Hợp nhất & Sáp nhập ngân hàng: Những kinh nghiệm phải học hỏi từ Mỹ

25/12/2011 07:21
25-12-2011 07:21:00+07:00

Hợp nhất & Sáp nhập ngân hàng: Những kinh nghiệm phải học hỏi từ Mỹ

(Vietstock) – Xu hướng hợp nhất, sáp nhập ngân hàng ở Mỹ - có thể tạo hệ quả tốt lẫn xấu - trong từng giai đoạn riêng biệt là những bài học kinh điển để các nước học hỏi.

Làn sóng sáp nhập ngân hàng tại Việt Nam đã có bước chuyển động đầu tiên với thương vụ hợp nhất 3 ngân hàng có trụ sở chính tại TPHCM là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Đệ Nhất (Ficombank).

Hoạt động sáp nhập, hợp nhất tuy còn khá mới mẻ trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam nhưng đã trải qua một giai đoạn tương đối lâu ở các nền kinh tế phát triển.

Trong phạm vi nghiên cứu này, chúng tôi sẽ thảo luận về bối cảnh lịch sử của hệ thống ngân hàng Mỹ và làn sóng sáp nhập xảy ra trong lĩnh vực này trong vài thập niên qua.

Làn sóng sáp nhập vẫn thường được xem là giải pháp tất yếu trong điều kiện quá tải ngân hàng (overbanking). Tuy vậy, nó vẫn có những giai đoạn riêng biệt tương ứng với một tập hợp các điều kiện vĩ mô, thị trường, quy định và chiến lược phát triển của các ngân hàng.

Xu hướng hợp nhất, sáp nhập ngân hàng ở Mỹ - có thể tạo hệ quả tốt lẫn xấu - trong từng giai đoạn riêng biệt là những bài học kinh điển để các nước học hỏi.

Giai đoạn khủng hoảng những năm 1980

Làn sóng sáp nhập ngân hàng trong giai đoạn này được kích hoạt bởi sự kết hợp của hai yếu tố.

Yếu tố đầu tiên là quy định nghiêm cấm mở rộng chi nhánh ngân hàng ngoài tiểu bang và thậm chí ngoài quận, hạt đang hoạt động.

Điều này đã khiến cho những ngân hàng hoạt động tốt không thể nắm bắt được những cơ hội ngoài khu vực thị trường mà họ đang hoạt động. Các ngân hàng này chỉ có thể mở rộng kinh doanh ra ngoài một phần đối với hoạt động phi ngân hàng. 

Yếu tố thứ hai là thời giai lâm nạn rất dài của hệ thống ngân hàng trong khoảng 10 năm bắt đầu từ năm 1981. Ngành công nghiệp tiết kiệm sụp đổ, và nhiều ngân hàng gặp khó khăn do những vấn đề tín dụng từ những khoản cho vay các nước Mỹ Latin, các khu vực giàu dầu mỏ trong nước, đến những khoản cho vay bất động sản thương mại và sáp nhập tập đoàn.

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này đã gây áp lực buộc Chính phủ Mỹ phải đồng ý với các điều kiện giải cứu ít tốn kém nhất. Từ đó, các tổ chức thất bại hoặc có vấn đề thường bị thâu tóm bởi những NHTM có định hướng mở rộng.

Đáng chú ý là NationsBank (NCNB) đã tăng trưởng thông qua những hoạt động mua lại khôn ngoan trong thời gian này. Cụ thể, NCNB đã mở rộng ra ngoài phía Bắc Carolina lần đầu tiên vào năm 1982 khi mua lại First National Bank. Đến năm 1988, tổng tài sản của NCNB đã tăng đến 60 tỷ USD sau thương vụ mua lại một ngân hàng khác là First Republic Bank.

