DA tái chế nhựa lớn nhất nước đang tắc: “Vấp”... tại nguồn

11/09/2009 06:53
11-09-2009 06:53:20+07:00

DA tái chế nhựa lớn nhất nước đang tắc: “Vấp”... tại nguồn

DĐDN đã đề cấp vấn nạn rác thải đang hoành hành trong khi DN lại chưa vào cuộc, mặc dù đây là ngành kinh doanh có lợi nhuận tương đối khá. Đặc biệt, từ năm 2003 Bộ Công nghiệp đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành nhựa đến năm 2010. Trong đó có chương trình đầu tư trọng điểm “Phát triển công nghiệp xử lý phế liệu, phế thải ngành nhựa…”, là xây dựng 2 nhà máy xử lý phế liệu nhựa tổng công suất 100.000 tấn/năm. Tuy nhiên đã gần hết năm 2009 mà vẫn chưa thấy nhà máy xử lý phế liệu nhựa nào hoạt động. DĐDN đã trao đổi với ông Đào Duy Kha - Phó TGĐ Cty CP nhựa VN (Vinaplast), DN được giao thực hiện xây dựng hai nhà máy nêu trên để tìm hiểu nguyên nhân.

Ông Đào Duy Kha cho biết: Đến nay Cty mới đang nghiên cứu triển khai DA xây dựng một nhà máy sản xuất 50.000 tấn sản phẩm hạt nhựa từ “phế liệu nhựa” tại phía Nam nhưng đang tắc do vướng quá nhiều khó khăn. Còn nhà máy ở phía Bắc thì chưa biết bao giờ mới thực hiện được.

Ông Kha cho biết: “Tại nhà máy phía Nam chúng tôi đã lập DA dùng phế liệu nhựa sản xuất ra hạt nhựa theo tiêu chuẩn Châu Âu, tất cả đều đạt chuẩn. Ví dụ công nghệ tự động hóa sử dụng phế liệu nhựa đã được chuẩn hóa như: Phải đạt hàm lượng nhựa khoảng 95%, lượng tạp chất phải nhỏ hơn 5%, đặc biệt không có phế liệu nhựa độc hại. Nước  và khí thải của nhà máy cũng đạt chuẩn không gây hại  môi trường... Và thành phẩm là hạt nhựa với tiêu chuẩn cơ lý tính, thành phần và ứng dụng cụ thể, đạt tiêu chuẩn nguyên liêu nhựa tái chế phục vụ công, nông nghiệp..".

- Vậy DA đang vướng những khó khăn gì, thưa ông ?

Công nghệ thì đã khảo sát, vốn cũng dự kiến sẽ liên doanh với một Cty Canada với kinh nghiệm trên 15 năm hoạt động chuyên ngành xử lý phế liệu nhựa tại Canada và Hoa Kỳ. Nếu mua phế liệu nhựa theo giá thị trường hiện nay thì nhà máy chắc chắn có lãi. Cái vướng chủ yếu nhất là không đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, bởi đã sản xuất chuẩn Châu Âu thì nhà máy phải có nguyên liệu đã phân loại như đã nêu, mà ở VN thì chưa có hệ thống thu gom có quy mô và chất lượng phế liệu nhựa đạt tiệu chuẩn. Theo khảo sát của chúng tôi thì hiện nay nguồn nhựa phế liệu đã phân loại của các vựa ve chai đạt chuẩn lại không đủ số lượng để nhà máy hoạt động. Còn dùng nguyên liệu là phế liệu NK theo quy định hiện hành thì cũng không khả thi.

Chúng tôi cũng đã được khuyên nên chọn công suất nhà máy thấp hơn cho phù hợp với năng lực cung ứng nguyên liệu, nhưng công nghệ của nhà máy là công nghệ chuẩn nên công suất 50.000 tấn sản phẩm/năm là nhỏ nhất rồi. Cũng có người khuyên chúng tôi tăng giá thu mua phế liệu nhựa để kích thích thu gom phế liệu, nhưng nếu vậy thì chúng tôi không có lãi.

- Cty ông đã có những phương án “gỡ khó” nào đề xuất cho cơ quan chức năng chưa ?

