông trên địa bàn cả nước đã bắt đầu sôi động trở lại và đẩy nhanh tiến độ thi công, nhiều dự án mới được triển khai.

Tương tự, trong lĩnh vực vận tải, cả năm 2008 vận tải được 1,9 tỷ lượt khách, 604 triệu tấn hàng, tăng lần lượt 8,1 và 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Hàng thông qua cảng biển ước đạt 193,8 triệu tấn, tăng 16,3%. Tuy nhiên, vận tải chính là lĩnh vực được đánh giá chịu nhiều tác động hơn cả từ những khó khăn chung của nền kinh tế: do ảnh hưởng của giá nguyên nhiên liệu, nhu cầu, luồng hàng biến động,… và được dự báo tiếp tục năm 2009 với nhiều khó khăn trước mắt.

Công nghiệp giao thông tiếp tục tăng trưởng với giá trị sản xuất đạt 32.807,8 tỷ đồng, tăng 45,6%, doanh thu đạt 26.930 tỷ, tăng 53,9%. Tuy nhiên, mức tăng này không đồng đều ở từng lĩnh vực. Điển hình như trong khi công nghiệp tàu thủy giữ vững và phát triển về thị trường thì công nghiệp ôtô gặp nhiều khó khăn do sức ép gia nhập WTO, mức cầu tiêu dùng chỉ tăng trưởng 3,5 – 3,7% so với năm trước

2008 là năm triển khai toàn diện Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ với những kết quả đáng khích lệ. Con số thống kê 11 tháng đầu năm 2008, số người chết do tai nạn giao thông đã giảm 1.512 người so cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông tháng sau liên tục giảm so với tháng trước, các trường hợp bị chấn thương sọ não giảm 30-40%.

Một loạt các sự kiện đáng nhớ khác của ngành giao thông cũng được ghi nhận trong năm 2008 như thói quen đội MBH của người điều khiển mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông , bước đầu xã hội hóa vận tải đường sắt với nhiều đoàn tàu “xã hội hóa” được lăn bánh trên tuyến đường sắt quốc gia. Đặc biệt, lĩnh vực hàng không lần đầu tiên có cảng xây dựng bằng vốn doanh nghiệp cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cũng như lần đầu tiên Công ty hàng không cổ phần của tư nhân Indochina Airlines đã bắt đầu khai thác đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Đảm bảo tăng trưởng cao về vận tải, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

Hội nghị xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của kế hoạch năm 2009 là vượt khó khăn trước mắt, đảm bảo tăng trưởng cao trên các lĩnh vực vận tải, công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tiếp tục giảm thiểu tai nạn, chống ùn tắc tại các đô thị lớn. “Đặc biệt trong đó, thực hiện chủ trương kích cầu của Chính phủ, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, ngành giao thông sẽ ưu tiên tối đa cho nhiệm vụ kích cầu đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp và vận tải”, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nêu rõ.

Trao đổi với báo giới bên lề hội nghị, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tin tưởng công tác giải ngân sẽ  được đẩy mạnh và bày tỏ lạc quan với những kết quả từ những nhóm giải pháp điều hành vĩ mô mà Chính phủ thực hiện vào thời điểm hiện nay: lạm phát, giá VLXD đã “hạ nhiệt”, công tác xử lý, bù trừ chênh lệch giá được khai thông về cơ bản, lãi suất ngân hàng đã giảm và trở về đúng “quỹ đạo” ban đầu, các ngân hàng cũng nới lỏng hơn quy định cho vay.

Để có thể kích cầu đầu tư và lưu thông nguồn vốn XDCB, nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, một điểm hết sức quan trọng là phải khắc phục được những vướng mắc, hạn chế lâu nay tồn tại trong lĩnh vực XDCB giao thông. Điển hình nhất là công tác GPMB quá chậm và gây ách tắc ở hầu hết các dự án. Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ những cơ chế, thủ tục đầu tư XDCB giúp các nhà thầu tận dụng thời điểm giá VLXD giảm để đẩy nhanh tiến độ thi công và bàn giao đúng hạn các dự án.

Ngoài ra, một số kiến nghị những giải pháp bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp, các dự án hoàn thành trong năm 2009 để đưa vào sử dụng, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư và khẩn trương khởi công các dự án đã có đủ điều kiện.

Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2009 của ngành GTVT:

- Vận tải: hàng hóa tăng 9-10%, hành khách tăng 8-9%

- Công nghiệp GTVT tăng 29% về giá trị, 34,5% về doanh thu. 

- XDCB: thực hiện 4.865 tỷ cho dự án ODA, giải ngân 10.000 tỷ vốn TPCP, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình vốn ngoài ngân sách dở dang, sớm hoàn chỉnh thủ tục để khởi công các công trình đã xác định nguồn vốn.

- Tiếp tục kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt giảm số người chết, các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

Nguyên Linh

chính phủ



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98