Năm 1987, Cơ quan lập pháp bang Texas đã cho phép sự thâm nhập của các ngân hàng ngoài tiểu bang. Trong cùng năm đó, Chemical Bank of New York đã thâu tóm Texas Commerce Bank với giá trị tài sản 11.4 tỷ USD. Tương tự, Interfirst Bank với giá trị tài sản 8.8 tỷ USD đã bị thâu tóm bởi RepublickBank. Chỉ trong vòng 2 năm, thị trường Texas đã bị thống lĩnh bởi 5 tổ chức bên ngoài bang này.   

Những thương vụ sáp nhập với sự trợ giúp của Chính phủ chiếm đa số trong các vụ sáp nhập ngân hàng ở Mỹ giai đoạn 1982 – 1989. Cuộc khủng hoảng này cũng đã dẫn đến một sự thay đổi trong các quy định pháp lý của hệ thống ngân hàng Mỹ.

Giai đoạn nâng cấp ngân hàng bán lẻ ở Mỹ những năm 1990 - 1997

Trong một giai đoạn chuyển động mới, các ngân hàng Mỹ buộc phải từ bỏ những chiến lược phát triển cũ và thay vào đó là những cải cách trong bối cảnh kinh tế và môi trường cạnh tranh khốc liệt.   

Hầu hết những ngân hàng lớn đều theo đuổi chiến lược phát triển theo định hướng nâng cấp ngân hàng bán lẻ; bao gồm việc xác định nhóm đối tượng khách hàng lớn tiềm năng, sau đó phân phối cả những dịch vụ ngân hàng truyền thống như cho vay tiêu dùng ngắn hạn, thế chấp dài hạn, dịch vụ lưu ký và những dịch vụ phi truyền thống như quỹ tương hỗ, bảo hiểm và tư vấn đầu tư. 

Những ngân hàng này có thể gia tăng doanh thu bằng cách tìm kiếm và mở rộng đối tượng khách hàng để cung cấp những dịch vụ tài chính đa dạng nhằm thu phí dịch vụ.

Chính vì vậy, họ phải hướng tới việc mở rộng thị trường hoạt động thông qua nhiều cách khác nhau như mở rộng chi nhánh hoặc mua lại, sáp nhập các ngân hàng để tận dụng nguồn khách hàng sẵn có.

Việc theo đuổi chiến lược nâng cấp ngân hàng bán lẻ và thu phí dịch vụ đã dẫn đến giai đoạn mới của làn sóng sáp nhập.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng những ngân hàng này kinh doanh không hiệu quả hơn và mang lại nhiều lợi nhuận hơn những ngân hàng mà họ mua lại và sau đó thay thế; nghĩa là lợi nhuận giữ lại không đủ để tiến hành việc sáp nhập.

Vậy bằng cách nào họ có thể thực hiện được việc sáp nhập và mở rộng?

Câu trả lời là Wall Street đã cung cấp vốn cần thiết cho việc mua lại và hoán đổi cổ phiếu của các ngân hàng trong suốt làn sóng sáp nhập này. Và chính những trung tâm môi giới và ngân hàng đầu tư này sẽ thu được khoản lệ phí khổng lồ. Hay nói một cách khác, Wall Street đã góp phần đẩy mạnh làn sóng sáp nhập nhằm tăng cường giá trị nhượng quyền thương mại cho các cổ đông của ngân hàng.

Một số ngân hàng theo định hướng nâng cấp ngân hàng bán lẻ và mở rộng phạm vi hoạt động của thị trường đã trải qua giai đoạn khó khăn liên quan đến việc phát triển quá nhanh, trong đó có First Union và Wells Fargo.

Ngược lại, ngay cả những ngân hàng đã rất thành công trong việc mở rộng cũng phải suy nghĩ những bước phát triển tiếp theo.

Tốc độ các vụ sáp nhập tại thị trường ngân hàng bán lẻ ở Mỹ bắt đầu chậm lại từ sau năm 1997 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng châu Á và giá của  cổ phiếu ngân hàng đã suy giảm sâu rộng. Tuy nhiên, một giai đoạn mới trong làn sóng sáp nhập cũng bắt đầu từ đó.

