Dấu hiệu rõ rệt của đình đốn sản xuất

28/03/2012 22:35
28-03-2012 22:35:34+07:00

Dấu hiệu rõ rệt của đình đốn sản xuất

Chỉ số công nghiệp cộng dồn so với cùng kỳ từ tháng 7-12 của năm 2011 và hai tháng đầu năm 2012 đi xuống một cách đều đặn, cho thấy sản xuất bị đình trệ rất rõ. Vấn đề kiềm chế lạm phát được đặt ra là cấp thiết, tuy nhiên các chính sách cũng cần chú tâm vào vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ khu vực kinh tế ngoài nhà nước và vực dậy sản xuất trong nước. Nếu tình trạng đình trệ sản xuất kéo dài, có thể ngay mục tiêu lạm phát một con số cũng không đạt được.

Dấu hiệu sản xuất đình đốn từ chỉ số công nghiệp

Năm 2011 là năm bắt đầu thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng tăng cao, cắt giảm đầu tư công... Nhưng các doanh nghiệp vẫn còn đủ lực và đà từ các năm trước, nên chỉ số công nghiệp đến bảy tháng vẫn tăng xấp xỉ 9%, nhưng sau đó bắt đầu sụt giảm đều đặn và nhanh chóng.

Đến cuối năm 2011, chỉ số tăng trưởng công nghiệp giảm từ 9% xuống còn 6,8%. Tức là trong quí 4, ảnh hưởng của việc thắt chặt tiền tệ đến sản xuất rất rõ ràng. Đến tháng 2-2012 chỉ số tăng trưởng giảm mạnh (chỉ còn tăng khoảng 4%), đặc biệt nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 2,4% trong khi chỉ số này bảy tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ tăng 12%.

Chỉ số công nghiệp tăng 4% trong hai tháng đầu năm 2012, một phần do khai thác than và dầu khí tăng (xấp xỉ 7%). Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt tăng trưởng dù rất thấp (2,4%) nhưng cũng do công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp và đặc biệt là ngành sửa chữa và đóng tàu đột nhiên tăng rất mạnh (303%). Còn lại rất nhiều ngành có tỷ trọng đóng góp trong tổng giá trị sản xuất cao thì lại tăng trưởng âm, cho thấy xu hướng sản xuất sụt giảm nhanh chóng trong tám tháng gần đây.

Dấu hiệu từ nhập khẩu giảm sút và số công ty phá sản

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu hai tháng đầu năm nay đạt 15,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2011, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 7-8%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu hai tháng đầu năm đạt 15,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: khu vực kinh tế trong nước đạt 7,7 tỉ đô la Mỹ, giảm 6,4%; và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 36,8%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì nhập khẩu hai tháng giảm khoảng 3-4% so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng lưu ý là kim ngạch nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm 6,4% và nếu loại trừ yếu tố giá thì nhập khẩu của khu vực này giảm rất sâu.

Đáng lưu ý nữa là một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như dệt may, giày dép... thì nhập khẩu các nguyên vật liệu đầu vào của nhóm hàng này trong hai tháng đầu năm giảm mạnh. Trong khi sản xuất nhóm hàng này chủ yếu dựa vào nguyên liệu nhập khẩu, có thể suy đoán việc nhập khẩu giảm báo trước nguy cơ đình trệ sản xuất trong vài tháng tiếp theo của năm.

Ngoài ra, có thể thấy tác động rất mạnh của khủng hoảng và các chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2011 qua số lượng lớn các công ty ngưng sản xuất hay phá sản.

Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến cuối năm 2011 đã có đến khoảng 79.000 doanh nghiệp giải thể (nhiều nhất là các công ty cổ phần, đến 41.357 doanh nghiệp). Tổng số doanh nghiệp thành lập trong năm 2011 là 77.548 doanh nghiệp, nhưng đã có đến 7.611 doanh nghiệp phải sớm dừng hoạt động.

Các doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, dẫn đến người lao động mất việc làm, thu nhập giảm sút, sức mua kém hẳn. Vấn đề chưa dừng lại ở đó, các yếu tố đầu vào thiết yếu của sản xuất lại tăng giá, như xăng dầu, tiếp đến sẽ là điện... sẽ có những ảnh hưởng gián tiếp đến các ngành khác và lên toàn bộ nền kinh tế.