Theo tôi, cách cơ bản nhất là thực hiện phân loại rác tại nguồn. Chúng tôi cam kết bảo đảm mua hết tất cả phế liệu nhựa thu gom đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên Chương trình phân loại rác tại nguồn e rằng khó thực hiện nhanh chóng, bởi thay đổi tập quán chắc chắn đòi hỏi thời gian, việc triển khai tích cực của các ngành chức năng và sự đồng thuận của toàn xã hội.

Chúng tôi đang đề nghị cho phép dùng phế liệu nhựa NK, nhưng như vậy sẽ không góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường VN. Tuy nhiên, do thực tế không đủ nguyên liệu như đã nêu trên, mà VN thì đang rất cần những nhà máy xử lý phế liệu nhựa nên nếu nhà máy đủ điều kiện để hình thành thì chúng tôi sẽ tích cực thu mua hết lượng phế liệu nhựa đạt chuẩn trong nước và giảm dần lượng phế liệu nhựa NK tương ứng theo lộ trình. Như vậy sẽ duy trì được hoạt động cho nhà máy cho đến khi đủ nguyên liệu phế liệu nhựa đạt chuẩn trong nước. Việc hình thành nhà máy xử lý phế liệu nhựa với quy mô và trình độ công nghệ tiên tiến theo chúng tôi sẽ góp phần thúc đẩy viêc cải tiến hệ thống thu gom phế liệu nhựa trong nước vế chất lượng cũng như số lượng.

Mặt khác, nếu NK phế liệu nhựa về sản xuất thì cũng vẫn vướng. Cụ thể theo quy định hiện nay (Quyết định 12/QĐ- BTNMT) về NK phế liệu nhựa thì chỉ được NK 2 loại phế liệu nhựa gồm: Phế liệu nhựa từ chai nước khoáng, nước tinh khiết. Tuy vậy, hiện nay trên thế giới chưa hề có nước nào phân loại riêng loại phế liệu này để bán, nên chúng tôi không thể NK. Loại phế liệu nhựa nữa được NK là các loại phế liệu nhựa PE, PET, PS, PC, PP đã được cắt mỗi cạnh nhỏ hơn 5cm. Nhưng với người làm nghề như chúng tôi thì đây không còn là phế liệu mà đã là nhựa nguyên liệu, nhà máy không cần phải xử lý gì thêm và đương nhiên giá bán loại nhựa này cũng gần bằng giá hạt nhựa dùng sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh.

- Ông nhận xét gì về hiện trạng tái chế nhựa hiện nay ?

Thực tế trong nước đã có một số nhà máy, cơ sở tái chế nhựa nhưng rất nhỏ lẻ, khả năng sản xuất ra khoảng từ vài chục đến vài ngàn tấn hạt nhựa/năm bằng nguyên liệu nhựa thu gom của các vựa ve chai.

Nhưng chuyện nhỏ lẻ của các nhà máy này không quan trọng gì so với công nghệ thô sơ lạc hậu, nguyên liệu, sản phẩm và nước thải không theo một chuẩn nào gây ra những tác hại không thể chấp nhận như: Gây hại sức khỏe cho chính công nhân của nhà máy đó do phải làm thủ công, nước thải và khói gây ô nhiễm môi trường.

Cuối cùng là hạt nhựa tái chế có chất lượng không cao, không được chuẩn hoá, không biết thành phần, hàm lượng tạp chất, có lẫn những chất độc hại gì, việc sử dụng sản xuất có thể cho ra những đồ dùng nhựa gây hại sức khỏe người tiêu dùng.

- Xin cảm ơn ông !

Thiết nghĩ, việc xây dựng một nhà máy xử lý phế liệu nhựa đạt chuẩn, có công nghệ tiên tiến góp phần thúc đẩy việc cải tiến hệ thống thu gom phế liệu nhựa hiện hữu, là cơ sở ban đầu trong quá trình hình thành ngành công nghiệp xử lý phế liệu nhựa tại VN. Ngoài ra, còn góp phần tự chủ nguyên liệu cho ngành nhựa VN mà hiện nay phải nhập khẩu trên 90%. Hơn nữa, việc sử dụng nguyên liệu nhựa tái chế cũng là giải pháp để hạ giá thành sản phẩm giúp tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nhựa VN.

Khắc Dũng thực hiện

Diễn đàn Doanh nghiệp



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98