Giai đoạn toàn cầu hóa siêu ngân hàng (megabank)

Giai đoạn này liên quan đến việc một vài siêu ngân hàng (megabank) thâu tóm các siêu ngân hàng nước ngoài.

Trường hợp điển hình lớn nhất là thương vụ Chase mua lại ngân hàng đầu tư Robert Fleming Holdings của Anh trị giá 7.7 tỷ USD vào tháng 4/2000. Tuy vậy, thương vụ này mau chóng bị lu mờ trước việc mua lại J.P. Morgan, ngân hàng thương mại lớn thứ năm ở Mỹ, với giá trị 36 tỷ USD.

Ngoài ra, thời gian này còn chứng kiến việc thâm nhập vào thị trường Mỹ của các siêu ngân hàng nước ngoài. Tháng 2/1999, Deutsche Bank của Đức đã thâu tóm Baners Trust. Tháng 7/2000, UBS của Thụy Sỹ đã mua lại công ty môi giới PaineWebber trị giá 12 tỷ USD.

Vào năm 1999, Quốc hội Mỹ bãi bỏ đạo luật Glass-Steagall Act ban hành năm 1933 vốn yêu cầu các ngân hàng, ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm hoạt động độc lập, và thay vào đó cho phép hoạt động hợp nhất một cách công khai.

Sau đó, hoạt động sáp nhập bởi các siêu ngân hàng nhắm vào những thị trường phi ngân hàng, sáp nhập bởi những công ty tài chính nhắm vào thị trường ngân hàng và sáp nhập giữa những công ty cho thuê tài chính với nhau cũng diễn ra khá sôi động.

Sự mở rộng và phát triển mạnh mẽ các sản phẩm tài chính đã đánh dấu một giai đoạn mới và phức tạp trên thị trường này.

Giai đoạn “quá lớn không thể sụp đổ” (“too big to fail”)

Năm 2000, Quốc hội Mỹ ban hành đạo luật Hàng hóa tương lai (Commodity Futures Modernization Act) cho phép các ngân hàng Mỹ, các đại lý môi giới và các tổ chức tài chính phát triển thị trường, và giao dịch những sản phẩm tài chính không bị kiểm soát, bao gồm hoán đổi rủi ro tín dụng, hoán đổi ngoại tệ, hoán đổi lãi suất …

Năm 2002, Bộ Tài chính Mỹ cùng với các cơ quan quản lý liên bang đã nới lỏng những quy định liên quan đến dự trữ bắt buộc ở các NHTM. Tiếp theo đó, năm 2004, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (Securities and Exchange Commission – SEC) đã nới lỏng các yêu cầu vốn cho các đại lý môi giới lớn.   

Một giai đoạn dài bùng nổ với những sản phẩm tài chính cải tiến đầy rủi ro bao gồm nghĩa vụ nợ thế chấp, hoán đổi rủi ro tín dụng, quỹ đầu tư ETF… đã kéo theo sự phát triển lớn mạnh, phức tạp với nhiều hoạt động rủi ro cao hơn ở các tổ chức tài chính nước Mỹ.

Khi những quy định và luật lệ được nới lỏng hơn, các tổ chức tài chính đã tăng trưởng nhanh chóng về quy mô cũng như độ phức tạp; và đáng chú ý các tổ chức này cũng bắt đầu đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Chính vì điều này, các nhà hoạch định chính sách bắt đầu quan ngại về tầm ảnh hưởng quá lớn của nó đến nền kinh tế.

Thực tế đã cho thấy, sự quan ngại này hoàn toàn có sơ sở khi những tổ chức tài chính “quá lớn không thể sụp đổ” (too big to fail), hay còn có tên gọi khác SIFIs (Systemically Important Financial Institutions), đã ra đời.

