Meco 623 lấy đất công “gán” nợ

15/09/2009 07:05
15-09-2009 07:05:47+07:00

VỤ “Cổ phần hóa: Ôm đất xài ngông!”

Meco 623 lấy đất công “gán” nợ

Đất công không mất đi mà chỉ chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác quản lý. Còn doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê thì hưởng lợi từ việc sang tay... Phương thức này đang được các lãnh đạo Meco 623 áp dụng

Sau loạt bài “Cổ phần hóa: Ôm đất xài ngông!” trên Báo NLĐ vào cuối tháng 7-2009, mới đây, Công ty CP Cơ khí Xây dựng Công trình giao thông 623 (gọi tắt Meco 623) cũng đã bị cơ quan chức năng làm rõ hành vi san lấp đất trái phép, âm thầm đem đất công đi “gán” nợ.

“Định luật bảo toàn... đất công”

“Đất công không mất đi mà chỉ chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác quản lý. Còn doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê thì hưởng lợi từ việc sang tay...”. Phương thức này đang được các lãnh đạo Meco 623 áp dụng. Năm 1989, UBND TPHCM cấp phép cho Nhà máy Cơ khí giao thông 623 (tiền thân Meco 623) sử dụng khu đất 12.385 m2 ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức- TPHCM trong 5 năm để làm bến bãi trung chuyển vật tư.

Sau khi hết hạn sử dụng, nhà máy tiếp tục quản lý, sử dụng khu đất và đổi tên thành Công ty Cơ khí Xây dựng Công trình giao thông 623. Đến năm 2004, công ty này cổ phần hóa thành Meco 623 và vẫn được kế thừa quyền thuê khu đất công này. Theo hợp đồng thuê đất ngày 29-9-2005, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM đã điều chỉnh diện tích, chỉ cho Meco 623 thuê 11.561 m2 đất (loại trừ phần kênh rạch làm bến bãi) để làm xưởng cơ khí, nhà kho, bãi chứa vật liệu với giá 2.300 đồng/m2/năm. Qua xác minh, Meco 623 chỉ ký một hợp đồng thuê đất năm 2005. Các năm sau, từ 2006 đến 2009, Meco 623 không tiếp tục ký hợp đồng nhưng vẫn nộp tiền thuê đất vào Kho bạc Nhà nước quận Thủ Đức(?).

Âm thầm chuyển nhượng

Meco 623 đã âm thầm chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất công này cho Công ty CP Phúc Long trước đây gần 2 năm. Theo đó, thời điểm 2006-2007, Meco 623 làm ăn thua lỗ, riêng nợ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN - Chi nhánh Gia Định đã trên 106 tỉ đồng. Do không có khả năng thanh toán, ngân hàng đã chào bán khoản nợ này. Đến ngày 29-1-2008, Công ty CP Phúc Long đứng ra mua toàn bộ khoản nợ của Meco 623 tại ngân hàng. Như vậy, Công ty CP Phúc Long trở thành chủ nợ của Meco 623. Công ty CP Phúc Long còn ký quỹ 29 tỉ đồng bảo lãnh cho Meco 623 thi công cầu Thuận Phước, hỗ trợ Meco 623 mua một khu đất mới tương đương 15 tỉ đồng, cho Meco 623 vay 5 tỉ đồng không tính lãi để di dời nhà xưởng. Đổi lại, đến tháng 4-2008, Meco 623 ký với Công ty CP Phúc Long “Biên bản thỏa thuận”, thực chất là hợp đồng chuyển nhượng với một số nội dung chính như: Meco 623 phải di chuyển toàn bộ tài sản ra khỏi khu đất mà Meco 623 thuê của Nhà nước. Đồng thời, Meco 623 liên hệ Sở TN-MT thanh lý hợp đồng thuê đất để tạo điều kiện cho UBND TPHCM giao toàn bộ khu đất này cho Công ty CP Phúc Long. Bù lại, Công ty CP Phúc Long xóa toàn bộ các khoản nợ cho Meco 623 bao gồm cả vốn và lãi. Phi vụ này, thực chất, có thể xem là vụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất Nhà nước trái phép.

Cố tình làm sai

Chính sự nhập nhằng này đã dẫn đến những sai phạm khác. Cụ thể, ngày 7-11-2008, trên khu đất ký chuyển nhượng cho Công ty CP Phúc Long, Meco 623 đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Xây dựng Giao thông Bình An để cải tạo, nâng cấp mặt bằng kho bãi và cũng có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng. Tuy vậy, khi chưa được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, các đơn vị này vẫn cho thi công.

Mãi đến ngày 15-12-2008, sau khi Thanh tra Xây dựng quận Thủ Đức lập biên bản hiện trạng việc thi công không phép, Meco 623 mới có văn bản gửi Sở GTVT TPHCM về việc đóng cọc bờ kè ven kênh, thậm chí cũng không thông báo cho cơ quan quản lý khu đất công này là Sở TN- MT TPHCM. Theo biên bản, Meco 623 đã xây dựng bờ kè vi phạm chỉ giới đường đỏ; sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả, bỏ trống, san lấp mặt bằng trái phép (khoảng 5.000 m2). Từ đó, UBND quận Thủ Đức đã ra quyết định xử phạt hành chính 6,4 triệu đồng và buộc Meco 623 khôi phục hiện trạng đất ban đầu, đồng thời đề xuất UBND TP thu hồi khu đất này.

Điều đáng nói là Meco 623 luôn khẳng định việc đóng cọc gia cố bờ kênh rạch và cải tạo nâng cấp mặt bằng là do Meco 623 thực hiện. Thế nhưng, khi các cơ quan chức năng làm việc với một số đơn vị khác thì mới “lòi” ra Meco 623 chỉ là “người làm thuê” cho Công ty CP Phúc Long.

Theo những thông tin mà chúng tôi có được, các hợp đồng kinh tế cũng như hồ sơ thanh quyết toán với các đơn vị thi công tại khu đất trên đều do Công ty CP Phúc Long thực hiện. Tổng mức đầu tư tại khu đất này trên 9 tỉ đồng và đang thực hiện dở dang (do UBND quận Thủ Đức đình chỉ thi công).

Sở Quy hoạch - Kiến trúc “bật đèn xanh”?

Một vấn đề hiện không khỏi làm dư luận thắc mắc: Theo quy hoạch định hướng phát triển không gian đến năm 2020, tỉ lệ 1/10.000 được Kiến trúc sư trưởng TPHCM phê duyệt kèm theo Quyết định số 5287 của UBND TPHCM, khu đất này nằm trong quy hoạch đất công viên cây xanh. Theo bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu dân cư ấp Trường Thọ, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức được duyệt, khu đất trên cũng thuộc quy hoạch đất công viên cây xanh và đến nay, vẫn chưa có văn bản quy hoạch nào điều chỉnh. Tuy vậy, tại Công văn số 2646 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc ký ngày 16-7-2007, khu đất này lại thuộc “khu công nghiệp hiện hữu”(!?). Vì sao Sở Quy hoạch – Kiến trúc ban hành công văn hướng dẫn tréo ngoe như trên, do vô tình hay cố ý “bật đèn xanh” nhằm mục đích tạo điều kiện hợp pháp hóa việc sử dụng 11.561 m2 đất cho Công ty CP Phúc Long sau khi được Meco 623 chuyển nhượng đất trái phép?

* Cổ phần hóa: Ôm đất xài ngông!

* Chuyển vụ việc sang công an để điều tra

Nguyễn Trần

Người lao động



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98