Tiền tệ thắt chặt, tài khóa vẫn mở: lạm phát - đình đốn

Mục đích của chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2011, nhất là từ lúc áp dụng Nghị quyết 11 vào tháng 2-2011, là để giảm tổng cầu và giảm lạm phát. Hình 2 cho thấy chính sách đã có những kết quả nhất định từ tháng 7-2011 khi mức lạm phát tháng giảm dần, điều này phù hợp với các dấu hiệu của nền sản xuất chậm lại cũng từ tháng 7-2011 như nhận định ở trên.

Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là giới hữu trách đã dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ, thật ra chỉ dồn vào đẩy mức lãi suất lên cao để giảm cầu trong khu vực tư nhân, nhưng vẫn để chính sách tài khóa tương đối mở rộng, bằng cớ là thu - chi ngân sách vẫn phình to kỷ lục trong năm 2011.

Nói ngắn gọn là chính sách tài khóa đã không trợ giúp chính sách tiền tệ để chặn đứng lạm phát, trong khi mặt bằng lãi suất cao và các biện pháp hành chính có tính “chữa cháy” và ngắn hạn tiếp theo đó của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khiến “tín dụng phi chính thức” tràn ngập, đẩy hệ thống ngân hàng thành rối loạn. Việc khó tiếp cận tín dụng ở mức lãi suất vừa phải đã là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp phá sản cũng như sản xuất đình đốn.

Bài Để tránh lạm phát đình đốn trên TBKTSG tuần trước đã đề cập nhu cầu cấp thiết phải thắt chặt ngay chính sách tài khóa, nhất là việc cắt các đầu tư công dàn trải và phung phí, để trợ giúp chính sách tiền tệ trong việc giảm lạm phát, đồng thời cho phép chính sách tiền tệ được nới lỏng để giảm lãi suất như NHNN đang cố thực hiện. Nếu không, tình trạng đình đốn sẽ trở nên nguy cấp hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung của nền kinh tế. Thiếu cung nội địa, cùng với các chi phí đẩy khác như giá xăng dầu tăng (từ tháng 3), giá điện có khả năng sẽ tăng và lương tăng (tháng 5) có thể sẽ là nguyên nhân gây nên lạm phát bùng phát từ quí 3, như chúng tôi dự báo trong hình 2.

Cuối cùng, cần nhấn mạnh sự cấp thiết bãi bỏ sớm các biện pháp hành chính nói trên của NHNN, như áp lãi suất huy động trần và việc phân bổ hạn ngạch tín dụng cho bốn nhóm ngân hàng, nếu chúng ta muốn có “tiếng nói của thị trường” để giúp các doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng nhanh chóng.

Nguyễn Việt Phong - Bùi Trinh - Phạm Đỗ Chí

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Cấp 'tín chỉ xanh' đối với các nhà máy sử dụng năng lượng sạch

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết

Tính đến cuối tháng Ba, vẫn còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết, thậm chí 15 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%.

Vì sao ngành điện muốn áp giá hai thành phần?

Với cách tính hiện nay, hai khách hàng dùng cùng lượng điện, tiền trả như nhau, nhưng chi phí nhà đèn bỏ ra cho họ chưa được phản ánh chính xác, theo chuyên gia.

Thủ tướng đề nghị Apple mở rộng kinh doanh và xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu

Sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple của Hoa Kỳ - công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư nước ngoài lớn...

Điện mặt trời mái nhà dư thừa: Phát lên lưới giá 0 đồng, không được tính tiền

Điện mặt trời mái nhà chỉ được tự dùng, không được bán cho cá nhân, tổ chức khác. Nếu không dùng hết, phát lên lưới chỉ được ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng...

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An bị bắt: DN vài tỷ vốn tăng gấp 200 lần, nổi lên nhờ cầu đường

Từ một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm trở lại đây Thuận An đã lớn nhanh như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần lúc mới...

Nhiều tiệm vàng tại TP HCM bất ngờ đóng cửa

Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết sẽ tiếp tục đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn thành phố

Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng...

Ứng phó thế nào trước làn sóng thép ngoại tràn vào?

"Việc suy giảm thị phần nội địa của ngành sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước là có. Việc mất 1/3 thị phần trong chưa đầy 1 năm là một trong những tín hiệu đáng...

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam bằng máy bay riêng

CEO Apple Tim Cook dự kiến có nhiều hoạt động trong 2 ngày 15 và 16-4 tại Việt Nam, trong đó sẽ gặp mặt một số nhà sáng tạo nội dung


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98