Theo Hội đồng Bình ổn Tài chính (Financial Stability Board – FSB), có khoảng 8 SIFIs ở Mỹ gồm Bank of America, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Citigroup, Morgan Stanley, Bank of New York Mellon Corporation, Wells Fargo, State Street.

Sự phát triển quá nóng của thị trường tài chính đã kéo theo những hệ lụy khôn lường; cụ thể là cuộc khủng hoảng tài chính 2007 – 2008 và kéo theo cuộc suy thoái kinh tế kéo dài.

Không nằm ngoài xu hướng, hàng loạt các ngân hàng buộc phải phá sản với những khoản lỗ khổng lồ. Điển hình nhất là vụ sụp đổ lịch sử của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers.

Trước những ảnh hưởng domino, ngày 3/10/2008, Quốc hội Mỹ đã thông qua và Tổng thống George Bush đã ký vào Đạo luật Ổn định khẩn cấp nền kinh tế (Emergency Economic Stabilization Act). Đạo luật này đã thông qua Chương trình giải cứu tài sản rủi ro (Troubled Asset Relied Program – TARP) trị giá lên tới 700 tỷ USD để ngăn chặn sự sụp đổ của những tổ chức tài chính (lớn) và làm nguy hại đến nền kinh tế Mỹ.

Tiếp theo đó, vào tháng 1/2010, Tổng thống Barack Obama cũng tuyên bố rằng Mỹ sẽ sử dụng mọi biện pháp để hạn chế quy mô quá lớn của các ngân hàng, cũng như việc hạn chế việc hợp nhất trong khu vực tài chính.

Tuy nhiên, cũng nên nhìn nhận rằng, giai đoạn tới là cơ hội mới cho làn sóng sáp nhập khi mà hầu hết các ngân hàng đã trở nên suy yếu đáng kể.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

POW - Tiếp tục mua nếu giá còn nằm dưới mức 10,700 đồng

Theo các mô hình định giá, nếu giá cổ phiếu của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE: POW) tiếp tục nằm dưới mức 10,700 đồng thì vẫn...

POW - Nhiệt điện khí còn nhiều triển vọng (Kỳ 1)

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE: POW) là doanh nghiệp nổi bật trong ngành điện. Việc tăng cường phát triển nhiệt điện khí sẽ giúp...

MSH - Tiềm năng tăng trưởng vẫn còn

Ngành dệt may hứa hẹn sẽ phục hồi tốt trong năm 2024. Trong số các doanh nghiệp dệt may nổi bật, CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH) được giới phân tích đánh giá cao...

IMP - Tiềm năng tăng trưởng tốt

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) vẫn đang tăng...

BFC - Ngành phân bón có thực sự hấp dẫn?

CTCP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) là doanh nghiệp chiếm thị phần hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân hỗn hợp NPK. Tuy nhiên, kết quả kinh...

GMD - Ngành cảng biển và vận tải biển (Kỳ 1)

Trong năm 2024, ngành cảng biển và vận tải biển được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Bên cạnh đó, những động thái nới lỏng của Trung Quốc và giá dầu...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Bán lẻ ICT - Ngắn hạn xấu, dài hạn tốt

Năm 2023, nền kinh tế trong nước suy yếu và gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành bán lẻ ICT. Tuy ngắn hạn khá xấu, các số liệu cho thấy triển vọng dài...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành đá xây dựng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành dầu khí

Ngành dầu khí là ngành mũi nhọn của nước ta, có vai trò cung cấp nguồn nhiên liệu quan trọng cho cả nền kinh tế. Để đảm bảo an ninh năng lượng, đây là ngành sẽ nhận...

Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Công nghệ thông tin - Tiềm năng lớn, cạnh tranh cao

Ngành công nghệ thông tin tạm chững lại trong năm 2023, nhưng được dự đoán sẽ lấy lại phong độ trong năm 2024. Nhờ vào các chính sách của Chính...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98